Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Trông (Hải Dương) – Di tích lịch sử thời Lý

Chùa Trông (Hải Dương) – Di tích lịch sử thời Lý

82

Theo sử sách ghi lại, chùa Trông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11, dưới  thời vua Lý Nhân Tông (1010-1225) và được trung tu tôn tạo vào thời Hậu Lê (Thế kỷ 17-18). Ngôi chùa nằm trên khu đất rộng gần 8.000m2.


Được xây dựng theo kiến trúc “Nội công, ngoại quốc” gồm nhiều hạng mục khác nhau: Ao rối, rộng hơn 800m2; cổng tam quan, cao 19m, được cấu tạo gồm 2 cổng lớn (cổng đông và cổng tây). Nối giữa 2 cổng là một tắc môn, liền sau tam quan là một khoảng sân rộng; tiếp đến là Tuần Tranh, nhà mẫu, nhà tổ, nhà tăng và đền thờ Minh Không Thiền sư Nguyễn Chí Thành, một cao tăng thời Lý có công lớn trong việc chữa khỏi bệnh cho vua và được nhà vua phong tặng là “Lý triều Quốc Sư”. Do có công lao lớn với đất nước và Phật giáo, sau khi Minh Không Thiền Sư qua đời, triều đình đã xuống chiếu cho lập đền thờ gọi là chùa Trông ngày nay.


Trải qua những thăng trầm của lịch sử và thời gian, song đến nay chùa Trông vẫn giữ được đường nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tinh tế, từ cổng tam quan, nhà mẫu, nhà tăng đến đền thờ Minh Không Thiền sư, các bức tượng phật, các hoa tiết, trang trí, bia ký đều do bàn tay những nghệ nhân tài giỏi qua nhiều thế hệ tạo dựng. Trải qua nhiều thế kỷ, những hiện vật trong di tích vẫn rất sống động với nghệ thuật điêu khắc tinh tế. Với giá trị nghệ thuật và lịch sử, chùa Trông là một ngôi chùa lớn có ảnh hưởng tới tâm linh phật giáo trong vùng.


Tại chùa Trông sau ngày giành được chính quyền tháng 8/1945, đã phát động phong trào ủng hộ kháng chiến trong giới nhà sư, tăng ni, Phật tử. Chùa Trông còn là nơi tổng bộ Việt Minh đóng trụ sở, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, hội họp của nhiều đoàn thể kháng chiến trong xã, trong huyện.

Để lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử văn hoá của chùa, hàng năm, nhân dân địa phương luôn quan tâm tu bổ. Vào ngày tuần, rằm, lễ tết, nhân dân địa phương và khách thập phương thường đến thắp hương cầu cho quốc thái dân an, cuộc sống người dân no ấm, hạnh phúc. Đặc biệt, hàng năm vào các ngày từ 15 đến 30 tháng 3 âm lịch, địa phương tổ chức lễ hội truyền thống với nhiều khoá lễ khác nhau như: Lễ rước nước 15/3; Lễ xuất đông, nhập tây 20/3; Lễ tế thánh về trời 26/3. Trong phần lễ, ngoài việc tổ chức lễ rước thành hoang, lễ dâng hương, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, nhiều trò diễn dân gian như: Rối nước, đấu vật, hát chèo, múa hoa đăng, đu quay, cầu kiều, trọi gà, cờ tướng…


Lễ hội chùa Trông xã Hưng Long mang đậm nét văn hoá cổ truyền của làng quê Việt Nam, là dịp để cho mỗi người dân giao lưu học hỏi, đoàn kết cộng đồng cùng nhau xây dựng đời sống văn hoá. Với những giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, chùa Trông xã Hưng Long đã được xếp loại di tích lịch sử cần được bảo tồn theo quy định của “Luật di sản văn hoá” vào tháng 07/2001.