Trang chủ Tết Việt Phong tục Đầu xuân đi chùa cầu may

Đầu xuân đi chùa cầu may

59

10 giờ sáng, sân chùa Phúc Khánh chật kín. Có gia đình, ông bà, dâu rể, cháu chắt nội ngoại cùng đến lễ Phật. Bê mâm lễ, bác Nguyễn Thị Hòa (Thanh Xuân) vui vẻ nói: “Sáng Mùng 1 Tết, bận đến đâu thì bận nhưng tôi vẫn phải đi chùa cầu sức khỏe. Ngoài 60 tuổi rồi, sức khỏe giờ quan trọng lắm…”


Vào sâu bên trong, hương khói nghi ngút tỏa ra từ các ban thờ. Trẻ nhỏ, người già thi nhau khấn vái cầu may cho năm mới.








Các bạn trẻ mua túi muối lộc tại chùa Hà cầu may. Ảnh: T.A.

Hầu hết những người vào đây làm lễ đều không quên xin sớ cầu bình an. Bên cạnh những chữ Hán nôm ghi điều nguyện ước cho năm mới, thầy viết sớ còn điền vào tên tuổi quê quán của khách.


Gần trưa, lượng người tới chùa Hà làm lễ ngày một đông. Đây là một trong những chùa được giới trẻ lui tới nhiều nhất. Họ cho rằng, chưa có bạn trai hay gái, đến chùa này cầu… ắt sẽ có.


Lúi húi lựa chọn mâm lễ loại 100.000 đồng, Thùy Liên công tác tại một công ty liên doanh Hàn Quốc cười tươi cho biết: “Mình có người yêu rồi. Hôm nay đến đây chỉ cầu cho tình thêm chung thủy thôi”.


Điểm mới tại chùa Hà đầu xuân năm nay, lượng người đến bán túi lộc (gạo, nuối, diêm) rất đông. Giá mỗi túi giao động từ 3.000-7.000 đồng.








Gia đình bà Lê Thị Mỹ Hoàn lần lượt được hòa thượng Thích Thanh Tứ – trụ trì chùa Quán Sứ xoa đầu lấy may . Ảnh: Hoàng Lan

Không khí cầu may một năm mới an lành tại chùa Quán Sứ lại hết sức nghiêm trang. Sau khi cầu khấn, thắp hương ở điện Tam Bảo, Đức Ông, Thánh Hiền, gia đình bà Lê Thị Mỹ Hoàn (13 Phù Đổng Thiên Vương) được hòa thượng Thích Thanh Tứ trụ trì chùa Quán Sứ xoa đầu lấy may.


“Đã hơn 20 năm nay, gia đình chúng tôi luôn có tục lệ này vào dịp đầu năm. Cũng nhờ đó mà các cháu đều trưởng thành, học xong đại học ở Bắc Kinh, học tiếp thạc sĩ ở Anh và giờ đã xây dựng gia đình hạnh phúc”, bác Hoàn chia sẻ.

Tại TP HCM, đông đảo người dân cũng lên chùa cầu may sáng Mùng 1 Tết. Một số đền, chùa lớn như Vĩnh Nghiêm, Thiên Hậu, Xá Lợi, Giác Lâm. Lăng Ông Bà Chiểu… đông nghẹt người ngay từ sáng sớm.








chú thích ảnh:
Tấp nập đi lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP HCM. Ảnh: Hải Hương

Tại chùa Vĩnh Nghiêm, hàng nghìn, thiện nam tín nữ đã tập trung tại sân chùa ngay từ thời khắc giao thừa, kéo dài sang sáng mùng 1 Tết. Không chỉ người lớn, các cháu nhỏ cũng thành kính chắp tay nghe vái Phật theo giọng thuyết giáo trầm ấm của các sư thày.

Bà Nguyễn Thanh Hương, giáo viên THPT, nhà ở phường 2, quận Phú Nhuận cho biết, năm nào gia đình cũng đến chùa Vĩnh Nghiêm ngay từ sáng mùng 1 Tết để cầu may mắn. “Tôi quan niệm Phật tại tâm, nhưng dịp đầu năm, vợ chồng con cái lên chùa dâng hương được là tốt nhất. Tôi chẳng cầu tài cầu lộc gì, chỉ cầu sức khỏe và sự thanh thản bình yên thôi”, bà Hương nói.


Anh Nguyễn Quốc An, giám đốc công ty TNHH kinh doanh vật liệu xây dựng tại quận Tân Bình nói, đến Lăng Ông Bà Chiểu, Bình Thạnh để cầu làm ăn may mắn, “trúng nhiều quả đậm”. Theo anh An, Lăng Ông Bà Chiểu khá “linh” đối với giới kinh doanh. “Tôi không phải người mê tín, nhưng có thờ thiêng, có kiêng có lành. 6 năm nay, tôi đều đến Lăng Ông vào sáng mùng, để cầu may, cầu phúc, kể từ ngày mở công ty, thấy cũng linh nghiệm”, anh An chia sẻ.


Còn tại đền Thiên Hậu, quận 5, Thu Thủy, Minh Phương, 2 sinh viên ĐH năm cuối cho biết lễ Phật đầu năm để cầu may mắn đường công danh, sự nghiệp. “Em chưa từng đi lễ chùa vào sáng mùng 1 Tết lần nào, nhưng năm nay em sẽ tốt nghiệp, đi làm nên đi theo các bạn thử cầu may xem sao”, Thủy nói

Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân cho rằng, đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp truyền thống cần giữ gìn. Tuy nhiên không ít cụ già phàn nàn về tình trạng lộn xộn của các đền chùa, dịp Tết bởi những người bán vé số, bán nhang, sách tử vi và những người con bói dạo.


“Các trò giải trí đội mác ‘trò chơi dân gian’ mọc lên tùy tiện trước khuôn viên một số đền, chùa trong thành phố cũng khiến những nơi này mất đi vẻ nghiêm trang thường ngày”, ông Trần Văn Dũng, cán bộ hưu trí, Phật tử chùa Vĩnh Nghiêm phàn nàn.


Theo ông Dũng, ban quản lý các đền, chùa nên phối hợp chính quyền địa phương, giải quyết các tình trạng bát nháo trên, để gìn giữ vẻ trang nghiêm tĩnh lặng cho những nơi này. “Hầu hết phật tử tới chùa với mong muốn tìm sự tĩnh tại cho tâm hồn. Đền chùa bát nháo thế này thì không nên”, ông Dung nêu ý kiến.