Trang chủ Văn hóa Du lịch Chùm ảnh hành hương chiêm bái Phật tích, phần 2

Chùm ảnh hành hương chiêm bái Phật tích, phần 2

251

Theo lịch sử thì đức Phật nhập Niết bàn năm ngài 80 tuổi, vào ngày trăng tròn tháng Vesakha (theo lịch Ấn Độ) năm 544 trước Tây lịch (ngày rằm tháng 2 năm Đinh Tỵ).
 
Đây là chùa tháp Đại Niết Bàn được xây dựng vào năm 1956 trên nền một ngôi chùa cổ, bên trong có một pho tượng Phật được khảo cổ khai quật vào năm 1876.  
 
 
Từ xa, nhìn vào tháp, thấy thấp thoáng dáng tượng đức Bổn sư nằm nhập diệt, lòng mình đã trào dâng xúc động, ngậm ngùi.
 
Bỗng nhớ đến bài thơ của ngài Huyền Trang (Đường Tam Tạng) viết vào khoảng năm 635 sau Tây lịch khi ngài đến Ấn Độ du học, thỉnh kinh. Khi chiêm bái những thánh tích, ngài đã vô cùng xúc động và viết lên 4 câu thơ:
 
Phật tại thế thời ngã trầm luân
Kim đắc nhân thân Phật diệt độ
Áo não tự thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.
 
(Khi Phật có mặt trên cõi đời này thì con còn trầm luân trôi nổi ở đâu, khi con được làm người ở cõi này thì Phật đã nhập diệt, con quá buồn  tủi vì bản thân nghiệp chướng nhiều, nên không được diện kiến sắc thân của Như Lai)
 
Nước mắt cứ trào ra khi mình ngước nhìn lên bầu trời, nhìn ra không gian xung quanh… Lòng cứ liên tưởng: cũng bầu trời này, không gian này… dù vạn vật đã thay đổi tất cả, nhưng chính nơi này vào một đêm xưa, một đấng từ bi, đến từ cõi xa nào đó trong ngoài vũ trụ, với lòng yêu thương bi mẫn loài người, đã thị hiện đến đây, mượn xác thân người bình thường giáo hóa. Rồi đến lúc phải bỏ lại xác thân, làm cuộc chia tay.
 
Ôi, cái không khí đêm hôm ấy chắc là thiêng liêng lắm! Mình cứ liên tưởng cả một đại tăng đoàn trang nghiêm chấn động… trong không khí ngậm ngùi… vĩnh biệt một bậc Đạo sư…
 
 

 
 
Pho tượng tạc dáng Phật nằm nhập Niết bàn, dài khoảng 6,1 mét. Sử liệu ghi rằng pho tượng này do ngài Haribhadra – một tăng sĩ – tạc vào khoảng thế kỷ thứ V sau Tây lịch.  
 
 
Pho tượng nguyên bằng đá, nhưng người ta khi đến chiêm bái cứ thếp những lá vàng lên, hết lớp này đến lớp khác. Mình không biết việc này có nên không, vì  khi dán những lớp vàng lên tượng như thế sẽ làm biến dạng hình thể tượng, các nét, nếp tượng sẽ không đồng đều, có thể mất sự thẩm mỹ…
 

 

 

      
 
Phía dưới đế tượng có 3 phù điêu tượng nhỏ. Một hình vị tăng đang ngồi trong tư thế tọa thiền, giống như tôn giả A-nậu-lâu-đà (Anuruddha); một hình vị tăng ngồi trong tư buồn bã như ngài A-nan; một hình cư sĩ nữ quì lạy. (Mình sẽ  viết kỹ hơn trong bài viết sau)
 
 
Đây là loài cây Sa-la long thọ. Ngày xưa Đức Phật đã nằm nhập diệt giữa hai gốc cây này. Truyền thuyết kể rằng khi ấy cả vùng trời đất rung động và cây Sa-la đã bỗng dưng trổ hoa thơm ngát cả không gian.
 
 
 
Còn đây cũng là một loại cây sa-la nhưng là  giống của Cam-pu-chia chớ không phải cây sa-la Ấn Độ. Cây sa-la này thường được trồng ở các chùa Việt nam, trổ hoa rất thường xuyên; hồi nào giờ mình cứ tưởng đó là cây sa-la Ấn Độ. (Ảnh 2 cây sa-la này mình chụp ờ chùa Vàng Cam-pu-chia và thiền viện Huệ Chiếu ở Bà Rịa-Vũng Tàu)
 
 
Đây là nền tháp được khảo cổ khai quật, là nơi diễn ra lễ trà tỳ (hỏa thiêu) đức Phật. Ngôi tháp này được vua A-dục trùng tu (khoảng thế kỳ thứ II trước Tây lịch)
 
rêu phong…
 
 
Cả đoàn hành hương đến thắp nến trên nền tháp cổ. Ánh nến lung linh trong đêm càng gợi liên tưởng xúc động đến hình ảnh lễ trà tỳ đức Phật thời xưa…
 
 
 
 
Mình thắp 5 ngọn nến cắm lên nền tháp, đứng ngẩn ngơ nhìn nến nhỏ giọt lên những viên gạch cũ xưa
 
 
 
 
Piprahwa – nơi khai quật được nhiều xá lợi Phật, giả thiết cho rằng đây là nơi di dời thành Ca-tì la-vệ xưa (cách biên giới Nepal khoảng 25km) khi chiến tranh xảy ra. Phần thành Ca-tì-la-vệ cũ thì nằm bên lãnh thổ Nepal .
 
 
Một tháp thờ xá lợi Phật được khai quật vào năm 1958 tại thành Tỳ-xá-ly (Vaishali)
 
 
Tháp chỉ còn cái nền và hộc đá tôn chứa xá lợi. Phần xá lợi đã bị mang đi (sẽ viết nhiều hơn trong bài viết sau) 
 
 
Đây là một ngôi chùa của  Srilanka ở Ba-la-nại, trong này có tôn thờ một phần xá lợi Phật.
 
 
Xá lợi được đặt trước  pho tượng này, nhưng vì đông người quá, mình không chụp được ảnh xá lợi, chỉ chụp tượng Phật trên cao (chụp cũng không thấy gì vì xá lợi đựng trong một tháp nhỏ được đậy kín) 
 
 
Đây là tháp thờ xá lợi Phật ở bảo Tàng quốc gia Ấn Độ tại thủ đô Deli. Tháp bằng vàng do Thái Lan dâng tặng. Bên trong đựng xá lợi được khảo cổ khai quật. Đây là 1 trong 8 phần xá lợi Phật. (sẽ viết nhiều hơn trong bài viết sau)
 
 
Đây là bức ảnh chụp cận cảnh xá lợi Phật Thích Ca  tại bảo tàng quốc gia Ấn Độ ở thủ đô Deli.
 
Đứng trước những mẩu xương xá lợi rất thật này, bao nhiêu câu hỏi diễn ra trong đầu mình. Hóa ra xá lợi thật của đức Phật là như thế này, chớ không phải là những viên xá lợi rực rỡ lóng lánh như kim cương mà mình đã từng được nhìn thấy trong vô số những ảnh chụp từ các cuộc rước xá lợi trọng thể linh đình hoành tráng xưa nay ở nhiều nơi trên thế giới – nhất là Trung Quốc – và cả ở Việt Nam mình. Rồi những chuyện về niệm Phật vãng sinh lưu xá lợi của các vị tu chứng..v.v… 
 
Vấn đề này là như thế nào? Có thể trong bài viết sắp tới mình sẽ nói nhiều hơn.