Trang chủ PGVN Cửa thiền Vị tu sĩ trẻ xóm chùa

Vị tu sĩ trẻ xóm chùa

79

Làm gì cũng từ cái tâm


Vị sư trẻ mà chúng tôi nói ở trên chính là ĐĐ.Thích Nhật Thanh (33 tuổi). Thầy là người Bến Tre, thế phát xuất gia cũng ở Bến Tre, rồi sau đó học cao đẳng ở TP.HCM.


Thế nhưng nhân duyên thầy lại ở Tiền Giang mà lại là nơi co nhiều người theo đạo Phật, tin tưởng, sẵn lòng đến với Tam bảo. Lúc mới về nhận chùa thì ngôi chùa vẫn còn ngổn ngang nhiều thứ. Người dân ở đây chủ yếu là làm vườn với sản phẩm chính là cây trái nên đời sống khá ổn định nhưng không phải là giàu có.


Khi về nhận chùa thầy bắt đầu xúc tiến việc làm chùa với tâm niệm “tạo ra nơi trang nghiêm, rộng hơn, lớn hơn cho quý Phật tử về tu tập”. Thấy được ước vọng của bà con Phật tử nên thầy quyêt tâm đi kêu gọi từ nhiều nguồn: Phật tử địa phương, quen biết, thập phương…


Và cũng với tâm niệm ấy cứ hễ “có đến đâu thầy làm đến đó” và sau ba năm ngôi Đại hùng bảo điện đã thành hình dù vẫn còn nhiều khó khăn. Gặp chúng tôi trong căn nhà khách bằng lá dừa thầy chia sẻ: “Có được cơ ngơi như vậy là nhờ sự ủng hộ của rất nhiều Phật tử”.


Nhưng qua những chia sẻ của thầy cũng như những Phật tử ở ấp Lương Trí thì “nhờ sự tận tụy, năng động và cái tâm của thầy đã thu phục được nhân tâm”.


Những ngày này thầy Nhật Thanh còn có một niềm vui khác khi cây cầu Bà Đuân ở xã An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang) do chính thầy đứng ra vận động những tấm lòng của nhóm Phật tử từ thiện “Vòng tay nhân ái” trên TP.HCM vừa hoàn thành.


Cây cầu nối nhịp cũng là lúc thầy thở phào: “Vậy là bà con ở ấp 3 đã có chiếc cầu khang trang, đi lại chắc sẽ dễ dàng hơn… Thiệt tình, công đức xây cầu của quý đạo hữu từ thiện trên Sài Gòn lớn lắm, bà con ở đây cũng mừng lắm”. Vâng, với vị thầy trẻ ấy là thế, lúc nào cũng từ hòa, nhã nhặn và đem hết tâm của mình để “làm được cái gì tốt cho người thì ráng làm”.


Đạo tràng trẻ


Chiều xuống dần, khi trời chưa tối hẳn thì những Phật tử của chùa Phước Chơn đã vân tập về chùa với màu áo lam thật hiền hòa. Các Phật tử của chùa đều là những bạn trẻ tuổi từ 12 đến 20, tất cả đều tin tưởng Phật và quý kính thầy.


Đến chùa sớm để lắng lòng nghe chuông công phu chiều, chờ đến 6 giờ 30 chiều là thầy trò lên ngôi chánh điện để tụng kinh, niệm Phật. Bài kinh được thầy khởi xướng, đạo tràng toàn những người trẻ bắt theo một cách đều đều lại ở nơi thôn quê đã tạo nên một màu sắc riêng, vừa thanh tịnh vừa có cái gì đó nhiệm mầu làm lắng tâm người nghe.


Phật tử Thiện Huệ ở TP.HCM đi cùng chúng tôi khi nhìn hình ảnh dễ thương của đạo tràng trẻ do ĐĐ.Thích Nhật Thanh hướng dẫn đã hoan hỷ: “Một đạo tràng ít người nhưng thật sự làm người khác phải ngưỡng mộ”.


Sau khi tụng kinh xong, những Phật tử trẻ cùng thầy trò vào lao động nhỏ với công việc nhồi bột, xe nhang. Những Phật tử xúm xuýt, thay phiên nhau ngồi vào bàn xe nhang và chỉ trong thoáng chốc đã ra lò được rất nhiều nhang.


Đây cũng chính là công việc phụ mà chùa làm để tạo thu nhập. Những Phật tử trẻ của Phước Chơn đều có “gốc gác” Phật tử vì đây là xóm đạo với hầu hết các hộ dân đều là Phật tử.


Có những hộ có đến cả nhà hoặc nửa nhà ăn chay trường (trừ những em còn quá nhỏ) nhưng nhà nào cũng biết ăn chay, cúng chay…


Đặc biệt, hễ có Phật sự gì là Phật tử ở đây hăng hái vào cuộc cùng với thầy nên đã chia sẻ gánh nặng với chùa nghèo, với bà con, thôn xóm…


Chia tay chúng tôi, vị thầy trẻ bộc bạch: “Được về đây trụ trì, cùng với Phật tử ở đây tu tập theo con đường của Như Lai là cái duyên, cái phước của thầy. Và Phật tử ở đây hiền hòa, hết lòng vì đạo pháp chính là cái tâm, cái đức của quý vị ấy. Điều đó thật là một nhân duyên lớn!”.