Trang chủ Tuổi trẻ Hà Nội: Ấn tượng Đêm trung thu: “ Trăng Bên Cửa Thiền”...

Hà Nội: Ấn tượng Đêm trung thu: “ Trăng Bên Cửa Thiền” tại chùa Tân Hải

1100

Tối ngày 11/9/2019 ( nhằm ngày 13/8 Kỷ Hợi), đông đảo quý Phật tử và các em thiếu niên nhi đồng đã vân tập về chùa Tân Hải, thôn Phương Ngoại, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội để tham dự Đêm trung thu “ Trăng Bên Cửa Thiền – Tết Của Tình Thân” nhân dịp tết trung thu năm 2019.

Tết trung thu hay còn gọi là Tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, bởi nó mang ý nghĩa và nguồn gốc rất thú vị, là dịp để mỗi gia đình lại được đoàn tụ, quây quần bên nhau, cùng ngắm trăng, cùng phá cỗ, cùng ôn lại truyền thống tốt đẹp, quý báu của cha ông. Đặc biệt hơn nữa, nếu tết trung thu được tổ chức tại chốn thiền môn thì lại càng có ý nghĩa hơn, bởi nơi đây con trẻ sẽ có cơ hội tiếp xúc với Phật Pháp, hướng các em tới Chân – Thiện – Mỹ, điều mà mỗi chúng ta cần phải hướng tới.

Tham dự tết trung thu tại chùa Tân Hải, các bạn nhỏ đã được xem tiết mục múa lân truyền thống đặc sắc, xiếc, ảo thuật, nghe các ca khúc về tết trung thu giao lưu cùng các bạn đồng trang lứa, các văn nghệ sỹ, giao lưu cùng chị Hằng, chú Cuội, trả lời những câu hỏi liên quan đến sự tích, ý nghĩa của tết trung thu, sự tích về chú Cuội, chị Hằng…Bên cạnh đó là những câu hỏi về kiến thức Phật Pháp căn bản, cách chào hỏi , một số uy nghi khi tới chùa sau khi các em được Đại đức Thích Quảng Hiếu – Bản tự chùa Tân Hải, trưởng Ban tổ chức chương trình chia sẻ.

Theo Đại đức Thích Quảng Hiếu – Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết: “ Mục đích của việc tổ chức trung thu tại chùa cho các cháu thiếu niên nhi đồng để các cháu biết tới Phật Pháp, biết hướng thượng, hướng thiện, mở rộng tâm từ bi, tấm lòng vị tha, biết yêu thương, chia sẻ với tất cả mọi người xung quanh. Mặt khác, tết trung thu không chỉ dành riêng cho các cháu thiếu niên, nhi đồng mà tết trung thu cũng dành cho người lớn, bởi Đức Phật đã từng dạy: Người tu hành, muốn tu đến nơi đến chốn thì phải tập cho tâm mình không dính, không kẹt với 6 trần và điều này chúng ta thường thấy ở tâm hồn của trẻ thơ, nên mỗi người tu cần phải học tập điều này. Ngoài ra, người tu hành đến giai đoạn buông xả hết tâm điên đảo vọng tưởng rồi, luôn luôn hằng tỉnh hằng giác, không bị sáu trần làm mê hoặc lôi kéo. Do đó, mọi công hạnh nằm ở chỗ phải luôn luôn tỉnh, luôn luôn giác, không chạy theo, không dính mắc với sáu trần. Đó là hạnh của trẻ thơ, tất cả người tu đích cuối cùng cũng là vậy: Lục Căn không vướng Lục Trần… ”. Đại đức cũng cho biết thêm: Vào ngày 15 và 17/8 âm lịch tới đây, tại chùa Tân Hải sẽ diễn ra Pháp hội cầu siêu thai nhi, sản nạn nhân dịp tết trung thu, khai thị cho các vong linh thai nhi để các sinh linh bé nhỏ sẽ xóa bỏ hận thù, tha thứ yêu thương và cũng là dịp để các bậc cha mẹ sám hối về những việc mà mình đã gây tạo trong quá khứ, hồi hướng công đức lành đó cầu nguyện cho các vong linh thai nhi sớm được siêu thoát.

Trước khi kết thúc chương trình, các em thiếu niên nhi đồng đã được Đại đức bản tự hướng dẫn cách lễ Phật, lạy Phật, chắp tay thành kính phát nguyện trước chư Phật, sẽ cố gắng siêng năng học tập, nghe lời ông bà, cha mẹ, nghe lời thầy cô và sẽ cố gắng học theo hạnh nguyện từ bi, vị tha của chư Phật, xứng đáng là những người con ngoan của Đức Phật.

Sau khi phát nguyện, các em đã được phá cỗ, ngắm trăng cùng ông bà, cha mẹ và hai nhân vật mà các em đã được đọc trong chuyện cổ tích đó là chị Hằng, chú Cuội trong không khí vui tươi phấn khởi nhân dịp tết trung thu cổ truyền của dân tộc.

Sau đây là hình ảnh ghi nhận:

Thành Trung