Trang chủ Diễn đàn Các cấp GHPG tỉnh Hải Dương lên tiếng vụ không bồi thường...

Các cấp GHPG tỉnh Hải Dương lên tiếng vụ không bồi thường đất chùa Kim Chi

191

Công văn số 05/CV-PG ngày 7/5/2012 do Đại đức Thích Thanh Tấn, Chánh đại diện Phật giáo TP. Hải Dương ký gửi UBND tỉnh Hải Dương và các ban ngành hữu quan đã chưng dẫn hồ sơ liên quan đến đất chùa Kim Chi được cơ quan chức năng cung cấp để xác định nguồn gốc đất của ngôi chùa này.

Theo đó, trong bản đồ đo đạc được thực hiện theo chỉ thị 299 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) năm 1980, tất cả các thửa đất theo sổ đăng ký ruộng đất, nếu của hộ gia đình đều có tên chủ hộ, nếu của hợp tác xã phải có tên chủ sở hữu là hợp tác xã nông nghiệp.

Thế nhưng, trong bản đồ đo đạc đất chùa Kim Chi, cả bốn thửa: 129 và 130, 140, và 142 đều không có ghi tên chủ sử dụng đất – là chùa Kim Chi.

Thực tế, từ khi thành lập chùa Kim Chi đến nay, "thửa đất liền kề chùa và vườn tháp (lăng mộ của các sư) là ao chùa mang số thửa 140 không ghi tên chủ sử dụng đất và địa phương cũng không giao cho ai sử dụng dưới mọi hình thức như đấu thầu, cho thuê, cho mượn…"

Trong khi đó, theo văn bia cũ nhất của chùa Kim Chi, "đất ruộng của chùa rộng hàng chục mẫu". Điều này chứng tỏ rằng "ao mang số thửa 140 là của chùa Kim Chi", công văn viết.

Vì vậy, Ban đại diện Phật giáo TP. Hải Dương "đề nghị cơ quan chức năng đền bù phần ao của chùa bị giải tỏa" để làm đường Nguyễn Văn Linh, thuộc dự án xây dựng các tuyến đường giao thông chính Khu thương mại – du lịch – văn hóa và đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương do Công ty cổ phần tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.

Công văn số 05/CV-PG của Ban đại diện Phật giáo TP. Hải Dương

Công văn cũng xác nhận sư cô Thích Đàm Phương được bổ nhiệm trụ trì chùa Kim Chi theo Quyết định số 14/QĐ-PG ngày 18/01/2007 của Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương.

Đồng thời công văn nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của "vị trụ trì là chủ hộ khẩu, có trách nhiệm quản lý điều hành mọi hoạt động phật sự phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh cho nhân dân phật tử. Trụ trì có quyền sử dụng và bảo quản đất đai và tài sản trên đất đúng theo Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN cũng như Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, và chịu trách nhiệm trước Giáo hội, luật pháp Nhà nước."

Qua đó, Ban đại diện PG TP. Hải Dương đề nghị "khi đền bù giải tỏa phần đất và tài sản trên đất của nhà chùa, các cơ quan chức năng làm việc với sư trụ trì theo luật pháp và thỏa thuận, bàn giao kinh phí đền bù cho sư trụ trì quản lý, sử dụng đúng mục đích."

Ban đại diện PG TP. Hải Dương cũng cho rằng, trong Thông báo số 193/TB-UBND ngày 23/04/2012 của UBND TP. Hải Dương, việc chính quyền thành phố giao kinh phí đền bù đất và tài sản trên đất của chùa Kim Chi cho UBND phường Thanh Bình và Khu dân cư số 1 quản lý là "chưa phù hợp với quy định của luật pháp."

Trước đó, ngày 02/04/2012, Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương có công văn số 71/CV-PG, do Đại đức Thích Thanh Dũng, Phó thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội ký, đề nghị Tập

đoàn Nam Cường bồi thường đất và vật kiến trúc trên đất, phát tâm công đức di dời, xây dựng lại ngôi Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, và vườn Tháp, vốn bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng đường Nguyễn Văn Linh.

Công văn số 71/CV-PG củaTỉnh hội Phật giáo Hải Dương ->

Chùa Kim Chi được thành lập từ thời nhà Nguyễn. Theo sư thầy Thích Đàm Phương, trụ trì chùa Kim Chi hiện nay, trong suốt mấy chục năm qua, chùa không có sư quản lý, điều hành phật sự. Vì thế, trong hồ sơ địa chính liên quan đến đất đai của chùa Kim Chi, kể cả Trích lục thửa đất từ tờ bản đồ địa chính số 19, tỷ lệ 1/500 thuộc bộ bản đồ địa chính phường Thanh Bình đo vẽ năm 2004, được lưu trữ tại các cơ quan chức năng ở đây đều không ghi rõ chủ sử dụng là chùa Kim Chi, mặc dù trên cổng tam quan vẫn còn sờ sờ bảng hiệu của chùa.

Trong khi khoản 7, Điều 66, Luật Đất đai năm 2003 quy định đất cơ sở tôn giáo được sử dụng ổn định, lâu dài thì sự việc trên càng khiến dư luận bức xúc đặt nghi vấn: phải chăng chính quyền Hải Dương định quy hoạch xóa sổ chùa Kim Chi hay là có âm mưu gì khác? và UBND phường Thanh Bình chắc chắn biết tỏng tòng tong nhà chùa không có giấy tờ đất nên đã ‘nhảy vào’ biến thửa đất ao chùa thành đất thuộc công trình thủy lợi (đất công), tự nhận là chủ sử dụng, quản lý phần đất này, để ‘thay nhà chùa’ nhận tiền bồi thường về đất của tập đoàn Nam Cường, sau đó chia chác cho nhau?

Thiết nghĩ, chính quyền TP. Hải Dương không thể viện dẫn vì nhà chùa không có giấy tờ chứng minh phần đất ao này là của chùa thì cho rằng đó là đất công ích của UBND phường nên không phải bồi thường cho nhà chùa như trong Thông báo số 193/TB-UBND.

Theo tinh thần Luật đất đai và Nghị định 181, khi giải quyết tranh chấp trường hợp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như các giấy tờ liên quan khác, các cơ quan chức năng phải căn cứ vào nguồn gốc và thực trạng sử dụng đất. Đó là cơ sở quan trọng nhất để giải quyết tranh chấp. Trong khi đó nhà chùa đang quản lý sử dụng diện tích đất ao đó từ trước đến nay.

Được biết, cho đến nay, dự án làm đường Nguyễn Văn Linh đã được triển khai, các hộ dân đã được bồi thường và đã di dời, Công ty cổ phần tập đoàn Nam Cường đã tiến hành san lấp ao chùa, nhưng nhà chùa vẫn chưa nhận được quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, chưa nhận được phương án bồi thường về đất cũng như vật kiến trúc trên đất. Cho nên nhà chùa cũng không biết chính xác diện tích đất chùa bị thu hồi bao nhiêu và phương án bồi thường về đất, về vật kiến trúc trên đất cũng như hỗ trợ di dời các công trình: ngôi Tam bảo, hai tháp Tổ, nhà Mẫu, nhà Tổ như thế nào.

Chính quyền Hải Dương cần kiểm tra xem xét, giải quyết một cách thấu tình, đạt lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chùa Kim Chi (Kim Bảo Tự).