Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Lễ dâng y Kathina tại chùa Quảng Bá (Hoằng Ân...

Hà Nội: Lễ dâng y Kathina tại chùa Quảng Bá (Hoằng Ân Tự)

Ngày 21 tháng 10 năm 2019, nhằm ngày 23 tháng 09 năm Kỷ Hợi, được sự cho phép của TƯ GHPGVN, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, Bộ Ngoại giao Thái Lan, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội đã tổ chức lễ dâng Y Kathina theo truyền thống Phật giáo tại chùa Quảng Bá (Hoằng Ân Tự) – phường Quảng An – quận Tây Hồ – Hà Nội.

434

Chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của: Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban thông tin truyền thông TƯ GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhã – Chánh Văn phòng HĐCM, Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó trưởng ban thường trực Ban nghi lễ TƯ GHPGVN; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TƯ GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Điện – Phó tổng thư ký, Chánh văn phòng TƯ khu vực phía Bắc; Đại đức Thích Đạo Minh – Trụ trì chùa Quảng Bá cùng chư Tôn đức Tăng bản tự.
Về phía đoàn đại sứ Thái Lan có: Ông Thabana Sirivadhanabhakdi – Chủ tịch công ty TNHH Thai Beverage (công ty đại chúng) chủ trì buổi lễ; Ông Thana Vejkosit – Phó bí thư thường trực Bộ ngoại giao Thái Lan; Ông Tanee Sangrat – Đại sứ Thái Lan tại Hà Nội; Ông Apirat Sukhonthapirom na Pattalung – Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại Tp.HCM, cùng cán bộ nhân viên Đại sứ quán và đông đảo bà con Phật tử Thái Lan và Việt Nam về tham dự.

Lễ dâng Y Kathina là một trong những lễ lớn và quan trọng nhất của hệ phái Phật giáo nguyên thủy. Đây là lễ hội hàng năm của Phật giáo có từ thời Đức Phật còn tại thế. Đối với những người dân theo Phật giáo nguyên thủy, lễ dâng Y Kathina mang ý nghĩa thể hiện thiện tâm của Phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, trân trọng tấm lòng của đàn tín.

Lễ dâng Y Kathina đã được tổ chức liên tục 14 năm tại Việt Nam, chủ yếu tại các chùa thuộc miền Nam và đây là lần đầu tiên nghi lễ được tổ chức tại một ngôi chùa Bắc tông ở miền Bắc Việt Nam. Các nghi thức tại lễ dâng Y Kathina được tổ chức rất long trọng, trang nghiêm. Việc thỉnh Y do Quốc vương cúng dường dâng tại nước ngoài, ngoài việc góp phần hộ trì Phật pháp còn giúp tăng cường quan hệ giao lưu nhân dân trong công tác đối ngoại giữa Thái Lan và Việt Nam.

Trước khi bắt đầu nghi lễ, phái đoàn đã trang nghiêm, tôn kính thực hiện nghi lễ trước hình chân dung Quốc vương và nhận Pháp Y do Quốc vương cúng dường tại khu vực phía trước chính điện.

Tại buổi lễ, trước Tam Bảo, chư Tăng hoan hỷ trao truyền tam quy và ngũ giới cho phái đoàn cùng với Phật tử của 2 nước. Đáp lại ân đức của Chư Tăng, ông Thabana Sirivadhanabhakdi cùng phu nhân đại diện phái đoàn xin trình duyên sự, tác bạch cúng dường ba Y và thành kính để dâng cúng dường quả bát lên chư Tăng, với lòng mong muốn tạo phước thiện Ba La Mật, gieo duyên lành trong Phật Pháp để chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ đau sanh tử luân hồi. Tiếp đó, Chư Tôn đức Tăng hứa khả thọ nhận vật phẩm và có thời kinh cầu an, chúc phúc cho các tín chủ và đại chúng tham dự.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký GHPGVN: “Văn hoá đóng vai trò quan trọng trong 3 trụ cột chính của cộng đồng ASEAN, nhằm xây dựng tình đoàn kết và sự thống nhất lâu bền giữa các dân tộc và các quốc gia ASEAN. Trong đó, Phật giáo là một trong những cầu nối, chất keo gắn chặt các dân tộc trong cộng đồng. Lễ dâng Y Kathina là nghi lễ truyền thống của Phật giáo, đặc biệt là các nước theo truyền thống Phật giáo Nam tông Theravada. Thái Lan là quốc gia mà đạo Phật là quốc đạo. Hàng năm Vua và Hoàng gia tổ chức dâng Y Kathina nhằm xiển dương giáo lý từ bi, trí tuệ của Đạo Phật, bày tỏ lòng tôn kính của nhà Vua đối với chư Tăng và Phật giáo, đồng thời được coi là sự kiện ngoại giao nhân dân với các quốc gia ASEAN“.

Chùa Hoằng Ân là địa điểm mang nhiều ý nghĩa trong quan hệ giữa Thái Lan và Việt Nam bởi đây là nơi lưu di cốt của Hòa thượng Bình Lương, vị sư từng đảm nhiệm vai trò trụ trì ngôi chùa Lokanukoh ở Thái Lan, hay còn gọi là chùa Từ Tế vào những năm 20 của thế kỷ 19. Nhà chùa đã cho phép bà con người Việt sinh sống tại Thái Lan và bà con sơ tán sang Thái Lan lánh nạn do chiến tranh được nghỉ lại chùa trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

Cuối buổi lễ, phái đoàn đã thăm và thắp hương tưởng niệm tại bảo tháp của Cố Trưởng lão Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN – Hòa thượng Thích Đức Nhuận và tháp lưu di cốt của Hòa thượng Bình Lương – cố Trưởng Việt tông đời thứ 8 tại Thái Lan.

 

Hoàng Tuấn – Phúc Hậu