Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Linh Sơn tại núi Bà Đen

Chùa Linh Sơn tại núi Bà Đen

92

Chùa tọa lạc trên ngọn núi Bà Đen Tây Ninh là một trong những thắng cảnh hùng vĩ nhất ở miền Đông Bắc của miền Nam Việt Nam.


Sách Gia Định Thành Thông Chí đã trình bày cảnh quan của chùa Linh Sơn Bà Đen như sau đây: Núi Bà Đen cao lớn, khắp  vùng trấn hạt từ xa đều trông thấy cả. Đất đá vươn lên cao, cây cối xanh tốt; giòng suối nước ngọt, đất đai nhiều mầu mỡ. Trên núi có chùa Linh Sơn; dưới lại có ao hồ; cảnh trí trong vùng nầy quảthật là u nhã; chung quanh lại có những hố sâu thăm   thẳm, bao la… 


Tài liệu trên còn ghi thêm những huyền thoại như sau đây:  Những sách sử còn kể lại rằng: Có chuông vàng trong hồ nước ở núi; nhưng khi đến gần thì mọi sự đã biến mất. Cũng có chuyện thuyền rồng bơi quanh, nhiều khúc ca múa trên mặt hồ nầy. Lại có con rùa vàng thật lớn hơn một trượng, Đôi khi trông thấy bơi lên lặn xuống trong hồ nầy… 


Những câu chuyện trên được truyền tụng khắp nơi, cũng để tăng thêm khung cảnh kỳ bí của khu vực núi Bà Đen và chùa Linh Sơn mà thôi.  Có lẽ chữ Linh Sơn cũng hàm ý trên. Không có chứng liệu nào đích xác. Quần thể của vùng núi non nầy gồm 3 ngọn: ngọn Bà Đen, ngọn Núi Voi và ngọn Núi Heo họp nhau lại, phân chia bằng những thung lủng sâu thăm thẳm.  Trong số đó thì núi Bà Đen cao đến 885 mét, trong khi Núi Voi cao 612 mét,  núi Heo cao 548 mét.


Du khách đến khu vực thắng cảnh nầy chỉ có một lối độc đạo. Từ khu vực dưới chân núi thì nhiều phương đổ về đây, thì phải leo lên theo những bậc đá mấp mô, liên tiếp nhau; ngoài trừ một vài khoảng lưng chừng núi không dốc lắm thì không có bậc thang như đã nói trên.   Càng lên cao chừng nào thì đồi núi lại càng thêm cheo leo, có khi nguy hiểm nhất là mùa mưa gió, phải thận trọng trong từng bước đi một. Không có ít tai nạn xẩy ra.


Tuy nhiên, con đường đi lên rợp bóng cây bao vây,cho nên du khách dừng nghỉ dễ dàng. Lưng chừng núi có nhiều hang động,  có những mạch nước rỉ nhỏ ra. Chốc chốc lại có am thờ, thập phương  dừng lại dâng hương. 


Khi đến độ cao 612 thước thì có một khu vực khá bằng phẳng, rộng rãi:   đó là khu vực của chùa Linh Sơn. Như vậy, việc xây dựng chùa không là  chuyện dễ dàng. Ngoài chùa Linh Sơn Tiên Thạch là ngôi chính, lại còn có chùa Hang. Như tên gọi, phần lớn chùa sau nầy nằm trong hang động.  


Ngoài thờ Phật, lại còn thờ nhiều vị Thần khác. Ngoài ra, lại còn  có khu mộ Tháp thờ những cao tăng từng góp công xây dựng chùa nầy. Nhiều hàng quán được dựng lên trong khu vực chung quanh chùa Linh Sơn Tiên Thạch và khu chùa Hang.


Có ít ra ba khu vực  thờ đức Thánh Mẫu được rút ra trong huyền thoại Thiên Y A Na của Chiêm Thành. Theo những di văn lưu lại chùa Linh Sơn được xây lên vào tháng giêng năm 1960; tất cả những hàng cột chính của ngôi chùa nầy đều bằng bê tông cốt sắt cho nên rất kiên cố.


Chùa Hang ngày trước chỉ vừa đủ để đặt một bàn thờ của Linh Sơn Thánh Mẫu thì sau nầy đã được mở mang rộng thêm ra, phía trước được lợp mái khá vững chắc. Sau cùng là chùa Long Châu. Từ chùa Linh Sơn, du khách còn phải leo thêm một đoạn đường núi đến 250 thước nữa thì mới đến vùng chùa Long Châu. Đoạn đường nầy trưóc kia rất cheo leo, nguy hiễm; đến nay 1959 thì bắt đầu tu bổ rộng thêm; tuy nhiên khi lên xuống những bậc thang của khu nầy thì phải vịn vào chiếc lan can bằng thanh sắt dài. 


Sách “Gia Định Thành Thông Chí” chép: “Núi Bà Dinh (tức Bà Đen) đất đá cao vút, cây cối um tùm, nước ngọt đất màu, trên núi có chùa Linh Sơn, chân núi sát với hồ chằm, cảnh trí đẹp đẽ, rừng hố thẳm sâu, thôn xóm người Hoa, người Man (Cao Miên),  dân nhờ mối lợi núi rừng, thỉnh thoảng có người nhặt được cổ khí bằng đồng, bằng đá…    Núi còn có tên nữa là núi Điện Bà, năm Tự Đức thứ ba đổi tên gọi hiện nay, ghi vào điện thờ…”


Qua những tài liệu dẫn thượng cho thấy: Núi mang tên như hiện nay mới có từ năm 1850, cái tên dân dã của núi, theo các nhà chép sửtrong Quốc Sử Quán triều nhà Nguyễn là núi Bà Dinh. 


Khi đến vãn cảnh nầy, Phạm Quỳnh viết: “Cảnh trí của toàn núi Bà Đen và điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu thực là nghiêm trang và ngoạn mục. Những khối đá lớn bằng mấy gian nhà chồng chất lên nhau, trông chênh vênh nhưng vô cùng vững chải…  Trong những ngôi chùa hang động của Việt Nam kể luôn  cả chùa Hương Tích thì vùng quần thể chùa chiền Bà Đen được xem là hiễm trở vàobậc nhất. Dân chúng vẫn ngưỡng mộ những ngôi chùa linh thiêng nầycho nên quanh năm suốt tháng, khách đi lễ không ngừng.Trong mỗi năm, có hai ngày hội chùa Linh Sơn nhằm vào rằm tháng Giêng và rằm tháng Tám.


Bà Sương Nguyệt Ánh khi đến vãn cảnh chùa và núi có viết bài Đường luật “Thưởng bạch mai” như sau:


Non linh, đất phước trổ hoa thần, Riêng chiếm vườn hồng một cảnh Xuân.Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng, Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân. Mây lành, gió tạnh, nương hơi Thánh,Vóc ngọc, mình băng, bặt khói trần. Sắc nước, hương trời, nên cảm mến,  Non linh, đất phước trổ hoa thần.


Lịch sử kiến tạo chùa Linh Sơn


Người Việt đến khai sơn hoá đạo núi Bà Đen và khu vực chùa Linh Sơn đã dược ông Huỳnh Minh ghi chép trong tác phẩm “Tây Ninh xưavà nay” như sau:  a) Thời kỳ Nam tiến, thế kỷ 18: có các vị Tổ sư đã dày công đức như chư Tổ: Thiệt Diệu, Tế Giác, Đại Cơ, Đạo Trung, Tánh Thiền, Hải Hiệp.  Tổ Đạo Trung Thiện Hiếu tục gọi là tổ Bưng đĩa, từng trải 31 năm khổ nhọc khai sơn hoá đạo núi Điện Bà, đến năm 1794 thì về lập chùa Long Hưng ở Thủ Dầu Một.


Tổ Hải Hiệp Từ Tạng là vị Tổ thiêu hoá còn một lóng tay út chôn dưới hang động, sau dời mộ bia về trước tháp.


Thời kỳ Pháp thuộc, thế kỷ 19: kể từ năm Tân Mùi 1871 đến 1880, có các vị Tổ đáng kính nối nghiệp, liệt kê như sau: (1) Tổ Thánh Thọ Phước Chí,  vị thủ tạ của chùa Phước Lâm (Vĩnh Xuân) lên Điện Bà xây Hang Điện, từ năm 1872 (đến năm 1875 Hang Điện hư hoại người sau mới phá ra xây lại lần nữa).  Vị Tổ này tại vị từnăm 1871 đến 1880. (2) Tổ Trừng Tùng Chơn Thoại, có công kiến thiết ngôi chùa Phật và nhà Giảng đường toàn bằng cây sao, tại vị từ năm 1880 đến 1910. (3) Tổ Tâm Hoà Chánh Khâm, xây cất chùa Tổ bằng đá, khởi công từ năm 1922 đến năm 1924 mới hoàn thành. Rồi đến năm 1937 thì dựng thêm nhà Tổ bằng đá. Vị tổ nầy tại vị từ năm 1910 đến 1937.   (4) Tổ Nguyên Cơ Giác Phú kế nối được 11 tháng thì viên tịch vào ngày10 tháng Chạp năm Đinh Sửu 1937. (5) Tổ Nguyên Cần Giác Hạnh, thay mặt Trưởng tử cố Hoà Thượng lập Tháp cho Bổn sư và Sư huynh năm 1939. Tại vị từ 1938 đến 1945. (6) Sư Nguyên Bộ Giác Ngọc  thay mặt trụ trì từ năm1946 đến 1951. Năm Tân Mão 1954 về chùa Phước Lâm (Vĩnh Xuân)đến 8 giờ đêm tháng Chạp thì mất tích. (7) Hoà thượng Nguyên Chất Giác Điền, tại vị từ 1952 đến 1957,   lãnh chùa Phước Lâm ngày 22 tháng Chạp năm Tân Mão 1951, thay mặt hàng năm lo liệu lễ vía Bà và khai Trường Hương, Trường Kỳ. Kể từ năm Bính Thân 1956 chính quyền địa phương và bổn đạo đồng cử ban Quản trị lập Hội Núi Điện Bà.


Năm 1962, tình hình an ninh  trong vùng nầy không mấy được bảo đảm, cho nên cốt Bà được dời về chùa Phước Lâm là ngôi chùa thứ nhì của chùa Linh Sơn.  Từ ngày cung nghinh cốt bà về chùa Phước Lâm, ban Quản trị Hội Núi Điện Bà giao lại cho quí Hoà Thượng Yết Ma, Giáo thọ trong tỉnh đảm trách.


Hoà thượng Thích Huệ Phương trụ trì ngôi chùa Phước Lâm Cổ tự cho đến năm 1975.  Pho tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ tại đây hiện nay đã không biết được tạo dựng trong thời gian nào. Những nhà nghiên cứu điạ dư chí đã đề cập nhiều đến pho tượng nầy. Pho tượng nầy, mặc y trang theo kiểu dáng của một bà Hoàng Hậu triều nhà Nguyễn, tóc được búi về phía sau, chân trái được xếp lại, chân phải co lên theo kiểu “Đà Noa Thức” tay phải đặt trên đầu gối, tay trái cầm bông sen hồng 36 cánh; một sợi tóc thả dài nơi má; vành tai to, trễ, khoé môi hơi trễ, mũi thẳng, lông mày dài. Nhìn chung lại thì nghệ thuật tạo hình và tạo dáng của những pho tượng Thánh Mẫu cũng như Tam Thế Phật tại chùa Linh Sơn Thánh Mẫu hoàn toàn giống như cách bài trí tại chùa Phước Lâm ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, thuộc phái lâm tế Chánh Tông từ thế hệ thứ 35 trở về sau.


Cả hai ngôi chùa nầy (Phước Lâm và Linh Sơn) đều là sự đan xen giữa Phật Giáo và tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu như đa số nhiều chùa chiền ở miền Nam Phần Việt Nam hiện nay. Qua nghiên cứu, sự thâm nhập của tín ngưỡng thờ Mẫu vào điện thần của đạo Phật (Tiền Phật, Hậu Mẫu) trở nên phổ biến trong nhiều vùng ở nước ta. 


Thành thử, dáng thức và phong cách tín ngưỡng ở quần thể chùa miếu núi Bà Đen, được tạo dựng từ hai nguồn:


Nguồn thứ nhất: núi Bà Đen từng là nơi gắn bó với Chi Phái Liễu Quán trong Thiền Phái Lâm Tế Chánh Tông. Từ Thiền sư Thiệt Diệu cho đến ngày nay, ngôi chùa đã được tổ chức và hành trì qua nhiều đời của các môn đệ của phái Liễu Quán hành đạo và truyền đạo tại đây.


Nguồn thứ hai: Tín ngưỡng thờ Mẫu được hội nhập từ nguồn Việt cũng như nguồn Khmer, để từ đó, có thể tạo ra được một “thiết chế văn hoá tín ngưỡng” riêng. Qua những chứng liệu và điền dã, cũng thật khó phân biệt được trong hai nguồn nầy tín ngưỡng nào đến trước, tín ngưỡng nào đến sau.  Cũng do hai ảnh hưởng nầy cho nên sự đan xen tín ngưỡng đã khiến cho những phong cách tổ chức lễ hội và diễn xướng tại núi Bà Đen cũng mang nhiều sắc thái riêng biệt.


Những nhà nghiên cứu vùng đất nầy kể lại rằng: Vào đời Nguyễn, sau khi thống nhất giang sơn, vua Gia Long quan tâm nhiều đến các chùa điện miền Nam, đã phong cho vị thần (bà Đênh) là Linh Sơn Thánh Mẫu; nơi động chính thờ bà là Linh Sơn Thạch Động.


Theo truyền thuyết, vào những năm chiến đấu khổn cùng, chính Thánh Mẫu đã từng báo mộng cho vua Gia Long tìm đường thoát hiễm, sau đó chỉnh đốn thực lực, gây cơ sở, đi đến thắng lợi sau cùng…


Vào năm 1813, tháng 7, vua Gia Long đã sai Tả Quân Lê Văn Duyệt đúc tượng bà Đênh bằng đồng đen để phụng thờ. Nhưng tờ sắc phong nầy đã không còn bảo lưu nữa.


Vào năm 1936, đời Bảo Đại, Linh Sơn Thánh Mẫu lại được sắc phong. Mỗi năm, cứ đến ngày mồng Ba Tết trở về sau cho đến lễ Thượng Nguyên, dân chúng khắp nơi, chẳng những trong vùng Tây Ninh, mà còn nhiều vùng khác, nhất là thành phố Sài Gòn, khách hành hương thập phương đến cúng tế.Trong cuốn Hội Hè Đình Đám, cuốn I – 1969 – trang 201, Toan Ánh viết: “Dân chúng sùng bái  Linh Sơn Thánh Mẫu, mùa Xuân tới, ai cũng nghĩ tới đi lễ, để cầu mong một năm thịnh vượng…” 


Sự sùng kính ở Linh Sơn Thánh Mẫu cộng với dịp du xuân ở vùng thiên nhiên hùng tráng nầy đã khiến cho nơi đây trở thành một địa danh mang không khí hội hè, đình đám đa dạng, hoàn toàn không giống như một lễ hội theo đúng nghĩa của nó.


Lễ hội chuà  Linh Sơn


Như đã trình bày, lễ hội Linh Sơn Thánh Mẫu tổ chức vào ngày rằm tháng giêng tuy nhiên trong suốt tháng giêng, tín đồ thập phương thường đến hành lễ không ngừng. Mỗi tháng vào ngày rằm cũng có những cuộc lễ thường kỳ. Trong những dịp nầy, số người đến lễ lên đến hàng trăm ngàn người. Nhiều du khách nhân dịp lễ chùa cũng để vãn cảnh kỳ thú hùng vĩ nơi đây.


Phần đông đến cầu nguyện được Thánh Mẫu phù hộ gia đạo tốt lành, gặp nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi. Thực ra ngày Vía chính thức Linh Sơn Thánh Mẫu ở vào hai ngày 5 và 6 tháng 5 âm lịch hàng năm, là ngày Hiễn Thánh của bà Đênh (Lý Thị Thiên Hương).


Vào lúc 12 giờ ngày 5 tháng 5, tất cả khách thập phương đều được mời ra bên ngoài, cửa điện thờ được dóng lại, các vị sư nữ dùng nước suối Bửu Long rửa sạch sẽ (lễ Mộc dục) rồi sau đó, xức dầu  thơm vào.  Những lễ chính trong ngày vía Thánh Mẫu là: lễ Khai Kinh, lễ Mộc dục, lễ Túc Yết, lễ Chính Thức, vào lễ chầu văn đồng bóng.  Những người Khmer và người Hoa cũng thường đến dâng lễ.


Người  Khmer theo tập tục của họ thường dâng thức cúng là dừa và trầu cau. Người Hoa thì cúng dường bằng hoa trái và đèn nhang. Vì lo công việc làm ăn sao cho thịnh vượng cho nên người Hoa thường lên cúng vái cầu khẩn rất đông. 


Khách thập phương xin lộc bà là gạo, bông, trầu, cau. Toàn bộ ngày vía không có đọc văn tế hay khai kinh riêng về Thánh Mẫu, mà lại dùng kinh điẻn của Phật Giáo. Qua những điều nầy cho thấy: nghi lễ thờ cúng tại Điện Bà (Linh Sơn) vào ngày viá chỉ dừng lại ở mức độ nghi lễ, mà chưa thấy hội nhập sâu của những lớp văn hoá khác. 


Tín ngưỡng thờ Mẫu tại những điện đài núi Bà Đen vẫn chưa làm thay đổi được nghi lễ của Phật Giáo tại đây, để trở thành một lễ hội của tín ngưỡng thờ Mẫu, như lễ hội núi Sam (Châu Đốc – An Giang)..


Sự tích chùa  Linh Sơn


Linh Sơn  thờ tại chùa Linh Sơn trên núi Bà Đen, Tây Ninh là nơi nổi tiếng linh thiêng. Mỗi năm cứ đến ngày mồng 15 tháng giêng m lịch thì dân chúng khắp những tỉnh miền Nam tấp nập đến hành hương, cầu phước, xin xăm và lên đồng bóng.


Qua những tài liệu còn bảo lưu đến nay, có đến 3 truyền thuyết về Bà (Linh Sơn Thánh Mẫu):


Truyền thuyết thứ nhất:


Ngày xưa ở vùng nầy có một con gái tài sắc, mang tên là Lý Thị Thiên Hương, chỉ hiếm một nỗi là nước da của nàng ngâm đen, nhưng vẫn có những nét đặc biệt hấp dẫn củanó. Hồi ấy, núi Bà Đen còn mang tên là “Núi Một” trên chót vót của ngọn núi nầy có một pho tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật bằng đá huyền thạch, nghe đồn là rất linh thiêng. Người dân trong vùng cũng như dân trong cả Nam Kỳ Lục Tỉnh thường đến đây đễ lễ bái, cầu khẩn, ước gì được đó néu có thành tâm.


Vì chung quanh hòn núi có rừng rậm nhiều loại thú dữ, cho nên khách hành hương ở đây phải họp nhau lại thành từng đoàn, hộ tống cho nhau để leo lên núi cúng bái.  Trong số nầy, Lý Thị Thiên Hương là một trong những người thành tâm. Nàng được lòng một nho sĩ trong vùng có tên là Lê Sĩ Triết.


Trong khi đó, con trai của quan Án Sát trong vùng, đã có vợ con tì thiếp, cũng đã đâm ra mê nàng. Hắn tìm đủ thủ đoạn để chiếm cho được nàng, kể cả chuyện bỏ ra nhiều tiền bạc và những tay côn đồ để trấn áp. Hắn cho thủ hạ chận đường bắt cóc nàng để đem về làm thiếp. Giữa lúc đó thì Lê Sĩ Triết đã được loan báo kịp thời, xuất hiện đúng lúc, đánh đuổi bọn côn đồ, giải cứu được nàng. Cảm ơn lòng nghĩa khí của nàng,Thiên Hương đã về nhà xin phép cha mẹ nên thuận tình cho mình cóthể kết hôn với chàng trai đó.Nhưng trong giai đoạn nầy, loạn lạc nổi lên bốn bề. Lê Sĩ Triết  cũng như bao nhiêu chàng trai khác, phải sung vào quân ngũ.


Chàng từ giã người yêu, lên đường ra trận. Nhưng rồi, chàng ra đi biền biệt, ở nhà, cô gái vẫn một mực trông chờ người yêu trở về. Thường ngày, khi rảnh rỗi, nàng lên núi cần khẩn, mong sao cho người yêu sớm trở về đoàn tụ. Một lần khi lên núi, nàng lại bị bọn côn đồ tay sai con quan Án Sát vây bắt. Biết rằng không thể nào thoát được bọn chúng, để giữ cho tròn tiết nghĩa của mình, nàng đã nhảy xuống hố tử tiết.  Về sau, nàng hiện về báo mộng cho vị sư trụ trì ngôi chùa đá trên núi.


Dựa theo lời đã ứng mộng, nhà sư đã tìm đến nơi, nhặt đượcxác của nàng, mang về tẩm liệm, chôn cất và cúng bái, tiếp độ hương linh cho nàng. Từ đó trở đi, nàng rất linh thiêng, nhất là tiếp ứng trong những việc thưởng thiện phạt ác. Căn cứ vào màu da đen của nàng, cho nên dân chúng gọi là “Bà Đen”.


Truyền thuyết thứ 2: 


Sự tích Thánh Mẫu (Phật Bà) Tây Ninh trong “Bản Phả” còn lưu lại tại ngôi miếu thờ thì được ghi chép lại như sau:


Trong thời gian đất miền Nam còn thuộc phần đất đai của người Thủy Chân Lạp, tại vùng Tây Ninh có một vị viên quan trấn thủ trong vùng sinh được một trai một gái: người con trai tên là Thạch Biên, người con gái là Thạch Nương còn được gọi là nàng Đênh, theo tiếng địa phương hồi bấy giờ.


Khi nàng Đênh lên 13, một hôm có một nhà sư tên là Trung Văn (hayVân) Danh, đạo  hiệu Trừng Thanh, từ Quảng Đông theo thuyền buôn đến vùng nầy tìm một nơi để dựng chùa, thờ Phật và hoằng pháp độ sanh.


Khi đến nhà  quan trấn thủ, vị sư hỏi thăm về việc truyền đạo và dò la kiếm nơi trú tạm để truyền đạo. Quan Trấn thủ mời nhà sư tạm nghỉ tại nhà mình để tiện việc học đạo Phật. Nhà sư bằng lòng và nhân đó thường giảng kinh sách cho gia đình quan trấn và đội cơ vệ. Trong dịp nầy nàng Đênh cũng theo học đạo.


Sẵn trí thông minh, lòng mộ đạo cho nên nàng lĩnh hội rất nhanh chóng; chẳng bao lâu trở thành một môn đồ chân chính của nhà sư Trừng Thanh.


Quan trấn cũng cho lập một ngôi chùa ở phía đông chân núi Bà Đen gần làng Phước Hội, mà dân chúng trong vùng thường gọi là chùa Ông Tàu. Nàng Đênh càng lớn lên càng xinh đẹp tuyệt trần. Quan trấn thủ vùng Trảng Bàng liền cho người đến mai mối để xin cưới nàng Đênh cho trưởng tử của mình. Thân phụ nàng Đênh chấp thuận và hai bên chuẩn bị cho hôn lễ.


Nhưng khi đó, nàng Đênh đã quyết xuất gia tầm đạo, nên bỏ nhà ra đi, biệt tăm tích.  Gia đình hai bên cho người tìm kiếm khắp nơi nhưng không tìm thấy;  sau cùng chỉ tìm được một khúc chân bỏ lại mà mọi người cho là của nàng Đênh. Khúc chân nầy được mai táng ở chân núi Bà Đen.


Khi nhà sư Trừng Thanh trở lại đã làm lễ siêu độ cho nàng Đênh. Nàng cũng ứng mộng cho  những người trong gia đình biết là đã được Hiễn Thánh. Từ đó, dân chúng trong làng lập miếu thờ cúng nàng. Bất cứ ai có khó khăn, bệnh tật gì,  đến cầu khẩn, cúng bái đều được giải trừ tai kiếp.


Đền thờ nàng Đênh được trùng tu lớn lao và mỗi năm vào ngày 10 tháng giêng âm lịch thường tổ chức lễ cúng bái, rước vong và khấn nguyền. Đền thờ nàng Đênh nổi tiếng là linh thiêng.


Khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy đến vùng nầy thì hết lối, liền cầu khẩn đền nàng Đênh (Linh Sơn Thánh Mẫu) thì Thánh Mẫu báo cho biết con đường sang Thái Lan để cầu viện và đã cầm chân được binh sĩ Tây Sơn. Khi vua Gia Long lên ngôi, nhớ đến ơn cứu tử, liền sai quan quân đến vùng nầy để trùng tu và cúng bái đền Thánh Mẫu rất trang trọng. Tờ sắc phong ngôi Quốc tự nầy đến nay vẫn còn được bảo lưu tại chùa Linh Sơn Tây Ninh. 


Về sau, một vị tu sĩ tên là Đạo Trung đến ẩn trú ở núi Bà Đen, sinh sống bằng nghề khai hoang, đã tìm thấy một tượng bà Quan Âm, và được ứng mộng là tượng của Linh Sơn Thánh Mẫu. Nhà sư rước tượng về lưng chừng núi để lập chùa Linh Sơn thờ phụng. Hai nơi thờ được nhập chung thành một


Truyền thuyết thứ 3: 


Truyền thuyết nầy không kể đến sự tích của vị thần núi mà là sự tích của hòn núi.  Ngày xưa, người Khmer không xác định được là theo phụ hệ nay mẫu hệ.  Bữa nọ, có một người con gái tên là Rédeng đến rủ một chàng trai trong thôn cùng nhau thi tài về cách đắp thành hòn núi: Nội trong vòng một đêm, ai đáp xong trước sẽ được thắng cuộc, người thua cuộc sẽ phải chịu đứng ra cưới người kia. Họ đồng ý tham dự.


Chàng trai kia ỷ  mình có sức khoẻ, cho nên lần chần đã không chịu làm. Trong khi đó thì nàng Rédeng cần mẫn, đắp xong ngọn núi trước và thắp đèn báo hiệu cho biết là mình đã thắng cuộc.  Khi đó, chàng trai mới chợt tỉnh và biết là mình đã thua cuộc.  Chàng liền sai con voi trắng đến phá núi, nhưng con voi đã bị nàng Rédeng làm phép biến thành voi đá.  Chàng trai không chịu nhượng bộ, liền cho bầy lợn, gà trống đến phá; nhưng rồi tất cả đều bị biến thành đá. Chàng trai tự mình đến phá núi cũng không thành tựu được.


Núi ấy còn lại cho đến ngày nay tức là núi Bà Đen. Thật ra, tên là Rédeng, nhưng người địa phương gọi tắt là nàng Đen hay Bà Đen.
 
Nguồn tài liệu:


Đại Nam Nhất Thống Chí – Quốc Sử Quán triều Nguyễn – 1992
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – NXB Khoa học xã hội – Hà Nội – 1973
Lịch triều hiến chương loại chí – NXB Khoa học xã hội – Hà Nội – 1994
Le Temple des deux Dames – Trần Hàm Tấn – Tín Đức thư xã – SG – 1948
Bách Thần Lục – Thư viện Hán Nôm – 1992