Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Độc đáo kiến trúc cầu Ngói – chùa Lương

Độc đáo kiến trúc cầu Ngói – chùa Lương

167

Lịch sử xây dựng chùa, cầu gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển 500 năm trước của quân, dân Hải Hậu.

Chùa Lương

Chùa Lương (hay còn gọi là chùa Trăm gian) có tên chữ là Phúc Lâm Tự, được xây dựng vào cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16. Sử sách ghi lại rằng, khi việc quai đê lấn biển đã giành nhiều kết quả, đời sống dân cư dần ổn định, 4 ông tổ cùng các dòng họ dồn sức chăm lo đời sống tinh thần bằng việc xây dựng đền, chùa, bắc cầu, mở chợ…

Chùa Lương lúc đầu có quy mô nhỏ, trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng, đặc biệt là những lần trùng tu lớn vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hiện nay, chùa có quy mô khá lớn, gồm 100 gian, mang phong cách kiến trúc của nhiều thời đại, nhưng rõ nét vẫn là phong cách của thế kỷ 17 và 18. Phía trước chùa là khuôn viên hồ sen, rộng hàng ngàn mẫu. Khuôn viên chùa Lương được chia làm hai khu vực gắn bó chặt chẽ với nhau.


Khu thứ nhất có 49 gian, là nơi tập trung những công trình quan trọng nhất của ngôi chùa bao gồm: Tiền đường, tam bảo, gác chuông, hậu đường và hai dãy hành lang Đông – Tây được liên kết lại theo lối giao mái, bắt vần, tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hòa. Đặc biệt, tiền đường (có 5 gian) được thiết kế không vươn theo trục dọc mà phát triển theo trục ngang, nên có dáng thấp với mái ngói uốn cong mềm mại. Đây là nơi thể hiện đậm nét nhất lối kiến trúc thời hậu Lê.

Khu thứ hai cũng có 49 gian bao gồm nhà tổ “Quan âm các”, nhà khách, tăng phòng, nhà trọ, nhà bếp… cũng xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ truyền. Phía Bắc chùa có hàng chục tháp mộ, gắn với tổng thể kiến trúc của ngôi chùa. Đặc biệt, phía trước ngôi chùa có một giếng nước cũng được xây dựng hết sức công phu, độc đáo. Thành giếng được tạo thành bằng những chiếc cối đá xếp vòng tròn chồng từng lớp lên nhau. Nguồn nước ngọt mát, trong vắt.

Tổng thể kiến trúc chùa Lương ở khu vực chính đã thể hiện trình độ điêu luyện, khiếu thẩm mỹ tinh tế của những nghệ nhân dân gian. Nổi bật nhất là các vì của tòa tiền đường được chạm khắc mang hình dáng con rồng với nhiều tư thế khác nhau như: Rồng chầu mặt nguyệt, rồng cuốn thủy, rồng vuốt râu, rồng ngậm ngọc, rồng cùng ngựa, chim, cá vui đùa…

Hai dãy hành lang Đông – Tây là nơi lưu giữ gần 40 bia văn bia, chia làm hai khối: “Bia vuông tạc tượng, bia tròn ghi công”. Nội dung văn bia phong phú, ghi lại công lao khai sáng ra ngôi chùa của 4 ông tổ cũng như số lần trùng tu, nâng cấp, công sức đóng góp xây dựng chùa của các thế hệ sư trụ trì và quá trình khai hoang lấn biển của nhân dân Hải Anh…

Cầu Ngói

Cầu Ngói chùa Lương được thiết kế theo lối kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” (trên nhà dưới cầu) là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo, qua thời gian vẫn giữ được nét cổ xưa và là một trong ba cây cầu ngói đẹp nhất Việt Nam hiện nay.

Cầu bắc qua con sông Hoành chảy dọc xã Hải Anh, cách chùa Lương khoảng 150m. Cây cầu được xây dựng với 40 cột tròn xếp thành 6 hàng cột để gánh 6 vì, đỡ 9 gian nhà trên cầu. Dãy hành lang hai bên cầu là những tấm phản dài làm bằng gỗ lim. Với lối kiến trúc dân gian cổ xưa, nhìn từ xa, cây cầu uốn cong tựa như cầu vồng.

Cầu Ngói được đặt trên 18 chiếc trụ đá rất chắc chắn. Mỗi trụ đá cao khoảng 4-5m, phần chân chôn sâu xuống lòng sông, bên trên ăn khớp với thân cầu. Vòm nhà cầu được làm bằng gỗ lim vững chãi, hệ thống xà ngang, xà dọc to, chắc, nâng đỡ các rầm, sàn. Với trình độ gia công tỉ mỉ, khéo léo của người xưa, hệ thống cột, kèo thượng lương, hoành rui, xà máng đều được bào bóng, sàn cầu là những tấm ván gỗ dài chắc chắn.

Trải qua gần 500 năm, cây cầu vẫn giữ được sự chắc chắn, trường tồn. Những nét chạm khắc trên cầu tuy đơn giản, song vẫn thể hiện được hài hòa lối kiến trúc cổ truyền của cha ông xưa. Hệ thống mái nhà cầu được lợp bằng ngói vảy rồng, có hình mũi hài âm dương, nhìn từ xa sẽ thấy tựa hình con rồng đang vươn mình bay lên. Chính sự mềm mại, uyển chuyển trong lối kiến trúc đã tạo cho cầu ngói chùa Lương sự tinh tế, khác biệt so với những cây cầu ở các nơi khác.

Ngoài giá trị về nghệ thuật kiến trúc, cầu Ngói – chùa Lương còn được biết tới là cái nôi cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm của quân và dân Hải Hậu. Do có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến, cả trong thời kỳ đổi mới, năm 1990, cụm di tích này đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.