Trang chủ PGVN Cửa thiền Chùa ơi … thương quá !

Chùa ơi … thương quá !

109

Tất cả những hình ảnh ấy cứ đọng mãi trong tâm trí chúng tôi sau chuyến đi. Và thật nhiều trăn trở, những dự định cho một vùng quê giàu lòng mộ Phật làm chúng tôi cứ suy nghĩ mãi…

Krông Bông là một huyện xa của tỉnh Đắk Lắk, nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 50 km, thuộc huyện vùng sâu của tỉnh, một huyện vùng kinh tế mới được thành lập sau ngày thống nhất đất nước, trước đây nơi nầy là khu căn cứ. Lời kêu gọi của nhà nước, đa phần người dân từ quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng đến đây sinh cơ lập nghiệp. Vùng đất nơi nầy khác hẳn các nơi khác, cũng là vùng đất Tây nguyên, nhưng lại là đất pha cát, bạc trắng, mùa mưa thì ngập lụt, mùa nắng lại khô cằn, do đó đời sống của người dân thật khó khăn gian khổ. Ngoài lúa bắp, đậu,  kinh tế chủ yếu trồng củ mì và thuốc lá; nhà cửa nơi đây đa phần là nhà tôn vách ván. Đây là một vùng được xem là khó khăn nhất trong tỉnh nhà.
 
 
Được sự quan tâm của Giáo hội, huyện Krông Bông được thành lập 8 đơn vị Phật giáo cơ sở, các nơi thờ tự đa phần mới chỉ là nhà tạm mượn của Phật tử phát tâm cho mượn làm nơi lễ bái tu tập, mặc dù nhiều chùa đã được thành lập hơn 5 năm nay, có đơn vị đã gần 10 năm, vậy mà chưa có một ngôi chùa chính thức để thờ tự, tu học lễ bái, ngoại trừ một ngôi chùa huyện hội (chùa Phước Lâm, xã Khuê Ngọc Điền ).
 
 
Các ngôi “chùa” trong huyện, thật ra chỉ  là nhà Phật tử hiến để bà con có nơi tu học lễ bái, diện tích chỉ vài chục mét vuông. Điều làm chúng tôi cảm động nhất, dù là chùa tạm, nơi sinh hoạt còn chật hẹp, nhưng bà con Phật tử rất ham tu, ham học, hằng tháng đều dành thời gian về tu tập ở các chùa Phước Lâm, chùa Phước Niệm, chùa Phước Vân, …
 
 
Điều làm chúng tôi rất ngạc nhiên, khác với các nơi khác trong tỉnh, suốt một ngày đi thăm 8 đơn vị chùa, niệm Phật đường, chúng tôi không gặp một hình bóng người xuất gia. Được biết ngoài Thượng tọa Thích Đồng Chi là Tăng trụ xứ nơi nầy, có một thầy, một cô phát tâm về nơi nầy, nhưng chưa về hẳn, chỉ hằng tháng về đây hướng dẫn Phật tử tu học. Chúng tôi nghĩ điều nầy cũng phần nào động viên cho đồng bào Phật tử nơi đây tinh tấn đến chùa tu học.
 
 
Rất mong quý  tăng ni tăng phát tâm đền nơi nầy để hoằng pháp, cho Phật tử nơi nầy có nơi nương tựa! Có thể nói đây là miền đất hứa để chúng ta thực hiện Hạnh nguyện của Người Tu sĩ “Hoằng pháp thị gia vụ – lợi sanh vi bổn hoài”.
 
 
Mong quý độc giả có một lần đến vùng đất nầy, để tận mắt nhìn các ngôi chùa nơi đây, và có hướng hỗ trợ cho đồng bào Phật tử nơi sớm có một ngôi chùa đúng nghĩa để có điều kiện tốt hơn để tu học lễ bái.