Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Bảo tháp Phước Duyên, một biểu tượng trong tâm thức người Huế

Bảo tháp Phước Duyên, một biểu tượng trong tâm thức người Huế

104

Cái mà tôi muốn đề cập đến ở đây chính là Bảo Tháp Phước Duyên (tọa lạc trên chùa Thiên Mụ) – Một trong những biểu tượng cho mảnh đất Thần Kinh này.

Theo Từ điển Larousse: “Biểu tượng là một dấu hiệu, hình ảnh, con vật sống động, hay đồ vật, biểu hiện một điều trừu tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay một điều gì đó”.

Nằm ở vị trí phía trước chùa Thiên Mụ trong tổng thể kiến trúc, nhưng tháp Phước Duyên được coi như trung tâm điểm, được ví như ngôi sao Bắc Đẩu, còn các công trinh khác như các vệ tinh bao quanh.

Đôi dòng lịch sử về chùa Thiên Mụ

Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.

Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.

Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ”.

Bảo tháp Phước Duyên

Tuy có sau bia và chuông của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) đến 135 năm, nhưng tháp Phước Duyên vẫn có vị trí đặc biệt quan trọng trong kiến trúc và lịch sử chùa Thiên Mụ. Trong dân gian miền Thuận Hóa, người ta không gọi là tháp Phước Duyên mà được gọi với một cái tên trìu mến là tháp Thiên Mụ.

* Lịch sử xây dựng ngôi tháp

Vua Minh Mạng là người đã nghĩ ra việc xây dựng một ngôi tháp tại chùa Thiên Mụ để trấn yểm cho kinh thành để “Tụ long khí cho bền long mạch”, song chưa thực hiện được thì ông đã băng hà, chỉ kịp để lại di ngôn cho người kế vị.

Vua Thiệu Trị (1841-1847) lên nối ngôi vua. Ông đã theo di chiếu của thiên hoàng sắc xây ở Thiên Mụ một ngọn tháp bảy tầng gọi là Từ Nhân Tháp, năm sau đó đổi lại thành Phước Duyên Bửu Tháp. Theo bia hiện còn tại chùa Thiên Mụ, thì Vua Thiệu Trị là người đã vẽ ra đồ án kiến trúc của Tháp.

Tháp được khởi công xây dựng từ năm Thiệu Trị thứ 4, Giáp Thìn (1844) và đến năm sau, Ất Tỵ (1845) mới xong. Lúc khởi công xây dựng tháp vua Thiệu Trị đã được 34 tuổi. Đang xây tháp thì trong năm đó trời đại hạn kéo dài từ cuối mùa hè đến cuối mùa thu. Đảo vũ không mưa, vua Thiệu Trị bèn ra lệnh xây gấp cho xong tháp Phước Duyên để cầu mưa. Cho nên đến năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) thì lạc thành. Khi lạc thành vua cho các Hoàng tử rước Kim thân Thế Tôn lên bảo tháp, tụng kinh cầu nguyện.

* Vật liệu xây dựng tháp

Vật liệu xây dựng tháp gồm có: đá Thanh chở từ Thanh Hóa vào, gạch Bát Tràng và gạch vồ có thể thợ Bát Tràng ngoài bắc được nhà Vua trưng tập vào kinh để làm tại chỗ, đất sét được đào lấy ở chân đồi Long Thọ và ở các làng Triều Sơn, nhất là Triều Sơn Nam – một vùng có thứ đất sét để làm gạch ngói rất tốt, bền. Ngoài ra thì còn có đồng và sắt. Người ta còn làm thứ gạch hoa lộng tráng men màu, ngói hoàng lưu ly, ngói lục lưu ly mà người ta thường cho rằng thanh lưu ly là do công ty của người Trung Hoa làm tại Long Thọ. Đặc biệt là phải có xưởng chế men pháp lam để làm các giao cù ở từng góc mái, các tầng tháp và nhất là bình Cam Lồ ở trên chóp tháp.. Vôi keo hồ quyết bằng giấy lệnh với vôi và đường hoặc mật mía “dẻo quẹo”, đặc quánh. Những vật liệu này đều do Bộ Công vào Bộ Hộ lo liệu.

* Về tên của Bảo Tháp

Lúc đầu Bảo Tháp Phước Duyên gọi là Từ Nhân Tháp, nhưng không hiểu vì lý do gì sau khi làm xong vua Thiệu Trị lại có lệnh đổi thành Phước Duyên Bửu Tháp. Tháp được xây dựng ở chính giữa sân, phần ngoài của chùa. Chính nơi đây đã thu hút khách vãn cảnh rất nhiều. Bởi bố cục kiến trúc ở phần sân này thực sự hài hòa chặt chẽ. Vị trí tháp đối với toàn bộ cảnh chùa là một vị trí vô cùng đắc địa, nếu xích ra một chút, tháp sẽ soi bóng xuống dòng Hương Giang rõ hơn, nhưng đối với toàn bộ cảnh chùa theo hình chữ “nhất” sẽ thiếu cân đối, vì tháp sẽ đè nặng lên một đầu; nếu xích vào một chút, phần trống ở bên ngoài quá nhiều và tháp lại không soi bóng xuống dòng sông được.

* Kiến thúc bảo tháp Phước Duyên

Tháp được xây dựng trên một nền hình bát giác bằng đá thanh ghép mộng rất kỹ thuật. Toàn thân tháp được kiến trúc theo hình này. Mặt tháp nhìn về hướng Nam chếch sang đông 150o. Từ nền tháp mà lên, toàn thân tháp gồm có 7 tầng. Tầng dưới lớn, các tầng trên, cứ một lớp gạch xây lên là có sự thu nhỏ dần theo tỷ lệ, cho tới tầng cuối cùng trên chóp thì có đặt một bình cam lồ. Chiều cao của toàn ngôi tháp kể từ mặt đất lên đến đỉnh bình cam lồ cao được 37 thước (cũ), theo thước của thời Thiệu Trị là 05 trượng 03 thước 02 tấc. Với cách tính của chúng ta hiện nay thì tháp cao khoảng 21m30.

Trong đại thể, tất cả các tầng tháp được thiết kế giống nhau về cơ bản, chỉ khác nhau về màu sắc. Mặt chính của tháp nhìn ra sông theo hướng Nam có chênh Đông 150o. Mặt này có bố cục giống nhau cho cả 7 tầng. Từ dưới lên trên đều được tô quét màu gạch hồng đậm. Chỗ hoành phi và câu đối được xây lõm xuống và quét màu trắng. Chữ ở hoành phi sơn màu vàng, chữ ở câu đối sơn màu tím đậm. Tất cả đều được đúc bằng đồng có đinh đóng sâu và gạch.

Hoành phi ở tầng thứ nhất có 4 chữ “Phước Duyên Bảo Tháp”. Đây chính là tên toàn ngôi tháp ở chùa Thiên Mụ. Hai vế đối khá dài:

Pháp vũ hoằng thi, vạn mộc côn trùng triêm lợi ích;
Thân vân biến mãn, hư không thế giới phóng quang minh.

Tầng thứ hai với hoành phi có 4 chữ “Phước Bị Quần Sinh”. Hai vế đối ngắn hơn:

Phổ tế quần sinh, sa giới viên thành chánh giác;
Hóa thông vạn loại, đại thiên cảm ngộ chân như.

Tầng thứ ba hoành phi có 4 chữ “Hóa Thông Vạn Loại”. Câu đối ngắn có tám chữ cho mỗi vế:

Tâm tức Phật, tế nhân quy vạn thiện;
Sắc thị không, xiển giáo định nhất tâm.

Tầng thứ tư, hoành phi có 4 chữ “Thiện Căn Hữu Khế” với một câu đối thơ:

Hằng hà sa giới, Nam mô Phật;
Bát nhã kinh văn, Cực lạc Thiên.

Tầng thứ năm hoành phi có 4 chữ “Phước Quả Thường Viên”. Hai vế đối mỗi vế chỉ có sáu chữ:

Đại diễn truy hoàng hương nguyện;
Cổ huy tăng hựu tiên linh.

Tầng thứ sáu hoành phi chỉ có 3 chữ “Cực Lạc Thiên”. Câu đối ở tầng này theo kiểu ngũ ngôn, tức mỗi vế có 5 chữ:

Từ bi nguyên hữu khế,
Bác thí khởi vô duyên.

Tầng thứ bảy trên cùng, hoành phi cũng chỉ có ba chữ “Tự Tại Thiên”. Hai vế đối mỗi vế có 4 chữ:

Đạo hàm nhất lý,
Hóa diệu vạn duyên.

Cách bố cục mặt trước của tháp đã được phối cảnh toàn bề mặt của bảy tầng tháp đầy vẻ trang nghiêm. Bảy mặt còn lại của toàn thân tháp đều xây gạch để trần không tô. Điều này không khỏi làm cho người ta nghĩ đến văn hóa Champa.

Ở mỗi tầng của tháp, trên mỗi cửa tròn lại có những nét hoa văn trang trí độc đáo:

Tầng dưới cùng hình chữ “thọ”

Tầng hai hình hoa thị sáu cánh

Tầng ba hình chữ “vạn” hồi văn

Tầng tư hình hoa thị bốn cánh bốn gạch

Tầng năm hoa văn hoa thị bốn cánh

Tầng sáu hoa văn chữ “thọ” đơn

Tầng bảy hoa văn chữ “vạn”

Những hoa văn này hoặc là bằng đồng với đường nét dày dặn, hoặc là bằng gạch nung có tráng men láng màu vàng cam.

Do những đặc trưng về kiến trúc, về màu sắc, nhất là các màu sắc ngói hoàng lưu ly, lục lưu ly; độ nung của các thứ ngói này; màu hoa văn của gạch có hoa văn lộng hàng chục kiểu khác nhau; màu men pháp lam ở các cù giao, nhất là ở bình Cam Lồ trên chóp tháp… Mà người ta có thể bảo rằng “Bảo tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ chính là một công trình văn hóa mang sắc thái mỹ thuật đặc trưng trong nền văn hóa Phú Xuân” (Hà Xuân Liêm – 2007, Những chùa tháp Phật Giáo ở Huế, NXB Văn Hóa Thông Tin). Tùy theo màu trời, màu mây và hình dạng các tảng mây đang trôi mà tháp có nhiều vẻ đẹp đầy tính nghệ thuật cho việc thu hình tháp vào ống kính máy ảnh.

Bên trong lòng tháp thì mỗi tầng có một bàn thờ tượng Phật mà trong bia “Thiên Mụ Tự Phước Duyên Bửu Tháp Bi” đã kể rõ từ tầng cao nhất xuống: “Đệ nhất quá khứ Tỳ Bà Thi Phật; đệ nhị Thi Khí Phật; đệ tam Tỳ Xá Phù Phật; đệ tứ Câu Lưu Tôn Phật; đệ ngũ Câu Na Hàm Mâu Ni Phật; đệ lục Ca Diếp Phật; đệ thất Tây Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, Tây Thiên Cực Lạc Pháp Vương; bồi chi A Nan, Ca Diếp tôn giả”. Nếu vào trong lòng tháp mà đi lên thì ta thấy các biển hiệu đề Phật đúng y như vậy. Để đi lên mỗi tầng tháp sẽ có một hệ thống cầu thang cuốn, tuy nhiên riêng tầng thứ 6 lên tầng 7 không có thang cuốn, mà muốn đi lên phải có hệ thống thang gỗ rời. Sở dĩ như thế là vì trên tầng thứ 7 có thờ tượng Phật Thích-ca.

* Qua trình trùng tu tôn tạo

Từ khi xây dựng tháp đến nay, tháp đã được trùng tu nhiều lần. Năm Tự Đức thứ 12, Đinh Mão (1867) Bộ Lễ đã đến kiểm tra tháp một lần vì tua tràng phan đứt và khăn lúp trên các pho tượng bị gián nhấm. Năm Thành Thái thứ 11 Kỷ Hợi (1899) để mừng thọ bà Từ Dũ 90 tuổi, lại cho trùng tu tháp một lần, hiện còn cái bia nhỏ do Bộ Công ghi mấy dòng nội dung trùng tu tháp lần này, dựng ngay phía sau tháp. Năm Duy Tân thứ 2 Mậu Thân (1908) vào ngày 12/06, Bộ Công còn trình tấu lên nhà Vua xin tu bổ tháp Phước Duyên vì bị sét đánh hư hại nhiều chỗ. Vào năm Kỷ Hợi (1959) tháp được đại trùng tu. Lần này người ta đã dùng đến 1.000 cây tre tốt để làm giàn giáo. Lần đại trùng tu này không dựng bia kỷ niệm gì; song người ta có phát hành một bộ tem “Tháp Phước Duyên” gồm hai con: một con màu xanh giá 0 đồng 30 hào và một con màu tím giá 4 đồng. Vào đầu thế kỷ XXI tháp Phước Duyên được đại trùng tu một lần với công trình đại trùng kiến chùa Thiên Mụ hiện đang được tiến hành.

Thay lời kết

Với vẻ đẹp mang tính kiều diễm được thiết kế bởi một kiến trúc sư tài ba mang tên vua Thiệu Trị, kết hợp với việc lựa chọn một thế đất đắc địa nơi “đầu rồng hướng ra sông Hương uống nước” đã tôn thêm cho vẻ đẹp của bảo tháp Phước Duyên. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nắng mưa của thiên nhiên nhưng tháp Phước Duyên vẫn đứng vững và là một biểu tượng đã ăn sâu vào tâm thức người dân Huế nói riêng và người dân cả nước nói chung, mỗi khi nhắc đến tháp Phước Duyên là nhắc đến Huế và ngược lại nhắc đến Huế là nhớ đến tháp Phước Duyên. Khi đã thành một biểu tượng thì nó sẽ trường tồn mãi mãi dù cho hình hài có thay đổi theo thời gian, theo lịch sử và hình ảnh Bảo Tháp Phước Duyên cũng sẽ như thế mãi mãi trong tâm thức người dân xứ Huế và người dân cả nước.