Trang chủ Diễn đàn ĐĐ. Thích Đức Thiện: Trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích đáp...

ĐĐ. Thích Đức Thiện: Trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích đáp ứng nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử

372

Phóng viên: Xin Đại đức cho biết về Dự án Trùng tu tôn tạo chùa Phật Tích?


ĐĐ. Thích Đức Thiện: Dự án trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích do UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định đầu tư, Sở VH-TT-DL làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế là Viện Bảo tồn Di tích – Bộ VH-TT-DL, đơn vị thi công là Công ty cổ phần tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương.


Dự án chính thức được khởi công ngày 11/10/2008 với sự hiện diện của chư Tôn giáo phẩm GHPGVN: HT. Thích Thanh Sam – Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký Hội đồng Chứng Minh, HT. Thích Thanh Tứ – Phó chủ tịch TT Hội đồng Trị sự… Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục Di sản Văn hóa Bộ VH-TT-DL cũng tới dự.



Động thổ trùng tu xây dựng chùa Phật Tích


PV: Thưa Đại đức, vì sao phải trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích?


ĐĐ. Thích Đức Thiện: Chùa Phật Tích là di tích lịch sự văn hóa cấp quốc gia, được khởi dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X. Vào thời Lê, chùa được xây dựng hoành tráng. Tuy nhiên, năm 1947, do chiến tranh, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Nhà nước cho dựng tạm một nhà kho nhỏ để lưu giữ đồ vật. Năm 1986, nhân dân địa phương dựng tạm ngôi chùa nhỏ để thờ phụng và năm 1991, ngôi chùa nhỏ này được mở rộng thành chùa Phật Tích như ngày nay. Tuy nhiên, do kinh tế eo hẹp, khó khăn nên quy mô ngôi chùa xây mới năm 1986 và 1991 không đáp ứng yêu cầu về diện tích, quy mô, kiến trúc, mỹ thuật, không xứng đáng với một di tích có thời thời Lý.



Chính điện ngôi chùa Phật Tích xây năm 1986. Ngôi chùa trùng tu năm này rất nhỏ, không có giá trị văn hóa, kiến trúc


Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng bào Phật tử thập phương và địa phương có nguyện vọng tha thiết muốn phục dựng lại chùa Phật Tích cho xứng đáng với quy mô và tầm cỡ của di tích lịch sử cấp quốc gia, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, tham quan, du lịch của nhân dân


Đáp ứng nhu cầu đó và để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định đầu tư dự án trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích theo kiến trúc có từ thời Lê.



Chùa Phật Tích xây năm 1986 này sẽ được phục dựng lại theo kiến trúc có từ thời Lê


PV: Đại đức có thể cho biết việc bảo tồn, lưu giữ các di vật cổ được tiến hành từ trước tới nay, và trong quá trình trung tu, tôn tạo lần này được thực hiện thế nào?


ĐĐ. Thích Đức Thiện: Khai quật khuôn viên chùa Phật Tích vào những năm 1949-1951, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều tác phẩm điêu khắc đá cổ, đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia: những mảnh đá chạm rồng và hoa lá; nhiều mảnh lá đề bằng đá kích thước to nhỏ khác nhau, trên mặt chạm rồng; pho tượng Kim cương bảo vệ Phật pháp thế kỷ XI; tảng đá chạm hình hoa văn sóng nước thế kỷ XI; tượng nữ thần chim; mảnh đá chạm đầu tượng tiên nữ…


Ngoài ra, cổ vật của chùa Phật Tích còn có tượng Phật A Di Đà (1057); chân cột chạm dàn nhạc (1057); hàng thú trước sân chùa (thời Lý);  pho tượng táng của thiền sư Chuyết Chuyết; 32 bảo tháp (thế kỷ XVII – thế kỷ XX)…


Trước khi trùng tu và trong quá trình trùng tu, tôn tạo, các ngành chức năng đều tiến hành thám sát thực địa. Nhân viên của Bảo tàng Bắc Ninh và Viện Mỹ thuật thường xuyên có mặt để phát hiện và thu lượm cổ vật trong quá trình thi công.


PV: Đại đức nghĩ thế nào về bài báo “Tan hoang chùa Phật Tích” của phóng viên Khánh Linh trên vietnamnet.vn?


ĐĐ. Thích Đức Thiện: Trước hết, việc trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích chính là việc tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi chùa Phật Tích trong lịch sử. Ngôi chùa được xây dựng lại năm 1986 trong bối cảnh khó khăn, hạn chế không đáp ứng được nhu cầu lưu giữ di vật, thờ tự, không có giá trị về lịch sử, văn hóa. Việc trùng tu chùa thể hiện tâm nguyện, tấm lòng của Tăng Ni, Phật tử đối với quá khứ, với tiền nhân, và là sự khôi phục, tiếp nối những giá trị văn hóa Phật giáo truyền thống.



Đại đức Thích Đức Thiện (giữa)


Bài báo trên vietnamnet.vn đã được viết mà không có đủ thông tin, không hiểu rõ bản chất sự việc, gây ra những bất bình, bức xúc không đáng có trong dư luận. Tôi được biết phóng viên Khánh Linh đã không đến hiện trường. Đây cũng là điều nên rút kinh nghiệm. Qua đây, các đơn vị thông tin, báo chí của Phật giáo cũng nên cung cấp thông tin đầy đủ để độc giả thập phương hiểu rõ việc trùng tu, tôn tạo các di tích Phật giáo và hộ trì quá trình này.


PV: Trân trọng cám ơn Đại đức.


(Được biết, vietnamnet.vn đã đổi tựa bài báo, từ “Tan hoang chùa Phật Tích” thành “Cần bảo vệ di vật đã phát lộ ở chùa Phật Tích”. Sau đó, vietnamnet.vn đã cho gỡ bài này xuống)


Xem thêm: