Trang chủ Người thời nay Soạn giả, Nghệ sĩ Hồ Kiểng đã nhẹ nhàng theo cánh hạc...

Soạn giả, Nghệ sĩ Hồ Kiểng đã nhẹ nhàng theo cánh hạc bay xa

145

Trái tim nghiệp dĩ ấy đã song hành cùng hành trang tư duy, khả năng của Chú đi xuyên suốt tình người, lướt qua nhiều khen chê và có cả khinh miệt của không ít người chưa hiểu Chú.

Nhờ vậy Chú là một nghệ sĩ hành chữ NHẪN cao nhất mà tôi từng chứng kiến. Nhưng với bản chất thiệt thà và bộc trực Nam Bộ, Chú đã chuyễn hóa rất nhiều trái tim  méo mó mà cũng làm phiền không ít trái tim tự cho rằng mình tròn trịa.

Trong sổ tay của tôi còn lưu lại bút tích của Chú bốn câu thơ ngẫu hứng, đọc lại không tránh khỏi đôi phút giây chùng xưống trước muôn ngả chợ đời:
                 
Với khán giả tôi là người được mến mộ
Với bạn ghiền tôi là kẻ ch8ãng ai chơi
Với nghệ thuật tôi là đứa bị bỏ rơi
Với tình yêu tôi là người xấu số.

Bởi vậy mà Chú luôn đeo cặp kính nhưng không có tròng kính! Có hỏi hoài Chú cũng chỉ nói đơn giản “Tui thích ằng vậy“. Vừa tếu tếu vừa khinh khinh đùa cợt với sự đời đang diễn ra  qua đôi… tròng không kính. Nhưng có hiểu nỗi niềm của Chú mới thấy “ằng vậy mà hỏng phải vậy à nghen” bởi vì qua đó Chú sẽ nhìn rõ hơn cuộc đời với những người sống khác Chú, thấy sai không dám nói, thấy bậy không dám sửa.


Tôi biết Chú qua những tháng ngày cùng thầy Thích Đồng Bổn tần mần từng bước gầy dựng nền văn nghệ Phật giáo ở cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, mà trước đó Chú đã có mặt sớm nhất.

Thật ra trước đó nữa, tôi biết Chú qua thời gian viết bài ca lẻ cho đài TNNDTPHCM, nhưng lúc ấy với tôi và Chú có hai khoảng cách  lớn; người ái mộ và ngừoi được ái mộ. Chú đã vận dụng hết nhiệt tâm của một người nghệ sĩ có  thâm niên dầy cộm và với một tinh thần vô vị lợi, nhanh cóng trở thành ê kíp quan trọng hỗ trợ bên Thầy Đồng Bổn trong những tháng ngày ban sơ còn nhiều bỡ ngỡ ấy.

Về mảng cổ nhạc, đây là ê kíp nặng ký nhất gồm Cố Nghệ sĩ Út Trà Ôn, Nghệ sĩ Út Bạch lan, Nghệ sĩ Thanh Sang, Nghệ sĩ Kim ngọc và Chú Hồ Kiểng.

Như vậy Chú là soạn giả duy nhất lúc đó. Ngoài việc tận dụng những sáng tác có chủ đề về Phật trước năm 75, những bài ca cổ mới đều do Chú sáng tác với sự khích lệ của Thầy Đồng Bổn.

Chú Hồ Kiểng trong đêm văn nghệ 3/3/1993. Đây là đêm văn nghệ nhân ĐạiHội PG thành phố nhiệm kỳ IV (1993-1997)tại nhà văn hóa lao động thành phố nhờ sự giúp đở của Thầy Đồng Bổn, Thầy Đồng Điển, Thầy Đạt Niệm, Thầy quảng tâm…do tôi đứng ra thực hiện. Có thể nói đây là lần đầu tiên văn nghệ PG được biểu diễn một nơi  lớn như vậy.

Những bài sáng tác của Chú lúc ấy có nhiều bài được ưa thích mà chính cố nghệ sĩ Út Trà Ôn từng nói riêng với tôi rằng “Thành thấy không, bài của Ổng có mấy câu rất hay mà tui phải lấy đó làm bài ca thường xuyên ở các chùa. Tui thích nhất là câu “Trăng rụng trắng sân chùa…” quá hay”.

Đó là các bài Chi Bằng Sớm Kệ Chiều kinh, Tu Là Cõi Phúc…Khi tôi được trực tiếp về cộng tác, tạo thêm sức mạnh cho ê  kíp cổ nhạc, Chú vẫn luôn lắng nghe mọi góp ý và còn thấy hăng say hơn trong sáng tác.

Chú thiệt thà nói với tôi rằng “Tui chỉ viết theo cung cách hồi xưa, dùng mấy từ ngữ cũ, còn lại cái gì nữa  DKT coi lại dùm tui nghe”.

Những khi đi xa, ngủ cùng nhau, tôi  góp ý nửa đùa nữa thật là Tu thì phài sướng, phải vui mới giải thoát được, chứ tu gì mà tối ngày chỉ có biết sớm mõ chiều kinh hay chay lạt muối dưa thì tu sao nổi !

Cả hai Chú cháu cười sang sảng. Nhưng cái đức tính khiêm nhường ấy đối với một “đồng nghiệp” (Chú hay gọi tôi trong thư từ như vậy) chỉ đáng tuổi hàng con cháu mình và còn là một khán giả ái mộ mình nữa thì trước tiên với tôi đó là một nhân cách quá to lớn mà ít khi tôi được gặp.

Tôi và Chú trở nên gần gũi, thân thiết là nhờ thế. Có đi đâu giao lưu hay biểu diễn, nhất là đi các Chùa (thời gian đó chưa có “bầu sô” chuyên tổ chức “hát chùa” như bây giờ), Chú thường có mặt, và tôi là người luôn bên cạnh dìu đỡ cho Chú, nhất là khi Chú đã gắn máy trợ tim.

Từ đó về sau, hễ cứ mỗi chương trình thu âm ca cổ Phật giáo nào do tôi được phân trách nhiệm biên tập thì dứt khoát phài có bài của Chú. Ở album “Từng Giọt Ma Ni 4”, Chú  nhận lãnh trách nhiệm lớn là phổ hai bài thơ của cố HT Thích Thông Bửu thành hai liên ca diễn khúc mang tên “Tình Quê Mẹ” và “Tình Quê Ngoại”.

Trong album “Nương Ánh Từ Quang” của Đạo Phật Ngày Nay, Chú có  bài “14 Điều Răn Của Phật” do nghệ sĩ Hồng Nga ca và trong album: “Mênh Mông Trời Biển” cũng do Đạo Phật Ngày Nay  thực hiện, Chú có hai bài là “Mẹ Và Con” và bài “Bà Nhà Tôi Đã Hiểu”.

Rất tiếc những chư tôn từng có Chú bên cạnh giờ phần lớn đã  ra đi, còn lại chỉ là những chán chường của sự thật tranh dành, làm đổ bể nát tan công trình khi xưa ấy của các vị, trong đó có Chú cháu mình.

Bây giờ ai cũng sáng tác cổ nhạc được, sáng tác rất hăng để góp phần “cúng dường” và mặt bằng văn nghệ thì lan ra các nhà hát lớn với sao ngàn sao lấp lánh trên bẩu trời chật hẹp của cái “Ta” to lớn, mới thấy nhớ thời Chú cháu mình đồng cam cộng khổ mà không có chút một  phần thưởng nào đáp trả, thì làm sao mai đây  mình lấy gì để mà “cúng dường”  như các phong trào hiện nay.

Chú đã đi rồi! Thôi khép lại một  chương hồi ức quá tinh khôi, quá mỏng manh mà cũng quá ươn ướt nỗi niềm thế sự. Chú hãy mang theo cặp kính không tròng và xếp lại  trong túi áo. Nó cũng cần được nghỉ ngơi sau hơn 80 năm trường lăn lóc gió bụi trần ai.

Hãy bay cao và bay xa, cánh hạc buồn vươn.