Trang chủ PGVN Nhân vật Hòa thượng Tố Liên – Nhớ mãi những lời Người dạy

Hòa thượng Tố Liên – Nhớ mãi những lời Người dạy

109

Những việc Ngài đã làm cho Đạo Pháp, Dân Tộc và Đất Nước, cho công cuộc “Chấn Hưng Phật Giáo” của nước ta đã và sẽ mãi mãi được lịch sử ghi ơn, dẫu rằng Ngài làm tất cả những điều đó với tinh thần vô ngã vị tha, không màng chút danh lợi. Đương thời, đã có bao vị cao tăng, tôn túc từng ca ngợi rằng “Thượng tọa Tố Liên đã làm rạng rỡ tông phái Phật giáo Việt nam trước Quốc tế…”. Đứng trước ngôi tháp nhỏ của ngài ở chùa Huỳnh Cung với dòng chữ “Hòa thượng Tố Liên …nhục thân Bồ Tát…” chúng tôi không khỏi rơi lệ cảm khái trước tấm gương sáng của một vị chân tu, một vị Bồ Tát nơi trần thế.


Hiểu rõ ảnh hưởng của đoàn thể Tăng già, của chư Tăng Ni đối với Phật tử tại gia và nhân sinh nói chung, với tư cách là chủ tịch Tổng trị sự Phật giáo Tăng già Bắc Việt, Ngài đã thống thiết kêu gọi: “Giới luật là then chốt của người xuất gia tu hành, chẳng giữ giới luật không thể gọi là người chân tu; chẳng làm việc phúc thiện cũng không thể gọi là người thực hành chữ tu, vì chỉ giới luật mới là khuôn mẫu đào tạo nên giới thân người tu hành, mà chỉ có phúc thiện mới dưỡng dục thành tuệ mệnh người tu hành. Có thể đem cả giới luật tóm tắt cả hai câu: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”. Người xuất gia tu hành hàng giờ, hàng phút phải làm cho hai câu đó hiển hiện ra mọi hành vi, cử chỉ và mọi động tĩnh, ngôn ngữ, đã đủ là người xứng đáng với phận sự tu hành, đã duy trì Phật Pháp” và để:


“…tu luyện thân tâm, phụng sự Phật Pháp, làm cho thập phương Thiện Tín bên ngoài vui vẻ, tin cậy ngõ hầu làm lợi cho quần sinh”.


(Trong phần “Phục hưng giới luật học để bồi dưỡng nhân tài tương lai” trong diễn văn khai mạc Lễ suy tôn Pháp chủ Tăng già Bắc Việt – Hòa thượng Thích Mật Ứng – ngày 17/3 năm Tân Mão (22/4/1951) tại chùa Quán Sứ Hà Nội).


Là người Phật tử, chúng tôi hiểu sâu sắc rằng mặc dù có câu “Y Pháp bất y nhân” song tấm gương sáng của Chư Tăng Ni vẫn có sức hóa độ lớn lao, nhất là cho những người sơ cơ mới bước vào con đường đạo. Chúng tôi càng thấm thía lời Ngài “Ôi! Phật Pháp không có đời chính pháp, cũng không có đời mạt pháp. Hễ đời nào trong Phật giáo có nhiều Tăng Ni minh giới luật đủ đạo đức là đời chính pháp, nếu không sẽ là đời mạt pháp…”.


Tôi không thể nhớ hết những gì Ngài đã viết, song tôi nhớ mãi tinh thần của những lời Ngài dạy – Đó là sự tu hành thực sự dù là của Chư Tăng hay Phật tử tại gia. Nhớ về một câu chuyện, Ngài kể về một bữa cỗ chay Ngài được dự ở một ngôi chùa nào đó. Hôm đó người ta giả làm món tiết canh và có Phật tử khen: “Món tiết canh hôm nay làm khéo quá cứ như thật!”. Nhân chuyện này Ngài mới nhẹ nhàng, dí dỏm mà phê phán rằng: “Ăn chay cốt ở tấm lòng thương sót chúng sinh, không vì hình thức, ăn chay mà còn làm và khén đến cả món giả tiết canh thì sợ thật còn đâu là cốt tủy của việc ăn chay nữa…”.


Tinh thần chấn hưng Phật giáo của Ngài cũng như của Hòa thượng Trí Hải và các bậc chân tăng tôn túc thời đó thật vô cùng mạnh mẽ và đáng khâm phục biết bao.


Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của Ngài, chúng tôi chỉ mong sao tinh thần vì đạo, vì đời của ngài lại được xương minh, quảng bá và thực hành. Chúng tôi chỉ mong tinh thần tu học của Tăng già mà người hằng mong mỏi và đề cao, không những chỉ được phát triển trong cộng đồng tăng già nói riêng mà còn cả trong tầng lớp thanh thiếu niên và nhân dân nói chung.


Đó chính là nền tảng cho xã hội học tập (Learning Society) và việc học suốt đời (Lifelong Learning) mà giờ đây cả thế giới đang đề xướng – vốn bắt nguồn từ cảm hứng về đoàn thể Tăng già (Shangha) – một đoàn thể tu học suốt đời của Phật giáo. (Được nhắc đến trong cuốn Giáo dục cho thế kỷ 21 – Những triển vọng của Châu Á Thái Bình Dương của Tiến sĩ Raja Roy Singh – Nguyên giám đốc UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương)


PT Diệu Thanh – Đỗ Thị Bình (Cán bộ nghiên cứu giáo dục)