Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Cả – Một di tích cần được bảo vệ

Chùa Cả – Một di tích cần được bảo vệ

392

Làng Trúc Động    Đông Trúc   huyện Thạch Thất (Hà Tây), bên sông Tích Giang thơ mộng. Cụm di tích của làng gồm đình, đền cùng hai ngôi chùa. Tọa lạc ở trung tâm làng, ngôi chùa Cả (tên chữ Sùng Phúc tự) hiện diện như một chứng nhân của lịch sử, che chở gìn giữ tâm linh cho bao kiếp người. Đầu năm 2006, chùa Cả được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.


Chùa tọa lạc trên gò đất cao ráo, bố cục kiểu chữ Tam. Tam quan đồng thời là gác chuông, dựng vào thời Nguyễn, kết cấu chồng diêm hai tầng, bốn mái chảy, tường hồi bít đốc, với tam quan thể hiện triết lý nhà Phật: không, giả và trung. Cả ba tòa hạ, trung, thượng điện cùng chiều dài và kế liền nhau. Chùa hạ và chùa trung thiết kế theo lối tường đá ong, hồi bít đốc, hai mái chảy. Thượng điện kiểu bốn mái, các đầu đao uốn cong duyên dáng.


Ngắm nhìn ngôi chùa cũ kỹ cơ hồ như đã bị bỏ quên hàng trăm năm, với những bức tường đá ong già nua, ai ngờ nơi đây đang gìn giữ những di vật Phật giáo vô giá, Đó là hàng chục tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thuộc hệ thống tượng Phật tròn rất giá trị, mà hiếm ngôi chùa nào có được hệ thống tượng Phật tương đối đầy đủ, nguyên vẹn giá trị cổ xưa, chưa một lần được trùng tu tân trang sơn phết lại như ở đây.


Ngự ở vị trí cao nhất của thượng điện là bộ tượng Tam thế có niên đại cuối thế kỷ XVIII, gồm ba pho dáng vẻ tương tự nhau, ngồi kiết già trên tòa sen. Kích thước mỗi pho cao 70cm, hai tay của các tượng kết ấn tam muội, tượng khoác áo hai lớp, lớp trong thắt múi trước bụng, lớp ngoài kiểu cà sa thụng. Đài sen của bộ Tam thế cao 19cm, gồm ba lớp cánh ngửa, hai lớp cánh sấp tạo dáng mãn khai.


Ngự tại lớp tượng thứ ba là pho Thích Ca được tạo tác mang đầy tính ngẫu hứng, không theo quy tắc mỹ thuật tạo hình truyền thống nào. Theo các nhà nghiên cứu thì đây là pho tượng rất đặc biệt trong hệ thống tượng có niên đại thế kỷ XVII, và chưa từng thấy bất cứ pho tượng Phật Thích Ca nào khác ở Việt Nam có kiểu dáng như vậy.


Lớp tiếp theo là tượng Quan Âm và Di Lặc. Tượng Di Lặc có niên đại thế kỷ XIX, cao 74cm, thể hiện cốt cách lạc quan, bụng nở thành khối, lưng tựa vào túi càn khôn, áo vắt hờ qua vai trái rủ xuống chân.


Sát ngay phía dưới là pho tượng A Di Đà có niên đại thế kỷ XVIII, cao 65cm, đài sen cao 24cm.


Góc bên phải hồi chùa thượng có pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn, phía trước là tượng Quan Âm tọa sơn niên đại thế kỷ XVII, cao 72cm, tạc bằng gỗ liền khối với hòn giả sơn màu xám.


Tiền đường có nhiều bộ tượng quý. Bộ Thập điện Diêm vương gồm mười pho bày đối xứng hai bên. Giữa chùa hạ có hai pho tượng Ngọc Hoàng cùng Nam Tào, Bắc Đẩu và bốn pho Thị giả. Sở dĩ có hai pho Ngọc Hoàng vì thời chiến tranh, một ngôi chùa khác trong làng bị phá hủy, một số tượng Phật được dời về chùa Cả. Trong chùa còn có tượng Hộ pháp, La hán, Đức Ông, Thổ Địa, Giám Trai tạo tác từ thế kỷ XIX.


Tòa Cửu Long ở chùa Cả là một trong số hiếm hoi các tòa Cửu Long thế kỷ XVIII còn lưu giữ được trên đất nước ta. Tòa Cửu Long ở đây được chạm khắc theo hình vòm cầu, cao 74cm không kể bệ. Đây là tác phẩm nghệ thuật miêu tả khung cảnh Đức Phật Thích Ca giáng trần. Trên trời xuất hiện chín con rồng phun nước tắm cho Ngài. Tầng trên cao có tiên nữ, chư Phật chứng kiến, ca múa mừng Ngài đản sinh.


Tam quan chùa treo quả chuông đồng đúc năm 1821, cao 115cm, đường kính miệng 55cm. Cù lao chuông kiểu đôi rồng đấu đuôi vào nhau, các đường gờ chia thân chuông làm 8 khoang, bốn núm gõ nổi hình tròn. Khoang phía trên đúc nổi 4 chữ đại tự “Sùng Ân tự chung” trong vòng tròn lá đề.


Ngoài hệ thống tượng gỗ, chùa Cả còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị, gồm: 8 đôi câu đối, 1 tấm bia đá, 1 bát hương đá, 2 bát hương Thổ Hà, 6 bát hương sứ, 1 sập thờ, 1 đôi lộc bình, 4 chân nến gỗ, 3 mâm bồng, 1 mâm gỗ, 1 bộ cửa võng, 1 hoành phi, 2 lọ cắm nhang bằng gỗ, 2 chân nến bằng đồng, 1 khánh đá.


Hệ thống tượng Phật chùa Cả được tạo tác công phu, giá trị thẩm mỹ cao, niên đại trải dài từ thế kỷ XVII đến XIX. Mỗi pho tượng một vẻ đẹp riêng, mang dấu ấn nghệ thuật từng thời đại. Đây là những pho tượng nguyên bản, chưa từng được tu bổ, sơn phết nên vô cùng quan trọng đối với việc nghiên cứu mỹ thuật điêu khắc cổ. Các nhà khoa học ví ngôi chùa này như một ngôi chùa Tây Phương thu nhỏ, và đánh giá giá trị các pho tượng không thua kém chùa Mía ở Đường Lâm.


Dù được công nhận di tích nhưng chùa hiện không người trông coi và đang xuống cấp, hư hại trầm trọng. Ông Phùng Văn Tung (Trưởng ban Quản lý di tích làng Trúc Động) cho biết: “Chùa không có Tăng Ni trụ trì, việc gìn giữ bảo tồn là do dân làng cắt cử nhau trông coi, nên chưa một lần được trùng tu. Hiện nay kiến trúc chùa, cũng như hệ thống tượng Phật hư hại nghiêm trọng. Để bảo tồn dài lâu rất cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền, Giáo hội Phật giáo, cũng như sự ủng hộ của nhân dân, Phật tử gần xa”.