Trang chủ Quốc tế Xứ sở của những ngôi đền cổ tích

Xứ sở của những ngôi đền cổ tích

79

KYAIKHTIYO – đá thiêng vàng ròng









Kyaikhtiyo hay chính là “ngôi chùa được cư sĩ đội trên đầu”


Bất kỳ ai khi nhìn bức ảnh một ngôi chùa nằm chênh vênh trên một tảng đá hình cầu được dát vàng toàn bộ và cũng nằm mấp mé bên mép núi, đều sửng sốt. Từ thành phố Yangon, tôi thuê xe ô tô thực hiện một chuyến đi 2 ngày 1 đêm để đến địa danh cách Yangon 160km này. Tháng 11 hằng năm, ở đây có hội đèn lồng cực lớn. Nhưng vào mọi ngày, đây luôn là nơi hành hương ưa thích của người Myanmar.


Ngọn tháp phủ một lớp vàng mỏng nằm trên tảng đá dát vàng lóng lánh phía trước, là một cái đích tuyệt vời cho mọi kẻ hành hương. Trong cuộc đời du hành của tôi, có nhiều cái đích được hướng tới và đã đạt tới, nhưng chưa có cái đích nào kỳ diệu như Đá thiêng vàng ròng ở miền đất bang Mon này. Con đường đá sỏi lổn nhổn dưới chân, nào có ngại chi, đá thiêng vàng ròng lấp lánh trước mặt, ai nấy đều sải dài chân mà bước.








Những ngôi tháp nhấp nhô ở vùng di tích bảo tồn Bagan, từ góc nhìn một ngôi đền với lối vào là một cửa chính duy nhất


Ngôi chùa Phật giáo được cho là xây dựng 2.500 năm trước, sau nhiều lần trùng tu có hình dáng và nội thất như hiện nay. Còn tảng đá lớn với chu vi khoảng 50 feet cũng được các nghệ nhân dùng vàng hiến tặng của Phật tử tăng ni, cán thành những lá vàng cực mỏng ngày qua ngày dát dần lên phủ khắp cả tảng đá lớn.


Tên Kyaikhtiyo xuất phát từ tiếng Mon, có nghĩa là “ngôi chùa được cư sĩ đội trên đầu”. Truyền thuyết rằng, một vị vua Myanmar nhận được sợi tóc của đức Phật từ một cư sĩ. Vị vua này quyết định xây chùa cất giữ báu vật thiêng liêng. Cư sĩ khuyên nhà vua chọn xây chùa trên một tảng đá có hình dáng như đầu của các sư tăng và các cư sĩ. Sau đó họ cất giữ báu vật trong chùa, tận trên cùng bảo tháp nằm chênh vênh trên tảng đá cũng đang mấp mé bên vách đá. Để giữ được cân bằng cho ngôi chùa và cho cả tảng đá được chọn làm địa điểm xây chùa, người ta tin rằng đó là do quyền lực siêu nhiên của đức Phật. chỉ bằng một sợi tóc của đức Phật cũng neo giữ được cả tảng đá cực lớn chênh vênh hàng nghìn năm nay ở vách núi.


BAGAN – xứ sở của những ngôi đền


Từ trên cửa sổ máy bay, hàng nghìn tháp đền như nhấp nhô trên vùng bình địa. Màu đỏ au của những hàng tường gạch, màu vàng kim lấp lánh từ đỉnh tháp nổi bật lên trên màu xám bạc của cả vùng cỏ khô, lốm đốm màu xanh thẫm của những bụi cây.











Vùng Bagan với hàng nghìn tháp đền nhấp nhô


Cổng Tharabar


Đã từng thư giãn trong những khách sạn tiện nghi ở Yangon và Mandalay với giá cả cực kỳ dễ chịu, nhưng tôi cũng không khỏi bất ngờ khi nhận phòng khách sạn ở Bagan. Những ngôi nhà bằng gỗ tếch với vật dụng toàn bằng gỗ đắt tiền, có khung cửa và ban công nhìn ra mênh mang mặt nước sông Ayeyarwady.


Bóng những cây lá kim phủ mát các khu bungalow, toả rộng trên khoảng sân chung và trong khuôn viên khách sạn. Chồn nhảy nhót tìm hạt, chim véo von, bướm thì tung tăng ở các khóm hoa nhiều màu. Nhưng những ngôi đền trong chuyện cổ tích đang chờ, làm sao luấn quấn mãi trong khách sạn được.







Chúng tôi lang thang từ ngôi đền nọ sang ngôi đền kia. Vùng di tích bảo tồn Bagan có diện tích khoảng 42km2 với 2.000 ngôi chùa và đền xây dựng khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 13 được bảo tồn rất tốt.


Lần lượt đi thăm cổng Tharabar và tới các tháp xây dựng theo phong cách kiến trúc của người Môn, người Barma. Phần lớn tháp trong khu vực đều xây bằng gạch nung đỏ, kết cấu và trang trí tựa như tháp của người Chăm – miền Trung Việt Nam. Nhiều lối cửa giả xung quanh tháp được bít kín, và lối vào là một cửa chính duy nhất.


Hoàng hôn dần xuống, tôi leo lên tháp cao nhất trong vùng để ngắm mặt trời đỏ rực chìm dần trong quang phổ tím sẫm. Khí nóng ở một vùng đất khô cằn khiến khung cảnh có vẻ rung rinh trong làn hơi nóng.









Tượng Phật dát vàng trong chùa Ananda


Chùa ở Bagan cũng rất lớn và đều dát vàng phần chóp. Hoạ tiết trang trí đều lấp lánh ánh vàng trang kim. Đi dọc theo các sảnh bên trong chùa có thể thấy nhiều tượng Phật đặt trong các ô văng. Và đặc biệt có một bức tượng trong chùa Ananda rất lớn dát vàng sáng rực… Phật tử thành kính quỳ lạy và đọc kinh cầu nguyện ở các bàn thờ Phật. Sư tăng đọc sách hoặc làm việc yên lặng trong quang cảnh cực kỳ yên bình.


Buổi sáng cũng là thời điểm thích hợp để lượn khinh khí cầu trong vùng, ngắm nhìn vùng đất cổ tích vào lúc trong trẻo sớm mai. Tháp liền với tháp, chóp chùa dát vàng, dòng sông mềm mại uốn, những triền cát trắng ven sông và những cánh đồng, xóm làng yên bình dưới bóng tre… tất thảy đang ở dưới tầm mắt ta. Ta thoả sức ngắm nhìn trong sớm mai dịu mát, tưởng tượng đang bay trên tấm thảm cổ tích.