Trang chủ Blog chùa Hải Phòng: Ấn tượng Đêm hoa đăng kính mừng khánh đản Đức...

Hải Phòng: Ấn tượng Đêm hoa đăng kính mừng khánh đản Đức Phật A Di Đà tại huyện đảo

216

Tối ngày 11/12/2022 ( nhằm ngày 18/11 năm Nhâm Dần), tại chùa Linh Quang ( Thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) đã trang nghiêm diễn ra Đêm hoa đăng kính mừng khánh đản Đức Từ phụ A Di Đà.

Quang lâm chứng minh và tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Thanh Giác – Phó trưởng Ban thường trực Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng; Thượng tọa Thích Tục Khang – Ủy viên HĐTS, Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN, Phó trưởng Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng, trưởng Ban trị sự GHPGVN huyện Cát Hải, trụ trì chùa Linh Quang.

Về phía lãnh đạo chính quyền thành phố có ông: Dương Ngọc Anh – Trưởng Ban Tôn giáo Sở Nội vụ thành phố Hải Phòng, đại diện lãnh đạo chính quyền các cấp Đảng Ủy, HĐND, UBND, UB MTTQVN thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Ban giám hiệu, thầy cô giáo đang giảng dạy tại các trường trong thị trấn, đông đảo quý Phật tử, du khách thập phương và nhân dân địa phương.

Mặc  dù trời  lạnh nhưng vẫn đông các Phật tử, nhân  dân  địa  phương  về  tham  dự đại  lễ

Trong khuôn khổ của đại lễ, Hoà thượng Thích Thanh Giác đã ban bố cho toàn thể đại chúng một thời pháp ngắn sơ lược về lịch sử Đức Phật A Di Đà, ý nghĩa, cũng như phương pháp tu học để được sinh sang thế giới Tây Phương Cực Lạc. Kinh Bi Hoa chép: “Đời quá khứ hằng hà sa kiếp có Vua Chuyển Luân Vương tên là Vô Chánh Niệm có quan đại thần là Bảo Hải có người con đi tu thành Phật là Bảo Tạng. Vua thỉnh Phật về hoàng cung cúng dàng và xin Phật thuyết pháp trọn vẹn trong 3 tháng, nhờ lòng chí thành mà Vua được Phật thụ ký hiệu là A Di Đà. Lịch sử ghi lại đời quá khứ cách hơn 10 kiếp có 1 nước tên là Diệu Hỷ, Vua cha là Nguyệt Thượng Luân Vương, mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan sinh trưởng được 3 người con là Nhật Nguyệt Minh – Kiều Thế Tự Tại và Kiều Thi Ca. Vương tử Kiều Thi Ca bỏ ngôi vinh hoa phú quý theo Phật Thế Tự Tại xuất gia thụ giới Tỳ Kheo, Ngài đối trước Phật Thế Tự Tại phát 48 điều thệ nguyện lớn được Đức Phật thụ ký thành Phật hiệu là A Di Đà.

Pháp môn niệm Phật còn gọi là Pháp môn Tịnh độ lại được gọi là “Liên Tông”, lại được gọi là “Tịnh Tông”. Lòng từ bi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thật là vô hạn, Ngài quán xét căn cơ của chúng sinh ở cõi Ta Bà mà ban cho pháp môn tối thắng này. Thấy căn tính của chúng sinh chỉ có tu trì theo pháp môn niệm Phật là pháp môn dễ nhất lại dễ đắc độ, mà chúng ta trì tụng hằng ngày.

HT. Thích  Thanh Giác thuyết giảng tại  buổi lễ

Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật giải thích hai chữ “Cực Lạc” rằng: “Xá Lợi Phất! Nước ấy vì sao có tên là Cực Lạc? Vì những chúng sinh sinh về nước ấy không có các khổ não, chỉ có an vui, cầu gì được nấy nên gọi là Cực Lạc”… Nếu có thiện nam tín nữ nghe nói đến Phật A Di Đà mà chấp trì danh hiệu hoặc một ngày, hai ngày… cho đến bài ngày được nhất tâm bất loạn thì người ấy lúc lâm chung được Phật A Di Đà cùng các bậc Thánh chúng tay nâng kim đài hiện ra trước mặt người ấy lúc lâm trung tâm không điên đảo tức được vãng sinh về thế giới Cực Lạc”.

Người tu pháp môn niệm Phật lấy tín, nguyện, hành để làm tư lương cho lộ trình vãng sinh Cực Lạc. Nếu như đầy đủ được ba món tư lương này thì chắc chắn hành giả được lên ngôi cửu phẩm. Tín hạnh nguyện này như đỉnh ba chân, thiếu một thì không đứng được. Đức Phật thường khuyến khích mọi người nên tu trì pháp môn Tịnh độ, đối với ba món tư lương này, mỗi món thêm một chữ, gọi là: Tín tất phải thâm tín (tin sâu); nguyện tất phải thiết nguyện (nguyện thiết tha); hành tất phải thực hành. Nếu được như thế thì chắc chắn vãng sinh Tây Phương Cực Lạc.

Lung  linh  đêm  hoa  đăng  chùa  Linh  Quang

Qua bài pháp ngắn này, toàn thể đại chúng có mặt tại buổi lễ đã phần nào hiểu hơn về lịch sử Đức Phật A Di Đà, pháp môn tu niệm Phật và thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

Thời khắc quan trọng, linh thiêng của buổi lễ cuối cùng cũng đã đến, khi Hòa thượng chứng minh đón nhận ánh sáng từ ban thờ Phật, rồi truyền ánh sáng đó đến chư tôn thiền đức, đây chính là hành động thể hiện sự truyền đăng tục diệm, chánh pháp rạng ngời. Tiếp đó, Hòa thượng chứng minh và Thượng toạ trụ trì đã truyền ánh sáng từ bi – trí tuệ  đến cho hàng Phật tử. Hành động này như một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự lưu truyền hoằng dương Phật pháp. Thế rồi trong sân lễ, những ngọn nến được truyền sang cho nhau như san sẻ tình thương yêu và sự hiểu biết. Cả một vùng trời lung linh tỏa sáng, đó là ánh sáng chân lý, của niềm tin, của từ bi – trí tuệ, thanh tịnh và hòa hợp xua tàn màn vô minh xi ám của mùa đông giá lạnh nơi miền biển đảo xa xôi.

TT. Thích Tục Khang phát biểu bế mạc đại lễ

Cầm ngọn đèn trên tay, đồng thanh niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, kinh hành niệm Phật, mỗi Phật tử thầm phát nguyện sẽ cố gắng tinh tấn trên con đường tu học, tìm cầu giác ngộ, giải thoát và nguyện khi xả hết báo thân này được sinh sang thế giới Tây Phương Cực Lạc của Ngài.

Trước khi kết thúc buổi lễ, Thượng tọa trụ trì, trưởng BTC đại lễ đã dâng lời tri ân Hòa thượng chứng minh. Mặc dù Phật sự đa đoan, đường sá xa xôi, cách trở nhưng Hòa thượng vẫn từ bi hứa khả, trấn  tích quang lâm. Hơn thế nữa, Hòa thượng còn bố thí cho bà con Phật tử huyện đảo một thời pháp thật ý nghĩa nhân mùa khánh đản đức từ phụ A Di Đà.

Xin giới thiệu hình ảnh ghi nhận:

Cung nghinh chư tôn đức quang lâm tham  dự đại lễ

Niệm Phật cầu gia bị

Niệm Phật cầu gia bị

TT. Thích  Tục Khang – Uỷ  viên HĐTS, phó trưởng  BTS GHPGVN  thành phố Hải Phòng, trưởng  BTC  đại  lễ

HT. Thích Thanh Giác thuyết giảng tại đại  lễ

Ông: Dương  Ngọc Anh  – Trưởng Ban Tôn giáo thành phố

Các cô giáo đang công tác tại huyện đảo

Chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử dâng hương cầu nguyện

HT chứng minh xin ánh sáng tình thương từ bàn Phật

HT chứng minh truyền  đăng cho các Phật tử

TT. Thích Tục Khang phát biểu mế mạc đại lễ

Thành Trung