Trang chủ Thời đại Xã hội Hồn dân tộc trong đạo Phật

Hồn dân tộc trong đạo Phật

102

Là người Việt Nam, bất luận bình dân hay trí thức, chúng ta đều thấy có trọng trách tìm hiểu những gì liên hệ với dân tộc và đất nước thân yêu của mình.


Sẽ là không toàn diện, nếu là người trí thức Việt Nam mà không biết gì về truyền thống của dân tộc. Thế nên, sự nghiên cứu những mối liên quan với dân tộc, thực là điều kiện cần thiết của những người yêu dân tộc, quê hương xứ sở.


Đạo Phật đã chung sống với người dân Việt, đã thắt chặt thành một khối bất khả phân ly. Giá trị hoà hợp đại chúng trên tinh thần từ bi hỉ xả, là một nhân tố căn bản, sâu xa đã góp phần làm nên tinh thần đoàn kết, nhân ái và hoà hiếu của dân tộc.


Nhờ đó mà trong lịch sử nhân loại, hiếm có một đất nước nào chịu đựng triền miên chiến tranh và nhiều biến thiên xã hội, lại là nơi chung sống hoà hợp của nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo như ở nước ta.


Phật giáo hiện diện trong nền văn hoá Việt Nam đã hơn hai nghìn năm. Ngay từ buổi đầu mới du nhập, Phật giáo đã nhanh chóng được tổ tiên chúng ta tiếp nhận, bản địa hoá và trở nên một bức tường kiên cố chặn đứng thành công nhiều đợt sóng xâm lăng và đồng hoá về văn hoá của ngoại bang trong nhiều thời đại.


Với xu hướng đó, ngoài những giáo lý nền tảng, Phật giáo Việt Nam có những nét đặc thù, được thể hiện rõ nhất là trong quan niệm về Đức Phật, một Đức Phật phù hợp với nền văn hoá bản địa và những yêu cầu của lịch sử.


Chúng ta thấy Phật giáo hình thành ở nước ta có thể được xem như ba vòng tròn hướng tâm của sự liếp nhận thông điệp chính gốc Phật giáo Ấn Độ, sự tiếp biến từ Phật giáo phát triển Trung Hoa và những bổ sung cho thích hợp căn cơ dân tộc Việt của lịch đại tổ sư.


Còn đối với thế giới thì Phật giáo bừng nở ở đất nước này, tiếp sau là đất nước kia một cách êm ả, bất kể nền văn hoá bản địa của nước đó ở trình độ cao hay thấp, thuận hay nghịch. Bởi vì bản chất Phật giáo có xu hướng gia nhập, hoà đồng hoặc thường chịu nhượng bộ nếu gặp phải sự cạnh tranh có tính bạo động của các lập trường chống đối từ những tín ngưỡng bản địa.


Bằng cách đó, cho nên chúng ta thấy những tín ngưỡng, những quan điểm khác biệt đã được thêm vào tạo thành nét đặc thù trong Phật giáo truyền thống của từng quốc gia.


Đạo Phật truyền vào nước ta, mở ra cho người Việt một lối thoát bằng ánh sáng của đạo lý Giác ngộ Giải Thoát và Tự Chủ; để từ đó tạo điều kiện nhân duyên cùng với lối sống của người Việt hình thành một nền VĂN HOÁ DÂN TỘC VIỆT SÁNG, ĐẸP. Mà bản chất của nền văn hoá Việt Phật ấy được thể hiện rõ nét nhất qua nền văn minh Đại Việt dưới hai triều đại Lý – Trần.


Đạo Phật đã có những cống hiến thực tế to lớn đối với tổ quốc Việt Nam, trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước: đánh giặc phương Bắc, dẹp loạn phương Nam, bảo toàn lãnh thổ và chủ quyền độc lập của quốc gia Đại Việt ở thế kỷ XI-XIV cũng như đã và đang là sứ mệnh “giải cứu sinh dân” đối với những quốc gia Phật giáo và toàn thế giới nhân loại. Đó là di sản quý báu do tư tưởng Phật giáo chảy chung dòng với truyền thống dân tộc và đã hoà quyện làm một.


Đạo Phật vào Việt Nam bằng cửa ngõ hoà bình như vào nhà mình, không giống như các tôn giáo và ý thức hệ khác nhau đến Việt Nam bằng cách phô trương, sắt thép…


Đạo Phật sở dĩ được toàn dân Việt nồng nhiệt đón nhận “Tinh chỉ giáo lý Đạo Phật không bao giữ trái đi sự việc nào, bất cứ ở đâu, hạng người nào, khi con người biết hướng để chân lý. Mà Đạo Phật chính là chân lý”.


Tại nước ta đã có một nền văn hoá phát triển phong phú, với nền tảng vững chắc mà tiêu biểu là có hệ thống lịch pháp, ngôn ngữ, âm nhạc, luật pháp độc lập. Trong tín ngưỡng tại đây đã có mặt các vị thần biểu tượng cho những yếu tố tự nhiên có ý nghĩa sống còn đối với một nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước là chủ yếu, như thần Mây, Mưa, Sấm, Sét.


Khi Phật giáo đến, những tín ngưỡng này vẫn được duy trì, nhưng kết hợp với quan niệm Phật giáo và tín ngưỡng của Ấn Độ, kết quả của sự ra đời tín ngưỡng theo mô hình mới: Tín ngưỡng Phật điện, hay còn gọi là tín ngưỡng Tứ Pháp, có thể xuất hiện vào thế kỷ thứ II.


Nền văn hoá của nước ta thời bấy giờ là một nền văn hoá độc lập và đủ sức mạnh để tiếp nhận vào bản địa hoá Phật giáo, làm cho Phật giáo không còn là yếu tố văn hoá ngoại lai, trở thành một bản địa Phật giáo. Đó là một tôn giáo không giáo điều và không hề phủ nhận các hệ tư tưởng ngoài mình, và không công kích hay tước bỏ những giá trị nền tảng có sẵn mà khiêm tốn khép mình đi vào đời sống văn hoá Việt Nam, đem đến cho nền văn hoá này một nội dung mới mang tính Phật giáo.


Trong những thập niên trở lại đây, cụ thể là từ phong trào Chấn hưng Phật giáo từ những năm hai mươi đầu thế kỷ, sự giao lưu quốc tế được đẩy mạnh qua các phương tiện giao thông và thông tin hiện đại, người Phật tử Việt Nam đã được tiếp nhận các khuynh hướng nghiên cứu Phật học từ nhiều nước và nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới.


Trong tâm thức của người Phật tử Việt Nam luôn hiện hữu hai Đức Phật: Một Đức Phật quyền năng vô biên luôn phò trợ cho nhân dân và dân tộc, là đối tượng thờ phụng và cầu đảo thiêng liêng; và có một Đức Phật gần gũi, là biểu tượng cho trí tuệ, sự tỉnh giác, sự thanh khiết thuần tịnh của đời sống tâm linh, và ai cũng có một vị Phật như vậy trong lòng, nhưng quan trọng là có nhiệt tâm làm hiển lộ hay không mà thôi.


Hai hình tượng Đức Phật này không hề có những mâu thuẫn mà tạo nên hai tầng tư tưởng của Phật giáo Việt Nam đó chính là một trong những yếu tố cơ bản để xác định bản sắc của Phật giáo dân tộc, đồng thời chứng minh cho bản chất của Phật giáo là không giáo điều và phủ nhận các hệ tư tưởng khác ngoài mình một cách cực đoan.


Dân tộc Việt Nam ta bước vào một giai đoạn quyết định cho vận mạng của mình. Từ địa vị đứng trên cao siêu mà hướng dẫn, đạo lý rơi xuống ngang tầm với con người, giữa xã hội. Các giá trị “chân”, thiện”, “mỹ” không còn được quy định do uy tín của một Chân lý bên ngoài, một cá nhân vĩ đại nào, mà thực ra là do xã hội, như một tổng thể trong vận động không ngừng chuyển biến. Dù muốn dù không, con người buộc phải tìm quy tắc hướng dẫn đời sống của mình không ngoài cộng đồng con người, ngoài xã hội.


Con người khi bừng mắt thì phát hiện ra rằng những tiến trình do chính mình phát động có tác dụng gần như không giới hạn vào thế giới thiên nhiên, vào thế giới con người. Trong khi đó, khoa học càng hiểu thiên nhiên thêm sâu sắc bao nhiêu thì con người lại càng ý thức rõ hơn và cho rằng sự giải đáp của khoa học chỉ là đáp từ cho những câu hỏi của chính mình đặt ra và những giải đáp đó lệ thuộc vào cách đặt câu hỏi.


Đi tìm hiểu thiên nhiên -không phải là mình mà cũng chẳng phải do mình tạo ra – rốt cuộc con người gặp lại những cấu trúc, những mô hình do mình tạo nên, nghĩa là gặp lại chính mình. Và cũng bắt đầu nhận ra rằng không thể giáo điều tin vào tính tất định của khoa học mà không xét kỹ độ chính xác trong mỗi trường hợp cá biệt. Dù muốn dù không, một lúc nào đó trong đời sống, con người thời đại cũng bị thực tại xô đẩy buộc quay về đối diện với thân phận làm người của mình.


Con người cũng có lúc trầm ngâm trước giòng sông, nước luân lưu chảy để ngậm ngùi rằng ta đứng đây mà mọi việc trước mắt biến chuyển không ngừng như chúng ta đang ở trong những phút giây quan sát giống sông nhắc nhở rằng; Cảm nhận trung thực từng giây từng phút tiến trình của các quan hệ không ngừng chuyển đổi, tiếp theo đó mà liên tục đáp ứng, hồn nhiên và hài hoà, không bị lăng kính ảo tưởng làm cho méo mó lệch lạc, đó là một đặc tính của đạo Phật.


Tiến trình chuyển biến của sự việc, Phật giáo quan niệm là không do ngẫu nhiên. Tất cả đều có nguyên nhân và điều kiện. Nguyên nhân như là hạt giống, nảy nở ra được hay bị hư hỏng thì còn tuỳ thuộc vào sự ảnh hưởng biến đổi của những điều kiện kèm theo. Thuật ngữ gọi đó là “nhân duyên”, chẳng khác như giòng nước, người đứng trên cầu ngắm giống sông cũng bao ý niệm nổi lên, trôi đi, dư âm vang vọng, tâm tư không ngừng chuyển đổi.


Nói cho đúng, con người trong giây phút hiện thực là một điểm động cuốn theo giòng thác tiến trình mà khởi điểm bắt đầu khi nào chẳng rõ, bao giờ tới điểm tận cùng cũng chẳng hay. Lặn hụp trong giòng đời, dù cho thu mình với thái độ thụ động hay tích cực xông xáo, con người luôn luôn có ý thức tiếp thu ảnh hưởng cùng tác động vào tiến trình cuộc sống, nghĩa là hành động, là gieo nhân, tạo nên duyên.


Đạo Phật quan niệm giòng sông, người đứng ngắm là những nhân tố ứng tác qua lại với nhau trong một quan hệ động. Một tiến trình trong đó các ứng tác không ngừng miên man chuyển biến. Thuật ngữ nhà Phật gọi đó là “vô ngã”, “vạn pháp vô ngã” mọi sự việc đều vô ngã. Và dùng thuật ngữ “không” để chỉ bản tính không ngừng biến chuyển của sự vật, “vạn pháp giai không”.


Con người là ứng tác có ý thức trong tiến trình không ngừng chuyển biến hành động đó liên tục hài hoà được gắn liền với cuộc sống chỉ có thể là hành động thích ứng nơi đây và ngay bây giờ, nghĩa là một sáng tạo không ngừng.


Chính vì vậy mà giáo lý Phật giáo không phải là lý thuyết, phương pháp, kỹ thuật cho hành động. Chính vì có ý thức mà con người khó hồn nhiên ứng tác hoà hợp theo nhịp biến đổi của tiến trình cuộc sống. Lúc thì phản ứng bất cập, khi thì lại thái quá, vì vậy mà hành động trong hiện tại luôn luôn là một sáng tạo.


Hoặc không muốn nhìn vào hiện tại, quay hết tâm trí phóng vào một cái chưa có mà mình gọi là tương lai, con người trong tiến trình không ngừng biến động của cuộc sống.


Đó là “đạo” Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thể nghiệm và khẳng định rằng đã là người, thì không phân biệt trai gái, sang hèn, màu da sắc tộc, bất cứ ai ai cũng đều có tiềm tàng đầy đủ và rốt ráo thể hiện “đạo”. Đức Phật chỉ nhắn nhủ mỗi người chúng ta chính mình thể nghiệm. Không một ai có thể làm thay mình được. Đức Phật cũng chỉ là người chỉ đường.


Đức Phật thị hiện ở cõi đời này dưới hình thức một con người, Ngài muốn chứng minh con người là địa vị tối tôn tối thắng (duy ngã độc tôn), con người là trung tâm của vũ trụ. Vì con người có trí khôn hơn muôn loài chúng sinh.


Nhưng trí khôn đó dù đạt đến đỉnh cao của nền văn minh như hiện nay hay còn có thể tiến xa hơn nữa trong tương lai thì trí khôn đó vẫn còn chứa đầy tham, sân, si, hy, nộ, ái, ố; vẫn còn nhân, ngã, bỉ, thử. Nghĩa là thế giới vẫn còn hận thù, còn phân biệt giai cấp, còn kỳ thị chủng tộc, tôn giáo.


Đức Phật thị hiện giữa cõi đời này dưới hình thức con người, Ngài muốn chỉ cho mọi loài chúng sinh mà đặc biệt ở con người không những chỉ có trí tuệ đỉnh cao mà còn có một trí tuệ tối thắng. Trí tuệ này chỉ có tình thương và đạo đức, trí tuệ đó đạo Phật gọi là: “Tuệ Giác”.


Tuệ Giác là một trí tuệ do quá trình tụ tập đạt đến giác ngộ, khác với trí tuệ do học hỏi mà thành tựu. Trí tuệ do học hỏi càng đạt đến đỉnh cao thì cố chấp càng lớn, ngã mạn càng to. Trái lại, đạt được Tuệ Giác là nhờ quá trình tu tập loại bỏ các thói hư tật xấu, chuyển hoá vô minh, phá trừ ngã chấp…


Nhờ có tuệ giác mới thấy được tự tính của các pháp là vo thường vô ngã, thấy rõ sự tương quan tương duyên giữa các pháp, cái này có thì cái kia có.


Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, cho đến mỗi im lặng của Ngài đều là những bài học quý báu cho nhân loại. Nếu chúng ta học giáo lý của Ngài mà không hiểu rõ đời sống của Ngài, thì sự học hỏi của chúng ta chỉ là phiến diện, thiếu sót.


Đời Ngài chính là những biểu hiện giáo lý của Ngài. Lời nói và thực hành ngay những lời Ngài đã nói. Đời Ngài là một bằng chứng hiển nhiên để người đời nhận thấy rằng giáo lý của Ngài có thể thực hiện được, chứ không phải là những lời nói suông, những không tưởng, những lâu đài xây dựng trên mây, trên khói.


Vậy cho nên khi chúng ta học hỏi đời Ngài, không nên có quan niệm học cho biết để thoả mãn kinh hiếu kỳ, mà cần phải tìm hiểu ý nghĩa thâm tuý của đời sống ấy để đem áp dụng cho đời sống của chúng ta.


Làm được như thế mới khỏi phụ ý nguyện lớn lao của Đức Phật khi giáng sinh xuống cõi Ta Bà này và đã cam chịu bao nỗi đau khổ, gian lao trong kiếp sống như mỗi người.


Mỗi cá nhân là một trường hợp duy nhất, con đường cũng phải thích nghi với tính duy nhất của mỗi người. Đức Phật có khả năng góp vào công cuộc xây dựng nền văn hoá một thời đại khắc khoải đi tìm lương tri cho chính mình. “Giá trị của một đời người là chiều rộng và chiều sâu của cuộc đời đó. Nói cách khác, đó là sự phong phú, đa dạng và sự sâu thẳm trong đời sống của con người hiểu biết đời sống ở mặt rộng mà chúng ta còn muốn kinh nghiệm và hiểu biết về bề sâu”.


Giáo dục đạo đức cũng là một vấn đề nổi cộm trong điều kiện hiện nay. Nó giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống đạo đức, là phương thức trực tiếp để hình thành nhân cách con người. Không riêng gì đất nước Việt Nam mà cả thế giới cũng rất cần sự đóng góp của Phật giáo để “trao cho thời đại” một nền đạo lý cao đẹp, trong sáng, trí tuệ, hầu kiến tạo một hành tinh hoà bình, an lạc thực sự.


Đáp ứng sự mong đợi đó, Phật giáo Việt Nam trong nước và hải ngoại, từ những giáo hội và tông phái khác nhau, đã cố gắng thật nhiều trong những năm qua trong việc tu tập và hoằng pháp.


Kết quả như chúng ta thấy, các tu viện, tự viện, các trung tâm sinh hoạt Phật giáo, được tạo dựng khắp nơi. Ngay ở hải ngoại đã có khoảng 300 ngôi chùa của Phật giáo Việt Nam được xây dựng do chư Tăng Ni và Phật.


Trong nước thì các chùa cũ trước năm 1975 cũng được trùng tu, và một số chùa mới cũng được kiến tạo với sự phát tâm cúng dường của Phật tử trong và ngoài nước.


Tất cả những biểu hiện ấy đều chỉ là sự khơi dậy trên bề mặt của những nỗ lực gian khó nhằm tự khẳng định sự tồn tại của mình trong dòng sinh mệnh dân tộc, cũng như trong dòng sinh hoạt chính của các vùng đất lạ ngoài quê hương.


Ở hải ngoại, do khác biệt về ngôn ngữ, Phật giáo Việt Nam vẫn còn như một người khách đang chào hàng, giới thiệu một sản phẩm xa lạ, khó hiểu. Những tăng sĩ có khả năng hội nhập (bằng ngôn ngữ) thì cũng chỉ giới thiệu được một phần nhỏ trong gia sản khổng lồ của Phật giáo.


Tăng ni và hàng cư sĩ Phật tử Việt Nam, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cũng thiết tha góp sức mình cho việc hoằng truyền Phật đạo. Biểu hiện rõ nét của ý nguyện này được nhìn nhận qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình và mạng lưới điện toán toàn cầu.


Tư tưởng đạo Phật đã thấm nhuần tinh thần dân tộc. Bởi sự liên hệ mật thiết này nên người dân Việt coi đạo Phật là đạo của tổ tiên truyền lại. Đạo Phật bị phá hoại thì tinh thần dân tộc cũng lung lay.


Vì thế, để bảo vệ tinh thần dân tộc, gìn giữ tín ngưỡng truyền thống của tổ tiên, người Việt Nam tự thấy có bổn phận bảo vệ đạo Phật một cách hồn nhiên. Bản chất văn hoá Phật giáo là sự sống an hoà, tịnh lạc. Hình thái của văn hoá Phật giáo phải là phản chiếu được nếp sống an hoà tịnh lạc đó.


Từ giáo lý cho đến nghệ thuật, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc, tinh thần Phật giáo được lưu lộ cùng với tinh thần dân tộc, một mái chùa cong, một ngôi tháp cổ, một tiếng chuông thuần hậu…đã nói với ta những gì?


Đó chính là hồn dân tộc sống lành mạnh trong tinh thần Phật giáo. Quay về với nền Phật giáo dân tộc, xây dựng cho nền Phật giáo dân tộc để đưa nước nhà đến chỗ an lạc phú cường, đó là bổn phận của người Phật tử Việt Nam.


Muốn đi đến một nền Phật giáo dân tộc, ta phải trở lại trong tinh thần truyền thống, thu thập những tinh ba của người để bồi đắp cho chính mình. Nhưng thu thập không phải là vay mượn.


Hãy trở về những cái gì “của ta” và “do ta sáng tạo”. Rồi sau đó, hãy luyện những cái hay của người trở thành thích hợp với mình và dùng nó để bồi bổ cái của mình càng ngày càng thêm tết đẹp.


Chính truyền thống ấy từ lâu đã thể hiện cô đọng trong một sinh hoạt văn hoá tinh thần thuộc về đời sống tâm linh của người Việt: lễ rằm tháng bảy.


Rằm tháng bảy, đối với người Việt là ngày báo hiếu, theo nghĩa rộng, là ngày để ghi nhớ và báo bổ công ơn của tổ tiên, cha mẹ và cũng là ngày giải oan, ngày toàn xá vong nhân, dịp để xua tan thù hận, hỉ xả khoan dung.


Sau cuộc kháng chiến đánh thắng giặc Minh, giặc xâm lược mà tội ác của nó “trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Nam Hải không rửa sạch mùi”, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của các vị anh hùng Lê Lợi. Nguyễn Trời đã “lấy từ bi diệt hận thù”, cấp lương, cấp thuyền, cấp ngựa cho những kẻ gây tội ác về nước, mở đường hiếu sinh cho kẻ thù cũng là mở ra phương trời mới của nền thái bình bền vững.


Đó là đối với giặc xâm lược. Trong truyền thống văn hoá của dân tộc, cũng còn một nếp đạo đức: sau mỗi ly loạn, nhân dân lại nguyện cầu siêu độ cho những sinh linh tử vong dù ở bất cứ chiến tuyến nào.


Đầu thế kỷ 19, sau hơn 200 năm chiến tranh triền miên, hoà bình lập lại, ông Nguyễn Văn Thành đã thay mặt triều đình viết Văn tế tướng sĩ trận vong; và trong nhân dân, đại thi hào Nguyễn Du viết Văn chiêu hồn là vừa để giải thoát những đau thương về tinh thần và tâm linh đè nặng tâm hồn dân tộc, vừa để hướng dẫn đời sống tâm hồn và đạo lý của những người đang sống.


Phật giáo thấm sâu vào tư tưởng toàn thiện toàn mỹ, vào đời sống dân gian rất sâu đậm. Người dân lao động đã tìm về nơi cửa Phật để nương tựa an ủi, bày tỏ niềm tin và thể hiện khát vọng một cuộc sống thanh bình giải thoát của mình trước cảnh đời tục luỵ phù du.


Ngôi chùa là nơi người dân gửi gắm bao kỷ niệm vui buồn với tất cả thân tình, đức từ bi hỷ xả của Phật giáo chính là hình bóng của lý tưởng Bồ Tát thường ban vui cứu khổ, là tiếng nói của sự im lặng; hãy kiếm tìm con người vĩnh cửu trong chất phàm phu và làm biểu lộ con người vĩnh cửu ấy, hãy nhìn vào nội tâm – người chính là đức Phật.


Cho nên, đạo Phật đã và đang là nguồn hứng khởi vô biên cho những tâm hồn nghệ sĩ trong sáng, viết lên cái tinh tuý nỗi khát khao nghìn đời được sống trong một thế giới đại đồng chan chứa tình người.