Trang chủ Diễn đàn Đâu rồi văn hoá lễ hội? – Bài 1: Lễ hội đã...

Đâu rồi văn hoá lễ hội? – Bài 1: Lễ hội đã nhạt phần tâm linh

68

Tình cảnh chen lấn, xô đẩy, xả rác, làm ô uế nơi thờ tự tôn nghiêm, ăn uống vô tội vạ; thậm chí, đút tiền vào tay tượng Phật, rải tiền trên đầu rùa đội bia tiến sĩ, hối lộ thần linh… được hiểu như là sự xuống cấp về đời sống văn hóa. Bàn luận về vấn đề này, Lao Động xin giới thiệu ý kiến của một số nhà nghiên cứu, chuyên gia, cũng như nhìn nhận thông qua văn hoá lễ hội ở các nước trên thế giới…

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng lý giải, bản thân lễ hội có 2 chức năng: Chức năng tâm linh và chức năng xã hội.

Nhu cầu tâm linh là nhu cầu hướng thượng. Điều này không nằm ngoài định nghĩa mới nhất về tôn giáo: Sự quan tâm đến những cái tối thượng. Tôn giáo nào cũng có chánh tín và mê tín đi kèm. Lễ hội đúng ra có mục đích chánh tín, hướng tới cái thiêng liêng.
 
Người ta tới lễ hội là để ngưỡng vọng công đức và tỏ lòng tri ân những danh nhân lịch sử (chưa nói đến thánh thần), từ Hùng Vương, Âu Cơ, Lạc Long Quân, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Hồ Chí Minh… Không chỉ ngưỡng vọng công đức, mà đó là hành vi thực hiện một công ước giữa thế hệ đương đại và với những các giá trị / công đức mà tiền nhân đã khai sáng và thành tạo.

Về chức năng xã hội, người đi lễ tìm ra mẫu số chung những điều hướng thượng, trò chuyện, giao lưu với nhau để hâm nóng lại mối quan hệ xã hội, cộng đồng sau một quá trình dạt ra xa vì danh lợi. Quan trọng nhất lễ hội chính là khoảnh khắc thiêng liêng tách ra khỏi đời thường, ở đó mọi người cùng hướng đến một giá trị chung nhất.

Phải chăng lễ hội hiện đại đã nhạt đi phần tâm linh, mà chủ vào công năng xã hội? Bởi ngày xưa con người sống trong xã hội nông nghiệp, chu kỳ một năm canh tác nông nghiệp dựa vào sự xoay vần thời tiết, nên cuộc sống của họ như một sự mô phỏng ý đồ của vũ trụ. Còn trong xã hội hiện đại, con người cả quyết rằng bằng ý chí của mình, họ có thể thay đổi cuộc sống theo ý muốn. Dần dà, quy luật của xã hội lớn hơn quy luật của tự nhiên. Đi lễ hội, phần tâm linh đã giảm thiểu, trong khi công năng cố kết xã hội, tính kết nối cộng đồng tăng lên.









Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến cách cư xử thiếu văn hoá như vậy trong lễ hội?

– Đó là do yếu tố tâm linh không còn thiêng liêng nữa, mà nhường chỗ cho yếu tố thế tục. Đây cũng chính là tình trạng song đề về văn hóa. Người ta lờ mờ giá trị đạo đức, chủ nghĩa tương đối về đạo đức chiếm ưu thế trong xã hội, sự hư vô niềm tin và pháp luật là những biểu hiện khác. Người ta không thấy có gì bền vững ở những thể chế thế tục (đảm bảo nhu cầu căn bản cho cuộc sống, nhu cầu bình an, được tôn trọng, yêu thương, khẳng định mình), từ đó chỉ hướng đến ở đây và bây giờ, dẫn đến tính thực dụng hai mặt.
 
Lấy tiền bạc làm giá trị con người, đồng nhất thành đạt với hạnh phúc, chạy theo danh lợi nên họ không cầu gì ngoài danh lợi và không hướng tới các giá trị, cái thiêng liêng nào. Do đó có xu hướng dung tục hóa lễ hội. Các đối tượng thiêng liêng chỉ còn là một thứ quyền lực mà họ phải hối lộ và việc hành hương đến một địa điểm thiêng liêng, tham dự một lễ hội chỉ còn là một chuyến tham quan mà thôi. 

Vậy theo ông, có nên cắt giảm bớt những lễ hội không cần thiết và đã bị thương mại hóa hay không?

– Nếu cấm tổ chức lễ hội thì sẽ có người nhân danh các giá trị văn hóa, tâm linh mà ra sức phản đối. Đặt vấn đề: Tổ chức lễ hội kiểu như đã nói thì ai thu được lợi? Câu trả lời không nói ra thì ai cũng rõ. Người ta tổ chức các show lễ hội thì ắt phải tính lời lỗ. Còn chuyện buôn thần bán thánh là chuyện không mới, nhưng về mức độ thì ngày càng nghiêm trọng. Đã đành thời kinh tế thị trường nên đến lễ hội, người ta thường cầu tài lộc. Nhưng cũng không nên đổ hết lỗi cho người đi lễ hội.
 
Hành hương chính là một cuộc đi trong không gian, thời gian, một cuộc đi trong chính bản thân mình. Khi trở về, người ta có những cảm nhận mới, thấy an lạc và hướng tới những giá trị mới, niềm tin được củng cố. Muốn thế, phải trải qua chuyến đi vất vả của thân xác, trải bao nắng gió, giá buốt, đói khát mới mong thanh tẩy được bản thân mình, mới thể hiện chí nguyện của người hành hương.

Chứ không phải là hành hương bằng cáp treo, xe hơi, máy lạnh, nhà nghỉ… Những dịch vụ đó biến cuộc hành hương thành du lịch đơn thuần mất rồi.


Xem thêm:


>>> Không thể có quốc lễ nếu người dân thiếu lễ  -Nguyễn Mai Sơn