Trang chủ Blog chùa Quảng Ninh. Chùa Tiêu Dao Khóa Tu Học Cuối Năm

Quảng Ninh. Chùa Tiêu Dao Khóa Tu Học Cuối Năm

145

Sáng ngày 26/12/2019 (nhằm ngày 01 tháng 12 năm Kỷ Hợi), 400 quý thiện nam tín nữ Phật tử về chùa Tiêu Dao tham dự khóa tu 1 ngày an lạc. Nhân dịp này đại chúng được Đại đức: Thích Tâm Tịnh – Trụ trì chùa Tiêu Dao hướng dẫn cho đại chúng về : “Oai nghi của người Phật tử”

Oai nghi của người Phật tử được thể hiện trong những hành động như: Xá chào, lạy Phật, đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, uống, ngủ nghỉ v.v…

  • Xá Chào

Khi gặp chư Tăng hay bạn đồng đạo, chắp tay xá chào như sau: Đứng ngay thẳng, hai bàn chân khép lại theo hình chữ V, hai tay chắp ngang trước ngực, 10 ngón tay hướng lên. Khi chắp tay không được bọng giữa, các ngón tay không so le, không để ngang miệng, hai bàn tay không sà xuống. Trước khi xá chào hai tay chắp trước ngực, trong khi xá toàn thân trên khom xuống một góc khoảng gần 60 độ, tay cũng xá xuống theo, kèm theo câu niệm “A Di Đà Phật.” Không đứng xa quá 3 mét. Không đứng trên cao xá xuống, không ngồi xá, không vừa đi vừa xá, không xá một tay, không cầm vật trên tay xá, đang làm việc hoặc tay dơ bẩn không được xá, không xá theo kiểu mổ. Người Phật tử khi đến chùa và lúc ra về phải chào Thầy trụ trì.

  • Lạy Phật

Khi nghe tiếng chuông thì lạy xuống, nghe dập chuông thì đứng dậy. Không đứng chính giữa chánh điện làm lễ. Không đi ngang qua chỗ người đang lễ. Không lên chỗ bục của chư Tăng hành lễ. Khi chư Tăng đang ăn cơm, cạo tóc, đọc kinh, làm việc, kinh hành… đều không được làm lễ. Tư thế khi lạy: Điều chỉnh thân nghiêm chỉnh, hai chân khép lại theo hình chữ V, hai tay từ tư thế chắp trang nghiêm trước ngực từ từ đưa lên trán, khom mình xuống, chống tay xuống đất xong ngửa hai bàn tay ra và trán chạm xuống đất ở giữa hai bàn tay. Toàn thân phải hạ sát đất, hai bàn chân duỗi ra, mông chạm sát trên hai gót chân. Đó gọi là “Năm vóc sát đất.” Khi đứng dậy, tay phải chống đất, tay trái giữ tư thế chắp tay, từ từ đưa thân mình về vị trí ban đầu, đồng thời xá một xá. Tư thế quỳ: Lưng phải ngay thẳng, đầu hơi cúi xuống, hai tay chắp ngay ngắn trước ngực.

  • Tướng Đi

Người Phật tử phải đi khoan thai nhẹ nhàng, chững chạc, dù trong nhà hay ngoài đường lúc nào cũng phải giữ tướng đi cho ngay thẳng trang nghiêm nhưng không mất vẻ tự nhiên. Không được vừa đi vừa nhảy, không liếc ngó hai bên, hoặc hát nghêu ngao, không đi ưỡn ẹo, không đi nhón gót, không vừa đi vừa đưa tay lên xuống quá cao, không vừa đi vừa mặc hoặc cởi áo tràng. Phải nhường bước cho người lớn đi trước. Không đi trước mặt Thầy, không đi ngang vai với Thầy, phải đi phía sau Thầy. Lên xe, phải nhường cho người già cả, yếu đuối lên trước. Đừng chen lấn, xô đẩy giành chỗ ồn ào làm mất tư cách của người Phật tử.

  • Tướng Đứng

Không đứng dựa tường, dựa ghế, dựa cột, không đứng khúm núm, không đứng chống nạnh ra oai. Khi đứng nói chuyện với chư Tăng nên đứng nghiêm chỉnh, hai bàn chân đặt theo hình chữ V, hai tay chắp hoặc buông xuống. Khi hành lễ, tụng kinh phải đứng ngay thẳng nghiêm chỉnh, hai tay chắp trước ngực. Không day qua day lại liếc ngó láo liên, không đi tới lui làm mất trật tự.
Không được đứng trên cao nói chuyện hay kêu gọi chư Tăng ở dưới thấp.

  • Tướng Ngồi

Nếu ngồi trên ghế phải ngồi thẳng lưng, hai chân thòng xuống để ngay ngắn trên đất. Khi ngồi không ngoẹo đầu, ngoẹo cổ, không khom lưng, không dựa ngửa, dựa nghiêng, không ngồi úp mặt trên bàn, không ngồi chồm hổm trên ghế, không ngồi gác chân chữ ngũ, không ngồi rung đùi, không lắc lư hai chân, không gác chân lên ghế, lên bàn. Khi tụng kinh, tọa thiền phải ngồi ngay ngắn, lưng thẳng như tường vách. Có hai cách ngồi:

– Kiết già: Bàn chân trái đặt lên đùi chân phải và bàn chân phải đặt lên đùi chân trái (kéo sát vào thân). Bàn tay phải đặt ngửa trên bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau.

– Bán già: Bàn chân trái đặt lên đùi chân phải hoặc bàn chân phải đặt lên đùi chân trái. Bàn tay phải đặt ngửa trên bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm nhau. Không được ngồi nói chuyện khi chư Tăng đang đứng (hoặc ngồi thiền, niệm Phật). Khi tiếp xúc với Thầy, Thầy cho phép ngồi mới ngồi, không được tự ý ngồi trước.

  • Tướng Nằm

Khi nằm ngủ hay nghỉ ngơi, không nằm nghiêng bên trái, vì trái tim nằm về phía trái của lồng ngực, tim sẽ bị đè nén, máu không lưu thông được, dễ dẫn đến ác mộng, (có thể nằm ngửa với tư thế thân ngay thẳng, hai chân khép lại, tay đặt trên bụng hoặc duỗi thẳng, nên lấy mền che phần bụng dưới lại cho kín đáo). Không nên nằm sấp vì buồng phổi bị ép làm khó thở. Nằm theo thế cát tường tức là nằm nghiêng bên phải, chân tay duỗi thẳng (giống tư thế Đức Phật nhập Niết bàn), đây là cách nằm an lành tốt đẹp, vừa trang nhã vừa có lợi cho sức khỏe. Qua thời gian gần hai tiếng đồng hồ, Đại Đức đã giúp cho Phật tử hiểu nhiều hơn về oai nghi của người Phật tử, nhằm lấy đó làm hành trang trên bước đường học Phật.

CTV