Trang chủ Thời đại Chiêm nghiệm về hướng đi tâm linh của dân tộc

Chiêm nghiệm về hướng đi tâm linh của dân tộc

50

Nghiên cứu văn học và tư tưởng Lý Trần, ta tiếp xúc được với gia sản tâm linh của tổ tiên mà ta có thể đem lòng trân quý và quyết tâm đem ra sử dụng để nối tiếp được sự nghiệp của cha ông. Trong lịch sử nước ta, thời đại hào hùng và vững chãi nhất là thời đại Lý Trần.

Tổ tiên ta đã dựng nước và giữ nước trên tinh thần cởi mở phá chấp của đạo Phật, đã biết sử dụng tinh thần vô úy (không sợ hãi) và vô trụ (không nương tựa bên ngoài) của Thiền. Sách Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục sáng tác vào cuối đời Trần đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Sự có mặt của tinh thần Thiền trong lĩnh vực chính trị, văn hóa và xã hội đã đem lại sự thành công cho các nhà lãnh đạo đất nước trong các thời đại ấy. “Vô vi cư điện các, xứ xứ tức đao binh”, ngay trong khi vua Lê Đại Hành còn tại vị, Thiền sư Pháp Thuận đã khai thị như thế cho vua. Câu nói ấy có nghĩa là nếu trong triều, vua và quan thực tập được theo đạo Thiền, thì trong toàn lãnh thổ sẽ không còn có loạn lạc, và đất nước được hưởng cảnh thái bình.

Câu nói ấy có nghĩa là người làm chính trị phải có một con đường tâm linh để đi theo, và con đường tâm linh ở đây là tinh thần cởi mở phá chấp của đạo Phật. Phá chấp và cởi mở có nghĩa là không bị kẹt vào một ý niệm, một lề thói, một ý thức hệ…

Thiền sư Vạn Hạnh, một người thuộc thế hệ đàn em của thiền sư Pháp Thuận cũng đã từng làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành theo tinh thần ấy, và chận đứng được một âm mưu xâm chiếm đất nước của quân đội nhà Tống. Đó là vào năm 980, lúc tướng Hầu Nhân Bảo của Tống triều đã mang quân viễn chinh về đóng sát biên giới nước ta.

Trong bài kệ  Thị Tịch, Thiền sư Vạn Hạnh đã dặn dò các vị đệ tử là phải giữ tâm bình thản đừng lo sợ, phải thực tập đức vô úy (không sợ hãi) trong bất cứ hoàn cảnh nào, đang hưng thịnh hay đã suy đồi, đang thành công hay còn thất bại. “Nhâm vận thịnh suy vô bố úy” (nhìn các hiện tượng thịnh và suy mà đừng sợ hãi) bởi vì “thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (thịnh và suy cũng vô thường như giọt sương đầu ngọn cỏ).

Thái độ vô úy trước các hiện tượng sinh diệt, thịnh suy, còn mất, thành bại là thái độ của người tập thiền: nếu có được sức mạnh tâm linh ấy thì ta sẽ vượt thắng được mọi chướng ngại. Vào đời Lê Đại Hành, có hiện tượng thịnh, nhưng vào thời Lê Long Đỉnh, lại có hiện tượng suy. Trong những năm suy tàn ấy của chế độ, Thiền sư Vạn Hạnh đã áp dụng thái độ vô úy để chuyển suy thành thịnh và kết cuộc là Lý Công Uẩn đã có cơ hội xây dựng được một triều đại vững chãi.

Vạn Hạnh chỉ là một bậc thầy tâm linh, ông không vướng vào một chức vụ triều đình như Hồng Y Richelieu của Pháp hay giáo chủ Makarios của Chypre. Ngày vua Lý Công Uẩn được suy tôn lên ngôi hoàng để ở Hoa Lư, Thiền sư Vạn Hạnh vẫn ngồi thiền buổi sáng ở chùa Lục Tổ.

Sáng hôm ấy, Thiền sư báo tin có sự thay đổi trong triều đình, mọi người ngạc nhiên không biết tại sao ngồi ở chùa mà Thiền sư biết được những gì đang xảy ra ở trong triều. Chiều hôm ấy từ kinh đô Hoa Lư, tin tức đưa về cho biết là những gì Thiền sư nói đã thực sự xảy ra buổi sáng hôm ấy.

Chính Thiền sư Vạn Hạnh đã có ý khuyên vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long và đã giúp thiết kế kinh đô nhà Lý, trong khi Thiền sư vẫn hành đạo tại chùa mà không hề ngủ lại một đêm nào ở trong cung điện nhà Lý.

Vua Lý Nhân Tông, gần một trăm năm sau khi Thiền sư Vạn Hạnh thị tịch, đã làm một bài kệ khen ngợi Thiền sư. Bài kệ ấy như sau:

Vạn Hạnh dung tam tế

Chân phù cổ sấm ky

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích trấn vương kỳ.

Bài kệ được dịch ý như sau: “Hành động của Thiền sư thiên sai vạn biệt, bao gồm cả quá khứ, hiện tại và vị lai. Những lời dạy của Thiền sư phù hợp với những lời sấm truyền trước đó. Quê hương của ngài tên là Cổ Pháp. Ngài chỉ cần có mặt tại thủ đô với cây tích trượng của ngài là đất nước vững chãi và hòa bình.”

Nhà sử học Nguyễn Lang trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận đã dịch bài kệ ấy như sau:

Hành tung thấu triệt ba đời

Ngữ ngôn phù hợp với lời sấm xưa

Quê hương Cổ Pháp bấy giờ

Dựng cây tích trượng, kinh đô vững bền

Một nền đạo đức tâm linh toàn cầu

Mừng một ngàn năm Thăng Long, ta không thể không tưởng niệm tới Thiền sư Vạn Hạnh. Tại sao ta không nghĩ tới việc xây dựng một Trường Đại Học tại thủ đô Hà Nội lấy tên Vạn Hạnh? Các phân khoa của trường Đại Học này sẽ nghiên cứu, giảng dạy và áp dụng mọi khoa học trên tinh thần phá chấp, cởi mở, vô úy và bất nhị của Thiền sư Vạn Hạnh.

Thế giới đang đi về hướng toàn cầu hóa, ai trong chúng ta cũng đang mơ ước có một nền đạo đức tâm linh toàn cầu. Đạo Phật thực ra không phải là một tôn giáo mà là một nền đạo đức tâm linh. Tại sao ta không trở về với gia sản tâm linh lớn lao mà chúng ta đã có để làm công việc này? Tại sao chúng ta phải đi tìm những ý thức hệ và chủ thuyết bên ngoài?

Tất cả các khoa học ngày nay cần được hướng dẫn bởi một chiều hướng tâm linh, dù đó là khoa vật lý học. Nếu không có được phương pháp phá chấp và cái nhìn bất nhị của đạo thiền, làm sao ta có thể đi tới một nền đạo đức và tâm linh toàn cầu, không những cung cấp được hướng đi cho đất nước mà còn cho cả thế giới?