Trang chủ Diễn đàn Đầu năm lễ chùa, còn nhiều “hạt sạn”…

Đầu năm lễ chùa, còn nhiều “hạt sạn”…

93

Ăn xin “đeo bám” cửa thiền


Trước hết, phải kể đến hiện tượng ăn xin vốn vẫn thường xảy ra tại các chùa trong những ngày lễ hội. Có mặt tại chùa Quán Sứ chiều mùng 7 Tết Kỷ Sửu, chúng tôi chứng kiến số người tập trung tại chùa để xin tiền của khách viếng chùa năm nay tăng lên nhiều so với những năm trước. Ông Nguyễn Văn Phương, nhà ở gần chùa cho biết: Ngay từ đêm Giao thừa, số “cái bang” này đã tập trung rất đông, đứng ngồi rải rác khắp sân chùa. Ông Phương cho rằng, cảnh tượng những người ăn xin bám theo khách thập phương trên sân chùa liên tục diễn ra những ngày đầu năm, và có thể sẽ còn diễn ra nhiều hơn trong ngày Rằm tháng Giêng… Còn theo bảo vệ chùa, đối tượng này đa số là những người ăn xin chuyên nghiệp hoặc “bán chuyên nghiệp”, nhân dịp “mùa làm ăn” tụ tập về đây để xin tiền của khách. Việc xuất hiện khá nhiều những đối tượng ăn xin nằm, ngồi tràn lan trên sân chùa hoặc đi theo khách viếng chùa để nài nỉ đã để lại những ấn tượng không hay đối với người đi lễ chùa và làm mất mỹ quan chốn tôn nghiêm.








Đi lễ chùa sáng mùng 1 Tết ở Hà Nội.

Tại phủ Tây Hồ, tình trạng trên cũng xảy ra tương tự. Có mặt tại đây vào sáng mùng 8 Tết, chúng tôi đã được chứng kiến cảnh 4 người đàn ông lê la trước lối vào phủ chìa mũ, chĩa nón ra xin bố thí của người đi lễ. Những tiếng kêu la ai oán khiến nhiều du khách bực dọc khi đầu năm tìm đến nơi tĩnh tâm cầu khấn. Có người rút tiền ra cho với vẻ càu nhàu khi bị họ đeo bám, xin nài. Trong sân phủ, mặc dù bảo vệ đã làm rất gắt, thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện 3-4 phụ nữ ăn mặc lôi thôi, bế theo con nhỏ chìa nón, mũ xin tiền du khách…


Giá vé trông xe… trên trời


Để đáp ứng nhu cầu gửi xe máy của du khách, những ngày này, các điểm trông giữ xe mọc như nấm sau mưa tại các đền, chùa. Phần lớn các điểm trông xe này đều tùy tiện chém chặt; thu phí với mức giá lớn hơn nhiều giá ghi trong vé. Phủ Tây Hồ vốn có tiếng về việc bất chấp quy định trong thu phí trông giữ ô tô, xe máy và báo chí cũng lên tiếng nhiều, nhưng, Tết này, không có gì thay đổi. Bãi trông giữ xe máy ở đây khá rộng và do UBND phường Quảng An, quận Tây Hồ đứng ra trông giữ. Theo ước tính, trung bình mỗi ngày Tết có trên 1.000 lượt xe máy gửi vào bãi. Thu cao hơn quy định vẫn là điều xảy ra với mức 5.000đ/xe máy. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh Tuấn, nhà ở quận Long Biên bức xúc: “Dù vé là của Cục Thuế Hà Nội phát ra ghi rõ ràng là có giá 2.000đ, nhưng không hiểu sao, khi vào bãi đi lấy xe, các nhân viên trông xe vẫn “hét” giá 5.000đ. Thắc mắc, họ còn có những phản ứng rất thiếu văn hóa với chúng tôi…”.









Bãi trông giữ xe bên hồ Hoàn Kiếm đêm Giao thừa ngày 30 Tết (25/1/2009).

Tương tự, tại các chùa Quán Sứ, Trấn Quốc, chùa Hà, đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh, đền Ghềnh, đền Voi Phục, phủ Tây Hồ, Mẫu Địa… lúc nào cũng đông du khách đi lễ, giá gửi xe ở những khu vực này thường tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với quy định. Cá biệt, chém chặt ghê nhất là tại các điểm trông xe xung quanh Khu di tích Bia Bà (Hà Đông, Hà Nội). Theo ghi nhận của chúng tôi, trong các ngày từ mùng 6-8 Tết, giá trông xe máy ở đây đã được đẩy lên ở mức từ 6.000- 8.000đ/xe…


Vẫn còn nhiều “hạt sạn”


Một cảm giác bất an sẽ đến với những ai đã từng bị hoặc chứng kiến cảnh mất cắp, giật đồ diễn ra tại các chùa. Năm nay, mặc dù lực lượng công an và dân phòng các phường đều bố trí cắm chốt, tuần tra đảm bảo ANTT tại các điểm đền, chùa, nhưng do lượng người đổ về các đền chùa quá đông, nhiều người mất cảnh giác nên một số nơi vẫn xảy ra tình trạng mất cắp tài sản. Tại khu vực đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong sáng mùng 2 Tết xảy ra nạn trộm cắp điện thoại, ví. Các vụ trên đều do người dân thiếu cảnh giác, sơ hở khi hành lễ nên bị kẻ xấu lợi dụng móc túi. Theo phản ánh của một số du khách, phật tử, bên cạnh việc bị móc túi thì những vật dụng khách thường bị lấy cắp hoặc cướp giật nhiều nhất năm nay là điện thoại di động, túi xách. Bên cạnh đó, cảnh bát nháo do quá nhiều người mời chào tranh giành khách mua nhang và tranh giành giữ xe gây nên việc ùn tắc giao thông và cảnh hỗn loạn trước cổng các chùa vẫn còn tồn tại. Ngoài các gian hàng bán nhang, đồ cúng, hầu hết tại các chùa cũng xuất hiện đội ngũ trẻ em, người lớn bán dạo nhang xuống tận lòng đường. Nhưng sôi động hơn cả là đội ngũ kinh doanh các lá số tử vi, sách bói toán. Được biết, phần lớn ban quản trị các đền, chùa đã mời UBND, công an địa phương đến chấn chỉnh trật tự nhưng vẫn bất lực trước sự bùng nổ của nhiều “dịch vụ” ở đây bởi khi lực lượng này vắng mặt thì mọi việc vẫn tái diễn như cũ.








“Đỏ đen” dịp Tết.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Rằm tháng Giêng mà dự báo là khách đến viếng các chùa có thể sẽ tăng rất cao. Các cơ quan chức năng cần triệt để chấn chỉnh an ninh trật tự tại các chùa hơn nữa nhằm tránh những cảnh ùn tắc giao thông, những trường hợp chèo kéo bán buôn, mất cắp.