Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Bí ẩn bức họa đồ hơn 700 năm chìm nổi

Bí ẩn bức họa đồ hơn 700 năm chìm nổi

122

Qua buổi nói chuyện, phần nào bí mật về phiên bản bức tranh cổ được rao bán đấu giá 1,8 triệu USD vào tháng 4-2012  dần dần được công chúng biết đến nhiều hơn.

 

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn ra mắt phiên bản bức tranh
 “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” tại buổi nói chuyện 
 
 Nghi vấn về tác giả thực
 
Theo diễn giả, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, bức họa đồ “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” do họa sư Trần Giám Như hoàn thành năm 1363, sau lại được các danh sĩ đời Minh viết nối thêm lời bình dẫn, tôn vinh Trúc Lâm đại sĩ. Thư pháp đặc sắc của họ hợp cùng họa phẩm tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật thư – họa. Khoảng năm 1922, hoàng đế cuối cùng nhà Thanh là Phổ Nghi tuy đã thoái vị nhưng vẫn ở trong Tử cấm thành, nhân đó bí mật “tuồn” ra ngoài rất nhiều bảo vật, trong đó có cả bức thư họa nói trên. Lưu lạc giữa nhân gian đến năm 1949, số báu vật này mới được đưa vào Bảo tàng Đông Bắc (nay là Bảo tàng Liêu Ninh) lưu giữ, công chúng không mấy dịp được chiêm ngưỡng. Bức Trúc Lâm đại sĩ cũng vì thế mà biệt tích. 
 
Cũng theo lời nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, ông rất quan tâm đến 3 người họ Trần: Trần Giám Như, Trần Đăng và Trần Quang Chỉ, liệu họ có mối quan hệ thân tộc nào không và liệu có liên quan gì đến tôn thất nhà Trần – những người đã sang định cư trên đất Trung Quốc không? Còn về lai lịch bức tranh, “tôi đoán định có thể tranh vẽ từ đời Nguyên, nhưng không công bố rộng rãi đến danh sĩ đương thời, vì đề tài vua Trần Nhân Tông còn úy kỵ với triều đình nhà Nguyên mãi đến thời nhà Minh, vào năm Vĩnh Lạc, tranh này mới được công bố và được các danh sĩ đề tựa, tán tụng… 
 
Tôi cũng nghĩ đến một khả năng bức tranh này được vẽ từ đời Nguyên và vẽ tại Thăng Long nhân một sự kiện xuất sơn cụ thể nào đó của vua Trần Nhân Tông, kèm theo nhiều lời tán tụng ca ngợi vua. Sau khi nhà Trần mạt, con cháu nhà Trần mang sang Trung Quốc, và những lời ca ngợi kia bị cắt đi cùng với lạc khoản có ghi các thông tin cần thiết. Sau này, các trí thức Trung Quốc đã viết lại lời đánh giá bức tranh như đã thấy”. 
 
Năm 2004, Bảo tàng Liêu Ninh triển lãm và công bố các báu vật bị thất tán thời Phổ Nghi, nhưng phải đợi đến cuộc đấu giá ấn tượng tháng 4-2012, lần đầu tiên công chúng mới được diện kiến ảnh tượng Phật Hoàng (ngồi cáng) an nhiên mà sinh động xuống núi khởi sự giáo hóa chúng sinh. Và đặc biệt là sự kiện bán đấu giá bức tranh phó bản tại Bắc Kinh vào năm 2012 với giá lên đến 1,8 triệu đô la. 
 
Nhiều bí ẩn cần được giải mã 
 
Tại Việt Nam, bức họa “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” được người yêu tranh biết đến từ bản sao, được chụp lại trên mạng với những thông tin từ bài thuyết trình của thạc sỹ Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, bức thư họa có tổng chiều dài lên đến 9.61m, trong đó 3.1m là phần lòng tranh, còn lại là triện đầu tranh và các bài bạt tựa phía sau tranh được cho là của họa gia Trần Giám Như. Các sử gia, chuyên gia mỹ thuật Việt Nam đang đặt dấu chấm hỏi về tác giả thực của bức thư họa. Bởi một giám thưởng gia ở thời kỳ nhà Minh làm sao biết được vua Trần Nhân Tông dứt bỏ bụi trần, lên núi tu hành để họa bức thư họa có giá trị lịch sử và nghệ thuật đến thế? Có thể, vì những lý do chưa rõ ràng nên bức thư họa vẫn cứ lưu lạc, lang thang chăng?
 
Diễn giả cũng rất may mắn có được phiên bản trọn vẹn của tác phẩm tranh quý này, và hi vọng mọi người cùng chia sẻ, cùng nghiên cứu những nhận biết của mình về bức tranh để sớm có được những thông tin chính xác về sử liệu đặc biệt quan trọng này. 
 
Đây là bức ảnh độc, không tìm thấy trong kho tư liệu về Trần Nhân Tông. Hiện di ảnh Trần Nhân Tông được lưu giữ đến nay chỉ còn đôi ba bức họa và tôn tượng nên bức họa “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” là một tư liệu quý giá. Nó không chỉ có giá trị về một sự kiện lịch sử mà còn tiết lộ chân dung vốn rất hiếm hoi của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, con gái và Hoàng đế Trần Anh Tông (1267 – 1320).
 
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn khẳng định: “Quá khứ và văn hóa nước nhà vẫn còn nhiều mảnh vỡ, những bí ẩn chưa tìm được lời giải đáp, việc tìm kiếm, sưu tầm và giải mã những mảnh vỡ này sẽ góp phần phục dựng bức tranh lịch sử – văn hóa nước ta”.