Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Bí ẩn pho tượng Đức ông ở chùa Bộc

Bí ẩn pho tượng Đức ông ở chùa Bộc

152

Trong tòa tam bảo ngôi chùa ngoài thờ Phật thì có một ban thờ Đức Ông ở phía bên phải. Nhưng khác với thông thường, tượng đức ông ở đây không chỉ có một mà có đến 3 pho. Trong đó tượng đức ông to hơn, ngồi cao hơn một bậc, ở bậc dưới có hai người ngồi. Trông toàn cảnh thấy như ba người đang ngồi bàn việc.

Đặc biệt pho tượng đức ông ngồi trên lại đội mũ Xung thiên, một chân để trong hài một chân để ở ngoài dáng vẻ rất thoải mái. Ngài mặc áo ngoài có thêu rồng ẩn trong mây, lưng thắt đai trông rất oai nghiêm. Những chi tiết này là một sự bất thường so với tượng đức ông phổ biến ở các chùa thường chỉ có một pho và không mặc áo thêu rồng.

Sự bất thường ấy tưởng chừng chỉ là một sự sáng tạo trong cách bài trí thờ tự của chùa Bộc nhưng sự thực thì không phải vậy. Vào năm 1962, nhà nghiên cứu Trần Huy Bá trong khi  kiểm tra pho tượng này của chùa Bộc đã phát hiện ra dòng chữ ở bệ gỗ phía sau pho tượng: “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng”. Từ đó, những bí mật dần dần được hé lộ khi các nhà nghiên cứu tập trung tìm hiểu.


Một góc chùa Bộc với những tháp mang đặc trưng kiến trúc Phật giáo.

 

Căn cứ vào dòng chữ mới phát hiện phía sau bệ tượng cùng với những chi tiết khác, các nhà nghiên cứu phán đoán pho tượng được tạc vào năm Bính Ngọ 1846.

Tháng 5/ 1962, nhà sử học Trần Huy Liệu đã cho đăng bài báo “Tượng lạ chùa Bộc hay lòng dân yêu mến anh hùng” để góp phần làm sáng tỏ về lai lịch của pho tượng đức ông ở chùa Bộc. Theo bài báo, pho tượng này chính là tạc vua Quang Trung cho nên mới có hai người hầu ngồi dưới. Nhưng vì triều Nguyễn trả mối thâm thù với triều Tây Sơn cho nên người dân muốn thờ vua Quang Trung phải núp dưới danh nghĩa tượng đức ông để tránh con mắt dòm ngó của triều đình.

Hơn 10 năm sau, trên báo Cứu Quốc, số tháng 2 năm 1972, tác giả Đạm Duy kể ra một câu chuyện có phần rõ ràng hơn nữa rằng: “Chính ông Nguyễn Kiên, một võ tướng cai quản đội tượng binh Tây Sơn, sau trở thành nhà sư, tu ở chùa Bộc đã cho tạc tượng vua Quang Trung”. Như vậy, pho tượng đức ông ở chùa Bộc chính là tượng vua Quang Trung nhưng để tránh phiền hà với triều Nguyễn nên nhân dân để thờ dưới danh nghĩa đức ông.

Sử sách còn lưu lại cho biết, sau khi triều Nguyễn lên nắm chính quyền đã trả thù những người đi theo Tây Sơn cực kỳ tàn khốc. Ngay đến Nguyễn Huệ đã chết mà cũng bị quật mồ mả lên. Những người đi theo Tây Sơn xưa kia, người sống thì bị truy sát, kẻ chết thì mồ mả không yên. Trong bối cảnh ấy chỉ có liên quan đến người từng đi theo Tây Sơn cũng đã là tội lớn. Ấy vậy mà người dân ở nơi một thời chiến địa Đống Đa lịch sử này vẫn dũng cảm thờ người anh hùng của dân tộc thì quả thật là dũng cảm và mưu trí.

Chùa Bộc hiện nằm trên con phố cùng tên của Hà Nội, cạnh học viện Ngân Hàng. Ngôi chùa có tên chữ là Sùng Phúc Tự hoặc Thiên Phúc Tự. Theo những tài liệu để lại thì chùa đã được xây dựng từ thời hậu Lê, thế kỷ 17. Tuy nhiên ngày nay, ít ai còn biết đến cái tên khai sinh cũng như dáng dấp xưa của nó.

Người dân quen gọi chùa là chùa Bộc, một cái tên nôm cho dễ nhớ và gần gũi với lối nói của cộng đồng. Vậy nhưng không phải “nôm na” là không có ý nghĩa. Chữ Bộc này, theo lý giải của các nhà nghiên cứu thì có liên quan đến chiến trận Đống Đa năm xưa.

 


Tòa tam bảo chùa Bộc.

 

Năm 1789, Quang Trung hành quân thần tốc từ Nam ra Bắc đánh tan mấy chục vạn quân Thanh với chiến thắng Đống Đa lẫy lừng. Theo sử sách để lại, sau trận này, xác giặc chết ngổn ngang, la liệt khắp nơi. Xác giặc nhiều đến nỗi, khi chiến tranh kết thúc, người dân gom xác giặc đem chôn rồi lấp đất lại đắp thành mười mấy cái gò ở quanh khu vực.

Trong chiến trận Đống Đa thế kỷ 18, chùa Bộc vì nằm giữa chiến trường nên bị thiêu trụi. Sau khi chiến tranh qua đi, người dân dựng lại chùa, vì nhớ đến bãi đất này xưa kia là chỗ giặc chết ngổn ngang nên mới gọi tên chùa là chùa Bộc. Chữ “bộc” được giải nghĩa là phơi bày ra.

Ngày nay, chùa Bộc nằm cách gò Đống Đa khoảng 400m. Đây là hai di tích còn sót lại đến ngày nay có liên quan đến chiến thắng lẫy lừng của Quang Trung năm xưa. Đặc biệt với chùa Bộc, một số người vẫn cho rằng đây là ngôi chùa được dựng lên để thờ quân lính nhà Thanh chết trận nhưng rõ ràng với pho tượng Đức Ông đã được giải mã, chúng ta tự hào rằng đây là một trong số ít nơi đã hương khói không dứt cho người anh hùng áo vải từ trăm năm trước. Điều đó cũng chứng tỏ, với dư luận của nhân dân, ai là người có công thì dân mãi nhớ đến dù triều đình đương thời có cấm đoán.

 


Tam quan chùa Bộc nhìn từ phía trong.