Trang chủ Diễn đàn Di tích quốc gia quá nhếch nhác

Di tích quốc gia quá nhếch nhác

79

Chùa Giác Viên trên địa bàn phường 3, quận 11 thuộc hàng chùa cổ nhất TPHCM. Đây là một trong vài ngôi chùa của TP được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (năm 1993). Song, di tích này đang dần hoang phế, bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều đối tượng ngoại đạo đang trú ngụ, vụ lợi khiến chùa trở nên bát nháo.


Vừa đến cổng chùa Giác Viên, chúng tôi đã ngỡ ngàng trước một quần thể tháp kiến trúc khá đẹp nhưng bị rác thải, quần áo bao phủ. Các ngôi tháp không được tu bổ, quét dọn nên nứt nẻ, lòi gạch ra, nhiều đoạn bị phá nát. Khuôn viên trước mặt chùa không hề có rào chắn nên bị nhà của người dân lấn chiếm dần. Các hộ dân còn đổ các bãi xà bần, đồ phế thải trước mặt chùa. Sân chùa đầy rác như đã thật lâu không được quét dọn.


Một sư ở lâu năm tại chùa cho biết mới đây, thuận theo ý muốn của vài phật tử giàu có, những người trong chùa còn tự tiện chặt cây bồ đề hàng chục năm tuổi giữa sân để làm chỗ dựng lên thờ hai ông thần tài và thổ địa cao lớn, che lấp tượng Quan Âm.


Theo hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM, khoảng 20%-30% đất chùa Giác Viên bị người dân lấn chiếm. Ông Phạm Hữu Mý, Trưởng Ban Quản lý di tích – danh lam thắng cảnh Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TPHCM, cho biết sở đang nghiên cứu để tu bổ ngôi chùa, giải quyết việc xâm hại đất chùa.


Những ngày đầu năm, trong khi hầu hết các ngôi chùa đều tấp nập khách đi lễ thì chùa Giác Viên lại vắng lạnh. Ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch UBND phường 3, khẳng định: “Cảnh nhếch nhác trước chùa, việc người ngoài đạo lợi dụng làm tiền, không tạo được sự tôn nghiêm… khiến khách thập phương ghé vài lần là ngán ngẩm”.


Đúng như lời ông Tâm nói, khi chúng tôi ghé chùa Giác Viên, vừa đi vào sân thì một thanh niên mặc quần lửng, áo thun chỉ tay vào chánh điện bảo bỏ tiền vào thùng công đức. Ở đây, người mặc đồ nhà sư thì ít mà người ngoài thì nhiều. Thầy Thích Huệ Tiên, một trong những người cao tuổi nhất còn ở chùa, lắc đầu: “Đã mấy năm nay, tôi không buồn lên chánh điện vì ở đó lộn xộn lắm. Chùa này bây giờ có hàng chục người không đi tu vào ở. Tiền công đức cũng bị họ bòn rút, độc chiếm”.


Trụ trì của chùa Giác Viên là thầy Thích Huệ Viên, song ông đã lâm bệnh nằm tại chỗ. Người đóng vai trụ trì, quản lý chùa hiện là con trai của thầy, tên là Cường. Song, bà Nguyễn Thị Như Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường 3, khẳng định ông Cường không hề đi tu. Ông này đã lấy vợ và ra phường làm giấy đăng ký kết hôn. Thầy Thích Huệ Tiên cho biết ông Cường không phải là thầy tu, nhưng hầu như ngày nào cũng ghé chùa để mở thùng công đức lấy tiền Phật tử bỏ vào.


Hòa thượng Thích Thiện Tánh băn khoăn: “Tôi đã biết những rắc rối trong chùa Giác Viên. Sắp tới, Thành hội Phật giáo TPHCM sẽ khảo sát và tổ chức lại nhân sự để lấy lại sự uy nghiêm cho ngôi chùa thuộc vào loại cổ nhất TP này”.







Công trình tiêu biểu vùng Sài Gòn – Gia Định


Chùa Giác Viên được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII. Trung tâm Sách kỷ lục VN đã cấp bằng chứng nhận “Ngôi chùa có bao lam “bách điểu” lớn nhất VN” cho chùa Giác Viên. Bao lam này cao 2,48 m, ngang 2,25 m, họa tiết gồm 100 con chim được khắc họa sinh động. Chùa Giác Viên còn sở hữu 153 pho tượng gỗ cùng nhiều quần thể với họa tiết độc đáo khác. Chùa này được đánh giá là công trình quý, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc gỗ vùng Sài Gòn – Gia Định.