Trang chủ Quốc tế Cần có tầm nhìn Đạo pháp đối với sự kiện Đại hội...

Cần có tầm nhìn Đạo pháp đối với sự kiện Đại hội PG toàn cầu

59

 

Trích dẫn lại tờ Times of India, với cụm từ nhiều ý nghĩa: “Return of Buddha”, có ý kiến đi xa hơn, coi Đại hội Phật giáo Toàn cầu ở Delhi là một “thế võ” để Ấn Độ giành lấy ngọn cờ Phật giáo từ tay Trung Quốc.
 
Bàn luận về sự kiện hậu sự kiện này, chúng tôi không nhằm đến việc chỉ đánh giá đúng sai ở riêng rẽ một sự kiện, mà muốn qua đây đưa ra một cách nhìn nhận những sự kiện Phật giáo tương tự, mà chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra.
 
1.      Có những ý kiến bàn luận khác nhau về một sự kiện Phật giáo như Đại hội vừa rồi ở New Delhi, Ấn Độ, là một điều bình thường trong thời đại truyền thông hiện nay. Với nhiều ý kiến khác biệt nhau, chúng ta có thể có những cái nhìn toàn diện hơn về một sự kiện nổi bật như Đại hội Phật giáo Toàn cầu từ nhiều phía, với nhiều lý giải, suy nghĩ…
 
2.      Tuy có thể đón nhận nhiều ý kiến khác biệt, nhưng, điều hơn hết nên có ở người Phật tử là, rốt cuộc, cần để lại một cái nhìn phi chính trị, thuần túy tôn giáo, trong sáng đối với sự kiện Đại hội Phật giáo Toàn cầu vừa rồi, dù rằng những tác động chính trị của sự kiện là điều đương nhiên không tránh khỏi.
 
Cái nhìn Đại hội Phật giáo Toàn cầu tại New Delhi như một “thế võ” để Ấn Độ giành lại ngọn cờ Phật giáo từ tay Trung Quốc là việc xem Đại hội ở tầm một sự kiện do Ấn Độ tổ chức, nhằm một mục tiêu trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Ấn –Trung, cũng có nghĩa hạ thấp ý nghĩa của Đại hội Phật giáo toàn cầu thành một sự kiện công cụ, phục vụ cho một ý đồ định trước.
 
Trong cách nhìn nhận có tính cạnh tranh chính trị như vậy, Ấn Độ, nếu thực sự toan tính như thế, thì đã chính trị hóa một sự kiện tôn giáo. Nếu Trung Quốc có “chính trị hóa” như sau đó Hội Truyền giáo Asoka phê phán, do những phản đối của Trung Quốc liên hệ đến sự hiện diện của Đức Dalai Lama thì cũng là một bước “chính trị hóa” đi sau! Nói Ấn Độ làm chính trị với Đại hội Phật giáo Toàn cầu khác nào biện hộ cho Trung Quốc, rằng cả hai cùng trong một cuộc chơi như nhau?
 
Còn Phật giáo toàn cầu, trong đó có Phật giáo Việt Nam, lẽ nào là lá cờ để 2 bên giành giật với nhau trong cuộc chơi đó, hết bằng Diễn đàn Thế giới này đến Đại hội Toàn cầu kia? Chắc chắn, Phật tử chúng ta không chia sẻ điều này. Lẽ nào, Phật giáo thế giới lại chỉ ở thế như vậy?
 
Nếu nghĩ Đại hội Phật giáo Toàn cầu ở New Delhi là sản phẩm của bàn tay chính trị Ấn Độ, thì cũng khó giải thích cho sự kiện được báo chí tốn nhiều giấy mực bàn luận trước đó.
 
Đó là sự kiện Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ đã không tới dự Đại hội Phật giáo Toàn cầu, mà có tờ báo nước ngoài coi đó là kết quả của sự phản đối từ Trung Quốc (Indo – Asian News Service). Như thế, không khác gì Ấn Độ đánh rơi “ngọn cờ” mà họ giành được. Như thế, cũng là từ Bắc Kinh có thể ra lệnh cho New Delhi, ít ra cũng một phần? Cờ đã về tay, sao người cầm cờ không phất?
 
Nếu thật có một lá cờ để giật, thì liệu đó có phải là giải thưởng cho một cuộc đua đối với Ấn Độ hay không, với một Phật giáo toàn cầu thiếu vắng đi Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo của xứ sở đông dân nhất thế giới và theo đó có lẽ có số Phật tử nhiều nhất thế giới (thuần túy về số lượng)?
 
Nếu thấy rằng có hơi hướng cạnh tranh giữa 2 cường quốc châu Á mới nổi có liên hệ đến các hội nghị, đại hội, diễn đàn… Phật giáo, thì chúng ta nên nhìn nhận sự việc với quan điểm Đạo pháp, tức lấy Đạo pháp làm cơ sở để hình thành quan điểm. Tâm hoan hỷ, lợi ích đạo pháp là trên hết. Tăng ni Phật tử toàn cầu không phải là lá cờ để các nước lớn tranh ảnh hưởng với nhau mà giành giật. Có nghĩa là nên hoan hỷ với tất cả những điều làm lợi ích cho Đạo pháp và không ngả về nước nào, coi mình là lá cờ của một nước nào.
 
Sự kiện tôn vinh Đức Phật và Phật pháp, tăng cường sự đoàn kết Phật giáo quốc tế, dù tổ chức ở một nước nào đều làm Tăng Ni Phật tử hoan hỷ, chia sẻ, và không nên coi đó là thất bại, hay là thắng lợi, của một bên nào, một lực lượng nào, một quốc gia nào, một chính phủ nào.
 
Trong tình huống nếu có sự “trục lợi”, “giành cờ” từ những sự kiện Phật giáo, như với Đại hội Phật giáo Toàn cầu vừa rồi, Phật giáo chúng ta nên tránh xa kiểu nhìn “thế võ”, nên lấy thời cơ để giải quyết thách thức, nhìn sự việc với tâm trong sáng, không chịu sự chi phối của một bên nào trong cuộc đua tranh.
 
MT