Trang chủ Quốc tế Xuân về trên đất Triệu Voi

Xuân về trên đất Triệu Voi

69

Trong suốt ba ngày Tết (14 đến 16.4), mọi hoạt động của Thủ đô Viêng Chăn như dừng lại để nhường chỗ cho tiếng nhạc, nước và lời chúc năm mới “Xạ bai đi Pi mày” mong mọi sự ấm no và hạnh phúc đến trong mùa xuân mới.

Khi những bông hoa Đoọc Cun nở vàng  khắp nơi thì cũng là lúc báo hiệu một mùa mưa nữa đang đến trên đất nước Lào. Những cánh đồng cằn cỗi sau sáu tháng mùa khô đang chuẩn bị đón những trận mưa đầu tiên. Vào những ngày này, các cửa hàng kinh doanh hầu hết đều ngừng hoạt động.

Ngoài đường phố Viêng Chăn, những chiếc ô tô, xe máy đều treo những cành hoa Đoọc Cun. Nhiều xe ô tô bán tải chở người phía sau thùng xe trên tay ai cũng cầm súng phun nước, ca đựng nước, cốc to hay… bất cứ một thứ gì có thể hắt được nước.

Phía trước những ngôi nhà dọc hai bên đường, chúng tôi thấy từng nhóm người, gia đình quây quần vui đùa hắt nước lên nhau và múa hát điệu Lăm Vông truyền thống. Những thùng nước cứ vơi dần đi, ai ai quần áo cũng ướt sũng.

Ngay cả những người khách qua đường hay khách nước ngoài đi qua cũng đều được té nước vào người nhưng không ai cảm thấy khó chịu, trái lại họ cùng vào tham gia. Tại khu vực đài phun nước trong công viên Chiến Thắng, giữa cái nắng gay gắt nhưng có hàng trăm người dân tập trung vui chơi, té nước vào người nhau.

Chúng tôi có mặt tại chùa Xỉ Mương (còn gọi là chùa Mẹ) ở giữa trung tâm Thủ đô Viêng Chăn, ngôi chùa được coi là linh thiêng nhất ở đây vào ngày chính Tết (14.4), khi người dân nơi đây đang chuẩn bị bắt đầu nghi lễ đầu tiên của ngày Tết là lễ rước tượng Phật.

Tượng Mẹ Xỉ Mương được các nhà sư và người dân rước ra rồi đặt lên một chiếc xe tải được chuẩn bị sẵn. Đi đầu đoàn rước là những nam thanh nữ tú mặc trang phục thời xa xưa (theo truyền thuyết của Mẹ Xỉ Mương) vừa đi vừa múa hát các điệu múa rước của dân tộc Lào. Phía sau là chiếc xe tải nhỏ chở tượng Mẹ Xỉ Mương.

Trên xe còn có một thiếu nữ xinh đẹp, được lựa chọn đóng vai Đức Mẹ với trang phục truyền thống, trên tay phải cầm một cây mác, tay trái cầm một chiếc gậy hình đầu rắn để trừ tà, trừ ma. Hai bên thành xe là sáu thiếu nữ ngồi thành hai hàng, một tay cầm những cái cạp bằng bạc sáng trắng, đựng nước và hoa Đoọc Cun cùng với một số loài hoa khác, một tay cầm cành lá nhúng vào cạp bạc vẩy vào những người dân đi rước xung quanh, xua đi những điều không tốt lành của năm cũ, mang lại ấm no hạnh phúc cho năm mới.

Tiếp sau xe chở tượng Đức Mẹ là chiếc xe tải chở các nhạc công chơi các nhạc cụ dân tộc như trống, đàn ống tre… Sau cùng là dòng người dân và du khách vào thăm chùa vừa đi vừa múa theo điệu múa rước truyền thống.

Sau khi tham gia đoàn lễ rước ba vòng quanh sân chùa, người dân đi lễ cầu may đầu năm ra những quầy được nhà chùa chuẩn bị sẵn ở ngoài sân lĩnh hoa tế lễ được tết khéo léo bằng lá chuối thành những ngọn tháp nhỏ, phía trên được trang trí thêm những bông hoa cúc vàng kèm theo ba nén hương và hai cây nến nhỏ.

Sau khi nhận đồ tế lễ, họ sẽ bỏ tiền lộc vào chiếc hòm phía trước quầy rồi vào phía bên trong chùa hành lễ. Ngoài những đồ lễ được phát ra, những người đi lễ ở đây không mang theo vàng mã để đốt sau khi hành lễ. Vào trong chùa, họ đặt đồ lễ lên mâm sắp lễ, thắp hai ngọn nến lên mâm đặt phía trước tượng Phật và cầu xin cho một năm mới an lành và cũng không quên lấy một gáo nước dội lên tượng Phật đặt trên ban. Phía gian ngoài, một sư ông và hai bên là hai sư thày làm nghi lễ buộc chỉ cổ tay cầu may theo phong tục của người Lào nhằm mục đích chúc phúc cho khách đến lễ chùa.

Thanh niên Lào tập trung thành nhóm té nước

Ngôi chùa tiếp sau chúng tôi đến là chùa Phật Tích. Đây là một trong hai ngôi chùa của cộng đồng người Việt Nam ở Thủ đô Viêng Chăn. Ngôi chùa này đã có từ lâu, mới được tôn tạo lại nhờ sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam, các cơ quan đại diện của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam ở Viêng Chăn.

Ngôi chùa tọa lạc trên khuôn viên đất rộng lớn ngay trục đường chính trung tâm Thủ đô. Ngôi chùa này được xây dựng theo kiến trúc hình tháp với bảy tầng. Phía trước, trong sân và gian chính điện của chùa được đặt nhiều tượng Phật lớn. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng chính của cộng đồng người Việt Nam tại Viêng Chăn.

Vào những dịp đầu tháng hay ngày Rằm, những người Việt Nam ở Viêng Chăn, nhiều đoàn khách ở trong nước sang Lào thường đến lễ tại đây. Gia đình chị Lê Thị Mai, quê ở Hà Tĩnh, đã gần 20 năm sang Viêng Chăn làm ăn sinh sống thì cũng gần 20 lần đón Tết của người Lào.

Chị Mai chia sẻ với chúng tôi, chùa Phật Tích là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của gia đình chị từ khi sang đây lập nghiệp. Ở Viêng Chăn có rất nhiều ngôi chùa nhưng chị vẫn thường đến đây. “Đến đây, tôi thấy như gần hơn với quê hương và vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương”, chị Mai chia sẻ thêm.

Lại một mùa khô nữa sắp qua đi, những ngày đầu của mùa mưa sắp tới. Năm mới người Lào thường chúc nhau mạnh khỏe, chúc nhau hạnh phúc, chúc nhau thành công trong công việc. Họ không quên gửi tới những người thân ở nơi xa không kịp về đón tết, thày, cô những lời chúc phúc tốt lành. Được chứng kiến, được vui với người dân các bộ tộc Lào trên đất Viêng Chăn, chúng tôi cảm nhận sâu sắc thêm về bản sắc văn hóa của người dân các bộ tộc Lào. Đó là việc tổ chức lễ hội, việc tham gia của người dân trong việc tổ chức lễ hội, đặc biệt là sự trân trọng, thân thiện, vui tươi và hiếu khách.

Ai đã từng may mắn được một lần sống trong những ngày vui đón năm mới trên đất nước Triệu Voi sẽ giữ mãi trong mình những tình cảm tốt đẹp không bao giờ quên về đất nước và con người Lào mộc mạc, giản dị, chân tình và ấm áp.