Trang chủ Tết Việt Du xuân Hương Sơn – đẹp thêm trong xuân mới

Hương Sơn – đẹp thêm trong xuân mới

61

Phật thoại truyền rằng, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ứng thân làm Công chúa Diệu Thiện, con Vua Diệu Trang Vương ở nước Hưng Lâm, có trí tuệ siêu việt muốn giải thoát cho chúng sinh khỏi những nỗi đau khổ ở cõi Sa Bà, đã ly gia, cắt ái, tu hành 9 năm và thành đạo quả ở động này nên đặt tên là Hương Tích (dấu thơm).

Động Hương Tích (điểm chính của thắng cảnh Hương Sơn) – tương truyền rằng là con rồng chúa đang há miệng vờn ngọc. Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với  biết bao hình thù kỳ lạ: Đụn Gạo, đụn Tiền, núi Cậu, núi Cô,…

Dân gian truyền tụng là khách hành hương đến đây muốn cầu xin no ấm thì đến khấn ở đụn Gạo, cầu xin giàu có thì khấn ở đụn Tiền, xin con gái con trai thì khấn cầu ở núi Cậu, núi Cô… đều được như nguyện.

Vì Đức Quán Thế Âm là hiện thân của từ bi, đem lại an lạc, loại trừ khổ đau cho chúng sinh, nên ngay cả những người chưa am hiểu giáo lý Phật giáo, cũng như những người đã phá mê khai ngộ, đều đặt nơi đạo tràng này của Người lòng ngưỡng vọng.

Những ai lần đầu đặt chân tới Hương Sơn, cả những ai hàng năm vẫn lui tới Hương Sơn đều bị thu hút bởi giang sơn kỳ tú và bởi vẻ u huyền của chốn sơn lâm.

Thắng cảnh chùa Hương có tổng diện tích khoảng 18.000 hécta, bao gồm 18 chùa, đền, hang, động, và suối làm thành một quần thể kiến trúc đặc thù của loại hình chùa động, một loại hình kiến trúc hiếm thấy ở nước ta; Nằm rải ở 4 thôn, Yến Vỹ, Đục Khê, Hội Xã và Phú Yên thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây.
 
Các chùa động ở đây phần lớn được phát hiện và xây dựng vào các thế kỷ XVII, XVIII và XIX, đa số dựa vào sườn núi hoặc dưới thung lũng những nơi có địa thế đẹp để kiến tạo.

Mười tám điểm được chia làm 4 khu như sau:

Khu Hương – Thiên có 8 di tích là: động Hương Tích, chùa Thiên Trù, đền Trình Ngũ Nhạc, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, chùa Tiên Sơn, chùa Hinh Bồng, và động Đại Binh.

Khu Thanh Hương: gồm chùa Thanh Sơn và động Hương Đài.

Khu Long Vân: gồm chùa Long Vân, động Long Vân, động Cây Khế, hang Thánh Hoá.

Khu Tuyết Sơn: gồm chùa Bảo Đài, động Ngọc Long, chùa Ngư trì (chùa Cá), đền Trình Phú Yên.

Để đi hết được quần thể Hương Sơn, du khách phải mất 3 ngày.

Được đón giao thừa và chào năm mới ở chùa Hương là một nhân duyên đặc biệt. Tiếp đến, ngày khai hội là ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, được làm tại chính điện Thiên Trù. Ngày khai hội có tới hàng chục nghìn người tham dự.

Cao điểm của lễ hội chùa Hương vào dịp Khánh đản Đức Quán Thế Âm Bồ tát (Phật bà chùa Hương) đêm 18 rạng ngày 19 tháng 2 âm lịch. Hương Sơn lúc này rực rỡ ánh đèn với “ngũ bách hoa đăng” tượng trưng cho 500 danh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm tại động Hương Tích và kết thúc vào ngày 25 tháng 3 âm lịch – ngày giỗ Tổ Hương Tích.

Trong thời gian lễ hội Hương Tích còn có các lễ Kỳ An (rằm tháng Giêng), giỗ Tổ đời thứ 10 của Hương Tích (12 tháng Giêng) và nhiều buổi thuyết pháp ở chùa Thiên Trù.

Một điềm lạ là nơi đất thiêng, đó là cứ đến lúc vãn hội, vào khoảng 24, 25 tháng 3 âm lịch, trời lại đổ mưa rào, gọi là mưa rửa chùa. Qua 3 tháng lễ hội đón tới hơn nửa triệu lượt du khách tấp nập, Hương Sơn lại vắng vẻ, mưa như tẩy trần cả quần thể Hương Sơn như để trả chùa về với không gian u tịch của chốn sơn môn thanh tịnh.

Vẻ đẹp của Hương Sơn, không chỉ ở các khu vực đền chùa và động làm nao lòng khách du lịch bốn phương chính là vẻ êm đềm trải rộng đến hết tầm mắt của sơn thuỷ hữu tình. Từ mọi nẻo tới Hương Sơn con đường đưa du khách bắt đầu vào Hương Sơn chính là dòng suối Yến dài tới hơn 10 cây số.


Rời đường bộ và đi bằng đò từ bến Đục, du khách như cảm thấy thoát khỏi bụi bặm của đời thường. Dòng suối Yến thật hiền hoà, êm ái, làm tâm hồn thư thái, nhẹ nhàng biết bao. Lãng đãng đâu dây là những bông hoa súng lững lờ trôi. Hai bên bờ suối là những vạt ruộng lúa chạy dài theo dòng nước, tiếp giáp với những dãy núi đá xanh mờ trong sương.

Sương mờ vùng sơn địa làm cảnh vật thêm huyền ảo khiến những người đi đò sớm không thấy rõ đâu là đuờng phân giới giữa trời và nước, chỉ nghe lao xao tiếng người vẳng lại trên những con đò đang xuôi dòng. Để phục vụ du khách, Hương Sơn có tới trên 4.000 con đò chỉ chèo tay của dân hai thôn.

Sau hơn 1 tiếng ngồi đò vào đến bến Trò là lúc khách rời đò và bắt đầu leo núi. Thường, mọi người vào chào Đại đức trụ trì rồi xin phép Thầy đi lễ Phật. Trong dáng dấp cao gầy có phần khắc khổ và siêu thoát của người nhà Phật, Đại đức Thích Minh Hiền – trụ trì đời thứ 12 của Hương Sơn – vừa tiếp khách vừa lo sắp đặt chu toàn công việc từ bên chính điện, nhà Tổ đến bên dưới nhà khách, nhà trù.

Người tiếp khách rất chu đáo, vừa hỏi thăm vừa bố thí sách, cho lộc, chụp ảnh kỷ niệm, câu chuyện không hề bị  ngắt quãng mà công việc người đang sắp đặt vẫn trôi chảy.

Chuyên tâm thờ Phật, người cũng chăm lo tiếp tục công tác tôn tạo Phật đường, nhà trai, nhà lưu niệm, cải tạo con đường đi vào Hương Tích giúp cho việc đi lại của du khách đuợc thuận lợi. đây chính là công tác Đại đức kế tục tôn sư của Người là cố Thượng toạ Thích Viên Thành – trụ trì đời thứ 11 của Hương Tích.

Kể từ năm 1989, cố Thượng toạ Thích Viên Thành chính thức nhận lại việc quản lý nội tự chùa Hương từ Ban Quản lý thắng cảnh Hương Sơn. Từ đó, cố Thượng toạ đã trùng tu tôn tạo rất nhiều, nhất là phục hồi những công trình bị tàn phá vào những năm 1947-1950 trong chiến tranh như: chính điện, Tổ đường, cổng Nam Thiên Môn… Đến nay, chùa đã đi vào nền nếp quy củ của một sơn môn, với những công trình vốn có trước đây.

Đến tháng 5 năm 2002 – cố Thượng toạ viên tịch, Đại đức Thích Minh Hiền là Pháp tử của Ngài kế nhiệm trụ trì, tiếp tục công việc tôn tạo. Mười lăm năm nay kinh phí cho xây dựng, trùng tu đã lên tới hàng trăm tỉ đồng, nguồn từ hằng tâm, hằng sản của tăng ni, Phật tử thập phương và nhân dân mọi miền đối với danh lam thắng cảnh chùa Hương.

Việc kiến tạo tuy nhiều, song Đại đức cho biết: “Chúng tôi rất tôn trọng bản sắc kiến trúc hài hoà với cảnh quan thiên nhiên vốn có và luôn duy trì nếp sống thiền môn thanh tịnh, hạn chế tối đa những biến thái văn hoá du lịch của thời kinh tế thị trường!”.
 
Cùng với việc xây dựng vườn Tháp đá Chân tịnh – một công trình tri ân tôn sư, xây dựng thêm trai đường, khách đường, Bác vật quán, còn có một công trình lớn mà Đại đức trụ trì đời thứ 12 Hương Tích đang nỗ lực chăm lo, đó là cải tạo, mở rộng con đường núi từ bến Trò lên Hương Tích.

Con đường hàng ngàn bậc đá quanh co vào động chính Hương Sơn dài hơn 4km, trong những năm gần đây đã trở nên quá tải trong mùa lễ hội. Nhiều đoạn đường độc đạo quá hẹp nên bị ùn tắc nặng, ngay cả khi đường cáp treo đã hoạt động hết công suất từ 2 năm nay.

Dự án cải tạo đường chùa Hương được khởi động từ năm 2000, đến nay đang đi vào xây dựng. Những đoạn đường chính giúp giải quyết ách tắc được lựa chọn để cải tạo trước, những đoạn còn lại sẽ được bố trí làm dần từng năm căn cứ vào nguồn kinh phí của nhà chùa.

Năm 2006-2007, đoạn đường từ bến Trò vào Thiên Trù đang được xây dựng trên cơ sở mở rộng nền đường cũ, tạo bậc và lát đá xẻ. Ý tưởng của Đại đức trụ trì là sẽ cho tạo bậc, lát đá làm thành hai lối lên và xuống ở hai bên.

Chính giữa xây dựng đường phẳng tạo độ dốc hợp lý cho người tàn tật có thể đi lại bằng xe lăn. Như vậy, người tàn tật có thể đi lại dễ dàng từ bến Trò vào Thiên Trù bằng xe lăn, rồi từ Thiên Trù vào Hương Tích bằng đường cáp treo.

Trước đó, năm 2004-2005 Quan Âm Kiều đã được xây dựng cũng là một công trình có nhiều tính sáng tạo, tính mỹ thuật cao. Đây là đoạn cuối cùng của con đường đá dẫn vào cửa động Hương Tích.

Nơi đây, trước vốn là một đoạn đường đá chật hẹp, rất hay tắc nghẽn. Nhận thấy rằng khi hệ thống cáp treo hoàn thiện đi vào hoạt động thì mật độ người tập trung ở đây còn đông hơn gấp bội, Đại đức trụ trì đã gấp rút cho xây dựng Quan Âm Kiều nhằm mở rộng đoạn đường ở đây.

Trên nền đường rộng 2m-4,5m cũ, giờ là một công trình đường bộ kết hợp cầu cạn xây dựng vĩnh cửu rộng 6m, đoạn vào cửa động Hương Tích rộng 8m, bề mặt đổ bêtông từng bậc, trên cùng lát đá xẻ, lan can chạm hoa văn, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống thoát nước được xây dựng một cách hoàn chỉnh, một Khán Sơn Lầu làm chỗ cho du khách dừng chân được bố trí ở đoạn gần giữa cầu cạn.

Du khách sau 4.000m đường núi quanh co từ bến Trò lên, bỗng thấy mở ra thênh thang trước mắt một đoạn cầu dài 108m, hình dáng giống như một con rồng lớn đang bay lên, đó là Quan Âm Kiều mới được xây dựng. Qua Quan Âm Kiều, phía đầu rồng hướng lên chính là cổ động Hương Tích, du khách thấy mình đã vào đến động Chính chùa Hương.