Trang chủ Thời đại Truyền thông Các vấn đề trong tiến trình PT truyền hình PG đã được...

Các vấn đề trong tiến trình PT truyền hình PG đã được giải quyết như thế nào?

117

Vấn đề chương trình

Đây là vấn đề căng thẳng hàng đầu khi xây dựng một kênh truyền hình. Giả sử là đã có được giấy phép, tần số, đã đủ kinh phí đầu tư thiết bị phát sóng và vận hành cơ sở phát sóng rồi, thì một câu hỏi lớn sẽ lù lù nảy sinh: lấy cái gì để phát?

Trong hoạt  động truyền hình, chi phí và khó khăn nặng nề nhất nằm ở khâu sản xuất chương trình.

Đây là vấn đề lớn mà truyền hình tại Việt Nam đang gặp phải. Chính vì không có chương trình phát, việc tự sản xuất chương trình quá tốn kém, nhiêu khê, hay thậm chí không đủ năng lực để sản xuất chương trình, nên nhiều đài truyền hình địa phương cứ đem hết phim cổ trang võ hiệp đến phim tâm lý xã hội tình cảm Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc… ra mà chiếu lên liên tục trên màn ảnh nhỏ.

Rắc rối như thế, vậy thì các kênh truyền hình Phật giáo  đã giải quyết vấn đề này ra sao?

Do yêu cầu nghề nghiệp, được theo dõi các kênh truyền hình Phật giáo qua vệ tinh ngay từ buổi đầu phát sóng, chúng tôi đã ghi nhận quá trình các kênh truyền hình Phật giáo Đài Loan và Thái Lan giải quyết vấn đề khâu chương trình.

Chương trình truyền hình Phật giáo, thực ra, đã có sẵn trong các hoạt động của chính Phật giáo. Truyền hình Phật giáo trước hết là hoạt động mở rộng hoạt động Phật giáo bằng phương tiện truyền hình, giúp các hoạt động Phật giáo vượt trên giới hạn của một không gian cụ thể, vào một thời gian cụ thể.

Vì  vậy, chúng ta có thể hình dung khung chương trình truyền hình Phật giáo, các “đầu” chương trình Phật giáo, hay gọi như một số người làm công tác chuyên môn, “mũ” chương trình, chính là từ các hoạt động vốn có của Phật giáo. Ở chùa có thuyết pháp, tụng kinh, pháp thoại, pháp luận…, thì trên kênh truyền hình Phật giáo cũng sẽ có những chương trình như thế.

Việc hình thành các chương trình truyền hình Phật giáo, có  thể ghi nhận, là từ 2 hướng, trông có  vẻ ngược chiều nhau, nhưng thực ra bản chất như  nhau, và hướng vào cùng mục tiêu.

Kênh truyền hình vệ tinh Phật giáo đã có đến hơn 10 năm hoạt động, BLTV (khởi đầu là từ chữ Buddha Light TV), do Hội Phật giáo Phật Quang Sơn, Đài Loan chủ trì, là kênh truyền hình có đầu tư cơ bản khá lớn và bài bản, cơ sở vật chất buổi đầu tương đối đầy đủ, thì xây dựng chương trình truyền hình theo hướng “chùa hóa phim trường truyền hình”.

Các nhà tổ chức thực hiện đã chủ động đưa nội dung Phật giáo vào các chương trình truyền hình, xây dựng kênh truyền hình Phật giáo như đối với một đài truyền hình thông thường, có đủ tiết mục.

Cách làm một số chương trình có nội dung Phật giáo của  Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC là theo hướng này.

Trong khi đó, kênh Dhamna Channel (DMC) của Phật giáo Thái Lan, trong buổi đầu xây dựng, đã theo hướng “phim trường truyền hình hóa chùa”, tức là tổ chức thu hình các sinh hoạt tại các tự viện lớn, rồi đưa lên sóng truyền hình. Cách làm của DMC có thể sánh với cách chùa Hoằng Pháp làm hiện nay, tổ chức nhà chùa thành phim trường, ghi hình hầu hết các sinh hoạt lớn tại chùa. Chùa Hoằng Pháp chỉ có làm nốt bước lên sóng là giống như DMC.

Tất nhiên, cách làm như BLTV là chính quy hơn, diện mạo kênh truyền hình Phật giáo định hình nhanh hơn, chất lượng hình ảnh và âm thanh cao hơn (vì các chương trình thường thu hình tại studio, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật).

Không chỉ có tụng kinh, thuyết pháp, BLTV có nhiều hình thức talkshow phong phú như hỏi đáp Phật học, diễn đàn thanh niên Phật tử…, các chương trình hành hương, các phim tài liệu, phóng sự, thậm chí có cả phim truyện, phim hoạt hình, kịch truyền hình, ca nhạc… 

Trên kênh DMC những năm mới phát sóng, chỉ có hai hình thức chương trình chính là thuyết pháp và hành lễ tụng kinh. Tuy nhiên, dù chương trình chưa phong phú, nhưng những đóng góp của kênh DMC ngay từ buổi đầu đã rất lớn. Đó là hình thức một “siêu chùa”, một chùa ảo có không gian mở rộng đến cả toàn quốc Thái Lan và các nước lân cận gồm Myanma, Malaysia, Việt Nam, Lào, Campuchia, một phần Nam Trung Quốc theo tầm phủ sóng băng Ku của vệ tinh được dùng bấy giờ là Thaicom 3.

Mở xem kênh DMC, khán giả đã như ở trong chùa.

Cả  2 cách làm đều thích hợp, tùy khả năng cụ  thể. Ngoài ra, những chương trình video Phật giáo đã có sẵn, tạo nên một kho chương trình hết sức phong phú. Bước đi thích hợp có thể là từ chính kho chương trình được tổ chức sưu tập này. Các tiết mục được xây dựng từ chính nội dung kho chương trình, chủ yếu là các chương trình thuyết pháp.

Hiện nay, một số kênh truyền hình Phật giáo mới trong những năm gần đây của Phật giáo Đài Loan đi theo hướng thứ 3 này. Truyền hình được quan niệm chỉ là một phương tiện để chuyển tải chương trình video đã có đến với đông đảo Phật tử. Chương trình Phát sóng được xây dựng bằng việc phát nối tiếp các chương trình video đã có sẵn, hầu như ít có sự kiện mang tính thời sự (trong khi DMC hiện nay đã phát triển thành một kênh truyền hình hoàn thiện).

Tuy nhiên,, dù xây dựng chương trình thế nào, hầu như  các kênh truyền hình Phật giáo đều có vai trò  “siêu chùa”, tức là đưa sinh hoạt chùa đến từng nhà Phật tử. Đến những giờ nhất  định, tương ứng các khóa lễ, đều có những chương trình nghi lễ truyền thống phát lặp lại.

2. Vấn  đề kỹ thuật

Kỹ  thuật, đối với các nhà tu hành, đặc biệt là  ở một tôn giáo thoát tục như Phật giáo, dễ  có cảm tưởng là một vấn đề.

Đúng là kỹ thuật là một vấn đề thật, nhưng lại là một vấn đề dễ giải quyết.

Còn nhớ, những cuộn băng cassette ghi âm thuyết pháp đầu tiên, hay những cuộn băng video thuyết pháp cũng vậy, âm thanh còn rè, khó nghe, hình ảnh thì mờ. Nhưng đến nay, chất lượng hình ảnh âm thanh trên các dĩa DVD, CD hay Mp3 thuyết pháp hầu hết đều đạt yêu cầu.

Ở một số kênh truyền hình Phật giáo cũng vậy, chẳng hạn như kênh DMC, chất lượng hình ảnh ban đầu chỉ đạt mức băng VHS, tức là chất lượng dân dụng (Video Home System). Đó là do dùng những chương trình trong kho băng hình tích lũy hàng chục năm trước đó.

Nay chất lượng kênh DMC đã đạt mức chuyên nghiệp. Nhưng điều lưu ý là dường như trong số hơn 10 kênh truyền hình Phật giáo, chỉ có DMC là  gặp phải vấn đề kỹ thuật. Còn các kênh truyền hình Phật giáo còn lại, thì kỹ thuật đã không bao giờ là vấn đề. Điều đó chứng tỏ kỹ thuật không phải là chuyện đáng lo.

Kỹ  thuật trong truyền hình hiện nay ngày càng đơn gian hóa, phổ thông hóa, tức là làm cho ai cũng sử dụng, vận hành dễ dàng, để những nhà cung cấp thiết bị kỹ thuật dễ bán sản phẩm. Còn nếu gặp khó khăn khi vận hành, hãng sản xuất sẽ tận tình giúp đỡ trong dịch vụ hậu mãi. Có vấn đề gì, chỉ một thời gian ngắn là có thể giải quyết.

Về  kỹ thuật truyền dẫn, hiện nay đã đa dạng hóa phương tiện (phát sóng mặt đất analog và digital, cáp analog và digital, vệ tinh quảng bá và DTH…). Nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn sẽ chịu trách nhiệm về kỹ thuật. Thí dụ, ở Đài Loan, nhà chùa chỉ lo “giao” tín hiệu đến trạm phát sóng. Giai đoạn còn lại do hãng truyền thông sở hữu vệ tinh chịu trách nhiệm sóng. Không phát tốt thì hãng sở hữu vệ tinh bồi thường theo hợp đồng.

3. Vấn đề tài chính

Truyền hình, trong hoạt động hiện đại, không phải là một gánh nặng tài chính, mà là một dịch vụ kinh doanh. Người ta có nói đến kênh truyền hình bị lỗ, chứ không còn chấp nhận truyền hình như một hoạt động phục vụ đơn thuần.

Các kênh truyền hình Phật giáo phát quảng bá của Thái Lan và  Đài Loan đều có những khoản thu từ nhiều nguồn, bảo đảm cho kênh truyền hình hoạt động ổn  định. Đó có thể là tịnh tài cúng dường, tài trợ, cũng có thể là quảng cáo dưới nhiều hình thức.

Phí  tổn thuê vệ tinh là một ngân khoản cố  định và những đại thí chủ Phật giáo phát tâm trả số tiền này cho hoạt động bố thí pháp. Cũng có khi, đó là tài trợ của nhà nước. Thí dụ, kênh Dharma TV (Thái Lan) được nhà nước xem là một kênh trong hệ thống giáo dục từ xa (DLTV – Distance Learning TV), vừa có logo Phật giáo, vừa có logo DLTV1.

Có  được đại thí chủ phát tâm hộ trì  hoạt động truyền dẫn, thì không còn lo vấn  đề tài chính nữa. Hệ thống đọc chương trình phát sóng và “tổng khống chế” có thể vận hành tự động như một dĩa cứng chuyên dùng cho truyền hình, với số nhân viên điều hành ở mức tối thiểu và không đáng lo về mặt tài chính.

Ở một số nước, như Sri Lanka và Hàn Quốc, truyền hình Phật giáo không đủ khả năng thuê vệ tinh phát sóng quảng bá, thì giao chương trình cho hãng truyền hình trả tiền phát qua vệ tinh (tương tự như VTC hay K+ ở ta).

Ở đây, có thể có khả năng hãng truyền hình trả tiền trả tiền mua bản quyền để độc quyền phát kênh truyền hình Phật giáo trên hệ thống của họ. Hãng truyền hình trả tiền sẽ rất có lợi khi các tín đồ Phật giáo muốn xem truyền hình Phật giáo phải trả tiền thuê bao cho hãng truyền hình trả tiền. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cũng có khi ngược lại, chủ kênh truyền hình phải trả tiền cho nhà kinh doanh truyền hình trả tiền để kênh của mình được phát trên hệ thống.

Trường hợp này, như ở Sri Lanka và Hàn Quốc, không lý tưởng như việc có các thí chủ  Phật tử phát tâm cúng dường chi phí thuê vệ tinh để phát quảng bá như các kênh truyền hình Phật giáo Thái Lan và Đài Loan, nhưng dù sao thì nhà chùa cũng không phải lo chi phí truyền dẫn phát sóng.

Như đã nói, kho chương trình có sẵn, chi phí vận hành thiết bị đọc chương trình không đáng kể. Như vậy, chi phí không là vấn đề lớn đối với hoạt động truyền hình Phật giáo.

4. Vấn đề khán giả

Đối với hoạt động truyền hình, khán giả luôn là vấn đề lớn. Đó là vấn đề sống còn, vấn đề quyết định.

Riêng với truyền hình tôn giáo nói chung, thì khán giả  không là vấn đề, vì truyền hình chỉ là một cấp độ trong hoạt động tôn giáo. Có tín đồ và hoạt động tôn giáo phát triển đến một mức độ nào đó, mới nảy sinh vấn đề cần đến truyền hình. Nói cách khác, truyền hình tôn giáo luôn có sẵn khán giả là tín đồ của tôn giáo đó.

Tôn giáo đã là sự bảo đảm khán giả cho kênh truyền hình.

Chính vì vậy, một số đài truyền hình nhận luôn cho mình chức năng phát sóng chương trình tôn giáo. Thí  dụ RAI (Ý), RTP (Bồ Đào Nha)… đối với Thiên Chúa giáo La Mã.

Đối với Phật giáo, có thể kể các kênh TV5, Apsara… của Campuchia.

Như  vậy, khán giả không phải là vấn đề các kênh truyền hình Phật giáo, mà đó lại là lợi thế của truyền hình Phật giáo nói riêng, truyền hình tôn giáo nói chung.

Một số  tôn giáo có “vấn đề” khán giả ở phía ngược lại, tức là họ lo ngại người xem chương trình tôn giáo qua truyền hình tăng cao, thì số tín đồ dự lễ bắt buộc ở thánh đường giảm bớt.

Vấn đề này không tồn tại ở truyền hình Phật giáo, mà trái lại, truyền hình, như đã trình bày, lại là “siêu chùa”, mở rộng không gian chùa lên đến mức tối đa có thể, theo tầm phủ sóng của vệ tinh.

MT