Trang chủ PGVN Cửa thiền Vị sư và nhà hỏa táng cho người nghèo

Vị sư và nhà hỏa táng cho người nghèo

195

Đại đức cho biết công trình nhà hỏa táng đang được chính quyền và nhân dân huyện Hồng Ngự rất quan tâm và ủng hộ. Bởi lẽ một khi hoàn thành, nhà hỏa táng sẽ mang lại nhiều lợi ích cũng như giảm thiểu những khó khăn của bà con vùng lũ nếu chẳng may có người thân qua đời vào mùa con nước tràn đồng.


Từ Quốc lộ 30, chúng tôi rẽ vào con đường đất được đắp cao hơn mặt ruộng đến 4m. Con đường này được huyện đầu tư vào năm 2005, là lối dẫn vào nghĩa trang huyện. Ông Nguyễn Bé Tám, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Vào mùa lũ, nước ngập ruộng đồng, ngập đến tận nóc những ngôi nhà của bà con. Nếu không đắp cao, nghĩa trang cũng sẽ chìm trong nước”.


Trải rộng trên diện tích 2ha, gồm 2 lò thiêu và nhiều công trình phụ, nhà hỏa táng từ thiện nằm đối diện nghĩa trang huyện. Theo người dân Hồng Ngự, đây chính là đại công trình vùng rốn lũ vì tính quy mô và ý nghĩa xã hội sâu rộng. Trên đại công trình còn đang ngổn ngang, đã có một lò thiêu xác được hoàn thành.


Ông Võ Văn Lai, người đang trông coi việc xây dựng và cũng là Phật tử đóng góp nhiều trí lực, tài lực cho biết: “Để nâng cao công trình ngang mặt lộ, ước tính phải bơm đến 40.000 khối cát. Do kết cấu nền đất yếu, mùa mưa lũ hay có những con sóng dập mạnh nên phải xây bức kè chắn sóng cao đến 6m chứ không như dự tính chỉ 4m”.


Ý CHÍ TỪ NỖI ĐAU ĐÒN XÓC


Sinh ra và lớn lên ngay giữa vùng rốn lũ nên ĐĐ.Thích Minh Bửu đã chứng kiến nhiều nỗi đau tột cùng của những gia đình một khi có người thân qua đời vào mùa con nước dâng cao.


Có người thân đi xa khi nước ngập trắng đồng khổ lắm!”- Đại đức nhớ lại: “Lúc đó, bốn bề là sông nước, nước ngập đến đọt dừa thì đất đâu mà chôn. Bởi vậy bà con mình phải áp dụng kiểu mai táng đòn xóc. Nghĩa là đóng tràm cặm chéo cây rồi đặt xác lên, chờ đến khi nước rút mới tiến hành chôn cất. Có khi phải neo xác hàng tháng trời”.


Ông Nguyễn Bé Tám góp chuyện: “Phải là con em vùng lũ mới hiểu mai táng kiểu đòn xóc là đau xót lắm. Khi đó, xác chết được quấn vải, quấn nhiều lớp nilông rồi được bó vào nẹp tre. Tiếp đến là túm cột hai đầu như giò chả rồi để lên chạc cây. Nhưng dù mình bịt kín cũng khó tránh khỏi tình trạng xác phân hủy, rò rỉ nước tanh hôi vô cùng”.


Anh Trần Thanh Tốt, ở khu vực 1, ấp 1, thị trấn Hồng Ngự kể về tình huống thương tâm đã từng gặp phải vào mùa lũ năm 2002: “Có gia đình nghèo quá đành lấy chiếu bó xác người thân rồi cột túm hai đầu trông như cục giò chả khổng lồ rồi nhét vào lùm tre. Do gió xô cành lá, tre cứa đứt chiếu và dây cột nên xác chết lòi chân ra ngoài, nước phân hủy từ xác cũng theo đó mà nhỏ ra. Mùi tanh hôi nhiễu xuống, cá bu lại đặc ken. Tối hôm đó tui đi giăng câu tại khu vực xác chết nên quýnh được rất nhiều cá. Hôm sau bén ăn, tui chống xuồng trở lại và… tá hỏa”.


Từ những nỗi đau đòn xóc đó, ĐĐ.Thích Minh Bửu đã nuôi mộng xây dựng nhà hỏa táng từ thiện, xoa nhẹ cơn bĩ cực cho những gia đình nghèo lâm việc ma chay vào mùa nước nổi. Ông Nguyễn Thế Kỉnh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện, tâm tình: “Năm 2005, UBND huyện Hồng Ngự đầu tư xây dựng nghĩa trang nên cảnh mai táng kiểu đòn xóc đã không còn nữa. Nhưng nghĩa trang chỉ dành chôn cất vào mùa mưa lũ thôi. Vấn đề là hiện tại, nghĩa trang đang đối mặt với nguy cơ quá tải và huyện đang có hướng mở rộng”.


Cho dù có được rộng mở thì việc ma chay vào mùa mưa lũ của người nghèo cũng gặp khó khăn, nhất là những khó khăn về mặt tài chính. Đây chính là lý do mà nhiều bà con và chính quyền các địa phương ở Hồng Ngự mong mỏi công trình nhà hỏa táng từ thiện của ĐĐ.Thích Minh Bửu sớm hoàn thành.


CẦN LẮM NHỮNG ÂN TÌNH!


Nói về nhà hỏa táng từ thiện, ông Lê Hùng Cường, Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự đã đánh giá cao thiện chí của ĐĐ.Thích Minh Bửu. Ông cho rằng “Có thể thời gian đầu bà con chưa quen tục hỏa táng nhưng tôi tin dần hồi mọi người sẽ cảm được ý nghĩa và tính thiết thực của công trình”.


Ông Cường chỉ rõ, khi đi vào hoạt động, nhà hỏa táng sẽ giảm thiểu nạn ô nhiễm môi trường, tiết kiệm quỹ đất và trên hết là hạn chế những phiền hà cũng như khó khăn về mặt tài chính cho bà con vào mùa nước nổi.


Ông Lê Văn Ngừng, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, chiết tính: “Chi phí thổ táng cho mỗi trường hợp ít nhất cũng đến 4 triệu đồng nhưng không đảm bảo được vệ sinh môi trường một khi mùa mưa đến. Trong khi đó, nếu thực hiện biện pháp hỏa táng, chỉ tốn chưa đầy 100.000 đồng (4 lít dầu và 2 tất củi). Sau khi thiêu xong, tro cốt sẽ được lưu tại nhà thờ cốt trang trọng. Tất cả đều được sư Bửu miễn phí. Người thân không tốn kém chi phí duy tu mồ mả hàng năm, lại viếng thăm thuận tiện, dễ dàng”.


Theo đánh giá của ông Phạm Văn Hồng, chuyên viên tôn giáo UBND huyện, không chỉ phục vụ cho bà con huyện Hồng Ngự, nhà hỏa táng còn phục vụ cho bà con ở các huyện thị lân cận như Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Tân Hồng, Tân Châu… và các xã bạn ven biên giới. “Đây là công trình hợp ý Đảng,  đẹp lòng dân nên rất được mong đợi” – ông Hồng nhấn mạnh.


Đã đi được 1/3 đoạn đường và ĐĐ.Thích Minh Bửu hơi bị “đuối”. Thầy tâm sự, những phát sinh trong quá trình xây dựng đã khiến việc hoàn tất công  trình chưa biết bao giờ. Tuy nhiên, đã có 1 lò hỏa táng được hoàn thành và có thể đưa vào sử dụng trong mùa lũ đến. Đại đức lạc quan: “Còn phải bơm cát cho đầy, sau đó làm tiếp lò thứ 2, rồi nhà tang lễ, nhà lưu cốt… Khó khăn thì rất nhiều nhưng nói như bà con ở đây, từ từ rồi cháo cũng nhừ thôi mà!”.


ĐĐ.Thích Minh Bửu tiếp tục nuôi dưỡng một tâm nguyện dài hơi khác. “Sau khi nhà hỏa táng hoàn thành, thầy sẽ mở rộng khuôn viên tịnh xá đón các cụ già neo đơn và các cháu nhỏ mồ côi về chăm sóc”. Tin rằng với những ước vọng cao cả này, Đại đức sẽ hoàn thành được tâm nguyện.