Trang chủ Đời sống Tâm linh Chuyện truyền kỳ về thuật ướp xác của người Việt (Kỳ 1)

Chuyện truyền kỳ về thuật ướp xác của người Việt (Kỳ 1)

119

“Cái gì khô héo hơn cọng rơm khô? – Một trái tim đau buồn… – Cái gì lạ lùng nhất đời? – Ai cũng thấy chúng sinh đi về cõi âm ty, nhưng ai còn sống thì lại tìm cách sống đời đời kiếp kiếp. Đấy là điều lạ lùng nhất…” (trích Mahabharata – sử thi Ấn Độ vĩ đại, tác phẩm được coi là mênh mông và lớn lao hơn cả “Iliad và Odyssey” của Homer). Người Việt cũng giống các dân tộc khác, cũng muốn sống đời đời kiếp kiếp mà những bí ẩn về thuật ướp xác được nghiên cứu vừa qua là một minh chứng cho khát vọng phi thường ấy.

Kỳ 1: Đưa xác thiền sư… nhập viện

Nhục thân của ba vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường, Như Trí được phát hiện ở chùa Đậu và chùa Phật Tích đã làm chấn động giới khoa học, đặc biệt là ngành khảo cổ học Việt Nam. Những bức tượng cũ kỹ, nhuốm màu thời gian tưởng chừng chỉ tồn tại như là một biểu tượng linh thiêng trong lòng Phật tử nhưng có ai ngờ, đó là những di hài thực sự của người đã viên tịch trong khi ngồi thiền với mục đích để thân thể của họ trở nên vĩnh cửu.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường là một trong những nhà nhân chủng học hàng đầu và là người duy nhất của Việt Nam được đào tạo chuyên ngành phục chế lại mặt theo xương sọ tại Viện Hàn lâm CHDC Đức (cũ). Ông là nhân vật chủ chốt trong việc phát hiện và phục chế nhục thân của các vị thiền sư và từ những nghiên cứu này đã hé mở ra một phương pháp ướp xác kỳ diệu nhờ vào năng lực đặc biệt của các vị thiền sư mà có lẽ người đời vốn chỉ được nghe trong… truyền thuyết!

Bắt đầu từ cái gác chuông bị dột

Chùa Đậu, ngày 3/5/1983. PGS Nguyễn Lân Cường đứng trên gác chuông rêu phong, gió phần phật bay làm rối bù mái tóc của ông. Chùa Đậu là ngôi chùa cổ, cách trung tâm thủ đô khoảng 25 cây số, đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử từ năm 1960. Trước cửa tam quan có một đầm sen, xung quanh chùa là mênh mông nước nên nhìn từ trên xuống, ngôi chùa như một đóa sen dập dềnh trong sương sớm.

PGS Nguyễn Lân Cường chợt nhớ về  câu chuyện GS.TS Tô Ngọc Thanh sau một lần về thăm chùa Đậu đã phát hiện gác chuông nhà thờ bị hỏng nặng. Điều đặc biệt là, GS Thanh đã nói đến 2 pho tượng cổ trong chùa có hình dáng vô cùng kỳ lạ.

Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh sau khi tu bổ

Ông giật mình vội vã chạy xuống phía dưới. Ông đứng lặng yên bên chiếc am nhỏ phía bên phải cửa chùa. Đây là am thờ thiền sư Vũ Khắc Minh và trong am vẫn còn nguyên pho tượng mà thời gian đã làm ẩm mốc, tróc lở. Tượng thiền sư ngồi trong am, sau tấm mành tre, gương mặt như suy tư về cõi Phật. Đầu thiền sư hơi cúi xuống, lưng cong gập, hai tay đặt trước bụng, chân ngồi thiền khoanh tròn, bàn chân trái ngửa vắt lên đùi phải. Đây là một thế ngồi tương tự như rất nhiều tượng Phật khác, đó là thế ngồi Kết Già Phu Tọa. Phần chân của tượng thiền sư Vũ Khắc Minh đúng với cách ngồi Cát Tường. Theo GS Nguyễn Khắc Viện thì đây là cách ngồi tốt nhất để tập trung tư tưởng, gọi là tọa thiền chủ động, tọa thiền để rồi nhập thiền. Trong quá trình này, người ngồi thiền có thể chủ động về sinh lý ngay từ trước cho đến lúc tập trung cao độ và đến giai đoạn như pho tượng đang diễn tả thì hầu như không còn cảm giác nữa.

Như có điều gì đó thôi thúc, ông Cường xem xét tỉ mỉ từng chi tiết của pho tượng này. Ông phát hiện thấy hai vết nứt ở đầu gối nhưng đã được gắn lại vội vã bằng sơn ta. Vùng trán và hai hốc mắt cũng xuất hiện một số vết nứt. Có vết nứt rất lớn từ đỉnh đầu chạy theo đường khớp dọc của xương sọ, vòng xuống bên trái xương trán, vắt qua chân mày rồi tách thành ba vết nứt khác; một vết nứt nữa chạy từ gốc cánh mũi trái xuống phía dưới qua phía ngoài của khe miệng.

Sau vài ngày “chăm sóc đặc biệt” pho tượng, bằng sự nhạy cảm của nhà nhân chủng học nhiều kinh nghiệm, ông Cường đã đưa ra một nghi vấn rùng mình: trong pho tượng có xương người, tức là bức tượng này là tượng người thật chứ không phải tượng đồng hay gỗ!

Muốn khẳng định sự thật này thì đương nhiên, ông Cường không thể “mổ” pho tượng ra để xem được, thậm chí, ông không thể và không dám đập vỡ bất cứ bộ phận nào của pho tượng.

Phim chụp X quang xương sọ của thiền sư Vũ Khắc Minh

Không còn cách nào khác, ông Cường liều lĩnh đề nghị được đưa pho tượng đi bệnh viện để… chụp X-quang. Ông muốn chứng minh 3 điều: trong bức tượng không hề có cốt kim loại, hoặc gỗ để làm khung liên kết các xương; không hề có chất dính để dính các xương vào với nhau; các xương nằm theo đúng vị trí giải phẫu.

Đây là một đề nghị rất khó chấp nhận và chưa có tiền lệ. Pho tượng này đã nằm ở chùa Đậu rất lâu và nổi tiếng linh thiêng. Việc đưa tượng đi viện sẽ làm nhiều Phật tử hiểu lầm rằng, đó là việc báng bổ và bất kính. Thế nhưng, với sự nhiệt tình của mình, ông Cường đã giải thích cặn kẽ mục đích của mình cho trụ trì nhà chùa và cuối cùng đã nhận được sự đồng ý.

Chiều ngày 25/5/1983, ông Cường trực tiếp chỉ đạo đưa bức tượng “nhập” Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ông nhớ lại: “Việc đó chúng tôi phải làm thật nhanh gọn, tránh để nhiều người biết vì sợ có sự  cản trở. Chúng tôi đưa thẳng bức tượng vào Khoa X-quang, với sự giúp đỡ tận tình của PGS Đặng Văn Ấn, lúc đó là Chủ nhiệm Khoa, các kỹ thuật viên đã tiến hành chụp soi phần sọ, ổ ngực và ổ bụng. Sự thật đúng như chúng tôi dự đoán, bức tượng này thực chất là một di hài”.

Qua những tấm phim chụp, ông Cường thấy toàn bộ phần xương trong bức tượng người thật này. Xương sườn, xương đốt sống đã đổ sập xuống, nằm gọn trong khoang bụng. Hộp sọ còn nguyên vẹn, phần xương lá mía và phần xương đỉnh trên không bị đục vỡ như trên sọ của vua Ai Cập Ramsès V để lấy não ra rồi đưa nhựa thơm vào. Phần răng của vị thiền sư còn nguyên vẹn. Tất cả phần xương tay, chân, bàn chân, xương sườn, xương bả vai đều còn nguyên và nằm đúng vị trí giải phẫu. Một tấm phim chụp chậu hông ở phía trước thấy rõ góc của xương mu là một góc nhọn. Điều này chứng tỏ đây là di hài của một người đàn ông, vì nếu là di hài của người đàn bà thì góc này phải là một góc tù.

Về cơ bản, di hài này là một thực thể tương đối hoàn hảo, nguyên vẹn. Bằng cách nào mà vị thiền sư này giữ được thân thể mình vẹn nguyên qua hàng thế kỷ như thế trong khi ngay cả đến những xác ướp Ai Cập cổ đại cũng không thể hoàn hảo được như vậy?

Bí mật về phương thức thiền táng đặc biệt

Xác ướp nổi tiếng nhất ở Trung Quốc là thi hài của một phụ nữ ở Mã Vương Đôi, sống cách ngày nay 2.000 năm. Bà được hút hết máu, thay vào bằng một chất lỏng gốc thủy ngân, quấn thêm 13 lớp vải, sau đó được bỏ vào một cái quan tài chứa đầy chất sát trùng và chiếc quan tài đó lại được đặt trong một cái quan tài khác. Tất cả được chôn thẳng đứng trong một hố sâu 15m, phía trên chèn than gỗ, tro và đất sét mịn để nước không thấm qua, nhờ vậy xác không bị thối rữa mà vẫn mềm mại. Các nhà khoa học đã tìm hiểu và cho thấy bà đã qua đời vì bệnh tim mạch.

Từ việc nghiên cứu những táng thức như địa táng, thủy táng, thiên táng, huyền táng… nhóm nghiên cứu của PGS Nguyễn Lân Cường đã đặt tên táng thức các vị thiền sư ở chùa Đậu là thiền táng (táng theo tư thế ngồi thiền) hay tượng táng (làm thành tượng để táng).

Câu hỏi đặt ra là, thiền sư Vũ Khắc Minh đã dùng thứ năng lượng nào để có thể viên tịch trong trạng thái ngồi thiền mà nhục thể của ông có thể thách thức được với thời gian?

Chúng tôi đã được nghe một câu chuyện về phương thức… tự ướp xác mình một cách kỳ công đến mức khổ hạnh. Cũng đi vào cõi vĩnh hằng theo tư thế ngồi thiền, đó chính là xác ướp ở đền Churenzy ở tỉnh Yamagata – Nhật Bản. Ngôi đền này được xây dựng từ 400 năm trước và rất nổi tiếng vì giữ được nhục thân của vị danh tăng Tetsumonkai. Tetsumonkai là một nông dân rất khỏe mạnh, đẹp trai và đã có không ít cô gái trong vùng để ý đến.  Vào một ngày nọ, khi đang làm việc trên cánh đồng, ông bị hai Samurai say rượu gây sự. Ông đã tự vệ bằng chính chiếc hái trên tay và giết chết hai Samurai kia.

Sau khi giết người, biết rằng tính mạng của mình sẽ bị đe dọa, ông vội vã trốn vào vùng núi gần đó và tới chùa Churenzy. Trước khi trốn lên đây, Tetsumonkai đã biết rằng đạo Phật tin tưởng vào vòng luân hồi và sự đầu thai. Các tín đồ Phật tử phải trải qua tu luyện mới đạt đến độ trở thành bất tử. Tuy nhiên, Tetsumonkai không hề biết rằng, những vị sư tại đền Churenzy này không giống những Phật tử bình thường. Họ thuộc một nhánh của đạo Phật có tên là Shingon. Các tín đồ Phật tử Shingon tin rằng có một con đường tắt để đạt đến độ khai sáng. Thay vì phải theo vòng luân hồi đầu thai thông thường, họ tin rằng, nếu để cơ thể mình chịu đựng những gì cùng cực nhất thì người ta có thể trở thành một đức Phật – một kiểu Thánh sống ngay trong cuộc đời hiện tại của mình.

Di hài của thiền sư Tetsumonkai tồn tại đến ngày nay và vẫn luôn được người dân Nhật Bản thờ cúng

Tetsumonkai đã thoát khỏi sự trả thù của các Samurai nhưng ông luôn dằn vặt vì đã giết người. Để thoát khỏi những dằn vặt đó, ông quyết định tìm đến sự thanh sạch trong tinh thần thông qua những trừng phạt về thể xác. Ông bắt đầu tập luyện những nghi lễ Shingon ở trong một ngọn núi gần đó. Hàng ngày, ông leo lên đỉnh núi rồi lại leo xuống nhiều lần. Đến mùa đông, ông tắm trong làn nước lạnh giá.

Theo quy định, phụ nữ không được phép vào ngôi đền này. Nhưng rồi một lần, chuyện không ngờ ấy đã xảy ra. Một cô gái điếm vốn quen biết với Tetsumonkai khi xưa đã lẻn vào đền để gặp ông. Lập tức, ông tóm cổ tay cô gái và dẫn ra phía sau đền. Cô gái chết lặng người khi thấy Tetsumonkai lôi từ trong người ra một con dao nhọn hoắt rồi trong chớp mắt cắt phăng… bộ phận sinh dục của mình và đưa cho cô gái. Ông dằn mạnh từng lời: “Hãy đi đi và đừng bao giờ quay lại ngôi đền này nữa”.

Hai mươi năm trôi qua, Tetsumonkai đã hoàn thiện cách tự chối bỏ bản thân và đạt đến độ thanh khiết về tinh thần. Đến năm 84 tuổi, ông quyết định tự ướp xác mình.

Tetsumonkai bước vào một căn hầm nhỏ, nằm sâu dưới đất, chỉ đủ chỗ cho một người ngồi thiền. Hầm kín mít, chỉ có một ống dẫn khí vào bên trong. Ông không hề ra ngoài hay ăn uống bất cứ thứ gì trong đó. Hàng ngày, ông chỉ có mỗi một động tác là rung chuông để báo cho người bên ngoài biết là ông còn sống. Mười ba ngày trôi qua, hôm nào tiếng chuông cũng vang lên, nhưng đến ngày thứ mười bốn thì chỉ còn sự im lặng.

Sau đúng một nghìn ngày, người ta mới mở hầm mộ ra và vô cùng kinh ngạc khi thấy Tetsumonkai vẫn ngồi nguyên ở tư thế thiền như khi còn sống. Đôi mắt ông đã khép lại nhưng thân thể ông không hề có dấu hiệu của sự thối rữa. Thi thể ông đã trường tồn cùng thời gian.

Không ai biết bằng cách nào mà nhà sư Tetsumonkai làm được điều kỳ diệu như vậy. Mãi về sau này, các nhà khoa học đã tìm ra rằng, Tetsumonkai đã âm thầm ướp xác mình trước khi ông chết hàng nghìn ngày. Giai đoạn đầu tiên trước đó là khoảng 3 năm, Tetsumonkai sống theo chế độ ăn kiêng rất hà khắc. Ông không ăn bốn loại ngũ cốc: gạo, lúa mì, đậu tương, vừng mà chỉ ăn các loại hạt ở trong rừng. Giai đoạn thứ hai khoảng hơn 3 năm, ông chỉ ăn một lượng nhỏ vỏ và rễ cây thông. Trong giai đoạn cuối cùng, ông uống một loại trà đặc biệt được tinh chế từ nhựa cây urushi (giống cây sơn ta ở Việt Nam). Ông còn uống một loại nước suối có hàm lượng thạch tín rất cao. Chính nước suối có chứa thạch tín và nhựa cây urushi đã giết chết những vi sinh vật làm phân hủy cơ thể. Chúng là những chất xúc tác cuối cùng, trước khi các vị thiền sư bước vào hầm mộ ngồi thiền, nó chẳng những diệt vi khuẩn gây ra việc phân hủy xác mà còn đóng vai trò bảo quản cho các mô của cơ thể.

Xác ướp của thiền sư Tetsumonkai là một minh chứng cho sự khổ luyện dài lâu và những phương pháp rất khoa học.

Quay trở lại câu chuyện của vị danh tăng Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu, sau quá trình phát hiện, phục chế, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp ướp xác của vị thiền sư này. Và họ đã ngỡ ngàng nhận ra công phu tuyệt đỉnh nhờ sự tu luyện khổ hạnh cùng năng lượng  đặc biệt của con người mà chúng tôi sẽ nói ở kỳ sau.

Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh (ảnh tư liệu chụp năm 1931 – Viện Thông tin KHXH)

Một câu hỏi mà nhiều người nêu ra: cách ướp xác như ở chùa Đậu có từ bao giờ ở nước ta? Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Bính Thân (Hội Trường Đại Khánh, năm thứ 7 (1116), (Tống Chính Hòa năm thứ 6). Mùa hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất (Thạch Thất là tên huyện, tức là huyện Ninh Sơn ngày nay, tên núi là Phật Tích. Phật Tích này khác với Phật Tích ở Bắc Ninh. Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng, tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác)”. “…Người làng cho là việc lạ, đặt xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ” (Xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng ấy lại đắp tượng để thờ như cũ, hiện nay hãy còn)”.

Theo Phật lục: “Chùa Phật Tích… khám thờ tổ đệ nhất bó cốt làm tượng….”

Như vậy, rõ ràng việc bó cốt làm tượng theo phương thức “tượng táng” (mà theo Phật giáo gọi là nhục thân) đã có từ thế kỷ XII ở nước ta.