Trang chủ Đời sống Chuyện đời - Ý đạo Hòa Thượng Thánh Nghiêm nói về chuyện sinh tử (phần cuối)

Hòa Thượng Thánh Nghiêm nói về chuyện sinh tử (phần cuối)

123

Hòa Thượng: Có người từng hỏi tôi, trong cuộc đời này, có điều gì hối tiếc không? Nếu phải chết ngay lập tức, còn điều gì muốn giao phó không? Với tôi mà nói, tôi đã từng phạm rất nhiều lỗi, nhưng đó không phải là nuối tiếc, mà vì không biết cho nên phạm lỗi. Nhưng tôi sẽ không tái phạm những lỗi mà tôi đã phạm phải, cũng chính là không có tiếc nuối. Về việc còn điều gì muốn làm mà chưa làm được? Quả thực là có rất nhiều việc muốn làm nhưng vẫn chưa làm được. Mấy năm nay, chúng ta đều đưa ra những hoạt động xã hội, ví dụ như, chúng ta tiến hành cải cách trong việc cúng kiến, đốt tiền vàng bạc, đốt pháo trong dân gian, trước đây dân gian Đài Loan thường thấy tình trạng tập tục cúng kiến từ thôn này ăn đến thôn khác, từ thị trấn này ăn đến thị trấn khác, bây giờ đã giảm dần rồi. Ngoài ra, mấy năm trước phát động phong trào “Trái tim ngũ tứ”, chính là chủ trương phong trào cuộc sống mới bắt đầu từ “trái tim”. Giống như xã hội bây giờ khi tiếp xúc vấn đề hay hiện tượng nào đó, chúng ta cần phải tập đối diện, tiếp nhận, xử lý, và bỏ lại… có rất nhiều người áp dụng cách sống như thế,  và nó trở thành một phương thức sống cần thiết thường ngày. Năm ngoái, chúng tôi đưa ra phong trào “Tâm lục luân”. Bởi vì “Ngũ Luân” trong cổ đại Trung Quốc đã không còn thích hợp với xã hội bây giờ, có một số quan niệm trở nên cổ hữu, con người thời đại mới, nhất là người trẻ, không dễ dàng chấp nhận, cho nên chúng ta thông qua các phương tiện truyền thông truyền hình, báo chí, tạp chí đẩy mạnh phong trào “Tâm lục luân”. Năm nay, chúng ta đưa ra phong trào “Hảo nguyện tại nhân gian”, kêu gọi mọi người ước điều tốt lành, làm việc tốt, đổi vận tốt. Nhưng những phong trào xã hội này không thể chỉ phát động trong một khoảng thời gian là đủ, mà cần phải tiếp tục phổ biến và mở rộng. Thế gian này có hạn, nhưng trong trái tim tôi, ước nguyện của tôi rất nhiều, chỉ cần có ích cho xã hội là thứ mà xã hội cần thiết, tôi đều đồng ý làm. Nếu bản thân tôi không làm được, tôi kêu gọi mọi người cùng làm; nếu kiếp này tôi vẫn chưa làm hết, mong rằng kiếp sau lại được tiếp tục phát động, kêu gọi mọi người cùng thực hiện. Cho nên, cuộc đời này tôi không có gì hối tiếc, nhưng tâm nguyện của tôi thì rất nhiều. Cho dù sau khi chết, tôi mong được bên cạnh Phật Bồ Tát, sau đó, nếu Phật Bồ Tát muốn tôi về đâu, tôi sẽ về đó, hoặc là sẽ đi theo tâm nguyện của tôi. Sau khi tôi mất, người ta bình luận thế nào về tôi, là việc của người ta, chẳng liên quan gì đến tôi. Khi nãy Đức cha có nói, sau khi chết không mong có người dâng hoa, không mong có người ca tụng công đức, cũng không mong phô trương, truy điệu. Trước đây, khi cha La Quang qua đời, tôi đến tưởng niệm, nhìn thấy quan tài của cha đặt trong đại sảnh, xung quanh chẳng có gì cả, đây là một gương mẫu rất tốt. Nhưng trong giới Phật giáo, trước đây có một số tang lễ tương đối phô trương, linh đường to lớn, bố trí rất đẹp, đồng thời còn cử hành truy điệu, truyền cúng. Truyền cúng chính là tập hợp nhiều pháp sư trưởng lão lại cúng bái 10 món chay, sau đó từng món từng món truyền đi, có thể nói là ai vinh sau khi mất đi. Nhưng sau khi tôi mất, tôi không cần những điều đó. Tôi đã sớm lập di chúc, mà còn được luật sư và tòa án công chứng; bản thân tôi không có tài sản, tác phẩm của tôi thuộc về giáo đoàn; di thể của tôi bỏ vào trong quan tài gỗ mỏng là được, sau khi hỏa thiêu, không lập bài vị, không lập bia, không xây mộ, cũng không cần xây tháp. Trên Pháp Cổ Sơn có khu vườn bảo vệ môi trường núi Lập Kim huyện Đài Bắc, là công viên thực táng, là nơi Pháp Cổ Sơn quyên đất cho chính quyền huyện Đài Bắc, sau đó chính quyền huyện Đài Bắc giao lại cho Pháp Cổ Sơn quản lý, bảo vệ. Cái gọi là thực táng chính là lấy tro cốt phân làm nhiều phần rải chôn ở những nơi khác nhau trong công viên, như thế để người đời sau không thể nhận ra được nơi nào là nơi đã chôn cất người thân của mình. Bất luận người theo tôn giáo nào, dân tộc nào, chỉ cần nguyện mang tro cốt thực táng ở công viên, chúng tôi đều chấp nhận, trong quá trình thực táng, cũng không có bất kỳ nghi thức tôn giáo nào. Người đến công viên không được dâng hoa, đốt tiền vàng bạc, thắp hương hay đốt đèn cầy, chỉ có tưởng niệm. Kỳ thực con người sau khi mất đi, đã biến mất trên thế giới này, hoặc tạm thời có người nhớ đến, nhưng 10 năm, 20 năm sau, mọi người sẽ quên hết. Những tang lễ ngày trước không văn minh, cũng không kinh tế, rất lãng phí, cho dù anh có một ngôi mộ rất lớn, nhưng qua 50 năm, 100 năm sau rồi cũng bị lãng quên, như Tần Thủy Hoàng trong lịch sử Trung Quốc, lăng mộ của ông giờ chỉ là một nơi tham quan, chứ không phải đi tưởng nhớ ông ấy. Hiện tại, khu công viên bảo vệ môi trường trên Pháp Cổ Sơn đã thực táng rất nhiều người, 10 năm sau, có thể lên đến mấy ngàn người. Nếu có người đến tưởng niệm, thì sẽ tưởng niệm cùng lúc mấy ngàn người. Sau này, tro cốt của tôi cũng sẽ thực táng ở đó, cho nên sau khi tôi mất đi, tro cốt có thể trở thành phân bón, vì xung quanh công viên đã trồng nhiều trúc xanh, sau này còn có thể có những măng tre mới, tro cốt sẽ trở thành phân bón. Vì vậy, cách nghĩ của tôi với Đức cha rất giống nhau, mong rằng cách làm của chúng tôi có thể trở thành một tập tục mới, cũng mong rằng sau này có nhiều danh nhân, cao tăng đại đức cũng làm như thế, để xã hội của chúng ta thực sự đi vào thời đại văn minh.