Trang chủ Thời đại Xã hội Giải pháp Phật giáo cho vấn nạn xã hội rượu và chất...

Giải pháp Phật giáo cho vấn nạn xã hội rượu và chất gây nghiện

107

Chất say gồm có những loại lên men, hoặc không lên men (do chưng cất), cũng có thể kể chất ma túy vào loại gây ‘say xỉn và điên loạn’.


Thuật ngữ Surà chỉ chung các loại rượu. Những loại surà sau đây thường được nói đến: Pitthasurà, chế biến từ gạo; Puvasurà, chế biến từ bánh ngọt; Odanasurà, chế biến từ cơm trộn với men và gia vị; Meraya, chế biến bằng cách chưng cất mật hoa (phalasàvo); Madhu, chế biến từ mật và “guda” (galasàvo) trộn với các gia vị. Luật tạng còn đề cập đến hai loại thức uống khác là Kotikà và Pasannà.


Theo giới phần thứ yếu (điều khoản Pàcittiya 51) của bộ luật Pàtimokkha, vị Tỷ kheo tu Phật bị cấm uống rượu, nhưng trong trường hợp người khác (chẳng hạn, cư sĩ tại gia) không thấy thiết lập tội hình đối với việc sử dụng chất say. Thậm chí trường hợp Tỷ kheo vi phạm, tội hình quy định thuộc giới phần Pàcittiya chỉ là “sám hối để giải tội”.


Thật thú vị khi ta xem nguyên do nào điều luật cấm uống rượu được ban hành hiệu lực. Lần nọ, Tỷ kheo Sàgata trổ công lực thâu nhiếp con mãng xà hung độc. Dân chúng vây quanh reo hò phấn khởi. Họ mang rượu thiết đãi, bày tỏ lòng cảm phục và tán thưởng vị Tỷ kheo tài giỏi. Vị ấy uống say khướt và ngã lăn ở cổng thành. Người ta khiêng vị ấy đến gặp Đức Gotama; khi nằm xuống trước Đức Gotama, vị ấy quay chân xỉa vô mặt ông. Bình nhật, nếu Sàgata tỉnh táo, vị ấy không bao giờ tỏ thái độ vô lễ như thế. Nhân đó, Đức Gotama hỏi chư Tỷ kheo:


“Có phải, trước kia, vị Tỷ kheo này từng cư xử đáng chê trách như vị ấy đã làm hôm nay?”.


“Thưa, vị ấy không như vậy”, chư Tỷ kheo trả lời.


“Đó là kết quả của rượu”.


Đoạn Đức Gotama đã giải thích cho mọi người nghe rằng bất cứ ai uống rượu sẽ đều có thể tạo ra hành vi cư xử đáng chê trách như Sàgata, tự hạ nhân cách mình và kẻ khác.


Chính do nguyên nhân này mà điều luật cấm Tỷ kheo uống rượu được ban hành hiệu lực. Rượu, dù lên men hay chưng cất, đều dẫn đến say sưa, gây muội lược tâm trí, và làm hư hại hệ thần kinh. Hàng tại gia cư sĩ được khuyên không nên uống rượu hay đem rượu đãi đằng khách khứa.


“Y thị nên bỏ thói quen ẩm tửu. Khi biết tửu nhập biến con người thành kẻ điên loạn, hàng tại gia cư sĩ chọn nếp sống đạo hạnh không nên chuốc rượu mời người cũng không thuận nhận rượu người mời”.


“Quả thật, kẻ ngu uống rượu thường làm những điều càn quấy; bị người trêu chọc. Y thị nên bỏ thú vui của những kẻ ngu, tránh làm điều càn quấy, rồ dại, bị ảo giác dối lừa”.


Đức Gotama lưu ý rằng một số nhà tu hành (Samana và Brahmana) uống rượu lên men (surà) và rượu mạnh (meraya), họ say xỉn hoặc lờ đờ, mất nhuệ khí. Từ đó về sau, họ bắt mùi rượu, trở nên nghiện ngập, khó kiêng cữ. Đi xa hơn, Ngài khuyên cư sĩ nào thuận hành lời Ngài giảng dạy: “Khi biết chất say dẫn đến điên loạn, y không nên dễ dãi cho phép mình uống rượu. Bởi lẽ, rượu vào, kẻ ngu phạm lầm lỗi, lại còn lôi kéo kẻ khác nghiện ngập say xỉn. Y phải tránh vi phạm lỗi lầm, không nên để mình mắc vào trạng thái điên loạn, tốn kém vô ích, vui thú ngớ ngẩn”.


Sự nghiện ngập chất say thường được xem là nguyên nhân làm cho thân bại danh liệt (Vyagghapajja sutta). Có một câu chuyện kể về vị hoàng tử nọ bị những tên bợm nhậu lôi kéo thành con nghiện. Bọn này bày tiệc gần con đường hoàng tử đi công vụ ngang qua, và nói lên thật to: “Ô hô, mong sao hoàng tử đáng yêu sống lâu trăm tuổi, vì nhờ ân đức ngài, chúng ta có thể tiếp tục vui hưởng lâu dài”.


Họ nói như vậy trong khi mời nhau chén thù chén tạc, ăn thịt nướng và những mồi nhấm khác. Nghe lời tán gẫu, hoàng tử hỏi tùy tùng: “Bọn họ uống gì trông hồ hởi quá vậy?”. Viên cận vệ bẩm báo: “Thưa, họ đang thưởng thức một loại chất say đặc biệt hơn mọi thức uống trên cõi đời này”.


Về đến tư dinh, hoàng tử, do lòng hiếu kỳ thôi thúc, sai người đi mua rượu uống thử cho biết mùi vị ra sao. Lần đầu, hoàng tử uống một mình, nhâm nhi từng chút. Những người khác cảm thấy kích thích và bắt đầu nhập cuộc. Chẳng bao lâu, mỗi lần tụ tập vui vầy, tiệc rượu bày biện tốn kém từ 200 đến 300 tiền vàng.


Họ kêu gọi ca nhi và các tay nhạc công phục vụ đàn địch, múa hát làm cao hứng thú trong lúc uống rượu. Ngày này sang ngày khác, hoàng tử cứ chi tiêu thêm tiền. Thời gian sau, hoàng tử buộc phải bán của cải để mua rượu cho mình và những người đối ẩm. Khi tửu lượng gia tăng cũng là lúc hoàng tử lâm cảnh khánh kiệt, tài sản kếch sù tiêu tán, tiêu tán cả tư dinh, cuối cùng, hoàng tử  phải sống lang thang đầu đường xó chợ.


Việc khác liên quan đến khoảng 500 phụ nữ, tất cả đều là quyến thuộc của bà Visàkhà, đã uống rượu trong một buổi lễ tiệc và, sau đó, đi nghe pháp. Những phụ nữ này tập họp tại nơi công cộng cùng quần chúng nghe Đức Gotama giảng đạo, nhưng khi bị thấm chất say, “họ bắt đầu nghêu ngao ca hát, nhảy múa, một số người càu nhàu, gây gổ với nhau”. Điều này chứng minh cho thấy, thậm chí những phụ nữ uống rượu say xỉn, họ mất cảm giác hổ thẹn hay e ngại, mất tính tự chủ giữ gìn ý tứ.


Người tu có thể dùng rượu như một dược chất trị bệnh. Tuy nhiên, vào những trường hợp bất đắc dĩ như thế, nên đun sôi rượu với dầu để nó không còn màu sắc, mùi vị. Nếu rượu được chế biến thành một dược chất cần thiết và được sử dụng theo toa thuốc chỉ dẫn xác thực, nó sẽ vô hiệu hóa tác hại ‘say xỉn, điên loạn’.


Trong môi trường tôn giáo, phải tuyệt đối thận trọng khi kê toa bốc thuốc cho bệnh nhân (sadà jàgariyam anuyutto). Bất cứ thành phần, dù dưới dạng dược chất lỏng hay đặc, lên men hay chưng cất, tự nhiên hay nhân tạo, phải bảo đảm không gây trì độn tinh thần, dã dượi thể xác. Rượu dễ dẫn tâm sinh lý đến trạng thái ‘điên loạn nhất thời’. Hiển nhiên, người điên loạn không thể kiểm soát tư tưởng, lời nói và tác động của mình.


Sự nghiện ngập chất say thường liên minh ma quỷ với thói háo dục mê dâm, cờ bạc đỏ đen, tán dóc, lừa bịp, và bạo hành. Vả, trong sáu nguyên nhân làm suy sụp tài sản thì ‘sử dụng chất say’ được nhấn mạnh hàng đầu. Việc chơi cờ bạc, viếng thăm những tụ điểm hoan lạc, giao du bạn bè hư thân mất nết và lối sống biếng nhác luôn nối đuôi theo sau việc uống rượu hay sử dụng chất say nói chung.


Sử dụng chất say kết hợp với chơi cờ bạc, viếng thăm những tụ điểm hoan lạc không hợp thời, tập tành múa hát và tiêu xài lãng phí vào những thú vui, cùng việc giao lưu qua lại với bạn bè hư hỏng, biếng nhác bỏ bê công việc là điều đáng lưu tâm. Bởi vì, từ quan điểm xã hội, chất say dẫn đến những thói hư tật xấu và, mặt khác, những thói hư tật xấu lại dẫn người ta nghiện ngập chất say.


Cái vòng lẩn quẩn đó tạo nên một hệ quả tồi tệ. Chẳng hạn, bạn bè đồng trang lứa thường bị kẻ hư hỏng – trong nhóm của họ – dụ dỗ vào những thói quen này. Trước các vấn đề xã hội đại loại như thế, chúng ta cần phải hiểu rõ mối quan hệ hữu cơ giữa các nhân tố và bằng cách nào chúng tác động lẫn nhau.


Mối quan hệ này sẽ rõ ràng, nếu sáu tai hại được phân tích chi tiết từng điều một. Khi bạn lai vãng những tụ điểm hoan lạc hay bắt đầu dạo ngoạn đường phố vào giờ không bình thường, bạn dễ bị bạn bè hư hỏng lôi kéo làm những chuyện sái quấy. Họ dẫn dắt bạn nhập tràng ma đạo say sưa hoặc dính mắc những thói hư tật xấu khác. Không dừng lại đó, hành vi trên còn sai khiến bạn tán dóc, lừa bịp, thậm chí khởi lên các hành động hung bạo.


Khi một người tiêu thụ chất say, có sáu hậu quả không hay khởi lên từ thói quen tai hại này:


1- Tài sản thất thoát hoang phí.
2- Cơ hội sinh chuyện gây gổ.
3- Nhiễm bệnh hoạn.
4- Mang tai tiếng.
5- Mất sĩ diện và nhân phẩm.
6- Các tính năng tinh thần bại hoại khó chữa trị.


Chúng ta có thể hiểu thái độ nhà Phật đối với các loại chất say qua việc phân tích Kumbha Jàtaka. Theo truyện Jàtaka, tên thợ săn nọ tình cờ khám phá ra rượu. Tại khu rừng y thường săn bắt, có thân cổ thụ ba nhánh; chỗ chạng ba tạo thành một bọng cây, trong đó, nước mưa đọng lại. Khi chim chóc đậu trên cành ăn ngũ cốc, chúng làm thức ăn rơi vãi vào cái bọng. Quả của cây cối xung quanh và loài dây leo cũng rụng vào đó ít nhiều.


Sau một thời gian, do ánh nắng mặt trời phủ nhiệt, các thành phần hòa quyện trong bọng cây lên men. Ngẫu nhiên, tên thợ săn thấy vài con chim uống nước trong bọng cây bị lả cánh sa xuống đất. Y lấy nước nếm thử. Nó có hương vị khá hấp dẫn và cho cảm giác hưng phấn lạ lùng. Tên thợ săn giết mấy con chim, đốt lửa nướng thịt, vừa ăn vừa uống loại nước y mới khám phá.


Có một ẩn sĩ sống ở khu rừng này. Tên thợ săn đã cúng dường vị ẩn sĩ nước uống và thịt nướng, đồng thời, y cũng tiếp tục thưởng thức. Cả hai bàn nhau đem ‘mỹ tửu’ tặng nhà vua, nghĩ rằng phẩm lạ sẽ làm vua hài lòng. Khi uống xong, nhà vua thỏa thích vô cùng, ông hỏi thêm và thêm nữa. Vì đường sá đi, về xa xôi, vất vả, nên họ yêu cầu nhà vua cung cấp các loại quả, ngũ cốc, hạnh nhân v.v…, họ trộn tất cả với nước, rồi đổ vào vò chứa để ủ lên men. Nhà vua cho phép thần dân chung vui thưởng thức nước uống kỳ thú. Dân chúng mê uống, bắt đầu bỏ bê công ăn việc làm hàng ngày, sản lượng kinh tế và các hoạt động xã hội hoàn toàn chựng lại.


Lúc đó, Đức Thiên Vương Đế Thích đến gặp nhà vua bản xứ và cảnh báo ông rằng thức uống có tác dụng độc hại là mối họa lớn đang xâm nhiễm vương quốc. Nhà vua nghe lời khuyên của Thiên Vương Đế Thích, truyền lệnh tiêu hủy thức uống này, đồng thời, tuyên án hành quyết tên thợ săn và vị ẩn sĩ đã gieo mầm độc hại vào xã hội.


Câu chuyện chứa đựng những yếu tố quan trọng xoay quanh vấn đề chất say, mối quan tâm hiện tại của chúng ta. Sự khám phá thức uống này là một kết quả tình cờ. Tên thợ săn thấy những con chim uống nước trong bọng cây, nhảy nhót điên cuồng và rơi xuống bất tỉnh. Sau khi quan sát và đoán định sự việc, y nếm thử thứ nước mà những con chim đã thưởng thức từ trước. Y cũng lưu ý những thành phần khác nhau trộn lẫn ra sao để ‘làm’ thức uống này.


Nhờ quan sát tinh tế nên y có thể sản xuất nó ngay tại kinh thành, kịp thời cung cấp theo ý muốn của nhà vua. Y đã ‘giúp’ một ẩn sĩ chuyên tâm thiền định nếm ‘sự thật’ do y khám phá. Khi con người đạo hạnh uống thứ nước chưa từng uống trước kia, vị ấy đạt một ‘cảm lạc’ hoàn toàn mới mẻ, điều đó khiến vị ấy nhận thức rằng ‘sự thật’ mà vị ấy khổ công tu luyện chính là đây.


Vả lại, sự hiện diện của vị ẩn sĩ kết hợp với tên thợ săn mang thức uống tặng vua đã tạo thêm mức độ tín nhiệm. Ẩn sĩ hay đạo nhân được xem là những nhà tu đáng kính trọng, và khi người như thế yết kiến nhà vua để tặng thức uống mới lạ, tán tụng những đặc tính hấp dẫn của nó, nhà vua càng dễ xiêu lòng.


Một khi nhà cầm quyền chấp thuận cho sản xuất loại thức uống này, nó nhanh chóng trở thành một phương tiện tiêu khiển phổ biến. Do đó, như trường hợp xảy ra trong câu chuyện, không gì có thể chặn nó không xâm nhiễm toàn phần đất nước. Chính quyền ở đây đã thực hiện chính sách bảo hộ rượu, khuyến khích sản xuất rượu. Để mừng sự kiện trọng đại, nhà vua trang hoàng kinh thành, xây dựng một tửu đường và mời thần dân đến uống.


Thiên Vương Đế Thích đã giải thích cho nhà vua và nhiều người khác nghe về tính độc hại của rượu. Trước hết, rượu gây phản ứng trên đương sự: người uống rượu không còn ý thức gìn giữ liêm sỉ, sẽ mất tự chủ, thân thể đi đứng nghiêng ngả hoặc ngã sóng soài bất cứ nơi đâu.


Thứ hai, y thị chịu đau khổ vì bệnh hoạn phát sinh. Tay chân run rẩy. Các loại bệnh dễ tấn công người nghiện rượu. Bệnh hoạn cũng ảnh hưởng đến tâm lý. Y thị sẽ trở thành kẻ biếng nhác, quên vai trò của mình trong cộng đồng xã hội, bỏ bê trách nhiệm và phận sự đối với gia đình.


Theo sau là những hậu quả xã hội. Một người tìm rượu uống sẽ kết hợp với bạn bè hư hỏng. Một khi đã bắt rượu, thói quen sẽ tiếp tục tái diễn. Tài sản bị tiêu hao. Kẻ nghiện rượu không quan tâm tham gia các hoạt động kinh tế sinh lợi. Y thị sẽ mất dần khả năng chăm lo, quản lý gia đình. Đôi lúc, y thị có thể dính líu vào các vụ phạm pháp tiêu cực và bị tù tội.


Kẻ uống rượu say xỉn không còn kiểm soát nổi bản thân. Y thị không còn gìn giữ ý tứ, lời nói và thao tác bên ngoài. Đến mức này, y thị có thể bị người vu khống, chụp mũ tội danh hoặc đổ lỗi oan nghiệt.


Mặt khác, do thiếu sự kiểm soát bản thân, kẻ say xỉn thường cao hứng biểu lộ bản ngã ngạo đời. Cao ngạo đã phát khởi sẽ không dừng lại. Nó xô đẩy y thị sa đà kiêu căng, hung hăng sinh sự với người khác, cuối cùng là chuốc lấy tai ương.


Nghiện ngập rượu chè hay chất say không chỉ hủy diệt đương sự, mà cũng liên lụy nhiều người khác và nhiều gia đình. Của cải tích lũy suốt thời gian dài nhanh chóng tiêu hao. Chính vì thế, người ta nói rằng sự nghiện ngập chất say, ham mê rượu chè là một trong những nguyên nhân góp phần làm tán gia bại sản.


Rượu chè chi phối tâm trí, dù chỉ uống với tửu lượng hạn chế. Khi tâm trí bị ảnh hưởng, đương sự không thể đủ tinh thần tỉnh táo để phán xét mọi việc tốt đẹp. Đó là lý do hàng đầu tại sao luật nhà Phật khuyên chư Tỷ kheo từ bỏ việc sử dụng rượu, bao gồm các loại rượu lên men (surà) và các loại rượu mạnh (meraya), vì tiêu thụ chúng sẽ dẫn đến say xỉn, bê tha, giải đãi.


Hàng tại gia cư sĩ cũng được khuyên tránh thói nghiện ngập rượu chè. “Khi biết rượu gây trạng thái điên loạn, những gia chủ thuận hành nếp sống đạo hạnh không nên tự phục rượu cho mình; không nên chuốc rượu mời người; cũng không nên cổ súy chuyện rượu chè”.


Phật giáo phê phán vua chúa, giới cầm quyền dung dưỡng việc sản xuất, phân phối và thúc đẩy tiêu thụ rượu, chất say, bằng bất cứ cách nào, trực tiếp hay gián tiếp. Phí tổn xã hội do cho phép, khuyến khích đầu tư và tiêu thụ rượu tại một quốc gia luôn nhiều hơn tổng số lợi tức nó mang lại.


Dù khó thành công mỹ mãn biện pháp ngăn cản mọi người lén lút sản xuất rượu cho riêng họ và sử dụng nó, vua chúa hay giới cầm quyền phải có chính sách sáng suốt là không nên chấp thuận hay ủng hộ việc sản xuất và tiêu thụ rượu trên phạm vi toàn quốc.


Vua chúa hay giới cầm quyền được khuyên không nên vui thú rượu chè để làm gương cho người khác cũng như để làm tròn quốc sự trong một tâm trạng lành mạnh. Cần giáo dục quần chúng biết phản ứng tiêu cực của rượu đối với cộng đồng xã hội, qua đó, kiểm soát rượu từ giai đoạn sản xuất đến lúc tiêu thụ. Giáo dục là thượng sách để giúp những ai mê rượu, chất say cai nghiện và từ bỏ thói quen độc hại này.


Đời sống được tận hưởng thú vị và được tận dụng tốt nhất chỉ khi người ta sở hữu tâm hồn lành mạnh và một tấm thân khỏe mạnh. Rượu hay chất say, dù được thưởng thức dưới dạng gì, là tác nhân làm suy nhược tinh thần lẫn thể chất, làm bại hoại thanh danh.