Trang chủ Diễn đàn Di sản Phật giáo: “No dồn đói góp”

Di sản Phật giáo: “No dồn đói góp”

67

Cần phải nhắc lại quá khứ không xa để hiểu thêm những diễn biến nhận thức hiện tại, nhằm điều chỉnh và đi đến một sư quan tâm chung, công bằng hơn đối với các công trình kiến trúc tôn giáo liên quan đến những di sản văn hóa.


Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, đặc biệt ở miền Bắc, nơi tập trung rất nhiều di sản chùa chiền, đình miếu có giá trị lịch sử. Đây là điều kiện lý tưởng để di sản mau chóng xuống cấp. Bên cạnh đó, ngoài những nguyên nhân chủ quan và khách quan do thiên tai, chiến tranh…, phải kể đến chính sách về tôn giáo một thời khi bài trừ mê tín dị đoan (phổ biến ở ngoài Bắc), đã làm cho nhiều di sản bị mất dấu. Khi bài trừ “dị đoan”, nhiều nơi dân quân xã đến thu gom tượng Phật và đồ thờ cúng để tiêu hủy bớt, thậm chí có nơi còn quy định chỗ thờ tự chỉ được đặt bao nhiêu bát nhang, bao nhiêu tượng Phật. Nơi nào dân quân xã làm hăng say thì gần như xã ấy di sản bị bạc đãi. Nơi nào e dè và đợi phong trào “bài trừ” qua đi thì còn giữ được phần nào.


Chính sách bài trừ mê tín dị đoan đã bị hiểu lầm rằng muốn bài trừ “mê tín dị đoan” thì phải hạn chế các hình thức của nó, tức di sản vật thể và phi vật thể liên quan đến tôn giáo (một thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng). Vì vậy tất cả những gì có liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo đều bị định kiến một cách nặng nề. Trong chính sách và hoàn cảnh ấy, chúng ta rất thiếu những nhà văn hóa thuộc lĩnh vực di sản, đặc biệt là di sản vật thể. Vì vậy, khi chùa chiền (phần lớn là cổ) bị xâm phạm rất ít ai đứng ra bênh vực, bảo vệ, vì vốn dĩ chẳng có mấy thợ “lành nghề” nào và cũng chẳng có mấy ai đề cao sự “hiếu cổ”, “lệ cổ” trong lĩnh vực tín ngưỡng dân tộc trong thời điểm đặc biệt nhạy cảm ấy. Nay nhờ chính sách tôn giáo thay đổi, những người làm văn hóa ở nhiều lĩnh vực trở nên đông đảo trong xã hội, họ quan tâm đặc biệt tới di sản văn hóa chùa chiền, đình miếu, do vậy tâm thức “lệ cổ”, “hiếu cổ” đang trỗi dậy do quá bức nghẹt, dị ứng với nhà ống, nhà cao tầng. Nếu không quan tâm đến biểu hiện này thì mọi động thái trùng tu xây dựng mới các di sản sẽ vấp phải những phản ứng khác nhau.


Một thời, để “sửa sai” nhận thức về tôn giáo, di sản được khôi phục nhanh chóng, nhưng khôi phục thế nào khi phần lớn di sản đã đổ nát tới mức không còn có thể trùng tu được. Những di sản gốc, còn nguyên vẹn rất hiếm, đành phải xây mới trên những nền đã bị phá, trên những cơ sở thờ tự đã bị bỏ hoang lâu năm và đang xuống cấp nghiêm trọng, mà xây mới lúc tranh tối tranh sáng, không có đủ điều kiện về lĩnh vực khảo cứu, bảo tồn, cũng như khó tập hợp được những nghệ nhân có tay nghề, có tâm nên di sản được phục dựng lại chỉ là có chỗ để thờ tự, để tạm che mưa che nắng cho thần Phật, đáp ứng phần nhỏ nào đó về nhu cầu tín ngưỡng.


Ngày xưa xây chùa, người đứng đầu làng xã phủ huyện đứng ra lo việc khi được phép của các chính quyền trung ương, đứng đầu là vua chúa và các bộ. Mọi sai phạm trong xây dựng đền chùa đều bị xử lý nghiêm. Đọc lịch sử chúng ta thấy rõ điều đó. Hơn nữa những nơi thờ cúng là không gian thiêng liêng của mỗi làng xã, vì vậy gần như cả làng dốc sức người sức của ra làm đẹp cho đình chùa, đồng nghĩa với việc làm đẹp cho làng mình.


Cái không khí xây dựng chùa chiền mang sức của toàn dân ấy không còn nữa dưới thời Pháp thuộc, khi đình chùa đền miếu đi đến đâu cũng bị thực dân phá tan hoang. Rồi thì đến phong trào “tiêu thổ kháng chiến”, rồi thì đến thời “bài trừ mê tín dị đoan” những năm 70, 80 của thế kỷ trước làm mai một di sản thêm một lần nữa. Và điều đáng nói, điều đó không chỉ làm cho di sản bị mất dấu mà nhận thức của con người cũng mất thiêng, do vậy di sản cũng bị coi thường, bị ứng xử một cách tàn nhẫn.


Những năm sau giải phóng, ở những vùng đồng bằng Bắc Bộ, rất nhiều di sản bị bị chưng thu để làm cơ sở sản xuất, nhà kho hay nơi giữ trâu bò, máy móc. Có nơi thì làm trường học, nhưng thiếu ghế ngồi cho học sinh bèn nảy sinh sáng kiến (tiết kiệm) lấy hoành phi, đối liễn, cột gỗ xẻ ra đóng làm ghế ngồi. Nhiều người dân “thấm thía” với chính sách bài trừ mê tín, không còn tin thần Phật nữa bèn đến những nơi di tích, cái gì còn sót lại có thể tận dụng được thì lấy về đóng chuồng gà, chồng lợn, chuồng trâu…


Những nơi đình đền to rộng thì gom hết tượng của các đình, đền, chùa vào một nơi, khiến cho việc phục dựng thờ cúng sau này vô cùng khó khăn. Dân chúng ai nhớ được rằng tượng đó, đồ thờ cúng đó ở đền nào thì đền ấy rước về, không nhớ nổi thì đành chịu. Đó là chưa kể đến những hiện vật cổ “được mượn” để đưa đi triển lãm những trên đường về thì bị đi lạc và mất tích.


Thời gian “ăn bù” để khôi phục di sản là thời gian từ những năm giữa những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây. Các di tích, di sản văn hóa được công nhận khôi phục và cho sinh hoạt trở lại. Nhưng cái tâm thức di sản từ lâu đã bị hỏng mất từ trong lòng người thì mạnh ai nấy chữa. Chính vì thế, nhiều người từ đau xót đối với di sản, muốn khôi phục nhưng thiếu nhận thức văn hóa, lịch sử, thiếu kiến thức về trùng tu tôn tạo, cứ tưởng rằng bỏ tiền ra làm mới là rất có lòng với di sản, rất có “công đức” rồi. Đây là nguyên nhân mà những pho tượng cổ, những hoành phi, đối liễn… còn lại bị bóc sơn cũ đi và tô phết rực rỡ nhiều màu, hoặc được làm mới như hiện nay.


Tuy nhiên, công bằng mà nói, thời gian cho khôi phục di sản, chúng ta “khoán trắng” cho họ, nên nhiều ngôi chùa, đình, đền, vừa do tu bổ không đến nơi, vừa do thiếu kiến thức văn hóa, lịch sử, vừa do thiếu tiền nên chỉ vài năm nhanh chóng xuống cấp. Có nhiều nơi, trước kia là những ngôi chùa cổ có từ thời Lý – Trần, Lê – Trịnh…, nhưng trải qua sự trùng tu, thậm chí xây mới dưới triều Nguyễn mà không còn vóc dáng ban đầu. Có nhiều ngôi chùa bị san phẳng trong chiến tranh, dân làng cùng nhau xây dựng lại và đến khi quan tâm đến di sản, chúng ta cứ ngỡ rằng đó là những ngôi chùa cổ, nhưng thực chất là những ngôi chùa đã được xây mới chỉ cách đây vài chục năm. Vì lẽ đó, nhiều nơi có điều kiện đầu tư lớn đã quyết định xây mới lại trên những ngôi chùa đã không còn là cổ, mà chỉ còn một số đồ thờ tự là cổ thôi.


Còn đối với những di sản còn nguyên vẹn từ thời xa xưa để lại thì hỏng đâu, sửa đó chứ không có một kế họach trùng tu cho thật khoa học và giữ vững nguyên gốc, từ bố cục kiến trúc đến việc hài hòa cảnh quan, dẫn đến có đủ thứ đồ thờ cúng cổ kim được bày tràn ngập trong không gian thờ tự.


Điều chúng ta lo ngại là có nhiều nơi, những ngôi chùa tuy được trùng tu nhiều lần nhưng nét cổ và vật liệu xây dựng kiên cố, vẫn giữ được khá nguyên vẹn, nhưng vì nhỏ so với điều kiện sinh hoạt của dân số bây giờ, nên chùa cho xây mới thêm một số dãy nhà. Tuy nhiên khi nhìn vào những dãy nhà mới xây đó, chúng ta không thấy được sự hài hòa, lề lối khi một ông già (bằng gỗ) với một cô gái trẻ (bằng xi măng, ngói tôn kẽm) đứng gần nhau một cách vô cùng chỏi, gây cảm giác rất khó chịu. Có thể nói không quá rằng, những hành vi làm mới thiếu cân nhắc, thiếu kiến thức về tu bổ di sản, sắp đặt không gian xây dựng công trình (mới cũ) lộn xộn là góp phần làm cho di sản trở nên xô bồ, thiếu thẩm mỹ.


Các triều đại đi trước họ cũng trùng tu, xây mới những di sản trước đó khi bị xuống cấp, nhưng họ tuân thủ rất nghiêm quy tắc xây dựng, đặc biệt nó phản mang bản sắc và âm hưởng của mỗi vùng miền và quy chuẩn xây dựng của triều đại, từ họa tiết trang trí đến gạch ngói xây dựng. Không phải chúng ta không cho trùng tu hay xây lại, nhưng phải có bước đi cho thật khoa học và hài hòa. Ngày xưa họ rất chú trọng vào tỉ lệ, bố cục, hình kiểu, mục đích sử dụng xây cao bao nhiêu, xây rộng mức nào…


Dĩ nhiên, chùa chiền ở cái thời dân số cả nước có vài triệu người khác với chùa chiền khi dân số quá đông như hiện nay. Việc mở rộng là một đòi hỏi khách quan. Điều vướng mắc là chúng ta còn đặt nhiều tình cảm dành cho kiến trúc cổ bằng gỗ, đó là tâm thức hiếu cổ rất đáng khuyến khích. Nhưng không có nghĩa vì vậy mà chùa chiền xây mới, hay trùng tu không được dùng những vật liệu nào khác xưa. Nếu ngôi chùa không được xây bằng các hợp chất tốt như vôi, mật, gạo nếp… mà chỉ là vôi cát thì chắc chắn không thể bền hơn một số vật liệu đương đại, đặc biệt là xi – măng.


Như vậy để có thể so sánh về mặt bền vững, lâu dài của vật liệu cần có một cuộc khảo sát tỉ mỉ, khoa học về các loại vật liệu trong trùng tu xây dựng đình chùa. Nhiều người cảm thấy dị ứng với xi-măng, sắt thép là rất thiếu căn cứ. Bằng chứng các công trình thế kỷ hiện nay trên khắp thế giới đều phải sử dụng đến những vật liệu này. Điều chúng ta quan tâm là vật liệu ấy khi xây dựng chùa chiền được phối hợp sử dụng ở mức độ nào, và kiến trúc phải tuân thủ ra sao để có được những kiến trúc hài hòa, có giá trị tiếp nối với xưa nhiều nhất. Chúng ta không vì “lệ cổ” quá nhiều mà không có tìm tòi sáng tạo ra những mẫu kiến trúc mang vóc dáng thời đại. Trong kiến trúc, điêu khắc đình chùa, mỗi thời đại đều khắc dấu ấn của mình vào đó, thậm chí mỗi địa phương cũng để lại những đường nét riêng rất đáng trân trọng.  Chùa Một Cột, độc nhất vô nhị là sự sáng tạo có một không hai, nhưng không có sự phản đối nào mà còn là niềm tự hào chung của Phật giáo trải qua nhiều triều đại.


Vì không có chuẩn trong kiến trúc đình chùa, do không sáng tạo hay do không có sự quan tâm đến “thể diện di sản thời đại” cho nên chúng ta có cảm giác xô bồ, mạnh ai nấy làm. Cứ nhìn kiến trúc đền chùa được xây mới của chúng ta thì rõ, không có một chuẩn nào cả, thậm chí cũng không mang âm hưởng thời đại. Đình chùa nào thích mái cong thì để cong, đình chùa nào thích mái thẳng thì để thẳng. Đình chùa nào xây dựng theo mẫu kiến trúc thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn thì theo. Thậm chí pha trộn, “chắp vá” các phong cách kiến trúc khác nhau trong cùng một công trình.


Ngày xưa xây đình chùa là các quan đệ đơn lên cấp trên theo thỉnh nguyện của nhân dân, vì vậy tùy theo làng xã đó có bao nhiêu hộ, ruộng đất rộng bao nhiêu mà chính quyền cho phép xây cất theo chỉ tiêu loại hạng nào. Ví dụ chùa do đích thân nhà vua xây sẽ gọi là quốc tự…


Nay ở những nơi cần chùa để sinh hoạt tín ngưỡng, người dân phải tự thân vận động, không ai cố vấn cho họ phải xây thế nào, vì vậy họ có tiền đến đâu họ xây đến đó, miễn là đáp ứng nhu cầu tạm thời và cấp thiết của dân chúng. Rồi sau có điều kiện sẽ mở mang khang trang hơn. Chính vì vậy, đến nhiều vùng thôn quê, nhiều nơi chỉ có chùa mái tôn, xếp gạch làm bệ thờ, chẳng có gì là thẩm mỹ cả, nhưng cái tâm, cái lòng thuần phác, nhân hậu của họ thì không thua những nơi có ngôi chùa cổ lâu đời, to lớn, đẹp đẽ.


Chúng ta đối với di sản phải có những bước đi thận trọng cụ thể nhưng cũng không vì thế mà phản đối tất cả mọi hình thức trùng tu hay xây mới các công trình đền chùa. Sự thẩm định và đánh giá di sản từ niên đại, cổ vật, giá trị văn hóa lịch sử cho đến vật liệu là vô cùng quan trọng. Bởi trong khi cả xã hội mạnh ai người nấy có tiền cứ ào ào xây dựng, nhà ống, nhà liên kế… nhà cao tầng chót vót mọc khắp hang cùng ngõ hẻm, không nể gì đến việc thu hẹp không gian của những di sản văn hóa, miễn rằng tôi toàn quyền xây dựng trên mảnh đất của tôi. Vì vậy có những ngôi chùa cổ còn xót lại trong thành phố bị xâm lấn không gian một cách thê thảm, nhà cao bao quanh đến mức không còn nhận ra ở đó đang hiện diện một ngôi chùa cổ.


Ngày xưa, chùa bao giờ cũng có những khoảng đất rộng để tách biệt với dân, nếu ai có xây nhà gần đó thì cũng không thể xây cao hơn điện thờ Phật, vì nhân dân quan niệm ngủ cao hơn Phật là có tội. Nhưng bây giờ tâm thức đó không còn. Và vì thế di sản cũng bị xâm lấn một cách đáng báo động như hàng quán, lều bạt buôn bán, thậm chí nhà ở, công trình vệ sinh cũng được mặc sức lấn vào đất chùa. Không dựng rào, xây tường thì sẽ nhanh chóng bị lấn chiếm, nhưng khi dựng rào xây tường thì ngôi chùa trở nên tù túng và đầy cảnh giác.


Không phải chỉ có lòng “hiếu cổ” là đủ để vãn hồi những hệ quả của nhiều những chính sách và đường lối khách quan và chủ quan khác nhau liên quan đến nhận thức về di sản. Chúng ta cần tìm ra một sự hài hòa trong quan điểm về kiến trúc, đặc biệt nên điều chỉnh và xây dựng một lộ trình trong quy hoạch kiến trúc đình chùa cũng như hướng dẫn cụ thể trong công tác trùng tu di sản văn hóa để luôn đảm bảo những giá trị văn hóa lịch sử và nhận biết được sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại trong cảnh quan kiến trúc.


Riêng đối chùa chiền, chủ thể quản lý là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện là Tăng Ni, Phật tử được cử giữ trách nhiệm coi sóc. Nhà nước và Giáo hội Phật giáo nên phân loại di sản. Những di sản được công nhận di tích lịch sử văn hóa, từ cấp độ quốc gia đến cấp độ tỉnh thành, để đưa vào danh sách quan tâm đặc biệt. Bất cứ sự trùng tu, xây mới nào, thậm chí là sơn phết, tu bổ tượng Phật, đồ thờ cúng… đều phải nghiên cứu kỹ luật di sản, kết hợp với các cơ quan chức năng có liên quan đề có một giải pháp tối ưu, tránh sự vội vàng, chủ quan, vì ứng xử với di sản không chỉ là một ứng xử văn hóa mà còn là ứng xử tâm linh. Mỗi bậc đá, hòn ngói, viên gạch, ngọn cỏ, bóng cây đều mang hồn dáng của người xưa, tình cảm, tâm nguyện của người xưa, vì vậy chúng ta phải trân trọng nâng niu. Giáo dục ý thức di sản chẳng phải bắt nguồn từ những việc nhỏ như vậy sao? Đối với các di sản chưa được công nhận di tích những còn bảo lưu nhiều giá trị kiến trúc, cũng như văn hóa lịch sử thì xúc tiến để được công nhận di tích lịch sử văn hóa.


Nếu những công trình kiến trúc đã nhiều lần được xây mới thì có thể tùy theo nhu cầu và tâm nguyện của Phật tử mà trùng tu, xây dựng. Riêng đối với những dự án lớn Giáo hội Phật giáo cần phải kết hợp với các bên có liên quan để cố vấn và có những bước đi cụ thể để làm sao công trình đó nhận được sự hỗ trợ vật chất, tinh thần tối đa nhằm tạo nên những công trình kiến trúc mang giá trị thời đại.


Vấn đề xây dựng, trùng tu di tích Phật giáo những năm gần đây ngày càng trở nên nóng và bức thiết. Vì không có một lộ trình và hướng đi cụ thể nên tạo ra những luồng dư luận trái chiều, thậm chí ở nhiều nơi do các vị được bổ nhiệm chưa hiểu luật di sản, cũng như những kiến thức về văn hóa, lịch sử, về kỹ thuật tu bổ nên đã làm mới lại không ít các di vật cổ một cách tắc trách, khiến hình ảnh những ngôi chùa và những người chịu trách nhiệm trở nên phản cảm trong con mắt của giới mỹ thuật và các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa.


Thiết nghĩ, Giáo hội Phật giáo nên bầu ra Ban văn hóa và di sản. Ban này gồm những thành viên của Ban văn hóa cũ, đồng thời chân thành mời những người có uy tín trong nhiều lĩnh vực xã hội như lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ… tham gia, nhằm mang đến những tư vấn kịp thời đáp ứng được nhu cầu xây dựng, trùng tu mới nhiều công trình đang xuống cấp, hoặc đang cần mở mang. Ban Văn hóa Di sản không chỉ theo dõi, tổng hợp những số liệu liên quan đến di sản mà còn đánh giá di sản. Ban này cũng có thể đề xuất với Giáo hội về việc xây mới các công trình Phật giáo tại các địa phương có nhu cầu tín ngưỡng cao mà chưa có chùa. Để chánh pháp được rộng mở, nên có quỹ Văn hóa và di sản. Nguồn kinh tài do quy định mức đóng góp tại các tự viện (phân loại tự viện lớn nhỏ để đóng góp cho phù hợp), hay do các tổ chức xã hội, công ty, cá nhân Tăng Ni, Phật tử đóng góp. Ưu tiên khảo sát và thí điểm triển khai ở từng địa phương cụ thể, có nhu cầu cấp thiết. Những người được giao về quản lý do tỉnh hội Phật giáo đề xuất hoặc do Giáo hội cắt cử. Nếu làm được việc này chánh pháp sẽ được lan tỏa, tinh thần lục hòa (đặc biệt ý nghĩa lợi “hòa đồng quân”) sẽ gắn kết các ngôi chùa, các vùng miền lại với nhau, làm tăng uy tín và ảnh hưởng của các cấp lãnh đạo giáo hội, tránh được những việc làm tự phát mà những tháo gỡ về sau gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là liên quan đến vấn đề pháp lý.


Giáo hội nên hướng tới điều này, bởi chúng ta không nên để có những nơi thì “đói khát” chùa chiền, còn những nơi thì “bội thực” trong các công trình quá ư to lớn và lãng phí. No dồn đói góp, nhiều nơi di sản Phật giáo bị “bội thực” bằng cách tận dụng mọi cách để làm mới cổ vật, sơn phết đủ màu, đèn điện chớp nháy khắp nơi… Điều này trở thành nguyên nhân của những sự phê phán từ các giới có chuyên môn. Những kiến thức như thẩm mỹ, kiến trúc, điêu khắc, văn hóa, lịch sử… ở đâu mà người trông coi lại có thể ứng xử với di sản văn hóa, với các hiện vật cổ có giá trị như vậy?


Trước kia di sản do chiến tranh, thiên tai, và những chính sách tôn giáo không đầy đủ làm cho bị tiêu hủy, bị mai một, nhân tâm hoang mang, lòng người ly tán, niềm tin phân ngả, chùa, đền, đình, miếu bị bỏ hoang không người coi sóc, dẫn đến tàn tạ. Nay có đủ và dư điều kiện thì lại ồ ạt quyên góp, sửa chữa, xây mới, xây to trong khi chưa có một quy cách nào cho thật hài hòa để đủ sức thuyết phục dư luận xã hội.


Không nhìn nhận thực tế của vấn đề di sản hiện nay, chúng ta khó có thể tạo dựng một tương lai vững bền cho di sản. Vì nếu đời sau, do những điều kiện lịch sử nào đó biến động, những công trình mà hiện nay chúng ta xây mới lại từ di sản cũ, không biết sẽ nhận được sự ứng xử theo chiều hướng nào?