Trang chủ Văn hóa Du lịch Đến Yên Bái thăm ngôi chùa độc đáo nằm trong hang đá...

Đến Yên Bái thăm ngôi chùa độc đáo nằm trong hang đá triệu năm

146

Chùa Hang Úc là một ngôi chùa cổ nằm trong hang đá ở lưng chừng núi Thâm Then ở Yên Bái, những phế tích, di vật quý hiếm của ngôi chùa cổ mang đậm yếu tố Chămpa thời triều đại nhà Trần thế kỷ 13-14.

Chùa Hang tọa lạc ở làng Úc, xã Tân Lập, huyện Lục Yên nên được gọi là chùa Hang Úc. Chùa nằm trong một hang núi thiên nhiên ở lưng chừng núi Thâm Then (núi Chùa), cao khoảng 60m. Lòng hang dài 23m, cửa hang cao 11m mở về phía Nam, trông ra sông Chảy.

Trong hang, phế tích một ngôi chùa cổ được lưu lại, còn dấu tích hai bệ thờ, một tượng sư tử đất nung. Trên phế tích đất nung có hình rồng, hình tiên nữ Apsara, chim thần. Đặc biệt, một cánh hoa sen đất nung có hàng chữ xã Lâm Trường.

Những phát hiện khảo cổ học đáng kinh ngạc

Từ năm 1971, giới nghiên cứu đã tìm thấy ở đây một số di vật độc đáo bằng đất nung có chạm hình rồng và tiên nữ, vết tích của một bệ thờ Phật thuộc nghệ thuật thời Trần hiếm có ở Yên Bái. (Bệ thờ hoa sen thời Trần được tìm thấy tại các địa phương khác thông thường được làm bằng đá chứ không phải đất nung).

Lối vào chùa Hang Úc, xã Tân Lập, huyện Lục Yên. (Ảnh: Đức Tưởng/ TTXVN))

Tháng 9/1997, Bảo tàng tỉnh Yên Bái phát hiện hơn 80 di vật khác với các hình chạm trổ khá phong phú, đặc biệt là hình các tiên nữ, có khuôn mặt phúc hậu, phục sức cầu kỳ, đang trình diễn vũ điệu dâng hoa. Một số tiên nữ hướng mặt về phía bên phải, một số khác hướng mặt về phía bên trái. Điều đó chứng tỏ nhóm tiên nữ ở chùa Hang được bố trí chạy dài.

Hiện vật được tìm thấy nhiều nhất là các mảnh trang trí hình rồng. Rồng có phần mào lửa sắc, dài, thân mập, uốn rất nhiều khúc mềm mại, mang đặc trưng của môtip rồng thời Trần.

Hình ảnh sư tử được phát hiện trên số mảnh tước (được tìm thấy ít và bị vỡ quá nhỏ), nhưng có thể thấy được khá rõ một số chi, đầu sư tử với răng, hàm, mắt, má và một phần chân có móng nhọn.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ phát hiện yếu tố Chămpa đặc sắc trên bệ thờ gồm 4 tượng chim thần Garuda, được coi là vua của mọi loài chim.

Trong tín ngưỡng văn hóa của người Chămpa, chim thần Garuda có kết cấu nửa yếu tố người, nửa yếu tố chim.

Hình chim thần trên phế tích đất nung được tìm thấy ở chùa Hang Úc, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Yếu tố người gồm tai to, chân tay tròn mập, bụng tròn ưỡn về phía trước, mình ở trần, xiêm váy rộng với nhiều nếp gấp phủ từ thắt lưng xuống, tai đeo khuyên, cổ chân và cổ tay đều đeo vòng. Yếu tố chim là các chi tiết: mỏ to và quặp, hai cánh là những chiếc lông vũ xòe rộng, móng nhọn sắc.

Cùng với chim thần, tượng vũ nữ Apsara chạy ngang ra hai bên đến hết mặt bệ thờ (có 3 tượng mỗi bên). Nữ thần Apsara, chính là một tiên nữ trên trời trong Ấn Độ giáo và thần thoại Phật giáo.

Theo truyền thuyết, các tiên nữ Apsara mang vẻ đẹp siêu nhiên, lộng lẫy, rất điêu luyện trong ca múa, thường ca hát trong những đêm hội hoặc quanh các chùa tháp trong những đêm trăng sáng…

Hình tiên nữ Apsara trên phế tích đất nung được tìm thấy ở chùa Hang Úc, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Trên bệ thờ, phong phú nhất là hình ảnh hoa sen, hoa cúc, lá đề. Hoa sen được chạm khá đơn giản, các cánh sen đều có phần mũi nhọn, phần thân bè mập, dáng khỏe khoắn; có loại cánh sen kích thước lớn (cao16cm), có loại kích thước nhỏ (cao 6cm).

Hoa cúc thường thể hiện thành các băng hoa dây uốn lượn hình sóng. Có băng được bố trí chạy dọc theo các ô ngăn cách các tiên nữ, có băng chạy dọc theo các đường diềm trên các bậc giật cấp của bệ thờ.

Lá cúc, hoa cúc thường được chạm với đường nét nhỏ, tinh tế hơn hoa sen. Đặc biệt, có vị trí, loại hoa văn này mang tính cách điệu rất cao, đường nét chạm mập, trong mỗi khúc uốn chỉ có một chiếc lá cúc kích thước lớn.

Tất cả đều cùng niên đại thời Trần thế kỷ 13-14, là những di vật quý hiếm cách đây 700-800 năm, còn được lưu giữ tại một hang núi cao tỉnh Yên Bái.

Địa chỉ tâm linh, thắng cảnh hấp dẫn cần được tôn tạo, bảo tồn

Không chỉ được thiên nhiên ban tặng vị trí cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp, sơn thủy hữu tình ở vùng bán ngập hồ Thác Bà, chùa Hang Úc còn hấp dẫn du khách với rất nhiều nhũ đá đẹp có độ tuổi hàng triệu năm.

Có rất nhiều thông tin kỳ thú về niên đại của chùa, tiền đề cho sự du nhập văn hóa Chămpa, sự giao lưu văn hóa giữa Phật giáo với việc du nhập cả văn hóa, nghệ thuật Chămpa… mà du khách có thể tìm hiểu khi tới thăm ngôi chùa độc đáo này.

Xã Tân Lập có nhiều danh thắng đẹp, có lịch sử văn hóa lâu đời, đặc biệt có truyền thống cách mạng vẻ vang. Xã có nhiều ngọn núi cao, sắc nhọn, như núi Thâm Then cao 501m, núi São cao 200m, thuộc địa khối Đông Nam dãy Phu Sa Phìn chạy dọc theo hướng Tây Bắc-Đông Nam; hệ thống núi hang Hùm… và các di tích, thắng cảnh, trong đó hang Hùm là một di chỉ khảo cổ cấp quốc gia.

Khu vực xã Tân Lập, Tân Lĩnh là nơi sinh sống của cộng đồng bà con Tày, Nùng, Dao với bản sắc văn hóa độc đáo của từng dân tộc. Từ chùa Hang Úc rất dễ dàng kết nối với các điểm văn hóa du lịch ở hai xã Tân Lĩnh, Tân Lập và Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia hồ Thác Bà.

Tuy nhiên, do nhiều lý do, chùa Hang Úc hiện vẫn chưa được đầu tư tôn tạo nên đang trong tình trạng hoang hóa.

Người dân địa phương rất mong mỏi các cơ quan chức năng quan tâm, nghiên cứu trùng tu, tôn tạo chùa Hang Úc để nơi đây trở thành một công trình văn hóa-tâm linh, điểm sinh hoạt văn hóa-tín ngưỡng kết nối cộng đồng; địa chỉ du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương.

Chùa Hang Úc nằm trong hang ở lưng chừng núi Thâm Then, vùng bán ngập hồ Thác Bà, thuộc địa phận xã xã Tân Lập, huyện Lục Yên. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Một tin vui là Ủy ban Nhân dân huyện Lục Yên hiện đã có chủ trương đầu tư hệ thống đường vào chùa Hang Úc và các hang động; hệ thống điện chiếu sáng; đường nội bộ trong hang; nhà chờ cho khách tham quan; tôn tạo khuôn viên và các hạng mục khác… với kỳ vọng chùa Hang Úc sẽ là địa chỉ văn hóa tâm linh, thắng cảnh hấp dẫn đối với các du khách khi đến vùng đất này.

Bà Nông thị Thu Hà, Phó Chủ tịch huyện Lục Yên cho biết huyện đã được tỉnh đầu tư con đường từ xã Tân Lĩnh qua xã Tân Lập vào xã Phan Thanh với tổng nguồn vốn 79 tỷ đồng.

Con đường này giúp phát triển kinh tế xã hội, trong đó có phát triển du lịch. Huyện đang triển khai Đề án phát triển du lịch với các giải pháp cụ thể để khai thác tiềm năng của địa phương./.

Các cán bộ Bảo tàng tỉnh Yên Bái đang khảo sát chùa Hang Úc, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Hình tiên nữ Apsara trên phế tích đất nung được tìm thấy ở chùa Hang Úc, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Hình chim thần trên phế tích đất nung được tìm thấy ở chùa Hang Úc, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.(Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã phát hiện hơn 80 di vật khảo cổ tại chùa Hang Úc, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Chùa nằm trong hang ở lưng chừng núi Thâm Then, vùng bán ngập hồ Thác Bà. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Cán bộ Bảo tàng tỉnh Yên Bái đang khai quật, tìm kiếm các di vật khảo cổ tại chùa Hang Úc, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Chùa Hang Úc nằm trong hang ở lưng chừng núi Thâm Then, vùng bán ngập hồ Thác Bà, thuộc địa phận xã xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Lối vào chùa Hang Úc, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)