Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Thơm mùi Tết cũ

Thơm mùi Tết cũ

86




1. Cứ mỗi lần chạm vào mùi nhang thơm là biết Tết đã gần. Vợ có thói quen cắm nhang thơm ngoài sân vườn tháng này. Buổi tối se lạnh, mùi nhang trầm phảng phất trong cây lá vừa thơm vừa thấy lòng mềm lại. Mùi của nhà chùa ngày Tết, nhưng chùa xa xưa kìa, khi còn vắng vẻ hay không quá đông như bây giờ, nhang khói mịt mù, mắt mũi cay xè, ho sặc sụa. Chùa ở đô thị thường quá đông…


2. Khi còn nhỏ, con đường dẫn ra sân bay Tân Sơn Nhất bây giờ là khu quân sự, vắng vẻ chỉ cỏ tranh, tha ma, hàng rào kẽm gai ngút ngàn… Ngôi chùa nhỏ nằm khuất sau rừng cao su im ắng. Mùa hè ve kêu rầm rĩ cả ngày, mùa xuân (cứ gọi thế) thì tiếng chim lẩn khuất. Thường theo mẹ đi chùa này, mẹ tôi kể cũng lạ ở xứ đạo, đi nhà thờ nhưng Tết vẫn thường đến chùa. Ngày xưa “lương, giáo” còn định kiến nặng nề, nhưng mẹ tôi bảo Chúa hay Phật đều dạy con người làm lành lánh dữ, có tôn giáo nào dạy điều ác đâu!”.


Nghĩ như mẹ tôi ngày ấy không nhiều người, nhờ cái nghĩ đơn giản nhưng đúng ấy của mẹ mà tôi được hưởng những mùa Giáng sinh rộn rã đầy ánh sáng lẫn những ngày Tết lễ chùa trang trọng, tôn nghiêm. “Đầu mùa xuân cùng em đi lễ… Lễ chùa này vườn nắng tung bay….” Nhạc sĩ Phạm Duy viết nhạc từ lời thơ của thi sĩ – tu sĩ Phạm Thiên Thư, nó quá đúng hình ảnh chùa chiền ngày Tết. Mẹ vào lễ Phật, tôi tha thẩn ngoài vườn chùa. Hoa cỏ ở chùa cũng là những loại quen thuộc, thường thấy để chưng hoặc để chưng Phật. Hoa trang đỏ, hoa sứ trắng, ngọc lan… vừa cho bóng mát vừa có hương thơm. Dáng cây hoa sứ đứng trong sân chùa cổ kính tôn nghiêm lạ lùng bởi những đường nét vặn xoắn của dáng cây. Tôi thích ngọc lan, cây mới trồng chỉ cao quá đầu người tí chút nhưng hoa đầy nách lá, trắng muốt nho nhỏ như những ngón tay con gái. Xưa, chùa ít người vắng vẻ nên chỉ có các bảng “Xin đừng ngắt (hái) hoa nhà chùa” như bây giờ. Tôi thường vít cành hái ngọc lan bỏ đầy túi áo mang về. Đến nhà, xổ túi áo ra toàn những hoa cho mẹ, bà xoa đầu khen “Có hiếu nhỉ!”. Mẹ có thói quen gội đầu bồ kết hoặc thả ngọc lan vào chậu nước trong. Tóc dài đen mướt xổ xuống chậu nước loang dần ra như mực tàu, cổ mẹ trắng, những búp ngọc lan sóng sánh lẫn vào cái suối mực đen tuyền ấy. Tối đi ngủ, rúc vào cổ mẹ. Thơm thoang thoảng, chưa bao giờ rúc vào cổ mẹ mà lại ngủ mơ ác mộng. Chỉ duy nhất không hiểu tại sao ít thấy mẹ cười. Còn bé quá biết gì nhiều chuyện đời.


3. Bây giờ mẹ mất đã lâu rồi; ngôi chùa vẫn còn, chỉ rừng cao su, bãi tha ma, khu quân sự biến mất. Hòa bình hơn 30 năm rồi còn gì. Đường ra sân bay như một quận mới. Ngôi chùa lọt thỏm vào “khu đô thị”, nhiều lần tìm mãi mới mới ra. Cây ngọc lan đã cao như cổ thụ, chùa thay đổi nhiều, khang trang hơn, nơi bậc tam cấp dẫn lên chính điện, rêu xanh phủ kín, vạch rêu vẫn còn thấy dấu chân chim sẻ nhảy lách chách ngày xưa trên nền xi măng ướt…


Dấu chân chim thì trẻ, rêu xanh vẫn trẻ, chỉ ta sắp già. Lần này nhờ chú tiểu hái hoa, vài búp nhỏ bỏ túi để nhớ ngày xưa thôi. Chùa bớt im ắng, tiếng xe ngoài đường vọng vào, chỉ mùa hương trầm cắm ở góc hoa đại cổ kính vẫn phảng phất như cũ…


Mùi nhang trầm ấy…


Cũng thơm mỗi năm


trong sân nhà nhắc Tết.