Trang chủ Quốc tế Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV – Như một huyền thoại ?

Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV – Như một huyền thoại ?

88

Hoá thân


 


Năm  1933 tại Tây Tạng, vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 ngồi kiết già nhập diệt. Theo truyền thống, trong khi đi tìm vị Hoá thân tiếp nối, thì mọi quyền điều hành đều do Hội  Đồng Giáo Phẩm và chính quyền đảm nhiệm.


Cuộc  hành trình đi tìm cho ra vị Hoá thân của Phật sống được bắt đầu từ đó; Điều quan trọng hơn hết là phải căn cứ vào  những “dấu hiệu tiên tri” hướng dẫn.  Những dấu hiệu nầy thường được hiện ra trên diện mạo, thể xác của vị Đạt  Lai Lạt Ma  vừa viên tịch.  Những dấu  hiệu thể hiện cho thấy: đầu  của xác vị Phật sống thứ XIII  “đột nhiên bí mật”  quay về hướng Đông  thay vì hướng Nam theo tục lệ cổ truyền của Phật  Giáo Mật Tông Tây Tạng. Qua những chiêm nghiệm và nghiên cứu lễ tục  đã ứng với những lời “Sấm Tiên Tri” trong  thời đó là: Vị  lãnh đạo tinh thần  mới của người Tây Tạng sinh ra ở hướng Đông. Những ứng hiện khác cũng cho thấy như vậy. 


Ngay sau  khi đó, những  phương thức được  thực hiện kín  đáo tại ngôi tự viện nổi tiếng Shalu Gompa để biết thêm những chi tiết về việc tìm kiếm trong tương lai. Việc nầy thực hiện bằng hai đợt: 


Đợt thứ  nhất, tổ chức cầu  nguyện liên tục và  kết tụ những vị Lạt Ma nổi tiếng về tu trì và  đạo hạnh để có thể dẫn lộ tìm hiểu nhanh chóng.


Đợt thứ  hai, đưa một vị  danh tăng vào cung  điện Potola để nhập thiền, chiếu soi nội tâm, liên ứng Thánh thần.  Kết quả cho biết  thêm: Đi về hướng Đông là đúng.  Đi đến vùng hồ  Chos Khorgyal sẽ thu kết quả.  Những cuộc ứng nghiệm kế tiếp được  dẫn đạo thêm: Nơi tìm kiếm sẽ  là vùng có  ngôi đền ba tầng, mái  ngói màu xanh lưu ly  và hoàng lưu ly, bên cạnh đó có một  ngôi nhà, xuyên trến đòn vông có khắc chạm nhiều họa tiết kỳ ảo, mái xanh cũng màu xanh ngọc.  Như vậy, mọi  điều cần biết đã rõ. Tuy  nhiên, công việc đã không dễ dàng. 


Một phái đoàn đủ các nhân vật nổi tiếng các ngành: triết lý, khảo  cứu, ngôn ngữ,  thông linh… lên  đường trong vòng  bí mật, để tránh  những chướng ngại và phản phúc  bất cứ từ đâu đến.


 Đoàn người trải qua những ngày  nắng thiêu đốt, đêm lạnh như cắt, những trở ngại bất thường, tuy  nhiên, họ không từ nan  bất cứ một  khó khăn nào, quyết đi cho đến đích mới  thôi.


Họ vượt qua biên giới  Tây Tạng, đi vào  miền đất Trung Hoa. Khi đã đến vùng  ngoại ô của tỉnh  Chinghai, họ đã tìm  ra được vết tích của ngôi làng  mang tên là Tasker mà trong  những tiên tri đã nói đến. Họ nghĩ đến  điềm lành và tin tưởng vô cùng  tận. Như lời tiên tri, họ  đã tìm được ngôi đền lạ, có ba tầng,  trên lợp ngói thanh lưu ly và  hoàng lưu ly. Bên cạnh đó cũng có ngôi nhà có chạm khắc và lợp màu xanh ngọc bích.  Quá xúc  động trước quanh cảnh  nầy và chuẩn bị  để đóm phép màu,  những  người trong  đoàn đã  thay đổi  y phục.  Đây là  nghi thức  thường diễn ra trong trường hợp đón tiếp một vị Phật Hoá Thân. Họ thận trọng trong từng  bước đi, hỏi han từng em bé  để tìm xem có dấu hiệu khác thường. Cho đến khi lần vào ngôi nhà, quanh cảnh đã khác. Họ  đi vào cửa chính,  qua phòng khách rồi  đi dần tới bếp. Bỗng nhiên, người trưởng đoàn vô cùng  ngạc nhiên vì có một em bé  chừng hai tuổi chặn lại.  Cậu bé nầy  đòi người trưởng đoàn biếu cho  mình chuỗi hạt mà ông  ta đang choàng  ở cổ. Đây là xâu  chuỗi thuộc đức Đạt Lai  Lạt Ma thứ XIII để lại cho kẻ thừa kế.


Hiểu được  ý đó, nhưng vị trưỏng đoàn vẫn ung dung, cẩn trọng.  Mọi người nhìn nhau không nói  thêm một lời. Vị  trưởng đoàn đồng ý.  Khi hỏi đến tên họ, thì cậu  bé cho biết tên là “Seraga” nghĩa  là một vị Lạt Ma thuộc  tu viện nổi tiếng Sera tại thành Lhasa. Hai bên trao đổi và ngay từ bước  đầu cậu bé đã gọi đúng tên từng vị một trong phái đoàn và chức  vụ của họ. Biết là kỳ nhân, nhưng họ vẫn tìm hiểu thêm. Bài học trắc nghiệm được tổ chức. Vị trưởng phái đoàn đưa ra những di vật  sắp đặt lộn xộn, ngược xuôi, nhưng cậu bé Seraga nhanh chóng sắp theo  thứ tự, chỉ những giá trị và ý nghĩa từng loại,  như một người quán thông  mọi việc. Ngoài ra,  những chuyên viên trong phái đoàn còn tìm thấy được những dấu vết đặc biệt vốn  có của một vị Phật Hoá  Thân.


Nghiên cứu về gia đình, thì được biết là họ  thuộc dòng giống Tây Tạng chính  thống, sống trên phần  đất bị chiếm, nhưng  vẫn kiên trì bảo vệ tín ngưỡng, phong tục  Tây Tạng. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc  tìm ra vị Phật  Hoá Thân đã thành  công sau những ngày tháng ròng rã.   Cậu bé  đó mang tên  là Tenzim  Gyatso,  sinh ngày 6  tháng 6 năm  1935.  Công việc hoàn tất, nhưng mọi  người trong phái đoàn như được chỉ thị từ  trước hoàn toàn dấu  kín. Họ cũng phải  bỏ ra những khoản tiền không  nhỏ, hối lộ  viên chức địa  phương, để có  thể đưa vị Phật Hoá  Thân trở về  kinh đô Lhasa,  trú ngụ tại  điện Potala. 


Về kinh đô  Lhasa


Cho đến khi được Hội Đồng Giáo  Quyền Tây Tạng loan báo về sự Hoá thân của Ngài thì bố mẹ Tenzim Gyatso đều ngạc nhiên và cho  là điều may mắn,hãnh diện nhất cho dòng dõi.  Về sau, ông bà đã tâm sự  rằng: “Chúng tôi nín thở khi chứng kiến việc phát giác  sự hoá thân của con chúng  tôi. Vấn đề không giản dị vì phải qua  nhiều thử thách, ấn chứng và vết  tích lưu lại từvị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13.  Đã là người Tây Tạng, việc hoá thân của  thần Chenrezi  là điều trang trọng  nhất, quý báu nhất.  Phải tu bao nhiêu kiếp mới sở đắc”. 


Tín đồ Lạt  Ma Giáo trong tất cả tu  viện cũng rất  lo  ngại, cho đến khi rước đức Đạt Lai Lạt Ma tái sinh về điện Potala. Đoàn rước nầy  rất vĩ  đại. Có  đến 10.000  ngựa và  lừa tham  gia. Có  đến  500.000 tín đồ theo sau. 


 Để tránh những âm  mưu tấn công từ mọi phía, một  đoàn dũng sĩ có  tên là Khamba  gồm 4.500 người, khí giới đầy  đủ giữ phía trước và phía sau để hộ tống. Dân chúng Tây Tạng đón chờ hai bên đường như một hành lang trải khắp đất nước. Họ chen lấn nhau để nhìn cho rõ đức Phật sống  hoá thân. Cả gia đình Ngài  cũng được trọng vọng ở  mức  cao nhất  trong việc  tiếp đón  nầy. Họ  được nâng  lên hàng “Sutsa”, là “Gia đình trọng vọng”. 


Những nghi  lễ, tổ chức cuộc  sống của Ngài được  khởi sự. Vì đức Đạt Lai Lạt Ma vừa lãnh đạo Giáo Quyền, vừa cầm đầu hệ thống chính trị, cho nên Ngài được đi vào nề nếp của một vị lãnh đạo tối cao. Ngài được khoác  những chiếc áo dùng trong nghi  lễ cũng như tham  dự Hội Đồng Hành Chính. Đạo quân Kham luôn luôn túc trực ngày đêm quanh Cung Điện Mùa Hè để phòng mọi bất trắc.  Nếp sống của Ngài được hội đồng nghi lễ chuẩn bị chu đáo. Ngài ăn bằng những  chiếc đũa bằng bạc,  thức ăn đựng trong  những chiếc đĩa bằng vàng.  Những tấm thảm lót trong mọi  phòng đều bằng loại kim tuyến đặc  chế. Những đồ đạc Ngài dùng  đều được nhập cảng từ Trung Hoa, Ấn  Độ, Miến Điện và từ Tây  Phương nữa.


 Tiện nghi nầy không trở  ngại cho việc  tu hành, mà  lại còn giữ  uy tín cho vị  quốc trưởng. Hàng năm, Tây Tạng  tổ chức những cuộc “hiến đạo” để  dân chúng có  thể dâng lên cho Ngài những  phẩm vật quý. Phẩm vật  nầy, theo  Ngài, là của  thần dân, nên  được mang vào  quốc khố của nước. 


Giáo dục một vị Phật sống


Việc quan tâm hàng đầu cho một vị Phật sống 5 tuổi là giáo dục.


Vấn đề nầy được  hàng giáo phẩm cao cấp hợp lực  với các nhà giáo dục và cơ quan chính quyền trung  ương Tây Tạng nghiên cứu, đề cử người và lập chương trình. Tại điện Potala,  Ngài lên  ngôi vua và bắt đầu triều đại của mình. Điện Potala  là một trong  những lâu đài  kỳ diệu và  trang trọng  nhất trên thế  giới. Nó nằm trên “đỉnh cao  nhất của Tây Tạng” mà độ cao đã lên tột đỉnh, chính là nơi ngự trị của vị lãnh đạo tinh thần “bao toả và lan rộng” theo nghĩa của người Tây Tạng. Tại đây  có một nhà  nguyện được kiến  tạo rất trang  trọng và mỹ thuật nơi mà  mỗi ngày hai lần, đức  Đạt Lai Lạt Ma cầu  cho quốc  thái dân an.


Chương trình học tập bắt đầu. Nội dung gồm có hai phần chính: tôn  giáo và  chính trị. Nhưng ở  Tây Tạng,  Mật Giáo  là quốc giáo cho nên hai chương trình thường được gộp chung lại.  Một chương trình  đào luyện quy mô và cam  go dành cho Ngài. đây là vấn đề  quyết định tài lãnh đạo của “đấng Thậm Thâm”, danh xưng để tán thán vị thế của Ngài. 


 Theo quy định đào tạo Đạt  Lai Lạt Ma Tây Tạng,  thì cho  đến năm 18 tuổi, Ngài mới được xem là trưởng thành. Bình thường,  chương trình trong  một ngày của  Ngài ấn định  như  sau: Vào buổi sáng, sau khi điểm tâm  và thay áo quần, Ngài cùng với những ân sư của mình đến điện Potala để học tập. Khí hậu nơi đây lạnh ngắt,  Ngài phải mặc nhiều  lần áo ấm để  đề kháng. Những vị giảng huấn  mang cho Ngài những  dụng cụ học tập  cần thiết trong ngày. Ngài ngồi ở  ghế cao nhất trong khi các vị  thầy ngồi ở ghế dưới, theo  lề lối ứng  xử một vị  lãnh đạo Giáo  hội trong tương lai. Họ  chăm chú nghe Ngài  trả bài học hôm  trước, xem mức tiến  bộ, điều  chỉnh những sai  lệch, chỉ điểm  thêm những vấn  đề mấu chốt. 


Ngài phải qua những chương  trình nghiên cứu Phật  Giáo và Lạt Ma  Giáo. Một số thì giờ học tập giành cho việc  đọc lại những văn bản tôn giáo và chính trị của 13 đời Đạt Lai Lạt Ma trước. Những văn bản được xếp theo hệ thống. Nhờ vậy, chính trị nước nầy được tiếp nối liên tục  và vững chắc. 


Ngoài những bài học về giáo lý  chân truyền Tây Tạng, đức Đạt Lai  Lạt Ma  lại còn được  giảng dạy  nhiều  môn học khác  nữa như: âm nhạc, thi ca, toán học, chiêm tinh  học. Những bài thơ đạo của vị  Tổ Mật Tông Milarepa được nhắc nhở nhiều nhất trong việc tìm hiểu nghệ thuật diễn  xướng của những Đạt Lai Lạt  Ma đời trước và nay vẫn được giảng  dạy tại Potala. Chuẩn bị cho việc nhậm chức chính  thức của đức Đạt Lai Lạt Ma là cả một công trình nghiên cứu nhiều năm. 


Hội  Đồng Giáo Phẩm và  Hội Đồng Chính Trị quốc Gia  Tây Tạng đã  tấn phong đức  Đạt Lai Lạt  Ma sớm, vào ngày 17 tháng 11 năm 1950,  để đối phó với thời cuộc. Năm  đó Ngài mới 15 tuổi.


Đêm 17 tháng 3  năm 1959 đức Đạt Lai Lạt Ma chạy về phía nam. Ngài  đã ủy  nhiệm cho  một chính phủ lâm  thời lo mọi công  việc tại Lhasa và định đóng dinh tạm thời ở miền  nam của Tây Tạng.


Lưu vong với đồng bào


Ngày 31  tháng 10 năm 1959,  Ngài đã đến biên  giới Ấn. Thủ tướng  Nehru đã chấp nhận cho khoảng 80.000 người Tây Tạng tỵ nạn ở vùng  nầy.  Đức Đạt  Lai Lạt Ma  lãnh đạo một  chính phủ lưu  vong mà quốc tế  không công nhận, nhưng đã trở thành Niềm Tin và Hy Vọng của người  dân Tây Tạng trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới. 


Năm 1959, đức Đạt Lai Lạt Ma cùng nhiều tín đồ,  giáo sĩ đã lưu vong sang  Ấn Độ và nhiều quốc gia  khác. Ngài đặt tổng  hành dinh của mình  tại Dharamsala trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, nhưng Ngài thường du hành khắp nơi không ngừng để  vận động độc  lập, tự do  cho dân tộc,  xứ sở Ngài, hoà bình cho con người và để mở  mang Phật Giáo, đặc biệt vào Châu Âu và Hoa  Kỳ. 


Hiện nay có  khoảng 123.000 người  dân Tây Tạng sống lưu vong như ngài.  Ngài được trao giải thưởng Nobel về  Hoà bình vào năm 1989 và được xem là  một trong những  nhà lãnh  đạo  tinh thần có  tầm vóc thế  giới.


Đức Đạt Lai Lạt Ma đi nhiều nơi trên lãnh thổ Ấn Độ, đến Mỹ Châu,  Úc Châu, Nhật Bản, Đông Nam Á, Âu Châu, Liên Xô và Mông Cổ để gặp gỡ và tuyên  dương tinh thần cởi mở và tự  do. Ngài cũng từng lưu lại những bài diễn văn hùng hồn về tư tưởng nầy. 


Về vấn đề Tây  Tạng, đã nhiều lần  Ngài cố gắng giảng  hoà với Bắc Kinh,  đòi hỏi  quyền tự quyết của  đất nước mình, dưới  sự giám sát của  Liên Hiệp  Quốc. Theo Ngài, đó  là con đường khả  dĩ giải quyết  trong hiểu biết và hoà bình.  Ngài cũng tin tưởng vào nền hoà  bình và hợp tác có hiệu quả giữa nhiều tôn  giáo, về quan điểm  thế giới và quốc  gia. Trong những chương trình  hội luận và  hội thảo các  tôn giáo trên  hoàn cầu, tiếng  nói của  Ngài trở  thành một  trong những  quan điểm  được  nghiên cứu nhiều nhất. 


Cá nhân của Ngài cũng được những người không là Phật tử tại Ấn Độ tôn sùng trong lãnh vực tôn giáo cũng như về phương diện đạo đức. Ngài cũng đã  từng đứng ra hoà giải những  bất hoà giữa những tôn giáo Ấn Độ. Phật  Tử vùng Viễn Đông và Đông Nam  Á xem Ngài là  một vị đại  diện Phật Giáo Quốc tế.


Đức Đạt Lai  Lạt Ma đã nhiều lần  gặp gỡ các vị đại  diện Ki Tô  Giáo như đức Giáo Hoàng  Paul VI, Johannes Paul II, đại  diện hội đồng nhà  thờ thế giới và đức tổng giám mục cuả Canterburg. Buổi cầu nguyện  cho nền hoà  bình thế giới tại Assisi vào  năm 1986 là trọng điểm trong tương quan tôn giáo của  nhân loại thời đại ngày nay. Chính tại nơi trụ xứ của thánh Frankziskuc,  đức Đạt Lai Lạt Ma đã cùng  với đức Giáo hoàng và những  lãnh đạo tôn giáo  trên hoàn cầu đã cầu nguyện cho sự cảm thông, công bằng và tự do của nhân loại.


An lạc nơi đất khách


Hiện nay đức Đạt Lai Lạt Ma  những cộng sự viên của ngài về chính trị và tôn giáo, những người Tây Tạng lưu vong đều tập trung tại vùng thị trấn nhỏ bé Mc Leod Ganj, thuộc tiểu bang Himachai, phía  bắc Ấn Độ.  Vùng đất nầy có tên là  Dharamsala, được thủ tướng Ấn Độ và cũng là một người bạn của đức Đạt Lai Lạt Ma, ông Nehru lập riêng cho dân chúng Tây Tạng sau năm 1959.  Dharamsala theo ngữ nghĩa Hindu, là những tịnh xá giành cho khách  hành hương, ngày nay đã trở thành ngôi nhà của chính phủ Tây Tạng  lưu vong. Nơi đây cũng là Niềm  Tin và Hy Vọng của người Tây Tạng trong nước ngày  đêm hướng về. 


Nhà cửa  của dân chúng ở đây  rất nhỏ,  tuy nhiên  được xếp đặt  ngăn nắp, cân  đối. Đây cũng  là một điạ  điểm du lịch nổi tiếng nhất của đất Ấn, kể từ năm 1959 trở về sau.  Ai cũng  muốn đến thăm,  san sẻ tình  thương, nhất là  được chiêm  ngưỡng hình bóng từ bi, lạc quan, thân thiết của vị lãnh đạo tinh  thần nầy.  Đó là một thị  trấn nhỏ nằm ôm theo triền dốc  và những đồi thông  bạt ngàn. Vùng nầy trước là đất chết, nhưng nay trở nên sinh động lạ thường. Những người tỵ nạn hăng  say làm lại cuộc đời trên đất  mới. Dân thập phương đến cúng lễ, nghe Pháp.  Tiếng chuông  vang vọng trong  những hoàng hôn  báo hiệu giờ  cầu   kinh. Những ngọn  cờ Phật Giáo phất phơ trên  những triền núi các nóc chùa; những vị tỳ kheo đi khất thực đâu đó trên các đường phố với nét mặt từ bi, tự tại, thoát tục.  Người Tây Tạng  cũng như người Ấn Độ  đều tự hào về vùng  đất nầy. 


Mỗi năm có từ 5  triệu đến 10 triệu người trên khắp  thế giới bất luận theo tôn  giáo nào đã đến vùng  đất nầy để tham quan trong những chuyến du lịch.  Tại Dharamsala đã xây  dựng lên nhiều ngôi chùa Tây  Tạng vây quanh một khu đất rộng  lớn. Người Tây Tạng gọi  vùng nầy là  Đại  Thừa Giáo Xứ. Dinh  đức Đạt Lai Lạt Ma  ở trên cùng; phía dưới  là hệ  thống sinh hoạt tôn giáo và văn hoá, gồm có một viên Đại học biện  chứng Phật Giáo, một thư viện khổng lồ, một văn khố, mợt nhà xuất  bản kinh  sách và những  ngôi nhà của  chính phủ lưu  vong. 


Những ngôi nhà và  trung tâm nầy được kiến  tạo lên do sự đóng  góp tài chánh của những  tổ chức Ky Tô Giáo. Sự  giúp đỡ “ngoài biên giới tôn giáo” nầy  do hạnh nguyện vị tha  và giao lưu do đức  Đạt Lai Lạt Ma đề ra. Bên cạnh  thư viện có  một trường  đại  học y khoa  được dựng lên trong thời gian  sau nầy. Viện nầy nổi  tiếng khắp nơi; chính giới y học Trung Hoa cũng khâm  phục khoa dược học của Hy Mã Lạp Sơn được nghiên  cứu và giảng dạy tại đây.


  Nhiều nhà khoa học tự nhiên các  nước Âu Mỹ  thường đến đây  để nghiên cứu  dược lý trị  liệu Đông Phương. Chính đức Đạt Lai Lạt Ma cũng từng khuyến khích  nên phát triển nền y học cổ truyền Tây Tạng, không phải trên giáo điều mà bằng  thực chứng. Cạnh Viện nầy là  một bệnh viện tổ chức theo mô  hình Tây Phương.  Như vậy ở  đây, Đông và  Tây đã gặp gỡ  nhau.   Những khách sạn được dựng lên với những tiện nghi đầy đủ đã thoả mãn nhu cầu du khách. 


Giới du khách đến đây gồm đủ loại: từ những ông khách Tây ba lô, những tăng  ni đủ các hệ  phái Phật Giáo, những  nhà nghiên cứu  tôn giáo, những người có óc  tò mò tìm những điểm du lịch mới đã  tìm đến đây. Họ cảm thấy bình  an trong tâm hồn khi  đặt chân đến vùng nầy. 


Ngôi tịnh xá của đức Đạt Lai Lạt Ma vốn khiêm cung, nhưng dường  như khách thập phương nối đuôi nhau tìm đến, tâm  bình an, trí thảnh thơi. Phiá trước  là một vườn trồng  đầy hoa hồng, hướng  đến những dãy núi trùng trùng điệp điệp. 


Về  đêm, khung cảnh nơi đây thật huyền  diệu.  Những khách  sạn cao  tầng bên  những triền  núi, bầu trời trong vắt, qua những lớp sương mù, những ngọn đèn thành phố. Càng ngày thành phố trở nên tráng lệ, đàng hoàng hơn, cũng là nơi  trút bỏ  những ưu tư của  người dân Tây Tạng,  bên cạnh vị lãnh đạo tinh thần của họ.  Nhiều lần trong những khi tâm sự, Ngài chi biết:  “Khi nghĩ đến những  khốn khổ của  dân tộc mình  quá to tát,  tôi bước ra  ngoài, nhìn  lên không trung;  từ đó có  thể trang trải  cõi lòng mình, hoà  vào thiên nhiên, khi  đó có thể xóa  tan được những ưu phiền của trần gian nầy. Khi đó,  hiểu được rằng cuộc đời vẫn còn nhiều ý nghĩa”. 


            Hình ảnh  của Ngài trong  lớp áo Lạt  Ma đỏ và  vàng được hiện ra khắp  nơi, trở  thành hình  ảnh của  đạo hạnh.  Nhiều người ngưỡng mộ. Thậm chí, nhiều  người trong giới truyền thông  và điện ảnh Hoa Kỳ, do  nhu cầu thông  tin và quảng  bá, đã tìm  đến để xin phỏng vấn, thu hình  và dựng những thước phim về  cuộc đời lưu vong của ngài tại Dhamarsala.


            Ngài ít khi thích thú về sự hiện diện của mình trong những chương trình truyền bá như thế. Một đệ tử của ngài cho biết:  “Chúng tôi không nhận thấy được vai trò nào  thích hợp với đức Phật trong những chương  trình truyền hình như thế”. 


Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như  hầu hết những cao tăng Tây Tạng trên bước đường lưu  đày của mình có đầu  óc khôi hài và tin  tưởng. Nụ cười  không bao  giờ tắt  trên khuôn  mặt của  Ngài; ít khi Ngài  thiếu vắng nụ cười hiền hoà của mình.  Chính tinh  thần lạc quan nầy  đã giúp cho những  tín đồ Tây Tạng  trở thành sức mạnh thu hút mãnh  liệt với nhưng người chưa hề quen biết và  giúp cho họ hội  nhập dễ dàng, làm  quen với những người lân cận.


            Có những vụ xích mích nhỏ của người Tây Tạng lưu vong với các sắc dân Ấn trong  vùng nhưng rồi họ cũng đã  giải thoả mau chóng. Lòng từ bi, hỉ xả đã giúp đức Đạt Lai Lạt Ma thành công trong những vụ  hàn gắn các rạn vỡ nầy một  cách dễ dàng. Ngài đã truyền sức sống  lạc quan cho  người chung quanh mình trong bất  cứ trường hợp nào chăng nữa. Giáo sư  Frederich Deutsche trong một  buổi tiếp xúc với  Ngài đã cho biết:  “Ở con người đức  Phật sống nầy chúng  ta dễ dàng nhận được lòng từ bi, hỉ xả, tình thương yêu, độ lượng, ngay với cả kẻ thù của mình”.


            Ngài tham gia nhiều cuộc hội thoại, trong đó hoà  đồng thế giới là điều Ngài cổ  vũ nhiều nhất.   Người tỵ nạn Tây Tạng đã vượt khó để xây dựng văn hoá. Bằng chứng là trong thời gian gần đây, họ đã xây một trường Đại Học Tây Tạng ở Sarnath gần Varanasi.  Ban Giám đốc trường đã  tổng hợp hai nền văn hoá  Đông Tây trong phương  pháp và nội dung  giảng dạy. Theo  họ, có thế mới có thể hội  nhập thời đại mới. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã  làm việc tại  Ấn Độ hay  sang sinh sống,  lập nghiệp ở những nước Âu Mỹ.  Đi sâu  vào còn nhiều sinh  hoạt khác.  Chẳng hạn như các tổ  chức sinh hoạt văn  hoá Tây Tạng. 


Người dân tỵ nạn  đã tìm được ở đây những gì là truyền thống và  nhân bản. Lại có ngôi làng Thiếu  Nhi để tiếp  đón những trẻ em vừa mời đến. Châm ngôn của những người tỵ nạn là: chăm chỉ và bền bỉ. Vượt lên trên là niềm tin tôn giáo. Thành thử, trong hoàn cảnh nào, ta vẫn thấy trên nét mặt người Tây Tạng nụ cười rạng rỡ.


Một ngày của đức Đạt Lai Lạt Ma


Trong một cuộc  phỏng vấn gần đây của tuần  báo Life xuất bản tại  Luân Đôn với đức Đạt Lai Lạt Ma  về cuộc đời quá khứ của Ngài, có đoạn nêu lên những điểm đặc biệt như sau: Ngài nhấn mạnh: Danh xưng  “Đạt Lai” dịch  âm theo tiếng  Trung Hoa, có  nghĩa là “đức Phật sống”.  Nhưng tại Tây Tạng thì danh  từ nầy có nghĩa là  “Ông vua của  Phật Pháp”,  hay “Ông vua của Chân Lý”.  Tôi là  một tu sĩ  đã  được chỉ  định sẵn ngay  sau khi được tìm kiếm về  Hoá sinh của vị  tiền nhiệm.   Không ai  có quyền thay đổi gì, khi tôi  vẫn tiếp tục thi hành những  nguyên tắc trên, với tư cách là một  tu sĩ Tây Tạng, cái  tước hiệu Đạt Lai Lạt  Ma có thể thuộc về người khác. 


Nhiều người tò  mò theo dõi cuộc đời tranh  đấu và lãnh đạo người dân Tây  Tạng, muốn hiểu  cuộc sống thường  nhật của Ngài.  Chính Ngài đã kể lại cho phóng viên của tờ Life như sau:


 Những khi  ở Dharmasala (Ấn Độ)  cuộc sống của tôi  thường nhật  vẫn đều đặn như sau: Tôi trở dậy  vào khoảng 4 giờ hay 4 giờ rưỡi sáng. Khi nào thấy tâm hồn thoải  mái, tôi tập thể dục; nếu không sẽ ngồi theo tư thế thiền định, suy gẫm và đọc kinh. Đến 5 giờ rưỡi sáng,  ăn sáng, bánh mì  với mật ong; đôi  khi dùng trà; đôi khi dùng  bỏng ngô. Sau  đó thì học  tập. Tôi học  nhiều nhất là  Triết Lý Phật  Giáo, nhưng thường là học những  lời đức Phật dạy. 


Về chính  trị, tôi chỉ thu  thập qua kinh nghiệm sống của tôi mà thôi. Ông thầy giỏi nhất về chính trị là ông bạn láng giềng của tôi là Trung Hoa qua bao nhiêu triều đại qua. Về những người Ấn, họ là những người bạn thân của tôi.   Đến 10  giờ rưỡi, sau  khi làm việc một hồi về  tôn giáo và hành chánh, tôi ăn  trưa. Ngày trước tôi ăn trường  trai, nhưng về sau mắc bệnh vàng da,  những y sĩ khuyên tôi nên ăn  cá và tôi đã làm như thế để có  sức khoẻ, tránh bệnh tật. Sau đó  thì làm việc tại văn  phòng, tiếp  kiến người  nọ, người  kia; đôi  khi thì thuyết  giảng  về  một vấn đề  nào đó cho  một nhóm người  nào đó. 


Suốt cả  buổi chiều thì việc tiếp kiến vẫn  tiếp tục. Đến 6 giờ chiều, tôi  uống trà và  nhịn đói cho đến sáng  hôm sau. Vào khoảng 9  hay 10 giờ tối thì tôi đi ngủ. Trước đó thì thiền định”. 


Trải qua không biết bao nhiêu biến  cố của đất nước cũng như cuộc  đời của Ngài  trên bước đường lưu vong, nhưng  đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn lạc  quan, đôi khi còn  trào phúng vui tươi,  theo Ngài đó là bản chất và truyền thống Tây Tạng.


(Kiêm Đạt trích dịch: An lạc trong lưu đày)