Trang chủ Văn học Bóng mát mùa Vu lan

Bóng mát mùa Vu lan

83

Kính tặng Má


Trắc bỉ Dĩ hề
Chiêm vọng mẫu hề
陟 彼 屺 兮
瞻 望 母兮
(Trèo lên núi Dĩ hề,
Ngóng vọng về mẹ hề.
Kinh Thi)


Tôi còn người mẹ, nay đã ngoài 90 tuổi. Tôi cho rằng đó là một trong những điều may mắn và hạnh phúc lớn nhất của đời người. Nhân mùa Vu Lan, tôi muốn viết về mẹ tôi, cũng có nghĩa là viết về tất cả những người mẹ bình dị và thầm lặng trên đời này, những người phụ nữ mà tình yêu mênh mông của họ, kể từ khi loài người xuất hiện trên trái đất, đã tỏa hơi ấm vào những nơi lạnh giá trong tâm hồn, và đã tưới thấm những chốn khô cằn của trái tim. Cho khắp cõi nhân gian.


Ai mồ côi mẹ từ nhỏ đều là những người đáng thương, vì họ phải chịu những sự mất mát to lớn mà không có gì trên đời này có thể bù đắp được.


Thơ ca nhân loại khắp Đông Tây kim cổ đã nói rất nhiều về người mẹ. Nói mãi mà sao vẫn như chưa nói được gì. Vẫn luôn còn một cái gì đó về mẹ mà không sao ta nói cho hết được.


Người Ấn Độ có một câu ngạn ngữ tuyệt vời: “Thượng Đế không thể hóa thân khắp nơi, nên Ngài phải tạo ra những người mẹ để thay thế cho Ngài”. Câu đơn giản đó có lẽ đã nói rất nhiều về người mẹ. Trái tim mẹ dành cho con là trái tim của Thượng Đế dành cho nhân loại. Với chữ Mẹ viết hoa!


Có lẽ mọi người phụ nữ sinh ra đời là để thực hiện thiên chức làm mẹ, vì họ phải thay mặt Thượng Đế để đem tình yêu đến với nhân gian. Một cô gái có thể la hoảng khi thấy một con chuột, thậm chí một con thằn lằn hay con gián, nhưng một khi đã làm mẹ, thì chính cô gái đó lại sẵn sàng đứng trước những hàm răng nhọn hoắt của loài thú dữ hoặc trước những họng súng đen ngòm để bảo vệ cho con. Đó là tình mẫu tử.


Tình thương yêu đó không hề biết đến sự sợ hãi. Đó là sự hy sinh phi thường của một tình yêu mênh mông thầm lặng, mà không hề mong chờ đến sự báo đáp, dù chỉ trong muôn một. Thử hỏi trên đời này có gì thiêng liêng hơn thế?


Tôi muốn nói thêm vào câu ngạn ngữ Ấn Độ rằng tình mẫu tử thiêng liêng và bao la đến nỗi khiến kẻ tuẫn đạo phải hổ thẹn trước tình yêu của họ dành cho Thượng Đế!


Có kẻ du tử lang bạt kỳ hồ nào lại không cảm thấy hạnh phúc tràn trề, khi mỗi đầu Xuân, quay về mái nhà xưa, còn được cầm bàn tay nhăn nheo của mẹ già để hôn lên và rưng rưng nói lời chúc tụng?


Hình ảnh của mẹ già tần tảo chốn quê xưa, với chiếc đèn dầu từng đêm treo bóng mẹ gầy lên vách, sẽ theo chân của những đứa con trôi nổi sông hồ, như một chiếc nôi êm, để ru họ giữa những giông bão cuộc đời. Có nỗi đau khổ nào lại không nguôi đi trong vòng tay gầy guộc của mẹ?


Ca dao Việt Nam đã nói về mẹ bằng những lời bình dị mà tha thiết.


Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm khuya tối viếng mới đành dạ con.


Đói lòng ăn đọt chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.


Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.


Hình ảnh cha oai nghiêm như núi Thái Sơn. Hình ảnh mẹ êm đềm như nước trong nguồn, êm đềm mà mênh mông bất tận.


Rất tiếc sách giáo khoa đã xao lãng trong việc dạy các em học sinh về chữ Hiếu, một trong nét đẹp trong tinh thần đạo lý Á Đông. Một người con bất hiếu thì không thể thương yêu được ai trên cõi đời này, ngoài chính bản thân mình.


Thế hệ chúng tôi may mắn được học “Nhị Thập Tứ Hiếu” với tấm gương 24 người con có hiếu của Trung Quốc thời xưa. Những câu thơ song thất lục bát từ thời lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ), qua lời dịch bình dị mà thấm thía của Lý Văn Phức,  chúng tôi không sao quên được:


Người tai mắt đứng trong thiên hạ
Ai là không cha mẹ sinh thành.
Gương treo đất nghĩa trời kinh
Ở sao cho xứng chút tình làm con
Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết
Thời suy ra trăm nết đều nên…


Truyện kể có người nước Ngụy đời Tam Quốc, tên là Vương Thôi. Biết ông là người tài giỏi, triều đình Tây Tấn nhiều lần mời ông ra làm quan, nhưng ông khước từ, ở nhà mở trường dạy học. Mẹ ông lúc sinh thời hay sợ sấm, cho nên khi mất rồi, hễ khi nào trời mưa có sấm chớp, ông lại ra mồ mà khấn rằng: “Đã có con ra đây rồi, xin mẹ đừng sợ”.


Khi sấm sét tìm vào mồ mẹ,
Lạy khóc rằng: “Con trẻ ở đây”
Bởi vì tính mẹ xưa nay,
Vốn từng sợ sấm những ngày gió mưa.


Câu chuyện rất đơn sơ mà chứa chan đạo lý. Người xưa cho rằng lòng hiếu thảo có thể cảm động đến cả đất trời. Tam Hợp đạo cô trong Truyện Kiều, khi nói về Thúy Kiều, đã bảo: “Bán mình đã động hiếu tâm đến trời”! Cái tâm thành của những người con hiếu thảo ngày xưa sao lại bình dị mà có thể rung cảm được lòng người sâu xa đến vậy? Có lẽ vì “Bách hạnh hiếu vi tiên”. Trong trăm nết thì hiếu đứng đầu.


Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.


Chữ Hiếu là nền tảng để ta tập sống làm người. Chúng ta đừng tự lừa gạt mình và đừng để bị lừa gạt bởi những danh từ kêu to nhưng sáo rỗng về tình yêu dành cho nhân loại, một khi chúng ta sống chưa xứng đáng là một người con.


Chúng ta có thể phạm nhiều điều sai lầm trong cuộc sống, (mà đã là người ai lại chẳng sai lầm?), song khi trong tâm hồn còn biết hướng về hình ảnh của người mẹ thì tôi tin rằng chúng ta vẫn còn hướng thiện.


Đôi khi đọc báo công an, tôi vẫn thấy thương xót và cảm thông với những kẻ tội phạm bị truy nã mà vẫn chấp nhận sự hiểm nguy bị sa lưới pháp luật, chỉ vì trong một đêm mưa, muốn lén về thăm mẹ già sống một mình như thế nào trong mái nhà xiêu! Tôi tin rằng trong tâm hồn của những kẻ tội phạm và lầm lỡ đó, vẫn còn hạt giống để có thể ươm lên những cành cây cao và tỏa bóng mát với hai chữ: Con Người!


Người Trung Quốc xưa, trong kinh Thi, dùng hình ảnh núi Hỗ để chỉ về cha và núi Dĩ để chỉ về mẹ. “Trắc bỉ Hỗ hề, chiêm vọng phụ hề; Trắc bỉ Dĩ hề, chiêm vọng mẫu hề” (Trèo lên núi Hỗ hề, ngóng vọng về cha; Trèo lên núi Dĩ hề, ngóng trông về mẹ).


Người con đi lính xa nhà, leo lên núi nhìn về quê hương để cố tìm hình ảnh thân yêu của mẹ cha nơi phương trời cố lý. Hình ảnh trong thơ ca bình dị là thế, nhưng lại khiến ta cảm động xiết bao. Và đó chính là tố chất nuôi dưỡng hồn người.


Điều kỳ lạ là rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới đều bắt đầu từ “mẹ” bằng phụ âm “M” mềm mại và dễ đọc: Mutter trong tiếng Đức, Mère trong tiếng Pháp, Mother trong tiếng Anh, Mẫu/Má trong tiếng Hán, Mẹ trong tiếng Việt. Có phải chăng Thượng Đế muốn chúng ta phải tập bập bẹ chữ “Mẹ” như là âm thiêng liêng nhất, trong buổi đầu đời?


Triết học phương Đông rất coi trọng đức Sinh. Kinh Dịch nói: “Thiên hạ chi đại đức viết Sinh” (Sinh là đức lớn trong thiên hạ). Mẹ đã sinh ra ta, đã cho ta sự sống để góp phần vào sự hóa sinh của trời đất, thì mẹ có khác gì một đấng Hóa Công?


Những ai không còn giữ hình ảnh của mẹ trong tâm hồn như một điều Thiêng Liêng nhất trên cõi đời này thì đó chỉ là những kẻ đáng vứt đi, dầu chung quanh họ có thể phủ đầy những ánh hào quang chói lọi của quyền lực, của tiền bạc, của thành công và cả của trí tuệ.


Ngày xưa, khi còn đi học, tôi cũng có tò mò tìm đọc đôi chút về Schopenhauer để tìm hiểu cái “triết lý bi tráng vĩ đại” của ông. Song khi đọc đến phần tiểu sử, thấy vị triết gia này đã từng kiện mẹ mình để tranh giành gia tài, thì tôi có cảm giác những trang sách triết của ông chỉ toàn là những tờ giấy lộn. Tôi đâm ra nghi ngờ cả bản thân của ông ta. Để làm gì với những triết lý vĩ đại về nỗi hoang mang bi thống trước cuộc đời, một khi người sáng tạo ra nó đã chối từ người mẹ?


Mùa Vu Lan là mùa báo hiếu. Câu chuyện Mục Kiền Liên vào địa ngục để cứu mẹ có thể chỉ là hư cấu hoang đường, nhưng tấm lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên làm rung động cả chư Phật mười phương lại là điều rất bình dị và dễ hiểu đối với những người Việt còn mang nặng trong lòng nền đạo lý Á Đông.


Trái tim mẹ chỉ là con ốc nhỏ nhưng nó lại ôm trọn cả muôn vạn đại dương. Còn mẹ là đời ta còn bóng mát. Giữa cái nắng chói chang của cuộc đời thì bàn tay gầy của mẹ sẽ là bóng mát mênh mông.


Trong bước bươn chải lang thang trên vạn nẻo đường đời với bao nỗi muộn phiền cơm áo, khi trên lưng đã thấm hằn những lằn roi đời cay đắng, nếu ta còn cưu mang hình ảnh mẹ trong lòng thì ta vẫn còn bóng mát để quay về, và tìm thấy vô vàn an ủi trong lòng mẹ bao dung.


Tản văn của Huỳnh Ngọc Chiến