Trang chủ Thời đại Truyền thông Đề xuất tổ chức các điểm thông tin Phật giáo

Đề xuất tổ chức các điểm thông tin Phật giáo

127

Sẽ có ý kiến, ngày nay, khi công nghệ thông tin truyền thông đã phát triển mạnh mẽ, cụ thể là mạng internet, thì liệu có cần những “điểm thông tin”? Liệu nó có gây phiền toái, tốn kém, và sẽ là thừa thãi?

Thông tin trên mạng là truyền thông ảo, đương nhiên, vẫn rất có hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là truyền thông trực quan trở nên thừa thải, lạc hậu, không cần thiết.

Chúng ta có thể nhìn vào trụ sở Ủy ban Nhân dân Quận 3, TPHCM chẳng hạn. Nơi đó toàn bộ tường rào diện tích hàng trăm mét vuông được khai thác thành một điểm thông tin trực quan. Nhìn vào tường rào, chúng ta sẽ thấy hàng loạt thông tin về sự kiện đang và sẽ diễn ra, nội dung “chào mừng”, “hưởng ứng”, “cổ động”, “thành tích”…

Thông tin trên trang web Phật giáo chỉ tác động đối với người truy cập vào, hầu hết là tăng ni Phật tử.

Thông tin trực quan như chúng tôi thí dụ ở trên có thể tạo tác động từ Phật giáo đến đông đảo công chúng trong xã hội, trong đó có người Phật tử.

Chúng ta cần thông tin những gì?

Rất nhiều, chẳng hạn sắp tới là lịch trình tổ chức hoa đăng Vía Phật A Di Đà ở các chùa, thông tin về ngày lễ Phật thành đạo ứng với dương lịch…

Những thông tin này rất cần thiết, vì Phật giáo chúng ta sử dụng Âm lịch, nên người Phật tử đi làm, đi học bận bịu rất dễ để trôi qua.

Thông tin đón chào sự kiện dạng chúng ta vẫn nhìn thấy trên tường rào trong ví dụ kể trên là những trường hợp dễ liên hệ nhất.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều nội dung thông tin khác. Chẳng hạn, thông tin về hoạt động của hàng chức sắc, giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo bằng hình ảnh khổ lớn, như kiểu mà chúng ta có thể thấy ở các tòa đại sứ, lãnh sự quán giới thiệu hoạt động các nhà lãnh đạo…

Cũng có thể thông tin về những ấn phẩm Phật giáo mới xuất bản, về thời biểu các cuộc triển lãm tranh tượng Phật giáo, nội dung tóm tắt thư chúc mừng năm mới của lãnh đạo Phật giáo Việt Nam…

Nói cho dễ hình dung, điểm thông tin trực quan là một dạng báo chữ siêu to, báo ảnh siêu to.

Điểm thông tin cũng là nơi để nhận, có thể miễn phí, những thông tin Phật giáo muốn cung cấp cho mọi người. Ở đó có thể bán báo Phật giáo, có thể phát kinh sách Phật giáo ấn tống… Tức là, sau thông tin tổng quát, là những thông tin cụ thể, chi tiết.

Điểm thông tin Phật giáo tất yếu phải đặt ở địa điểm mặt tiền các con đường lớn, giao lộ, khu trung tâm đông đảo người qua lại. Phật giáo TPHCM có chùa ở nhiều giao lộ lớn, nơi có thể đặt bảng thông tin, chẳng hạn chùa ở bùng binh Ngã tư Hàng Xanh, ở Ngã Năm Bình Hòa, ở Giao lộ Lê Hồng Phong – Ba Tháng Hai… Chỉ cần tận dụng các tường rào phân công một bộ phận có nhiệm vụ cập nhật nội dung thông tin định kỳ.

Để xác định được hiệu quả, Phật giáo chúng ta có thể làm thí điểm. Chẳng hạn, chùa Hoằng Pháp, TPHCM có thể đặt bảng thông tin kèm hình ảnh cỡ lớn ở mặt tiền các chùa ở các đường lớn, quảng trường, khu trung tâm… thông tin về lễ Hoa đăng vía Phật A Di Đà. Sau đó, so sánh số lượng người đến dự lễ với khi chưa thông tin rộng rãi ở các điểm thông tin chọn lọc. Chắc chắn, các điểm thông tin sẽ có tác dụng nâng cao đáng kể số lượng tăng ni Phật tử dự lễ.

Còn về khía cạnh chi phí, như trong bài “Tổ chức sự kiện Phật giáo: Bảng lớn, băng rôn, áp phích” đã phân tích, thông tin bằng những phương tiện như trên có giá thành thấp nhất, tiết kiệm nhất so với hiệu quả mà nó đem lại.

Xem trên kênh truyền hình Đài Loan BLTV, có thể thấy Phật tử Đài Loan đặt ảnh lớn Hòa thượng Tinh Vân mừng khánh tuế ngài trước một ngôi chùa lớn trên một đại lộ ở Đài Bắc. Đây là một cách làm truyền thông mà chúng ta có thể học tập để tôn vinh Đức Pháp chủ hay Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự khi có dịp thuận tiện, không chỉ để tán thán công đức các vị cao tăng, mà trước hết đây là phương tiện đưa hình ảnh Phật giáo Việt Nam đến với xã hội.

Là một dạng báo siêu chữ to, siêu ảnh to, là điểm thông tin, nên dù đặt tại một địa điểm, nội dung phải luôn thay đổi theo lịch trình trong năm. Thông tin, vì vậy, có thể vừa lập kế hoạch nội dung trước hàng 3 – 6 tháng, hay trọn năm, vừa dành chỗ cho những thông tin đột xuất.

Tần suất thông tin có thể thay đổi nhanh hay chậm tùy thời điểm. Chẳng hạn, cuối năm, sau thông tin Vía Phật A Di Đà có thể chuyển ngay thông tin về lễ Phật thành đạo, rồi từ trung tuần tháng chạp có thể là lời chúc tết của chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo, thông tin về lịch lễ hội các chùa, về các chuyến hành hương cần đăng ký trước…

Tùy theo nơi đặt điểm thông tin, kích thước các “tờ báo” “siêu chữ to”, “siêu ảnh to” có thể thay đổi tùy bối cảnh cụ thể. Tất nhiên, không nên nhỏ, nhưng không phải lúc nào cũng cần quá lớn. Chỉ cốt làm sao vừa mỹ thuật, vừa gây được chú ý của người đi đường.

Cần phân biệt thông tin với quảng cáo. Chúng ta có thể liên hệ nội dung những tấm bảng trước Ủy Ban Nhân dân quận như đã nói ở trên, hoàn toàn khác biệt với nội dung quảng cáo..

Thông tin công cộng là vì lợi ích của xã hội, của cộng đồng, khác xa với tính chất thương mại của quảng cáo.

Thực ra, thông tin theo cách vừa trình bày cũng không phải là điều gì mới đối với các chùa lớn. Trong những dịp lễ lớn, các chùa đều có yết thị về chương trình lễ. Đó là một dạng thông tin đơn giản.

Cách thức đề xuất ở đây chỉ là thể hiện với kích thước lớn hơn thông tin, với nội dung phong phú hơn, đa dạng hơn, mở rộng hơn, sinh động hơn, hiện đại hơn, dễ xem hơn, dễ đọc hơn, hướng tới số lượng người đông đảo hơn, với lợi ích chắc chắn là lớn hơn cho Phật giáo.

MT