Trang chủ Đời sống Vu Lan Bồn Rằm tháng bảy: Nói về thế giới bên kia

Vu Lan Bồn Rằm tháng bảy: Nói về thế giới bên kia

55

1. Thế giới bên kia là vấn đề thắc thỏm trong tâm trí mọi người. Ngay cả những người phủ định điều này cũng phải tìm cách biện giải về sự không tồn tại của cái gọi là thế giới bên kia và việc tại sao nhiều người lại tin vào điều đó. Những người duy vật cho rằng thế giới bên kia là hệ quả của sự hạn chế về trình độ nhận thức của con người.


Chừng nào các quy luật chi phối những hiện tượng tự nhiên vẫn còn ngoài tầm hiểu biết của họ thì con người vẫn còn coi thế giới bên kia bị/được điều hành bởi các sức mạnh siêu nhiên. Tuy nhiên, đây không phải lý do duy nhất khiến cho người ta tin vào thế giới bên kia mà còn có lý do khác: Các tầng lớp thống trị bày đặt ra thế giới bên kia để phục vụ cho sự thống trị của mình. Nói chung, theo quan điểm duy vật thì lòng tin vào thế giới bên kia chẳng qua là bù đắp cho sự hụt hẫng trong cuộc sống trần gian này của con người. Nó chuộc lại cuộc sống đã bị tước đoạt hết mọi hy vọng, cùng khổ, dốt nát và sợ hãi bằng cách hứa hẹn sẽ được đền bù tất cả sau khi chết. Thế giới bên kia, như vậy, là một hảo vọng cần thiết.


Đối với các tôn giáo, dù không hoàn toàn giống nhau, hảo vọng này là một thực tại tối thượng. Phổ biến và cổ xưa nhất, thuyết vạn vật hữu linh (animism: còn gọi là thuyết duy hồn, thuyết vật linh) coi thế giới bên kia là bộ mặt khác của cuộc sống trần gian vì sự sống là một nguyên lý vũ trụ: tất cả vạn vật (đất đá, cỏ cây, sinh vật,…) đều có linh hồn; theo đó, mọi thứ quanh ta đều chứa đựng sự linh thính – tứ tung linh tàng.


Đối với các tôn giáo độc thần, thế giới bên kia là nơi phán xét cuối cùng – hoặc được lên thiên đàng hoặc bị đọa xuống địa ngục – dành cho những con người mà linh hồn gắn liền với chuyến đi qua trần thế một lần duy nhất.


Đối với các tín đồ của thuyết hóa kiếp/tái sinh thì thế giới bên kia là một thực tại duy nhất vĩnh hằng, hiện diện khắp nơi và cuộc sống chỉ là những phản chiếu khúc xạ của thực tại đó, là hệ quả tất yếu của chuỗi quy luật nhân quả diễn ra trong dòng thời gian miên tục, vô gián bất đoạn. Nói cách khác, cuộc sống là một chuỗi nối tiếp những sự sinh ra và tái sinh; sau khi chết con người sẽ tái sinh vào thế giới này dưới một dạng khác tức tất cả mọi người đều đã kinh qua nhiều tiền kiếp và sẽ còn trải qua nhiều kiếp tái sinh trong tương lai.


Tình hình chung ở xứ ta, qua lịch sử, là nơi tụ hội hầu hết các giáo thuyết, học thuyết triết học; song đến nay, cái sàn chung của văn hóa vẫn là thuyết vạn vật hữu linh(1). Do đó, các tín niệm của các cộng đồng tín đồ ít khi được hiểu một cách thuần nhất. Nói cách khác, trong tâm thức văn hóa-tín ngưỡng, thế giới bên kia là một bức tranh tổng hợp đa sắc. Chẳng hạn trong thực tế, tập tục thờ cúng tổ tiên, các tập tục tín ngưỡng và lễ hội liên quan đến vong hồn khác khó mà phân biệt rạch ròi giữa các tín niệm thuộc về tín ngưỡng dân gian hay tín niệm của Nho, Đạo hoặc tín niệm thuộc Phật giáo.


2. Một cách tổng quát, trong tâm thức dân gian phổ biến quan niệm vũ trụ luận Hai bên: một bên là thế giới của người sống và một bên cõi của tổ tiên quá vãng. Ví dụ: Mường Người và Mương Ma (người Mường), buôn làng của người sống và cõi Mang Lung của vong hồn tổ tiên (người Ba Na), cõi Câr Mơvih của người sống và phiên bản của cõi người nhưng trái ngược lại là cõi Câr Atâu của người chết (người Jarai)… Chết là đi về cõi bên kia sau lễ Mãn tang (người Việt), lễ Bỏ mả (của các dân tộc Tây Nguyên). Vũ trụ luận Hai bên, ở cấp độ chi tiết hơn được phân ra làm ba tầng: tầng trời, tầng giữa và tầng dưới (dưới đất và dưới nước).


Đối với người Việt, trong lịch sử, do ảnh hưởng của nguyên lý âm-dương về nguồn gốc vũ trụ nên thế giới bên kia là hai cõi quỷ và thần, hồn và phách (vía).


Ngựa cửa sổ, kiến đầu cành, xem ngày tháng dễ qua thoăn thoắt,
Bọt ghềnh sông, vờ mặt nước, tựa thân người kíp biến mơ mơ.
Cổ tới nhẫn nay,
Sinh thì có hóa.
Ấy vậy: Hồn là thần, phách là quỷ
(Lê Thánh Tông: Thập giới cô hồn Quốc ngữ văn/ Bài Mở đầu)


Hồn là phần tinh anh, cái phần thần thánh có ở bản thể con người và nó là thứ “khinh quang” nên “thăng thượng” lên cõi chiêu dương (sáng rực). Phách (vía) là thứ “trọng ám” nên “trầm hạ” xuống đất, tan biến theo sự tiêu vong của thể xác: Thác là thể phách, còn là tinh anh (Nguyễn Du). Nói chung, tâm thức vũ trụ luận Hai bên, về sau, đã gặp thuyết Nhị nguyên chính thống về nguồn gốc vũ trụ được xây dựng trên nguyên lý âm-dương này và thế giới ba tầng lại dung hợp với thuyết Tam tài (Thiên-Địa-Nhân) của Nho gia. Tất nhiên, trong thực tế không bao giờ dễ khu biệt đơn giản như vậy (2).


Đối với Đạo giáo, tuy cùng đặt nền tảng trên Dịch lý, song nỗ lực thoát khỏi định mệnh của cái chết bằng việc mưu cầu sự bất tử và những chuyến du hành tiêu dao ở cõi tiên ngoài thế gian (bồng lai, phương trượng, doanh châu, thiên thai, đào nguyên…) là những cơ may có một không hai (Từ Thức, Lưu Thần, Nguyễn Triệu…). Còn đối với Nho gia, nỗ lực trung tâm là sự trung chính, hướng vào giá trị trung hiếu. Họ coi sự bất tử là chủ đề biểu trưng cho sự thuần khiết tinh thần nên đối với quỷ thần họ giữ thái độ “kính nhi viễn chi”. Bức tranh về thế giới bên kia được Phật giáo bổ sung bằng những biện sự phong phú với những cảnh giới đa sắc tạo nên một thành phẩm tổng hợp tam giáo.


Thác là thể phách, còn là tinh anh. Cái tinh anh, tức linh hồn (một trong ba hồn: sinh hồn, giác hồn và linh hồn) được đưa đi xét xử trước những tòa án ở Diêm phủ. Theo kinh Địa Tạng: “Từ khi tạ thế, trong 7 tuần đầu, thần thức chưa có định sở đang còn vơ vẩn khắp nơi. Nếu tang gia vì người quá vãng chí thành cầu nguyện, Phật sẽ tiếp độ”. Đây là tín lý của nghi cúng thất 7 tuần đầu để cầu cho vong hồn/ thần thức (còn gọi là Trung ấm/ Thức thân) được vãng sanh cõi Cực lạc/ Tịnh độ/ Niết bàn vô vi.


Ở đây, chúng ta không xét về mặt lý của giáo thuyết, các tòa án dưới âm phủ là những biện sự đậm chất thực dụng: Thập điện Minh vương/Diêm vương mười cửa ngục… tuy có nguồn gốc Phật giáo nhưng về mặt tổ chức và thủ tục lại rập theo khuôn mẫu các tòa án của nhà nước quân chủ. Ngoài những vong hồn được siêu thăng, thoát khỏi luân hồi sanh tử, thì chúng sanh, tùy theo các nghiệp tội ác khác nhau phải trôi lăn trong lục đạo: địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, tu la, người, thiên. Các vong hồn khi sinh tiền làm các việc thiện ác như thế nào thì sẽ có những hình thức xử phạt tương ứng.


Thời gian câu lưu ở đây không phải là sự giam cầm vĩnh viễn theo tín niệm “sự phán xét cuối cùng” mà là một sự chuyển tiếp – dài ngắn tùy trường hợp – giữa hai kiếp đời trên trần gian, kể cả những trường hợp phạm các trọng tội bị đọa vào địa ngục. Ở tại đệ nhất điện, nơi xét xử đầu tiên, là sự phân loại: những người hiền đức được cho tiếp dẫn về cõi Tịnh độ/ Cực lạc, tức vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi sinh tử; còn lại, những vong hồn khác tùy theo tội phước được chuyển qua các điện khác để làm tội và rồi được đầu thai theo lục đạo qua 4 hình thái tái sinh (tứ sanh: thai, noãn, hóa, thấp).


Ở con đường tái sinh này, địa ngục được coi là luyện ngục với những hình phạt khủng khiếp. Thế giới bên kia như vậy đã tham dự vào lịch sử thế gian. Những cảnh sống cực lạc vĩnh hằng là phần thưởng cho các công đức đã tạo được và theo đó, mấu chốt của hệ thống này không phải là cõi Cực lạc/ Tịnh độ mà là địa ngục. Để khuyến giáo con người gắng sức đạt đến giải thoát, tín niệm về địa ngục là biện sự để răn đe, để tăng cường khát vọng hướng thiện. Đối mặt với sinh tử không là vấn đề mà việc bị đọa vào địa ngục, rơi vào u đồ ác đạo mới là vấn đề.


3. Tính chất hai cực của thế giới bên kia rõ ràng là những biện sự có được từ cách nhìn của xã hội này về thế giới trần thế. Đó là điều gọi là “sự tử như sự tồn” hay “âm dương đồng nhất lý”. Loài người được chia làm 4 loại: 1- Những người hoàn toàn tốt thì được giải thoát khỏi luân hồi, tiếp dẫn lên sống ở cõi Cực lạc/ Tịnh độ; 2- Những người hoàn toàn xấu phải đọa xuống địa ngục; 3- Những người tội phước bằng nhau được chuyển thẳng đến điện thứ 10 cho đầu thai, và 4- Những người phước ít tội nhiều thì tùy tội nặng nhẹ được chuyển qua điện thứ 2 đến điện thứ 9 để thọ tội. Các hình phạt nặng nhẹ, thời gian lưu giữ tại nơi luyện ngục ngắn hay dài tỷ lệ tương ứng với tội nhiều hay ít.


Theo tín niệm “âm dương đồng nhất lý” của Nho giáo, thì con cháu phải lo tu bồi mồ mả, thực hiện đầy đủ việc cúng giỗ, tế tự để dâng cúng vật thực, đốt giấy tiền vàng bạc, đồ mã… cốt để tổ tiên ở thế giới bên kia không bị đói khát, thiếu thốn. Ngược lại, theo tín niệm của Phật giáo, việc chuộc tội cho vong hồn cha mẹ, thân thích có thể thực hiện được bằng việc bố thí, cúng dường Tam bảo, chư Tăng, làm việc từ thiện để tìm kiếm công đức mà hồi hướng cho tổ tiên sớm được siêu độ, thoát khỏi u đồ ác đạo hoặc đạt được cảnh giới Cực lạc. Việc cúng dường chư Tăng vào ngày Tự tứ/ Vu lan bồn cốt nhờ công đức của chư Tăng mà diệt trừ nỗi khổ cho vong hồn tổ tiên mình.


Do đó, Vu lan bồn là pháp hội do chư Tăng thực hành nhằm siêu độ linh hồn cho người chết. Về sau, Địa Tạng bồn (hội Địa Tạng) tổ chức vào ngày vía vị Bồ tát này (23-7 ÂL) cũng có thêm công năng ấy. Các lễ trai đàn chẩn tế cô hồn của cộng đồng (hay nghi Mông Sơn hàng ngày ở chùa) lại nhằm mục đích kép: thí thực cho ngạ quỷ, cô hồn và truyền giảng đạo pháp khiến cho chúng giác ngộ mà xả bỏ sân hận, thủ chấp đặng được giải thoát. Nói chung, các pháp sự nhà Phật rốt ráo đều nhắm đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát.


4. Dưới tín niệm phổ biến trong dân gian, những vong hồn cô độc (cô hồn) do không có người cúng giỗ nên bị đói khát, lạnh lẽo nên thường lang thang vơ vẩn trên trần thế, gieo rắc tai họa. Đó là đối tượng mà thế nhân phải tìm cách giải trừ. Hoặc thực hiện việc cúng cô hồn thường xuyên (hàng tháng vào mồng 2 và 16 âm lịch) đối với các gia đình buôn bán, làm ăn các nghề có nhiều nguy hiểm (kinh doanh xe đò, tàu bè…) hoặc hàng năm đối với các cộng đồng làng xã hay cộng đồng nghề nghiệp (cúng cô hồn chợ đối với cộng đồng tiểu thương). Trường hợp đặc biệt, các pháp sư Đạo giáo lại tiến hành các phương thuật trấn yểm, bùa chú, dùng máu chó, roi dâu để xua đuổi.


Nho gia chủ trương “quỷ thần kính nhi viễn chi”, là xuất phát từ quan điểm hướng sự quan tâm chính yếu của họ vào các vấn đề nhân sinh của xã hội. Do đó, việc các Thánh nhân xiển dương đạo thần minh là để làm phương tiện giáo hóa khiến trong thiên hạ đều quy phục (Thánh nhân dĩ thần đạo thiết giáo nhi thiên hạ phục hĩ/ Thoán truyện, Quẻ quan, Kinh Dịch).


Ở đây việc ứng xử với các vong hồn cô độc, mồ hoang vô chủ, không người tế tự theo chủ trương “kính nhi viễn” là biểu hiện lòng nhân nghĩa thông qua các cuộc tế lễ tập thể – gọi là Tế Nghĩa trủng. Lễ này được cộng đồng thôn xã tổ chức hoặc trước sau lễ cúng đình làng hàng năm hay phổ biến là vào cuối tháng Chạp, sau khi các tộc họ trong thôn làng đã thực hiện xong lễ Chạp mả, thường là sau ngày đưa Ông Táo (23 tháng Chạp). Công việc đầu tiên là dân làng cùng nhau ra đồng tìm các phần mộ vô chủ – gọi là hoang mộ/ mả hoang để dẫy cỏ, tu bồi lại cho tươm tất và sau đó, tiến hành lễ cúng tế tại một địa điểm cố định; hoặc ở đàn nghĩa trủng lập ở sân đình, miếu hay các đàn miếu âm linh…


Nói chung, xét về lý, Tế Nghĩa trủng là việc-nghĩa-phải-làm đối với các số phận bất hạnh: tuyệt tự hay con cháu xiêu lạc không thể tu bồi mồ mả, tế tự; song mặt khác, việc thực hành lễ Tế Nghĩa trủng còn là nỗ lực hướng tính hung hoang của các cô hồn vào việc phục vụ lợi ích cộng đồng, khiến chúng trở thành lực lượng bảo hộ trật tự siêu tự nhiên của cộng đồng. Ở cấp độ khác, trong các lễ cúng giỗ ở mỗi gia đình, tập tục bày một mâm cúng (ngoài hiên nhà hay trước sân) cô hồn/ chiến sĩ/ người khuất mày khuất mặt cũng thể hiện ý nghĩa thuộc truyền thống “cúng kiếng”: cúng lễ Tổ tiên hay gia thần thờ kiếng (kính dâng) lễ vật cho các đẳng cô hồn. Tất thảy việc cúng tế như vậy đều có công năng kép: thể hiện đạo nghĩa sự tử như sự tồn và cầu an, giải trừ.


Ý nghĩa của tập tục Tế Nghĩa trủng, cúng cô hồn như vậy, trong chừng mực nào đó khá gần với chủ trương bố thí của nhà Phật trong khoa nghi trai đàn thí thực ngạ quỷ/ chẩn tế cô hồn, song về căn bản vẫn còn thống thuộc trong tín lý của thuyết vạn vật hữu linh, tức có khác với mục đích và tín niệm Phật giáo.


Phật thoại được coi là duyên khởi của pháp sự Thí thực ngạ quỷ (quỷ đói) là câu chuyện kể về việc A Nan – đại đệ tử của Phật – nhập định trong rừng thấy một ngạ quỷ (còn gọi là Diệm Khẩu, Diện Nhiên: thân thể khô gầy, sắc mặt hung dữ, đầu tóc rối bù, móng vuốt bén nhọn, bụng lớn như núi, cổ nhỏ như cây kim vá áo) phun lửa trước mặt. A Nan kinh hãi hỏi lý do. Ngạ quỷ bảo: Vì đời trước tâm bỏn sẻn, keo kiệt, tham lam không biết đủ nên sau khi chết phải đọa vào đường ngạ quỷ, biến thành hình dạng như thế này đã nhiều năm.


Ngạ quỷ lại báo cho A Nan biết rằng 3 ngày nữa A Nan sẽ chết và sẽ bị đọa vào đường ngạ quỷ! A Nan lo sợ, đến trước Phật cầu xin cứu độ. Đức Phật nhân đó nói kinh Diệm Khẩu và pháp thí thực cho A Nan nghe: Nếu ông có thể bố thí thức ăn uống cho hằng hà sa số ngạ quỷ thì chẳng những không bị đọa vào đường ấy mà còn kéo dài được tuổi thọ, được quỷ thần phù hộ, gặp được an lành.


Ngoài Phật thoại trên, một y cứ khác là kinh Vu Lan Bồn. Theo đó, nghi thức siêu độ lịch đại tông thân được cử hành vào rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm là nhằm giải cứu khỏi hình phạt thống khổ như bị treo ngược (Ullambana: đảo huyền) của các vong hồn. Theo kinh này: Đệ tử của Phật là Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn thông thấy mẹ bị đọa vào đường ngạ quỷ, ngày đêm khổ sở liên tục. Thấy vậy, Mục Kiền Liên dùng thần thông xuống địa ngục dâng cơm cho mẹ, nhưng do ác nghiệp thọ báo nên cơm biến thành lửa. Mục Kiền Liên cầu xin Phật giải cứu cho mẹ. Phật dạy Mục Kiền Liên: Vào ngày rằm tháng Bảy, tức ngày chư Tăng tự tứ (sau 3 tháng an cư) dùng thức ăn quý, vật phẩm cúng dường Tam bảo sẽ được vô lượng công đức, cứu được cha mẹ bảy đời.


Qua hai Phật thoại này, pháp sự Thí thực ngạ quỷ là nhằm xiển dương hạnh bố thí, cũng tức là thể hiện lòng đại bi đối với chúng sanh đói khát, khổ não. Ở Vu lan bồn nội hàm nghĩa báo ân/ báo hiếu có phần tương đồng với quan niệm của Nho gia, nhưng cái khác ở đây, đối tượng dâng lễ vật không phải là các vong hồn của ông bà cha mẹ quá vãng mà là Tam bảo, cụ thể là chư Tăng để qua đó, nương nhờ công đức Tam bảo mà siêu độ cho vong hồn thân quyến thoát khỏi nỗi thống khổ và sớm được siêu sanh. Mục đích tối hậu của hai pháp sự này rốt ráo là chủ vào cứu cánh giải thoát. Các biện sự về thế giới bên kia của nhà Phật cốt yếu là phương tiện giáo hóa chúng sinh, hướng vào mục đích khuyến thiện trừng ác của con người trần thế.
 
(1) Trần Quốc Vượng: Việt Nam: 100 năm giao thoa văn hóa Đông-Tây/ trang Trong cõi, NXB Trăm Hoa, 2003, tr.204.
(2) Xem Huỳnh Ngọc Trảng: “Sự hỗn dung văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Nam Bộ”. Nguyệt san Giác Ngộ, số 116, 11-2005, tr.24-38.