Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích

71

Tiêu biểu phải kể đến: tượng Phật A Di Đà (1057); chân cột chạm dàn nhạc (1057); hàng thú trước sân chùa (thời Lý);  pho tượng táng của thiền sư Chuyết Chuyết; 32 bảo tháp (TK XVII – XX)…


Khai quật khuôn viên chùa Phật Tích vào những năm 1949-1951, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều tác phẩm điêu khắc đá cổ, đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia: những mảnh đá chạm rồng và hoa lá; nhiều mảnh lá đề bằng đá kích thước to nhỏ khác nhau, trên mặt chạm rồng; pho tượng Kim cương bảo vệ Phật Pháp TK XI; tảng đá chạm hình hoa văn sóng nước TK XI; tượng nữ thần chim; mảnh đá chạm đầu tượng tiên nữ…


Tượng nữ thần chim được tạc trong tư thế bán thân, với đôi tay đã được thay bằng đôi cánh mang đầy tính sáng tạo nghệ thuật. Tại Bảo tàng Lịch sử cũng trưng bày một tảng đá kê chân cột của chùa Phật Tích, hình vuông kích thước mỗi chiều 1m, vòng chân cột có đường kính 60cm. Quanh chân cột là vòng cánh sen được chạm nổi vô cùng tinh tế, với 16 cánh sen chính, cùng 16 cánh sen phụ xen kẽ, mỗi cánh sen chính trông giống như những mai rùa.


Quán Âm Viện chùa Phật Tích


Trong khuôn viên chùa ngày nay còn năm cặp tượng thú: sư tử, tê giác, voi, trâu, ngựa nằm trên bệ hoa sen tạc bằng những phiến đá lớn cao chừng 2m. Pho tượng A Di Đà ngự tại Thượng Điện chùa, chiếm vị thế vô cùng quan trọng đối với nền mỹ thuật dân gian ở nước ta. Đây là pho tượng cổ nhất miền Bắc (niên đại 1057), đã được công nhận kỷ lục Phật giáo, đồng thời tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật đều có phiên bản của pho tượng này. Tượng A Di Đà chùa Phật Tích là bảo vật quốc gia, chiêm bái ngài để cảm nhận và thực tập triết lý sống thanh tịnh, từ bi, hỉ xả muôn đời bất diệt.


Chùa Phật Tích có một công trình ao rồng (Long Trì) hình chữ nhật có chiều dài 7m, rộng 5m, sâu 2,2m, bốn bờ được kè đá tảng thẳng đứng dưới đáy ao. Đáy có thềm đá hình bán nguyệt đường kính 3,8m, chỗ nhô cao nhất 1,9m, ở mỗi nửa thềm đá chạm nổi một con rồng khá lớn, giữa thềm đá chạm nổi hình sóng nước nhô cao (thủy ba). Cuối năm 2005, Trung tâm tu tập Phật Tích và Quán Âm Viện đi vào hoạt động. Đây là  một công trình trang trọng thu hút sự quan tâm của Giáo hội Phật giáo.


Trong tương lai, núi Lạn Kha – chùa Phật Tích sẽ trở thành một đại danh lam của đất nước. Một quy hoạch tổng thể qui mô, với 10ha sắp được khởi công xây dựng. Tâm điểm của thắng tích sẽ là một Đại Phật Thành cao 27m, quay mặt hướng Tây Nam, phục dựng theo nguyên mẫu Bảo tượng A Di Đà của chùa (Bảo tượng thời Lý, báu vật hàng đầu của quốc gia). Rừng thông tâm linh sẽ bao phủ toàn bộ vùng thắng tích. Một trục tâm linh xuyên suốt cõi người – cõi tiên – cõi Phật, con đường vận chuyển nguyên liệu để thi công sẽ trở thành con đường hành hương đến cõi Giác.


Vùng quy hoạch sẽ là sự hài hoà của rất nhiều di tích quan trọng: cụm đá mào phượng; khu vực tháp cổ; Quán Âm Viện; Trung tâm tu tập Phật Tích; sân hội tụ; bậc thang lên đại Phật; vườn đá thiên nhiên; hệ thống đường đạo trong rừng tâm linh; chùa Phật Tích cổ… để phục vụ đông đảo nhân dân.