Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Khóa tu lần IX tại TV Di Đà

Hà Nội: Khóa tu lần IX tại TV Di Đà

73

Đây là một đạo tràng tu học, thu hút Phật tử đến tham dự tu Thiền và thính Pháp ngày càng đông đảo, đặc biệt giới trẻ thuần thành cũng có và các em sinh viên mới tiếp cận để tìm hiểu đạo Phật cũng có, tại huyện Thường Tín này.

Chương trình tu học thường diễn ra một cách nhịp nhàng, giờ nào việc ấy. Các Thiền sinh bắt buộc phải tuân thủ nội quy của khóa tu, nhờ vậy các Phật tử có cơ hội sống đời hướng thiện, nâng cao giá trị đạo đức, trau dồi kiến thức Phật pháp và có được những phút giây thuần tịnh nhìn lại chính mình.

Trong chương trình khóa tu có thời khóa thuyết Pháp do TT.Thích Chân Quang đảm trách là thu hút Phật tử tham dự rất đông. Lần này có đến hơn 2000 Phật tử tham dự buổi Pháp thoại, tại khu Chánh điện mở chùa Di Đà, vào sáng ngày 21/11/2012. Bài Pháp có tựa đề QUY LUẬT CỦA TÂM LÝ.   

Tâm hồn con người là một thế giới khó hiểu nhất, bí hiểm nhất. Nếu chúng ta không biết gì nhiều về tâm hồn của mình thì khi gặp những vấn đề phức tạp về tâm lý, chúng ta không biết cậy nhờ ai, nên khó giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp.

Cho nên, trước khi hiểu được những quy luật vận động của tâm lý, chúng ta phải biết về cấu trúc tâm thức của con người. Đức Phật gọi cấu trúc tâm thức của con người là 5 ấm hay 5 thụ uẩn, đó là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Hiểu về cấu trúc của 5 thụ uẩn này thì sau đó chúng ta mới hiểu được những gì vận động trong đó.

Theo lời Phật dạy, mà cũng rất đúng với y học hiện đại, chúng ta biết rằng Thân và Tâm là một khối gắn chặt với nhau không thể tách rời. Thân và Tâm ảnh hưởng lẫn nhau như là một mà thực sự vẫn là hai. Phật gọi sắc, thọ, tưởng, hành, thức là một cấu trúc của bản ngã. Nếu tách rời ra, chia ra từng cái thì không có gì là bản ngã cả, nhưng gắn lại thành một khối 5 uẩn thì như có một “Cái ta’ thật sự trong tâm mình.

Nếu tách riêng “cái thân” ra thì ta gọi đó là thân tứ đại, là ám chỉ cái thân vật chất này, thân vật lý này, nhưng nếu gắn vào 5 thủ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì Thân và Tâm có liên quan rất mật thiết với nhau. Những vấn đề của Tâm sẽ ảnh hưởng đến Thân, và ngược lại, những vấn đề của Thân cũng sẽ ảnh hưởng đến Tâm rất nhiều.

Biết hết tất cả điều này, nên khi ta đánh giá tâm lý của chính mình, đánh giá tâm lý của người khác ta sẽ biết nhiều yếu tố, vì vậy mà ta có được lòng từ bi. Ví dụ khi thấy một người phạm lỗi, ta hiểu nguyên nhân phát sinh từ đâu, từ hoàn cảnh nào tạo thành chứ không vội phán đoán, chê trách hay kết tội. Nhờ những hiểu biết chính xác đó mà ta không ác cảm, không thành kiến, không chủ quan để trở thành độc ác; lòng ta từ bi hơn, bao dung hơn với con người, đồng thời ta cũng biết chữa trị những tâm lý của chính mình. Vì trên con đường tu tập của mình, chính ta cũng phát sinh nhiều tâm lý kỳ lạ, bất thường, dễ tạo thành lầm lỗi.

Do đó, khi quan sát tâm lý của mình thì ta sẽ biết hết những yếu tố, trong đó có yếu tố của nhân quả, nhờ vậy mà ta điều chỉnh tâm lý của mình ngày càng hoàn thiện hơn, ngày càng tốt hơn. Nhưng cái khổ tâm nhất là ta phát sinh những tâm lý sai mà không biết nó ở đâu, không biết điều chỉnh cách nào. Ta không thể tự điều chỉnh tâm lý của mình nên ta không tự làm thầy mình được, vì thế ta cũng không giúp được ai cả. Còn khi ta biết hệ thống thân tâm như thế, biết quy luật tâm lý như thế, ta tự điều chỉnh tâm lý của mình, điều chỉnh cho những người xung quanh ta, thì như vậy, ta sẽ giúp được người khác rất nhiều. Khi thấy một người có tâm lý bất thường, ta sẽ hiểu nó phát sinh từ đâu. Nếu có duyên, ta sẽ khuyên bảo họ và điều chỉnh cho họ bằng cách nào hợp lý nhất chứ không chữa sai.

Hôm nay, ta bắt đầu nghiên cứu quy luật tâm lý, ta sẽ thấy đây là một thế giới rất lạ, rất mênh mông vô tận mà ta đi hoài vẫn không hết được. Nhưng ta không dại gì đi mãi trong thế giới tâm lý phức tạp, vọng động đó, ta chỉ biết vừa chừng thôi để điều chỉnh tâm hồn mình cho sự tu tập, quan trọng nhất là nhiếp tâm trong Thiền định, chấm dứt hết mọi vọng tưởng để đạt đến sự giác ngộ giải thoát, thoát khỏi trầm luân sinh tử.

Tuy nhiên, trên con đường đi đó, ta biết quy luật vận động của tâm lý để vừa giúp mình vừa giúp cho mọi người thì công đức rất lớn. Ta chữa đúng bệnh tâm của một người công đức lớn không khác gì việc ta bố thí, làm phước.

Hiểu về tâm lý là một lợi thế rất lớn của chúng ta. Mà ta là đệ tử Phật thì phải biết rằng giáo lý Đạo Phật là giáo lý khai phá về tâm, nên bắt buộc ta phải hiểu về tâm rất nhiều.

Đề tài này có tính chất quan trọng, trong bài Pháp thoại của khóa tu sau tại chùa Di Đà, Thượng tọa sẽ tiếp tục phân tích, mổ xẻ đề tài này một cách chi tiết và đưa ra những giải đáp mang lại lợi ích lớn hơn cho các Phật tử trên bước đường tu tập giác ngộ giải thoát./.

Dưới đây là một số hình ảnh được ghi nhận tại khóa tu Thiền lần IX chùa Di Đà – Hà Nội: