Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Những hoạt động đặc biệt kỷ niệm ngày Phật thành...

Hà Nội: Những hoạt động đặc biệt kỷ niệm ngày Phật thành Đạo tại chùa Bằng

Sáng ngày 01 tháng 01 năm 2020, nhằm ngày 07 tháng 12 năm Kỷ Hợi, tuy trời Hà Nội mưa rét, nhưng bằng tất cả tấm lòng thành kính của người con Phật, đông đảo Phật tử đạo tràng Pháp Hoa các tỉnh thành phía Bắc đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên Tự) để tham dự hai ngày tu học kỉ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

196

Được biết, đây đã là năm thứ 9 đạo tràng Pháp Hoa và chư Tăng chùa Bằng kết hợp cùng đạo tràng Tịnh Độ và chư tăng chùa Hoằng Pháp (thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình kỷ niệm ngày Đức Phật thành Đạo.

Đúng 8h00, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng và toàn thể đại chúng đã thực hiện nghi thức niêm hương bạch Phật, yết Tổ. Sau đó, đại chúng cùng tụng kinh Pháp Hoa cầu mong quốc thái dân an, hướng lòng thành kính kỉ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng thành đạo quả.

Sau đó, ba hồi chuông trống bát nhã ngân vang, hàng Phật tử chắp tay búp sen thành kính cung đón Hòa thượng Thích Minh Thiện – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An quang lâm pháp tòa và có thời pháp thoại về ý nghĩa ngày Phật thành Đạo.

Trong bài giảng, sau khi ôn lại về sơ lược lịch sử cuộc đời Đức Phật từ khi đản sinh cho đến ngày thành Đạo, Hòa thượng giảng sư đã phân tích cho đại chúng biết được “Thành Đạo, tức là Chứng ngộ được Đạo Vô Thượng Bồ Đề Chính Đẳng Chính Giác. Không có Thành Đạo, thì cõi đời mãi mãi dài dặc trong tăm tối, sinh linh vẫn lặn ngập trong sáu nẻo luân hồi,  không bao giờ có phương pháp để được giải thoát. Sau 49 ngày đêm tư duy thiền định dưới cội Bồ đề, Ngài trở thành bậc Chính đẳng giác. Từ đây, Ngài tuyên bố: “Cửa vô sinh bất diệt, đã mở cho tất cả chúng sinh. Hãy để cho ai có tai muốn nghe được hưởng trọn niềm tin tưởng”. Như vậy trong đêm Thành Đạo, khi sao mai vừa mọc, cả thiên hà đại địa lại một lần nữa phát ra sáu điệu vang động, để rồi mọi ánh sáng của các cõi trời đều bị lu mờ trước ánh hào quang trí tuệ của Đức Thích Ca Như Lai Điều Ngự lan tỏa. Một con người vĩ đại, một con người Vô thượng đã xuất hiện nơi thế gian để đem lại lợi ích cho số đông, đem lại lợi ích cho chư thiên và nhân loại. Sự thành đạo của Đức Phật đã mở ra cánh cửa bất tử cho các chúng sinh phàm phu, đã xua tan màn vô minh đen tối và mang lại tuệ giác cho sự sống“.

Từ đó, Hòa thượng nhấn mạnh về 4 niềm tin quan trọng mà mỗi người Phật tử luôn cần phải có, nhất là Phật tử đạo tràng Pháp Hoa đó chính là “Tin Phật – tin Pháp – tin Tăng và tin Thánh Giới“. 

Quá trình thực nghiệm tâm linh, chứng đắc giải thoát của Đức Phật dưới cội Bồ-đề như một cuộc hành trình vĩ đại và vi diệu. Cuộc hành trình vi diệu ấy gồm bốn chặng đường. Một là phát xuất bằng tiếng gọi của lòng từ bi, thương xót nỗi đau thống thiết của nhân sinh. Hai là từ bỏ đời sống vương triều để tìm cầu chân lý cứu độ nhân sinh. Thứ ba là thực hiện và thể chứng tâm linh qua con đường trung đạo, thoát ly khỏi hai cực đoan (hành xác và hưởng thụ dục lạc). Đây là con đường thánh gồm tám yếu tố. Thứ tư là sự giác ngộ trọn vẹn và hoằng pháp lợi sinh. Không có một sự an lạc, hạnh phúc nào trọn vẹn nếu ở sự cực đoan là hưởng thụ dục lạc như địa vị của thái tử Tất Đạt Đa. Cho nên Ngài đã từ bỏ nó để xuất gia tầm đạo. Khi xuất gia tầm đạo, Ngài cũng nhận ra rằng không nên tu tập bằng sự khổ hạnh cực đoan thái quá mà có thể chứng thành quả vị. Chúng ta phải thực hiện con đường trung đạo mà ngày nay chúng ta phải thực hành là “thiểu dục tri túc”. Chúng ta kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo nhất định không quên lời Phật dạy là “ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, ta phải thực tập theo lời Phật dạy để quán chiếu sự vô ngã, vô thường của các Pháp” – Hòa thượng chia sẻ.

Cuối cùng, Hòa thượng giảng sư mong rằng “các Phật tử chỉ cần hàng ngày nhớ đến sự vô thường, mong manh giả tạm của các Pháp để rồi mau chọn một Pháp môn tu thích hợp cho mình, trước nhất là an trú được nội tâm, thứ hai là kiểm soát thân mạng của mình để chúng ta nói, làm và suy nghĩ sao cho đem đến niềm an lạc cho mình, cho người, cho chúng sinh ở hiện tại và tương lai; qua đó hãy hóa giải Tham – Sân – Si. Hành giả Pháp Hoa Kinh phải là hoa sen không nhuốm mùi bùn trong trần thế đầy sự nhiễm ô này“.

Ngay sau khi lắng nghe thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng giảng sư truyền trao, các Phật tử tiếp tục bước vào thời khảo kinh dưới sự khảo hạch đầy nghiêm ngặt của chúng trưởng đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc. Chương trình khảo kinh này dành cho những Phật tử đã thọ y nhưng sau 3 năm tinh tiến tu tập, nỗ lực hành trì Kinh Pháp Hoa, thuộc được hai phẩm kinh 25, 28 trong Bổn Môn Pháp Hoa Kinh và vượt qua được kì khảo kinh thì sẽ được làm lễ mở y. Còn đối với những Phật tử sau khi đã làm lễ mở y, 3 năm sau phải thuộc đủ bảy phẩm Kinh Pháp Hoa và phải tinh tiến tu tập, nỗ lực chuyển hóa thân tâm, có sức nhẫn nhục, tâm kiên định thì mới được lên y nâu.

Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức tăng bản tự và đông đảo Phật tử đạo tràng Pháp Hoa trang nghiêm cung đón Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN và Trưởng lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi – Nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo Tịnh Độ Tông Nhật Bản quang lâm

Buổi trưa, đại chúng thực hiện nghi thức cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm an lành.

Đầu giờ chiều, Trưởng lão Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN đã làm lễ thọ y, mở y và lên y nâu cho các Phật tử của Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc sau khi các Phật tử đã trải qua kỳ khảo kinh sát hạch. Được biết đợt này, Hòa thượng đã làm lễ quy y cho 113 Phật tử, thọ y cho 1247 Phật tử, mở y là 644 Phật tử và lên y nâu cho 583 Phật tử. Buổi lễ truyền pháp y sẽ được diễn ra trong hai buổi là chiều nay và sáng sớm mai – mùng 8 tháng 12 năm Kỷ Hợi.

Buổi chiều cùng ngày, tại nơi lễ đài chính của chùa Bằng, đại chúng đã được lắng nghe Đại đức Thích Tâm Quán –  Ủy viên Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN chia sẻ về việc củng cố niềm tin cho người Phật tử qua sự kiện thành Đạo của Đức Phật Bản Sư.

Trong thời pháp thoại, Đại đức chia sẻ “Nếu như tất cả mọi người đến với Đạo Phật để cầu sự ban ơn, ban phúc trong cuộc sống mà thiếu sự hiểu biết, tu tập thì điều đó chứng tỏ ta đến với Ngài chỉ bằng niềm tin của sự tín ngưỡng chứ chưa hiểu được Ngài dạy điều gì. Một Phật tử quy y Phật, nương tựa vào Phật – người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời này. Ngài là thầy của chúng ta và Ngài chỉ cho ta những con đường đến với sự an vui, hạnh phúc và giải thoát. Đức Phật dạy “muốn mình được giàu có thì chúng ta phải biết san sẻ, bố thí và phải biết cúng dàng, muốn được sống lâu thì phải gieo nhân phóng sinh và đem niềm vui cho những người xung quanh của chúng ta”. Nếu đến với Đạo Phật chỉ để đòi hỏi thì chúng ta là người chưa hiểu về Đức Phật mà lại coi Ngài như một vị thần linh ban phúc giáng họa, chứ không phải là một người thầy chỉ lối nữa; đến với Đạo Phật bằng niềm tin mà không am tường những lời Đức Phật dạy thì những việc làm của chúng ta sẽ gây ảnh hưởng đến Đạo Phật. Nên Đức Phật nói “tin ta không hiểu ta thì thành người hủy báng ta”. Mình là một người Phật tử tin Phật, học theo lời Phật dạy, gặt hái những tinh túy để áp dụng vào cuộc sống, chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau, nhìn nhận mọi việc xảy ra trong cuộc sống dưới con mắt của tuệ nhãn và mình không bị nhầm lẫn trong cuộc sống. Những gì tốt đẹp đã đến thì ta không cần tự hào, vì mình biết rằng những gì tốt đẹp đang đến chỉ là kết quả của những nhân tốt mà mình đã gieo trồng trong quá khứ. Để cho tương lai sau này tốt hơn nữa, ngay bây giờ ta vẫn phải gieo những nhân lành tiếp tục thì đó là sự biết tu. Những sự bất hạnh, không may đến với mình trong cuộc đời chính là kết quả của những nhân mình gieo trồng trong quá khứ, khi đã am tường lời dạy của Đức Phật rồi thì mình biết chấp nhận cuộc sống hiện tại và sẽ không bị lay chuyển mất tâm của một người Phật tử chân chính”.

Qua đó, Đại đức giảng sư mong rằng “mỗi người Phật tử hiện hữu nơi đây thông qua buổi tối hoa đăng ngày hôm nay sẽ thắp lên ngọn nến chính Pháp để soi sáng con đường mà chúng ta đang tiến bước, giúp chúng ta không sa lầy vào hầm hố tín ngưỡng, phong tục tập quán. Khi đó sẽ thấy được con đường bằng phẳng tốt đẹp hơn để chúng ta đi đến được nơi an lạc, hạnh phúc chân thực theo sự hướng dẫn đưa đường chỉ lối của đức Phật“.

Tối nay, chương trình đêm hội hoa đăng kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo sẽ chính thức diễn ra. BBT sẽ tiếp tục cập nhật thông tin gửi tới quý độc giả.

 

Diệu Tường – Thành Trung