Trang chủ Thời đại Xã hội Bi hài văn hóa giao thông nhìn từ góc độ Nhân –...

Bi hài văn hóa giao thông nhìn từ góc độ Nhân – Quả Phật giáo

89

Phải nói rằng chưa bao giờ vấn đề giao thông lại trở nên tốn nhiều giấy mực của báo giới  như hiện nay. Không chỉ là tâm điểm cho mọi bàn cãi trong lúc trà dư, tửu hậu của cánh lao động bình dân; mà ngay trong các phiên họp mang tính…quốc gia vấn đề giao thông cũng được mang ra mổ xẻ, chất vấn từ phía rất nhiều các đại biểu.

Và có lẽ cao trào của nó đã được chốt lại bởi phát ngôn từ chính giới chức thành phố khi ông Trần Quang Phượng – giám đốc Sở giao thông vận tải cho biết: Sở văn hóa, Thể thao và du lịch cùng Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Hội thảo về “Văn hóa giao thông”

Mọi giải pháp khả thi được đưa ra như: triển khai dự án lắp đặt các Camera quan sát tại các khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông và phát sóng kênh giao thông thông báo tình trạng kẹt xe trên làn sóng FM 91 MHz trong tháng 12, tăng xe buýt nhỏ, giảm đào đường, tháo dỡ các lô cốt … đã được đưa ra xem xét và tiến hành thực hiện với mong muốn tình trạng ùn tắc giao thông  của thành phố sẽ được cải thiện đáng kể.

Thế nhưng, có một thực trạng mà dù muốn hay không muốn nói ra nơi đây chúng ta cũng đều phải thừa nhận rằng chúng ta chưa chú trọng hay quên đưa ra vấn đề cải thiện ý thức của người tham gia giao thông, mà vấn đề cải thiện ý thức của người tham gia giao thông này lại nằm ở mấu chốt là khâu giáo dục.

Theo giáo lý nhà Phật nhận định; bất cứ một sự việc nào khi cấu thành kết quả đều phải có nguyên nhân kèm theo nó là các duyên phụ trợ. Tình trạng giao thông trở nên bi hài như một loạt bài của Báo Thanh niên đăng tải vừa qua, chỉ là cái Qủa đã được báo trước  của cả một quá trình giáo dục lỏng lẻo từ bao lâu nay mà người viết tạm gọi là Nhân.

Sự định hướng truyền thông cho con em chúng ta, cho mọi người dân đã trở nên phản tác dụng khi chính bản thân những người lớn không thể làm gương. Xin bắt đầu từ trong trường học, nếu phải học về luật giao thông cũng như ý thức của người tham gia giao thông trong các tiết học giáo dục công dân thì đó chỉ là những tiết học mang tính bắt buộc gò bó, mặc dù đó là những tiết học luyện rèn nhân cách, định hướng nhận thức cho các em.

Thứ nhất, sở dĩ các tiết học này không hoặc khó trở nên thay đổi nhận thức, thái độ hành vi suy nghĩ của các em vì các em chỉ được người lớn đọc như một cái máy về tính an toàn, mức độ vi phạm và những hệ quả khôn lường khi tai nạn giao thông xảy ra, chứ người lớn chưa hay không cho các em nói lên những suy nghĩ của mình hay cho các em nhìn thấy những vụ tai nạn kinh hoàng bằng giáo cụ trực quan.

Thay vì các giáo viên cứ đọc vanh vách về tính an toàn của giao thông khi đi đúng luật khiến các em chỉ muốn ….ngủ, thì chúng ta hãy sử dụng kỹ thuật Power Point để trình chiếu những Video Clip có hình ảnh minh họa về những vụ tai nạn giao thông khủng khiếp bằng cách hãy hỏi các em những câu hỏi mở đại loại: các em có suy nghĩ gì khi nhìn thấy nhìn những hình ảnh đau lòng trên; để các em nhỏ không phải sống trong cảnh mồ côi khi bố, mẹ chúng chết vì những tai nạn đáng tiếc đã xảy ra theo các em chúng ta phải làm gì….

Hãy xây dựng bài học theo mô hình “cây vấn đề” để tự các em nhận thức được rằng: vấn đề bi hài văn hóa giao thông là do đâu?. Đâu là nguyên nhân trực tiếp, đâu là nguyên nhân sâu xa, hậu quả của vấn đề này là gì? nếu vấn đề này không được giải quyết hoặc được cải thiện thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của con người; khi mà những người bị thương hay các trẻ mồ côi vì bố hoặc mẹ chúng đã chết bởi tai nạn giao thông sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình họ và xã hội?….

Người viết bài này bảo đảm rằng khi để tự các em nói ra những suy nghĩ của mình qua các hình ảnh đã được trình chiếu thì 90% những gì các em được học sẽ không bao giờ quên, các em sẽ nhớ mãi và điều này có tác dụng tích cực tới tận khi các em đã trưởng thành thay vì những gì các em được nghe chỉ là 20%.

Nếu giải quyết được phần gốc như vậy thì cảnh người lớn tham gia giao thông vô tổ chức như hiện nay sẽ không bao giờ tái diễn. Cảnh các cậu ấm, cô chiêu tha hồ chở 3, chở 4 dàn hàng ngang thản nhiên rú còi inh ỏi, lạng lách, đua xe sẽ không còn, cảnh các nữ sinh áo trắng như mây xuống phố vừa đi đường vừa uống sữa, uống xong vứt ngay vỏ hộp sữa dưới lòng lề đường gây phản cảm trong mắt công chúng cũng như bạn bè khách du lịch quốc tế sẽ không có cơ tái phát ….

Thứ hai, giờ xin được nói về ý thức tham gia của những người lớn chúng ta. Rõ ràng một thực tế mà không thể nào phủ nhận là sự không gương mẫu từ chính các bậc làm cha, làm mẹ đã góp phần khiến cho tình trạng giao thông trở nên hỗn loạn như hiện nay; mà cái Nhân chính là do cách giáo dục chưa đến nơi đến chốn của chúng ta từ khi còn ở học đường.

Trên đường phố bất cứ ở đâu cũng đều gặp cảnh làm việc lơ là, trễ nải của một vài chiến sĩ cảnh sát giao thông, cảnh các ông bố, bà mẹ khả kính trở con em mình đến trường vô tư vượt đèn đỏ, cảnh dòng người vừa kịp dừng lại khi đèn đỏ nhưng lại vụt lao đi như tia chớp dù tín hiệu đèn đỏ ấy vẫn đang dừng ở con số 10, 11, 12.

Cảnh các ông già, bà cả liều mình như chẳng có, lao qua đường bất chấp các làn xe đang phóng như bay; vì nếu tìm ra được dải phân cách dành cho người đi bộ qua đường thì có lẽ phải đợi “bao giờ cho đến tháng mười”, bởi cả đoạn đường dài hàng mấy km có khi không hề tìm thấy điểm nào quẹo trái, rẽ phải. Hoặc cảnh một chiếc xe buýt to như chú voi ở bản Đôn xuống phố chễm chệ, kềnh càng quay đầu tìm hướng thoát thân bởi bác tài phát hiện dấu hiệu tắc đường, khiến cả dòng người phía sau bị dồn đứng lại như thác nước …. đã trở nên quen đến độ thành “chuyện thường ngày ở huyện” nói theo ngôn ngữ của nhà văn Valentin Ovetskin.- Nga, và nếu một ngày nào đó mà tỉnh dậy bước chân ra phố thấy các con đường đều không …tắc, các dòng sông đều không …ô nhiễm thì chưa biết chừng con người ta lại trở nên hoảng loạn với chính mình bởi họ không định vị được họ đang ở cõi nào?.

Người viết bài này hàng ngày đều phải trải qua lộ trình khứ, hồi với quãng đường dài ngót ngét 30km, tận mắt chứng kiến không ít chuyện bi hài văn hóa giao thông. Cái cảnh “chỉ có một mình ta với ta” khi dừng xe máy trơ trọi trên vạch cấm trong khi các xe máy khác do không hay thiếu kiên nhẫn chờ đợi dù chỉ vài giây đã vút lao đi như tia chớp dù chưa có tín hiệu đèn xanh đã trở nên quá quen thuộc.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải thực sự thay đổi cách truyền thông, tuyên truyền đến mọi người dân, bởi “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”. Tâm lý người làm sao, ta làm vậy đã ăn mòn nhận thức của đại bộ phận người dân khi tham gia giao thông. Trong khi chờ đợi sự cải cách, sự lựa chọn nhựng giải pháp mang tính vĩ mô từ các phái cơ quan hữu trách thì việc giáo dục nâng cao ý thức chấp hành giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân mang tính vi mô vẫn là vấn đề cốt lõi.

Vì muốn thay đổi hành vi phải thay đổi thái độ, mà muốn thái độ thay đổi phải thay đổi nhận thức mà sự nhận thức bao giờ cũng bắt đầu từ khâu giáo dục, có như vậy thì Nhân mới không lầm, Nhân đã không lầm thì Qủa không lạc, mà Qủa không lạc thì tình trạng hỗn loạn giao thông như hiện nay mới có cơ chấm dứt.

Nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh, sinh thời đã từng nhận định: “muốn biết nền giáo dục của chúng ta đang đi về đâu….xin hãy ra đường”. Nhận định này hoàn toàn có căn cứ khoa học khi chính ý thức của người tham gia giao thông là thước đo phản ánh trung thực nhất mọi khía cạnh về văn hóa ứng xử với những gì mà con người ta được hấp thụ từ nhiều nguồn giáo dục khác nhau gia đình, nhà trường, xã hội.

Chỉ mới đây thôi, hình ảnh của Tổng thống Mỹ Barack Obama không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp trong chuyến đi nghỉ mát cùng gia đình được đăng tải trên báo giới, thì lập tức người dân Mỹ đã phản ứng gay gắt và tự hỏi ? “ Tổng thống Barack Obama đang nêu gương xấu gì đây cho giới trẻ?

Người xưa từng nói “Thượng bất chính, Hạ tắc loạn”, muốn cải thiện tình trạng bi hài văn hóa giao thông như hiện nay xin hãy bắt đầu tìm nguyên nhân sâu xa nằm ở chính thói quen dễ dãi, thỏa hiệp với những thói xấu của chúng ta khi tham gia giao thông.