Trang chủ Thời đại Giáo dục TP.HCM : Có hơn 134 bài tham luận tham gia Hội thảo...

TP.HCM : Có hơn 134 bài tham luận tham gia Hội thảo Phật Học VN thời hiện đại

151

Đó là con số được báo cáo từ Ban tổ chức Hội thảo học thuật “Phật học Việt Nam thời hiện đại: bản chất, hội nhập và phát triển” trong lễ bế mạc chiều ngày 07/12/2019 tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam (cơ sở II – Lê Minh Xuân, Bình chánh),

Lễ bế mạc Hội thảo Phật Học Việt Nam thời hiện đại
Toàn cảnh buổi lễ tổng kết

Theo báo cáo tổng kết của Ban tổ chức, Hội thảo đã được chuẩn bị trong 6 tháng và diễn ra trọn ngày 07/12/2019 đã khép lại với 82 bài thuyết trình trong tổng số 134 bài tham luận thông qua 6 diễn đàn khác nhau.

TT.Thích Tâm Đức báo cáo

Ngoài các bài nghiên cứu được in trong 4 quyển sách chuyên khảo của hội thảo lần này, còn có các ý kiến phát biểu, thảo luận của nhiều cử tọa tham dự ở các diễn đàn học thuật chuyên môn. Các ý kiến này phản ánh những quan điểm, góc tiếp cận khác nhau về giáo dục Phật giáo, cũng như đề nghị, vận dụng giáo dục Phật giáo vào cuộc sống, nhằm giải quyết các vấn nạn khổ đau của con người. Có thể chia các vấn đề đã được thảo luận thành 4 nhóm chủ đề như sau:

  1. Về chủ đề: “Giáo dục Phật giáo: bản chất, phương pháp và giá trị” gồm 18 bài tham luận, phản ánh các giá trị cốt lõi của giáo dục Phật giáo nói chung và các phương pháp giáo dục của đạo Phật nói riêng.

Nội dung các bài tham luận trong diễn đàn này góp phần hình thành các lý thuyết giáo dục Phật giáo nhằm khai phóng tâm thức người học, giúp trở nên sáng trí, sáng tạo và phát minh. Các tác giả còn khẳng định rằng, giá trị cốt lõi nhất của giáo dục Phật giáo là giúp con người đạt được sự tỉnh thức thông qua việc học hỏi chân lý Phật, nghiền ngẫm thấu đáo chân lý Phật và các quy luật cuộc sống, đồng thời, thực tập đạo đức và thiền định để trị liệu các nỗi khổ và niềm đau.

Giáo dục Phật giáo bên cạnh việc được thừa nhận như một nền giáo dục chân chính trong hệ thống giáo dục công lập và tư thục trên toàn cầu, còn là nền giáo dục đặc thù với các giá trị cốt lõi như đạo đức, chánh niệm, tỉnh thức, giải phóng tâm, giác ngộ và giải thoát khỏi các khổ đau, giúp con người trở nên thánh thiện và toàn hảo.

ĐĐ.Thích Giác Hoàng dẫn chương trình phiên bế mạc

  1. Về chủ đề: “Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển” gồm 50 bài tham luận, liên quan đến nhiều chủ đề khác và được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu giáo dục Phật giáo, nhằm góp phần xây dựng nền Phật học Việt Nam ngang bằng với nền Phật học trên toàn cầu.

Ở diễn đàn này, các diễn giả đề cập đến truyền thống giáo dục Phật học tại Việt Nam, các phong trào Phật học tại Việt Nam, các nhân vật có công phát triển Phật học tại Việt Nam, đề xuất cải cách Phật học tại Việt Nam gồm HVPGVN tại Tp. HCM.

Không chỉ dừng lại ở khái niệm “Phật học Việt Nam thời hiện đại”, nhiều cử tọa còn nhấn mạnh đến tiến trình hội nhập và phát triển của nền Phật học Việt Nam, qua đó gợi mở hướng phát triển bền vững nền Phật học Việt Nam và đóng góp nhiều hơn nữa cho giáo dục Việt Nam và giáo dục trên thế giới.  Ba chủ đề được bàn nhiều, là: i) truyền thống giáo dục Phật học tại Việt Nam, nhấn mạnh tính kế thừa truyền thống và phát triển trong tương lai. ii) các phong trào Phật học tại Việt Nam, các học giả đặc biệt quan tâm giai đoạn triều Nguyễn, Pháp thuộc và giai đoạn từ năm 1964 đến nay. iii) nhân vật Phật giáo có công phát triển nền Phật học Việt Nam trong thời cận hiện đại, giới thiệu một số Đại sư và các cư sĩ nổi bật.

Sự hội nhập và phát triển của nền Phật học Việt Nam thời hiện đại là một xu thế tất yếu, đòi hỏi nguồn chất xám tập thể, lý tưởng và tinh thần phụng sự nhân sinh của lãnh đạo các trường Phật học cũng như các giảng viên và các nhà nghiên cứu Phật học. Ý kiến của các nhà nghiên cứu đã đề suất, có thể được sử dụng trong định hướng chiến lược và xu thế phát triển nền Phật học tại Việt Nam trong hiện tại và tương lai theo hướng bền vững.

  1. Về chủ đề: “Chương trình Phật học tại Việt Nam và trên thế giới”. Có 50 bài nghiên cứu so sánh chương trình Phật học tại Việt Nam và 12 nước tiêu biểu trên thế giới bao gồm Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Tây Tạng, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, vương quốc Anh và Pháp.

Các diễn giả trong diễn đàn này, ngoài các nhà nghiên cứu, giảng viên HVPGVN tại Tp.HCM, còn có các sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang du học tại 12 nước, đã hoan hỷ đóng góp bài tham luận và đưa ra nhiều so sánh, nhận định phong phú.

Đây là những dữ kiện hữu ích, góp phần vào công cuộc cải cách, xây dựng nền Phật học Việt Nam trong quá trình hội nhập, nhằm đưa nền Phật học Việt Nam vươn lên một đẳng cấp mới trong khu vực và trên thế giới.

  1. Về chủ đề “Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và ngoài xã hội”. Có 35 bài nghiên cứu của các nhà Phật học và các học giả thuộc các lĩnh vực khác nhau, chia làm 3 nội dung chính: (i) Giáo dục đạo đức Phật giáo trong xã hội, (ii) Giáo dục đạo đức Phật giáo vào trường học, (iii) Giáo dục đạo đức Phật giáo cho thanh thiếu niên, học sinh và sinh viên. Các nhà giáo thuộc các trường Đại học, Học viện khác nhau cho rằng, đạo đức Phật giáo và thiền học Phật giáo có thể được sử dụng làm nền tảng thực tập và phục hưng nền đạo đức Việt Nam đang bị xuống cấp, do khủng hoảng về lối sống và lý tưởng sống trong một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay.

Tiếng nói thống nhất của các nhà nghiên cứu, là sớm đưa môn đạo đức Phật giáo và thiền định Phật giáo vào học đường với các cấp học khác nhau nhằm góp phần cứu vãn tình hình bất ổn nêu trên. Bởi lẽ, nền giáo dục đạo đức Phật giáo luôn phù hợp với mọi đối tượng, trong đó có thanh thiếu niên, xây dựng lý tưởng sống cao quý, hữu ích. Do đó, việc giảng dạy và thực hành thiền trong nhà trường sẽ giúp cho các học sinh, sinh viên sống sâu sắc hơn và trang bị thêm nhiều kỹ năng sống hữu ích, vượt qua các biến cố trong cuộc đời.

Trên thực tế, chúng ta thấy, các nước phương Tây vốn theo các tôn giáo hữu thần như Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành giáo, thế mà nhiều trường học của họ đã mạnh dạn giảng dạy môn đạo đức và thiền định Phật giáo cho học sinh và sinh viên. Tương tự, nhiều nhà tù tại Ấn Độ vốn theo Ấn Độ giáo và nhiều nhà tù tại Hoa Kỳ vốn theo Tin Lành giáo và Thiên Chúa giáo lại mạnh dạn đưa thiền học Phật giáo vào trại giam, cho phạm nhân thực hành. Không có lý gì Phật giáo, tôn giáo đồng hành với dân tộc, đất nước và con người Việt Nam suốt 20 thế kỷ qua, lại chưa được phép việc làm việc hữu ích tương tự trong nhà trường và trại giam tại Việt Nam.

Kết thúc hội thảo lại mở ra một chương mới, tạo ra sự tương tác học thuật giữa HVPGVN tại TPHCM với các trường Đại học trong nước và các Trường Đại học trên thế giới.

N.H – Anh Quốc