Trang chủ Diễn đàn Đọc “Phật tại Tâm! Tâm tại Ý, Ý tại hành động. Hãy...

Đọc “Phật tại Tâm! Tâm tại Ý, Ý tại hành động. Hãy hành động tốt”

218

Đã là người Phật tử, điều đầu tiên là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào không bao giờ bất kính với Đức Phật, vì Đức Phật bao giờ cũng tuyệt đối thiêng liêng, và cũng không mượn danh Đức Phật vào bất cứ sự mỉa mai nào mang tính thế tục. Với bài viết như khẩu hiệu “Phật ở trong tâm… Hãy hành động tốt”, tôi không biết trong tâm Đỗ Hòa có Phật, động cơ bài viết có trong sáng, có mang tính xây dựng hay không?


Với khẩu hiệu “hãy hành động tốt” và những nội dung chủ quan, phiến diện trong bài viết trên, tôi thấy có gì đó “lệch lạc” không lương thiện trong dẫn chứng của tác giả Đỗ Hòa này. Vì trước tiên nói đến cái tốt (thiện) nhằm nói rằng đang xấu (ác). Tốt xấu này thuộc phạm trù của đạo đức. Nhưng có những cái xấu không liên quan đến đạo đức (với khái niệm tốt) mà liên quan đến cái đẹp. Vậy cái xấu đó thuộc phạm trù thẩm mỹ. Không ai nói người mặc áo sát nách, mặc quần cộc, ngáp, nói cười to tiếng, sức nước hoa sặc mùi… là xấu (theo nghĩa liên quan đến đạo đức – tốt). Thế thì nói đến những hành vi xấu này là nói đến cái chưa đẹp. Cái chưa đẹp thì sẽ có cơ hội để làm cho nó đẹp. Nhưng hành vi này thuộc quan hệ thẩm mỹ, không thuộc quan hệ đạo đức. Cũng như vậy, người nhổ nước miếng bừa bãi nơi cửa chùa tôn nghiêm, đó là một hành vi thiếu thẩm mỹ, chưa thể nói đó là một hành vi xấu (ác). Vậy thì với những hành vi kiểu này chúng ta chỉ có thể khuyên họ sống đẹp (mỹ), chứ chưa thể bảo họ là phải sống tốt (thiện).


Có thể nói việc nâng cao hành vi ứng xử sao cho đẹp, cho thiện, cho chân là việc làm mà tôn giáo và các tổ chức xã hội đang cố gắng quan tâm, điều chỉnh, khuyến khích mọi người.


Ngày xưa các vị thiền sư còn cho nhà nho viết văn bài xích những tệ đoan trong chốn chùa chiền của Phật giáo và cho khắc bia dựng ở chùa, nhưng đó là có ý răn đời, dạy người và đặc biệt có xây dựng. Vì vậy, chính những người viết văn bài xích đó sau này đã cảm mến tinh thần khoan dung ấy mà trở về quy ngưỡng Phật giáo. Chúng ta tiếp nối tinh thần ấy của người xưa, nhưng tuyệt nhiên, không chấp nhận hành vi nào xem thường các giá trị trị tâm linh, đặc biệt là Đức Phật cũng như giáo lý của ngài.


Đọc đoạn viết như thế này, ai có thể tin Đỗ Hòa nêu cao “Phật ở tại tâm… Hãy hành động tốt”: “Với quan niệm: Phật cũng là người mà nên, Phật tử đi chùa giờ cũng góp phần làm cho đức Phật được mở mang tầm mắt, được “mát con mắt bên trái mà sướng con mắt bên phải” với các loại trang phục đủ loại sắc màu, đủ loại kiểu dáng. Từ sooc ngắn, lỡ, ngố, loe dài cho đến các loại váy, đầm liền thân, đầm dời. Áo thì lửng tay, sát nách! Cô nào mát mẻ, sành điệu hơn tí nữa thì áo hai dây tung tăng đi chùa. Gặp tiết trời nóng, lại leo đường núi mệt quá rồi thì các Phật tử cũng chẳng ngần ngại mà cởi phanh áo ngoài, diện luôn cái áo mỏng manh, trong suốt ở trong. Nhẹ nhành hơn thì phanh một vài cái cúc trên, còn ở dưới thì buộc túm lại để lộ cái rốn xinh xinh giống các ca sĩ nhà mình vẫn làm khi lên sân khấu đó”.


Đọc đến đây, tôi chợt hiểu ra những ngầm ý chất chứa nhiều sự không lương thiện ở bên trong. Trong đầu óc Đỗ Hòa, chốn đền chùa chỉ toàn hành động không tốt. Có thể nói, cách nói nhiều khi còn quan trọng hơn vấn đề mình muốn nói. Cách nói chỉ cho ta thấy thái độ lương thiện, xây dựng ở trong tâm người viết. Chúng ta phải nên cẩn thận với những bài viết kiểu này, bằng không sẽ bị những từ “Phật Tâm… Hãy hành động tốt” làm lạc hướng nhận thức, hiểu sai về giá trị tâm linh và sức sống phong phú của Phật giáo.


Đỗ Hòa mở đầu bài viết thế này: “Linh thiêng, tôn nghiêm, yên tĩnh, thanh bình… cái người ta nghĩ, mong tìm được khi đến không gian đình chùa là vậy! Vậy nhưng dường như, những điều ấy chỉ còn là một sự viễn tưởng trong ẩn ức xa xưa”.


Không gian đình chùa nào đang không còn linh thiêng, tôn nghiêm, yên tĩnh, thanh bình? Đỗ Hòa cần phải lương thiện và công bằng nói cho rõ ra, không nên kết luận một cách võ đoán như thế. Phải chăng với những dòng viết này, tác giả đang khuyến khích mọi người không cần đền chùa nữa? Tôi ngờ rằng Đỗ Hòa đang tự đề cao “tôn giáo” riêng nào đó của mình.


Chúng ta nên phân biệt những thành phần khác nhau khi đến chùa và danh xưng Phật tử. Hầu hết những Phật tử có quy y đều cảm thấy hạnh phúc khi đến chùa. Ngày ngày mà không đến chùa tụng kinh, niệm Phật là thấy nhớ, thấy thiếu một cái gì đó thân thiết, gần gũi. Tâm bình thì thế giới bình. Tâm an thì xứ xứ an. Tâm bình thì ở chốn chợ búa bát nháo vẫn tìm thấy bình an. Tâm loạn thì dù cho có ngồi vào một nơi thật yên tĩnh cũng không làm cho lòng mình hết phiền não, tham sân.


Còn những người đi lễ chùa, ăn mặc hở hang, khạc nhổ, phấn son lòe loẹt…, chắc chắn nếu hỏi ra thì đó chỉ là người đi lễ chùa bình thường, người tự nhận mình là “Phật tử”, hay là khách thập phương, khách du lịch, họ ưa mến cảnh chùa thì vào viếng thăm, hoặc vì mục đích nào đó nghĩ chùa Phật là linh thiêng nên cầu cúng.


Và chính vì người Phật tử chúng ta trăn trở với điều ăn mặc, nói năng, của du khách thập phương, nhưng cũng không muốn đuổi họ, làm họ xa lánh Phật giáo, nên chúng ta mới ghi nội quy, mang tính răn cấm để đánh vào lòng tự ái của du khách, nhằm giảm bớt những hình ảnh không đẹp mắt chốn cửa thiền. Biết đâu đi lễ vài lần, câu kinh Phật thấm vào tai về nhà lại chỉnh sửa hành vi, và một ngày nào đó thấy thương mến chùa, tìm đến chùa chính thức xin quy y làm Phật tử đúng nghĩa.


Nếu hỏi các vị trụ trì, chúng ta sẽ không thiếu những ví dụ về những con người mà trước đó đến lễ chùa không đẹp mắt, thô tháo ra làm sao, và nay lại chuyển biến biết cung kính, và có uy nghi khác hẳn. Đó chính là cửa thiền bao dung, rộng mở đối với khách thập phương, đó chính là sức cảm hóa của đời sống những vị tu sĩ, của giáo lý Phật giáo.


Tôi rất chú ý đến lời nhắc nhở của đa số các vị thầy mà tôi có dịp viếng chùa. Lúc đầu tôi cũng phê phán những hành vi cầu cúng, xin lợi bán buôn… và tôi luôn cho rằng đó là mê tín, dị đoan. Hầu như các thầy đều ôn tồn, mỉm cười giải thích gần giống như nhau, và đặc biệt tâm từ bi, khoan dung, không nhìn lỗi xấu của người rất rõ. Điểm thống nhất chung trong lời khuyên của các vị thầy là như thế này: những người lạ mới vào chùa chỉ cần nhìn cách đi đứng, nói năng, ăn mặc là biết ngay không phải Phật tử. Nhưng họ có duyên với đạo Phật nên mới tìm tới cửa chùa. Một hiệu Phật rót vào tai cũng có công đức, huống chi là miệng có thể niệm Phật, tay có thể vái Phật, đầu có thể cúi lạy Phật. Còn những đến cầu xin tài lộc, cầu hại cho người, không thầy nào dạy Phật tử như vậy cả. Bảo họ là mê tín không có nghĩa là chúng ta xa lánh, ruồng bỏ hay tức giận mà đuổi họ. Họ là những người đang đau khổ và rất đáng thương. Ở đời khó tìm được người có lòng tin tâm linh. Vậy thì nhiệm vụ của các thầy, của người Phật tử là phải chuyển cái “mê tín” của họ thành cái “chánh tín”. Mê và ngộ chỉ trong gang tấc. Không có lẽ vì thấy họ mê mà chúng ta hắt hủi, bỏ đi một hạt giống Phật hay sao? Lượng người này trong xã hội còn nhiều lắm, chúng ta phải kéo họ về với Phật giáo. Tính đặc thù của Phật giáo là cửa chùa luôn gần gũi rộng mở với dân chúng có tin ngưỡng tôn giáo cũng như không có tín ngưỡng tôn giáo. Nhà thờ và các tôn giáo khác làm gì có được không khí gần gũi với dân chúng như vậy không? Đây là một ưu điểm nhưng cũng là điều có lúc sẽ làm cho chúng ta có lúc phải buồn lòng. Vì thế phải biết phát khởi tâm nhẫn và phải có lòng từ bi. Điều này quyết định cho việc cảm hóa người đời.


Từ những dịp tiếp xúc với quý thầy như vậy, tôi chuyển hẳn thái độ coi thường đối với những người đến lễ chùa với những hình ảnh không mấy đẹp mắt và thiện cảm trước đó. Và đến bây giờ, tôi nghĩ thật may mắn khi vẫn còn điều gì đó run rủi họ tìm đến với cửa chùa, tức là còn có cơ hội để chuyển hóa hành vi. Nếu người Phật tử không thể có niềm tin, lòng lạc quan và sự bao dung, rộng lượng thì người Phật tử còn mất nhiều thứ hơn nữa, xa rời cuộc sống hơn nữa. Chúng ta vừa chứng kiến những ngày tôn xưng Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông với tư tưởng “cư trần lạc đạo”, “hòa quang đồng trần” (hòa ánh sáng vào cát bụi)… lẽ nào chúng ta không hiểu việc đời là do “gió động” hay “tâm động”? Tâm động thì thấy cái gì cũng động, cũng xấu.


Nếu bài viết của Đỗ Hòa không có ý coi thường Phật như trên, tôi có thể xem đây là bài viết có tính xây dựng. Nhưng Đỗ Hòa là người có chủ tâm không lương thiện, khi quy đồng danh xưng Phật tử vào các biểu hiện không đẹp như trên, thâm chí còn gắn họ với lời cầu “ngoại tình không bị phát hiện”… Khái niệm “lên chùa” được người Phật tử chúng ta nhắc đến một cách trịnh trọng thì Đỗ Hòa viết: “Lên chùa để khạc nhổ? Lên chùa để diễn thời trang quần sooc, áo hai dây? Lên chùa để móc túi, để trộm cắp? Hay lên chùa để xóc đĩa, ba cây? Lên chùa để làm từng ấy việc sao?”. Đây hoàn toàn không phải người Phật tử, nhưng đã được Đỗ Hòa luồn vào rất khéo trong bài viết, dẫn đến sự ngộ nhận đáng tiếc của nhiều người không có đạo, hoặc khác đạo Phật, làm xấu hình ảnh của biết bao nhiêu Phật tử chúng ta.


Dù có liên hệ tới tâm trạng ngòi bút nào của Đỗ Hòa, tôi cũng thấy ẩn hiện ở đó những suy nghĩ có động cơ không trong sáng, nhằm chống phá Phật giáo.


Với những bài viết kiểu xem lẫn một vài khái niệm nhà Phật, nhưng có động cơ không trong sáng này, tôi chỉ biết nhắn gửi người Phật tử một câu: chúng ta hãy không ngừng hoàn thiện mình, bởi đó là cách tốt nhất để báo ơn Đức Phật.