Trang chủ Người thời nay Trí thức GS McGinness: Nhờ Phật pháp, học được cách lắng nghe tuyệt diệu

GS McGinness: Nhờ Phật pháp, học được cách lắng nghe tuyệt diệu

215

Đó là lời phát biểu của Giáo Sư Âm Nhạc John McGinness của Trường Âm Nhạc Crane School of Music tại Đại Học State University of New York ở thành phố Potsdam.

Được biết Giáo Sư John McGinness đã nhận được giải thưởng Giáo Sư Danh Dự Xuất Sắc trong năm 2010 của Trường Âm Nhạc Crane School of Music tại Đại Học State University of New York.

Được hỏi cơ duyên thù thắng nào ông biết được Phật Pháp và Đức Đạt Lai Lạt Ma, GS John McGinness vừa cười vừa nói rằng ông thật sự ngưỡng mộ Đức Đạt Lai Lạt Ma từ lâu qua những cuốn sách và các lần thuyết giảng của Ngài tại Los Angeles, California, New York, Indiana và Canada mà GS John có dịp tham dự.

Nhưng, ông cũng cho biết rằng đến nay ông vẫn chưa có dịp được tiếp kiến trực diện với vị lãnh đạo tinh thần Phật Giáo Tây Tạng nổi tiếng thế giới này.

Ông kể rằng, lúc đầu, nhờ quen biết với Giáo sư người Tây Tạng Tenzin Dorjee và qua vị này ông lại được biết nhà văn Nhã Ca cũng như Đại Sư Tây Tạng Geshe Tsultim Gyeltsen (đã viên tịch vào ngày 13 tháng 2 năm 2009) là Thầy của nhà văn Nhã Ca và là Trú Trì Chùa Tây Tạng Thubten Dhargye Ling tại thành phố Long Beach.

GS John McGinness kể rằng lần đầu tiên ông được tham dự một thời thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma là vào khoảng năm 2008 tại Tu Viện Gaden Shartse Monastery ở thành phố Mundgod, Ấn Độ trong chuyến hành hương với Đại Sư Geshe Tsultim Gyeltsen và nhà văn Nhã Ca.

Đề cập đến ảnh hưởng, tác động và lợi ích của Phật Pháp đối với âm nhạc, GS John McGinness giải thích rằng điều đó tất nhiên là một sự thật không thể chối cãi. Theo GS McGinness, nhờ Phật Pháp, ông đã học được cách lắng nghe một cách tuyệt diệu, và GS McGinness nhấn mạnh rằng trở thành người biết lắng nghe thực sự cũng có nghĩa là khả năng âm nhạc được nâng cao một cách hiệu quả. GS McGinness mô tả thêm về ý nghĩa này, rằng biết lắng nghe tức là biết làm sạch thân tâm, biết lắng đọng tâm thức, là biết buông bỏ những phiền lụy, là mở cửa lòng ra để đón nhận thực tại đang hiện tiền trước mặt trong từng khoảnh khắc sát na, đó chính là khả năng ưu việt của Phật Pháp mà người biết thực hành chắc chắn sẽ đạt được.

GS McGinness nói thêm rằng trong lãnh vực âm nhạc, biết lắng nghe thực sự tức là biết cách để cho âm nhạc lên tiếng thay vì để những tạp niệm của tâm làm loạn động sự thưởng thức âm nhạc của mình.

GS McGinness còn nhấn mạnh thêm rằng biết lắng nghe không chỉ giúp chúng ta thưởng thức được trọn vẹn tinh hoa nghệ thuật của âm nhạc, mà còn giúp chúng ta biết cách quên đi bản ngã để nghĩ đến những người chung quanh, biết thương yêu và giúp đỡ người khác.

Được hỏi hàng ngày ông thực hành Phật Pháp như thế nào, GS McGinness cho biết mỗi sáng ông đều thực tập Thiền khoảng 1 tiếng đồng hồ, rồi sau đó mới bắt đầu công việc nghiên cứu và giảng dạy.

Điều làm cho phóng viên rất quý mến đức khiêm cung nơi GS McGinness là khi nói đến việc thực tập Thiền hàng ngày, ông lập đi lập lại mấy lần chữ "I try," mà chúng ta có thể hiểu ý là ông muốn nói "Tôi chỉ đang thực tập, chứ không phải thuần thục lắm đâu."

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng ông có đem những kiến giải và sở đắc về âm nhạc qua Phật Pháp của mình để truyền đạt cho các sinh viên mà ông dạy không, GS McGinness nói ngay rằng tất nhiên là có.

Ông cho biết đã dạy các sinh viên cách tập trung tư tưởng, cách lắng nghe, cách quan tâm đến người chung quanh. Vì vậy, GS McGinness nói rằng các sinh viên đã đạt được nhiều tiến bộ trong lãnh vực âm nhạc nhờ thụ hưởng được phương thức mà ông đã truyền thọ cho họ. 

Được biết, Đại Học State University of New York tại Potsdam đã được thành lập vào năm 1816, là một trong 100 đại học đầu tiên tại Hoa Kỳ.