Trang chủ Diễn đàn Chủ tịch nước hiểu rất đúng về Phật giáo

Chủ tịch nước hiểu rất đúng về Phật giáo

157

MINH THẠNH: Chiều ngày 23/11/2017, tôi có nghe tin “Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đoàn đại biểu Hội đồng Trị sự, Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022” phát trên sóng Hệ Thời sự Chính trị tổng hợp Đài Tiếng nói Việt Nam VOV1. Tôi đã chia sẻ với một số bạn đọc gần gũi và trao đổi ý kiến.

Qua phát biểu của Chủ tịch nước, tôi nhận thấy Chủ tịch nước hiểu rất rõ về hiện tình Phật giáo, khác với một số không ít hòa thượng, thượng tọa, đại đức.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Việc khác mà ông đề cập ở đây là thế nào? Tôi thấy có gì khác ngoài niềm hân hoan chung?

MINH THẠNH: Chủ tịch nước, trong phát biểu của mình, được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đã xác định rõ các đối tượng tăng ni, Phật tử, người có tình cảm với Phật giáo và người có tín ngưỡng Phật giáo.

Trong khi đó, có nhiều vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức không có cách nhìn chính xác như thế và coi chỉ có người theo đạo Phật và chiếm 80% dân số Việt Nam (!?).


NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Theo ông, phân biệt như vậy là chính xác? Người có tình cảm Phật giáo, người tín ngưỡng Phật giáo không phải là người theo đạo Phật.

MINH THẠNH: Đúng vậy. Nhưng vấn đề là ở chỗ, hệ quả của việc xác định chính xác đó là tín đồ Phật giáo, tức Phật tử, không còn bao nhiêu.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Người có tình cảm Phật giáo, không theo đạo Phật thì có thể hiểu được. Nhưng sao có thể coi người tín ngưỡng Phật giáo không phải là Phật tử.

MINH THẠNH: Cách phân biệt này rất khoa học, dựa trên những căn cứ cụ thể và xác đáng.

Hiện nay, với sự phát triển của ngành tôn giáo học, sự phân biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo đã được làm rõ.

Sự phân biệt này đã được pháp luật xác định. Xin xem nội dung liên hệ trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo.

Người có tín ngưỡng Phật giáo có thể có niềm tin với Phật, nhưng chỉ giới hạn ở đó. Họ không biết giáo lý, không quan hệ với các cơ sở tôn giáo, không liên quan chi đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Có thể một năm họ đến chùa 1-2 lần, một lần 5-10 phút, chỉ làm động tác thắp nhang, như thờ cúng ông bà, viếng mồ mả ông bà. Số lượng người tín ngưỡng Phật giáo, khi được xác định rõ, rất đông, chiếm một tỷ lệ cao trong con số vốn được các tu sĩ Phật giáo gộp chung là tín đồ.

Coi số người tín ngưỡng Phật giáo như những Phật tử là một cái nhìn sai sự thật, xa rời thực tế.

Phân biệt như trong lời phát biểu của Chủ tịch nước mới là tuyệt đối chính xác, phản ánh chân thực thực trạng của Phật giáo Việt Nam.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng vẫn có những người tín ngưỡng Phật giáo như ông nói tự xác định tôn giáo của mình là Phật giáo?

MINH THẠNH: Có thể có một số. Nhưng chắc chắn là một số đông hơn tự xác định là không tôn giáo. Cho nên, thống kê chính thức của chính quyền gần nhất cho thấy số người theo Phật giáo ở Việt Nam chưa đến 7 triệu người.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Còn lại số người tình cảm Phật giáo, tín ngưỡng Phật giáo là bao nhiêu?

MINH THẠNH: Trong thống kê, cơ quan chức năng chỉ thống kê tín đồ tôn giáo.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Người tình cảm Phật giáo, người tín ngưỡng Phật giáo sẽ trở thành tín đồ Phật giáo?

MINH THẠNH: Vấn đề là ở chỗ đó. Là con số tín đồ thực sự của Phật giáo sẽ tăng lên bao nhiêu! Phật giáo có thiểu số hóa hay không là ở điểm này.

Tuy nhiên, nếu xác định rõ ba loại đối tượng: Phật tử, người tình cảm Phật giáo, người tín ngưỡng Phật giáo, thì tín đồ Phật giáo chắc chắn không phải là 80% dân số Việt Nam và xu hướng thiểu số hóa đương nhiên rất rõ.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Dường như, chỉ về phía chính quyền mới có xác định phân chia như thế?

MINH THẠNH: Trong Phật giáo cũng có, nhưng một số đông hơn vẫn cho rằng tín đồ đạo Phật chiếm 80% dân số Việt Nam, đạo Phật ngày nay tươi sáng, đạo Phật ngày nay huy hoàng, đạo Phật vàng son rực rỡ…

Bi kịch cho Phật giáo Việt Nam là ở chỗ đó. Do vậy, chấn hưng Phật giáo là một yêu cầu cấp thiết, để đưa số người tình cảm Phật giáo, tín ngưỡng Phật giáo thành tín đồ Phật giáo thực sự.