Trang chủ Tin tức HT Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng nhân lễ Đại tường cố Ni...

HT Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng nhân lễ Đại tường cố Ni Trưởng Thích Nữ Hải Triều Âm

102
Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng đã nhắc tới Tứ trọng ân là 4 ơn lớn mà người Phật tử dù xuất gia hay tại gia đều phải ghi nhớ. Đặc biệt, là ơn thứ ba: ơn cha mẹ sinh thành, Thầy cô dạy bảo. Với mỗi người Phật tử, trong ơn Thầy có 2 ơn lớn, đó là ơn Thầy cô dạy bảo từ lúc mới chập chững bước vào lớp một cho tới khi thành Người, và ơn thứ hai đó chính là ơn Thầy tế độ cho từ ngày bắt đầu bước chân vào chùa, chính Thầy là người tế độ trao truyền Tam Quy Ngũ Giới để trở thành một người Phật tử thuần thành.Còn đối với người xuất gia, thì ơn thứ 3 vô cùng lớn. Đó là ơn cha mẹ sinh ra thân tứ đại này, 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau nuôi con khôn lớn, hướng cho con biết tới cửa Thiền để con từ thân cắt ái, xuất gia làm đệ tử của Đức Phật, sống cuộc đời phạm hạnh. Kể từ ngày con bái biệt song thân, thì nhờ ơn Thầy Tổ dang tay tế độ nên giới thân tuệ mạng ngày hôm nay. Người xuất gia có 2 gánh nặng ơn hiếu nghĩa đó luôn kề bên người “Sư trưởng giáo huấn tri ân, phụ mẫu sinh thành tri đức”. Hòa thượng chia sẻ: “Các vị Ni ở đây cũng vậy, các vị được phúc duyên may mắn là được xuất gia, học Thầy, nhưng tìm đúng bậc Thầy minh sư để học Đạo. Ngay từ ngày đất nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, non sông về một dải, Nam Bắc nối liền, Phật giáo được thống nhất toàn quốc. Chúng tôi đã được biết đến tên một vị Ni khả kính đó là Sư bà Hải Triều Âm. Tuy chúng tôi chưa diện kiến gặp, nhưng chúng tôi được nghiên cứu qua các sách vở của Sư bà trước tác, cũng như nghe những người Phật tử và những vị Tăng Ni gần gũi Sư bà đều một lời tán thán công hạnh trang nghiêm, giới đức tinh khiết mà nơi Sư bà tỏa sáng cho mọi người. Sư bà vốn xuất gia là đệ tử của Đức Đệ Nhất Pháp Chủ GHPGVN của chúng ta, đó là cố trưởng lão Hòa thượng thượng Đức hạ Nhuận. Sư bà xuất gia được bậc Thầy cao Tăng thạc đức giới luật tinh nghiêm tế độ như vậy, cho nên sau này, mặc dù Sư bà sống – tu học và hành đạo trong Nam, còn thầy của mình thì ở ngoài Bắc. Nhưng Sư bà đã có được ân đức, năng lượng từ Đức Thầy của mình truyền cho. Và quả thật, Thầy tinh nghiêm đã giáo giới nên học trò thuần khiết. Do đó, ngay từ 30 năm về trước, giới đức và danh tiếng của Sư bà cũng đã lan tỏa trong giới Tăng Ni của Việt Nam, đặc biệt đối với Ni giới”.
Hòa thượng cũng đã nhắc cho toàn thể đại chúng nghe trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, sáng danh con gái dòng họ Thích vẫn còn nêu tấm gương của vị Ni thời Lý đó là Sư bà Diệu Nhân, rồi tới thời Hậu Lê cũng có một vị Ni khả kính đó là Sư bà Diệu Tuệ – đệ tử của Ngài Chuyết Chuyết, ở tại chùa Phật tích ngày nay vẫn còn lưu lại Bảo tháp nhục thân xá lợi của bà. Còn tới Phật giáo cận đại này, trong những Sư bà nổi tiếng về tu hành, về giới đức, đặc biệt là Tam y thường thụ, bát kính tuân trì, đó là Sư bà Hải Triều Âm.
Đặc biệt, “Hải Triều Âm” cũng là một  trong những danh hiệu cao quý của Bồ Tát Quán Thế Âm. Chúng ta đã biết về hạnh nguyện cao cả dấn thân tự độ và độ tha của Bồ Tát Quán Thế Âm. Trong kinh Phổ Môn có câu “từ nhỡn thị chúng sinh” – đây là điểm căn bản nhất. Hạnh nguyện đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn của Bồ Tát Quán Thế Âm:
Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt
Vạn lý vô vân vạn lý thiên
Nơi nào có nước thì ở đó có bóng trăng in. Dù nước đục hay nước trong, bóng trăng vẫn sẽ in hình lên đó. Tâm chúng sinh như mặt nước, thể đại bi của Bồ Tát như ánh trăng. Đôi mắt hiền từ của mẹ hiền Quán Thế Âm lúc nào cũng dõi theo chúng sinh, đôi tai của Ngài lúc nào cũng lắng nghe nỗi khổ của chúng sinh và đôi tay cứu giúp che chở chúng sinh. 
Bên cạnh Bồ Tát Quán Thế Âm được mệnh danh là vị Bồ Tát “cứu âm độ dương”, còn một vị Bồ Tát nữa được nhắc tới nhờ hạnh nguyện vị độ chúng sinh đó là Bồ Tát Địa Tạng. Bồ Tát Quán Thế Âm được nhắc tới như nhân hạnh cứu vớt chúng sinh, mắt từ thương chúng sinh, với lòng thệ nguyện bi mẫn chúng sinh “nếu còn một chúng sinh nào cõi Sa bà kêu khổ, ta nguyện không thành Phật”. Còn Bồ Tát Địa Tạng cũng là một trong những vị Bồ Tát có hạnh nguyện lớn lao là “cứu âm độ dương”, nguyện độ hết chúng sinh mới chứng Đạo, cho nên mới có câu niệm rằng “Nam Mô Minh Dương Cứu Khổ Bản Tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát”. 
Bồ Tát Quán Thế Âm với tâm nguyện tầm thanh cứu khổ cứu nạn, được gọi là Bồ Tát Thí Vô Úy, thì Bồ Tát Địa Tạng cũng luôn luôn cứu độ chúng sinh với tên gọi Nguyện Hoằng Thâm, cả 2 vị Bồ Tát đều cứu chúng sinh ở Sa Bà, độ chúng sinh ở cõi U Minh. Qua đó, Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng nghe về tâm nguyện và công hạnh to lớn của Bồ Tát Địa Tạng “thập phương Như Lai đồng tán ngưỡng, thập phương Bồ Tát cộng quy y”, cũng vì cứu giúp độ tận chúng sinh không khác Bồ Tát Quán Thế Âm.
Qua đó, Hòa thượng mong rằng trong buổi lễ Đại tường của cố Ni trưởng Thích Nữ Hải Triều Âm lần này, người đệ tử và tất cả Tăng Ni không phải chỉ cúng kính cầu nguyện, mà trước nhất phải nhìn lại tấm gương của người quá cố, để soi rọi vào tâm mình. Qua đối chiếu với công hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng với hoằng nguyện sâu như biển, chúng ta thấy Sư Bà đã xứng đáng là người kế tục như một vị Bồ Tát hiện thân làm nữ lưu, hiện thân làm Sư Ni mà hành đạo, cứu đời. Vì vậy, mỗi chúng ta phải tinh tiến tu tập và học đức hạnh của Sư bà để làm rạng danh Phật giáo Việt Nam.