Trang chủ Đời sống Video: Vu Lan trong lòng người dân Việt

Video: Vu Lan trong lòng người dân Việt

50



Thành công của mỗi người bắt đầu từ mẹ


Bên hiên chùa, rất nhiều lẵng hoa hồng (hồng đỏ, và hồng trắng). Ai may mắn còn mẹ, được cài lên áo hoa hồng đỏ. Mẹ đã khuất, cài hoa hồng trắng. Hoa hồng bên trái tim như nhắc mọi người nhớ về mẹ. Đã có nhiều người trong đêm Vu Lan luôn khắc khoải tâm trạng day dứt vì đã có lần làm mẹ buồn. Những tâm trạng rất thật, để rồi mọi người thấm thía hơn về chữ hiếu.


Chùa Bảo Lâm – một trong những ngôi chùa lớn ở tỉnh Phú Yên. Vị tỳ kheo Thích Nguyên Từ đã giải thích cho mọi người ý nghĩa sâu xa của Đại lễ Vu Lan. Bức hình Đại hiếu Mục Kiền Liên Tôn Giả cùng câu chuyện đẹp về tình mẹ con.


Tỳ kheo Thích Nguyên Từ, Trụ trì chùa Bảo Lâm cho biết: “Lời kinh trong chùa – lẽ sống của con người giữa cuộc sống ồn ã. Đã có sự hoà hợp giữa hai điều tưởng như cách biệt ấy, sự hoà hợp bắt đầu từ điểm chung: Giáo lý nhà Phật và đạo lý làm người cùng đặt chữ Hiếu làm trọng.


Thành công của mỗi con người bắt đầu từ mẹ, và dẫu họ trưởng thành thì cũng trở nên bé nhỏ bên mẹ. Đêm Vu Lan, nhiều người sống trong dòng suy tưởng tri ân người mẹ. Và nếu ai hạnh phúc còn mẹ thì chắc hẳn, ngày mai sẽ làm nhiều việc để được nhìn thấy nụ cười của mẹ. Cái đích của đêm Vu Lan là thế“.


Khoan thứ và kết nối tình thương…


Rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm, hay còn gọi là mùa Vu Lan có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong đời sống tâm linh của người dân Việt và giới Tăng ni, Phật tử. Tại Huế, nơi được mệnh danh là trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam, ngày Vu Lan là dịp thể hiện sự hướng niệm về hình ảnh cao đẹp của người mẹ.


Mùa Vu Lan trong tâm thức những Phật tử là mùa báo hiếu, qua thời gian đã nâng lên thành triết lý tình thương của người dân Việt. Kinh điển Phật giáo đại thừa tại Việt Nam, mà cụ thể là kinh Báo ân, kinh Lăng Nghiêm… đã khái quát đạo hiếu, tình thương yêu giữa con người với nhau thông qua hình ảnh bao dung, gần gũi và thiêng liêng của người mẹ.


Biểu tượng hoa hồng cài áo tại các chùa là sự kết nối tấm lòng hướng vọng về mẹ. Tại Huế, các chùa lớn và toàn thể tăng ni, Phật tử, mùa Vu Lan năm nay đều hưởng ứng lời kêu gọi: “Vu Lan – khoan thứ và kết nối tình thương” của Giáo hội và Tạp chí Văn hoá Phật giáo. Với những Phật tử, mùa Vu Lan đích thực là cuộc hành hương hướng về nguồn cội, giá trị đạo đức là sự gắn kết và vun đắp giá trị tôn giáo và văn hoá truyền thống.


Giáo dục lòng tôn kính


Đã thành thông lệ, cứ mỗi mùa Vu Lan, hầu hết các chùa, tịnh xá, thiền viện tại TP.HCM đều tổ chức Lễ Bông hồng cài áo. Hoạt động này đã dần trở thành nét văn hoá của địa phương, đặc biệt với các trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Vu Lan còn là dịp để giáo dục cho các em lòng tôn kính đối với cha mẹ.


100 trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc Mái ấm chùa Diệu Pháp, quận Bình Thạnh rất náo nức chờ đợi giây phút được dâng lên cha mẹ mình một bông hồng tươi thắm trong mùa Vu Lan này.


Với Bông hồng cài áo, các em đã hiểu về ý nghĩa của những ai đang còn mẹ, đồng thời hiểu rằng, lòng hiếu thảo không chỉ là lời nói suông, mà còn là sự chăm chút từng miếng ăn, chỗ ở cho cha mẹ. Qua đó, các em cũng biết được, dù có làm được nhiều việc to lớn đến đâu, nhưng nếu làm cho mẹ buồn, thì cũng không đáng được gọi là con hiếu thảo.


Nguyễn Ngọc Xuân Trang, lớp 6, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Trước kia, con hay cãi lời cha mẹ, nhưng được quý Thầy dạy dỗ, con cảm thấy thương cha mẹ mình hơn và con mong cha mẹ con sống thật lâu, con cố gắng học giỏi để đền đáp công ơn cha mẹ đã dạy dỗ con trong bao nhiêu năm tháng qua“.


Mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp hiện đang nuôi dưỡng 60 cụ ông, cụ bà không nơi nương tựa. Trong dịp Vu Lan, nhiều tổ chức, các nhà hảo tâm đã đến thăm và tặng quà các cụ.


Dù không phải ruột thịt, nhưng gặp gỡ với mọi người, các cụ như có được cảm giác niềm vui sống bên con cái lúc tuổi đã xế chiều. Chính vì vậy, để các em được gặp các cụ cũng là cách nhà chùa dạy cho trẻ em sự đầm ấm trong tình thương yêu của gia đình, cũng như tình cảm của cha mẹ dành cho con cái.


Thầy Thích Thanh Tri, chùa Diệu Pháp: “Các cụ ở đây không có con cái, nên mỗi mùa Vu Lan đáng lẽ phải được quây quần bên con cháu để cảm nhận ấm áp của tình thân, nhưng phải vào đây sống một thân một mình. Hiểu được tâm trạng đó nên mùa Vu Lan này, nhà chùa mới tập trung các em học sinh, sinh viên đến nói những lời yêu thương, cài hoa cho các cụ để các cụ cảm nhận được những tình thân ấm áp của gia đình, sống hạnh phúc những ngày còn lại“.


Thông qua các hoạt động thiết thực trong mùa Vu Lan, các trẻ em đã hiểu ra rằng: Cho dù mình là ai, giữ vị trí nào trong xã hội, thì các em cũng là con của mẹ, lòng hiếu thảo với cha mẹ cũng không bao giờ thay đổi.


Do đó, lễ Vu Lan lại càng khẳng định tính nhân văn sâu sắc – giúp mọi người hiểu hết ý nghĩa của đạo Hiếu, biết yêu quí những người thân trong gia đình để từ đó, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp.